Cơ quan Giáo dục Liên Hiệp Quốc khởi động cuộc chiến chống lại ‘các thuyết âm mưu’
UNESCO đang đào tạo và tuyển dụng giáo viên như một phần quan trọng trong nỗ lực toàn cầu của tổ chức này nhằm chống lại những gì họ cho là thông tin và các ý tưởng có vấn đề
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc, được biết đến với tên viết tắt là UNESCO, đang đẩy nhanh cuộc chiến toàn cầu của họ nhằm chống lại các ý tưởng và thông tin mà tổ chức này xem là “thông tin sai lệch” và “các thuyết âm mưu”.
Theo cơ quan giáo dục thuộc Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Paris này, nơi đã công bố một báo cáo quan trọng về chủ đề nói trên cho các nhà giáo dục vào mùa hè này, các thuyết âm mưu gây ra “tác hại đáng kể” và hình thành nên “bộ khung vững chắc cho nhiều phong trào dân túy”.
Báo cáo cho biết trong số những mối lo ngại khác, thuyết âm mưu còn “nuôi dưỡng và củng cố những lối suy nghĩ có hại và thế giới quan khác biệt.”
Các quan chức Liên Hiệp Quốc lập luận trong tài liệu của mình rằng thuyết âm mưu cũng “làm giảm lòng tin vào các tổ chức công cộng” và “các tổ chức khoa học”, là những cơ quan có thể khiến mọi người trở thành bạo lực hoặc làm suy suyển mong muốn “giảm dấu vết carbon của mọi người.”
Mặc dù “mọi suy nghĩ mang tính âm mưu đều đe dọa đến các giá trị nhân quyền”, nhưng tài liệu này lại cho rằng, có một số thuyết âm mưu nguy hiểm hơn những thuyết âm mưu khác, mà không đi vào chi tiết.
Trong một số trường hợp, thậm chí các giáo viên còn được khuyến khích tố học sinh của họ với các nhà chức trách.
Các ví dụ về “thuyết âm mưu” được trích dẫn trong báo cáo này bao phủ mọi lĩnh vực, từ những niềm tin được nhiều người ôm giữ và đáng tôn trọng như “phủ nhận biến đổi khí hậu” và “thao túng các cuộc bầu cử liên bang” ở Hoa Kỳ, đến những quan niệm xa vời hơn như “trái đất phẳng” hay “Bà Michelle Obama thực ra là một người ngoài hành tinh chủng bò sát”.
“Có rất nhiều suy nghĩ điên rồ trên mạng Internet, nhiều suy nghĩ trong số đó là sai lầm nghiêm trọng,” ông Patrick Wood, Giám đốc đặc trách về Tự do Ngôn luận cho Công dân giải thích. “Những suy nghĩ duy nhất được ‘uốn nắn’ là những suy nghĩ trái ngược với câu chuyện của những người theo chủ nghĩa toàn cầu. Điều này chứng tỏ rằng trọng tâm là bảo vệ những câu chuyện của chính họ chứ không phải điều gì khác.”
“UNESCO tham gia vào một nhóm kiểm duyệt hiện bao gồm Liên minh Âu Châu, chính phủ Hoa Kỳ, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, các đại tập đoàn truyền thông xã hội như Facebook và Twitter, và đáng chú ý là Google,” ông Wood nói với The Epoch Times. “Bất kỳ ai không thích câu chuyện của những người theo chủ nghĩa toàn cầu đều được mặc định xem là một ‘người theo thuyết âm mưu.’”
Trọng tâm của chương trình toàn cầu nhằm chống lại những ý tưởng và lý thuyết này là giáo viên và trường học, theo cơ quan Liên Hiệp Quốc này. Các tài liệu của UNESCO cũng giải thích về trận chiến trực tuyến và trên các phương tiện truyền thông.
Chiến lược mới nhất đã được công bố tại “Hội Nghị Chuyên Đề Quốc Tế Về Giải Quyết Các Thuyết Âm Mưu Thông Qua Giáo Dục” của UNESCO. Được tổ chức hồi cuối tháng Sáu tại Brussels, hội nghị thượng đỉnh này đã quy tụ giới học viện, chính phủ, xã hội dân sự, và khu vực tư nhân đến tham dự để thúc đẩy “hành động chung” chống lại các thuyết âm mưu cũng như những người tin hoặc truyền bá những thuyết đó.
Kế hoạch này bao gồm các chiến lược để ngăn chặn mọi người tin vào các thuyết âm mưu ngay từ đầu cũng như các công cụ để đối phó với những người đã tin vào những thuyết đó.
Tuy nhiên, một số chuyên gia về tuyên truyền và tự do ngôn luận cảnh báo rằng nỗ lực của Liên Hiệp Quốc cho thấy một sự leo thang “nguy hiểm” trong những gì họ mô tả như một cuộc chiến toàn cầu về tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, chất vấn các luận điệu chính thức, và ý kiến bất đồng ở một phạm vi rộng hơn.
Giáo sư Khoa Nghiên cứu Truyền thông của Đại học New York Mark Crispin Miller, chuyên nghiên cứu về tuyên truyền và thông tin sai lệch của chính phủ, cảnh báo: “‘Thuyết âm mưu’ mà họ nói có nghĩa là bất kỳ tuyên bố hoặc lập luận hoặc bằng chứng nào khác với tuyên truyền mà chính phủ và giới truyền thông đưa ra.”
“Tôi không thấy có điều gì nguy hiểm hơn đối với tự do ngôn luận và tự do tư tưởng — và cả nền dân chủ — hơn nỗ lực này của Liên Hiệp Quốc, vốn không có phận sự phải bảo cho chúng ta biết điều gì là đúng và điều gì không đúng,” ông Miller nói với The Epoch Times. “Sự khác biệt đó không phải của [suy nghĩ] của họ tạo ra, mà là của chúng ta, với tư cách là những người tự do có khả năng tự mình suy nghĩ, và không kiêng dè tranh luận dân sự.”
Cuộc chiến toàn cầu về thuyết âm mưu
Những nỗ lực của chính phủ nhằm ngăn chặn “thuyết âm mưu” và “thông tin sai lệch” không có gì là mới. Trên thực tế, các chính phủ phương Tây — kể cả chính phủ Hoa Kỳ — đã dẫn đầu những nỗ lực đó trong nhiều năm qua.
Năm 2010, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, với sự giúp đỡ từ “Nhóm Chống Thông tin sai lệch” (“Counter Misinformation Team”), đã xuất bản “Các Thuyết Âm Mưu và Thông Tin Sai Lệch” trên trang web America.gov tuyên bố lật tẩy nhiều “thuyết âm mưu” khác nhau.”
Gần đây hơn, chính phủ Tổng thống Biden cũng đã chuyển trọng tâm của mình sang “thuyết âm mưu.” Năm ngoái, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã nhiều lần cho rằng niềm tin vào hành vi gian lận cử tri rộng rãi hoặc những góc nhìn khác về COVID-19 và các biện pháp y tế công cộng là một mối đe dọa khủng bố lớn đối với Hoa Kỳ.
Mặc dù đề nghị về “Ban Quản trị Thông tin Sai lệch” của chính phủ ông Biden dường như đã bị gác lại sau một làn sóng phản đối kịch liệt của công chúng, nhưng chính phủ Hoa Kỳ đã hợp tác chặt chẽ với những đại công ty công nghệ để trấn áp những phát ngôn xung quanh việc gian lận bầu cử, câu chuyện máy điện toán xách tay của ông Hunter Biden, những quan điểm khác về COVID-19, và nhiều hơn thế nữa.
Đài Phát thanh Công cộng Quốc gia (National Public Radio), một hoạt động được tài trợ bằng tiền thuế, đã phát hành nhiều bài nói chuyện trong tháng trước lặp lại những quan điểm của UNESCO về sự nguy hiểm và sự phổ biến của các thuyết âm mưu trong trường học và ngoài phạm vi trường học.
Gần đây, quan chức y tế cao cấp sắp mãn nhiệm, Tiến sĩ Anthony Fauci cũng đã nhập cuộc. Ông cho biết trên chương trình “The Rachel Maddow Show” của kênh MSNBC hôm 22/08 rằng, “Những gì chúng ta đang giải quyết bây giờ chỉ là sự bóp méo thực tế, thuyết âm mưu chẳng có ý nghĩa gì trong việc phản đối các biện pháp về sức khỏe cộng đồng đúng đắn, khiến việc cố gắng cứu người giống như là đang xâm phạm quyền tự do của mọi người vậy.”
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), vốn đã trở thành một ‘cột thu lôi’ dành cho những lời chỉ trích trên khắp thế giới về nghị trình “Đại Tái Thiết” (“Great Reset”) của mình, cũng đang nỗ lực chống lại những ý tưởng mà họ gán cho là thông tin sai lệch và các thuyết âm mưu.
“Mấu chốt để ngăn chặn sự lan truyền của các thuyết âm mưu là cung cấp cho mọi người kiến thức để đề phòng thông tin sai lệch — và dạy họ phải biết hoài nghi về một số nguồn tin nhất định,” nhà văn kỳ cựu Charlotte Edmond của WEF đã viết trong một bài báo trên trang web của tổ chức này hai năm trước.
Liên Hiệp Quốc là cơ quan chủ chốt trong nỗ lực toàn cầu này. Thật vậy, chương trình mới này thực sự là một phần mở rộng của một sáng kiến năm 2020 được UNESCO và Ủy ban Âu Châu khởi xướng có tên là #ThinkBeforeSharing (Nghĩ Trước khi Chia sẻ) nhằm chống lại các thuyết âm mưu trên mạng.
Nỗ lực đó bao gồm việc kêu gọi người dân đăng liên kết đến các dịch vụ kiểm chứng dữ kiện và thậm chí tố cáo những ký giả nào có khả năng tham gia vào thuyết âm mưu lên “hội đồng báo chí địa phương/quốc gia của quý vị hoặc thanh tra viên báo chí.”
Trong một podcast của Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi tháng 10/2020 bàn luận về chủ đề “Tìm cách điều trị dịch thông tin,” Giám đốc truyền thông toàn cầu của Liên Hiệp Quốc, bà Melissa Fleming, cảm thấy tự hào về việc đã thu hút được hơn 100,000 tình nguyện viên giúp lan tỏa những quan điểm này của Liên Hiệp Quốc cũng như giúp dập tắt những luận điệu trái ngược và gây tranh cãi.
Trưởng ban truyền thông Liên Hiệp Quốc cho biết, “Tính đến nay, chúng tôi đã chiêu mộ được 110,000 tình nguyện viên thông tin, và chúng tôi trang bị cho những tình nguyện viên thông tin này kiến thức về cách thông tin sai lệch lan truyền và đề nghị họ làm việc như ‘người ứng cứu kỹ thuật số’ trong những không gian mà thông tin sai lệch hoạt động.”
Tiết lộ trên được đưa ra sau nhiều năm nỗ lực của Liên Hiệp Quốc và chính phủ nhằm dập tắt những gì họ mô tả là chủ nghĩa cực đoan, thông tin sai lệch, v.v. trên mạng Internet. Năm 2016, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một “khuôn khổ” chống lại “chủ nghĩa cực đoan” trên mạng nối tiếp một chương trình từ năm trước nhằm chống lại “những hệ tư tưởng” có thể dẫn đến bạo lực.
Nhưng những nỗ lực mới này của UNESCO trong lĩnh vực giáo dục báo hiệu một sự leo thang đáng kể trong cuộc chiến này — đặc biệt là nhắm vào các em học sinh trong trường học.
Chống ‘các thuyết âm mưu’ tại học đường
Giáo dục và học đường là tâm điểm chống thuyết âm mưu trong kế hoạch mới này của UNESCO.
“Cuộc chiến chống các thuyết âm mưu, các tư tưởng chống đối và phân biệt chủng tộc mà họ thường truyền truyền đạt, khởi đầu ở trường học, tuy nhiên các giáo viên trên toàn thế giới lại chưa được đào tạo đầy đủ,” Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho biết về nỗ lực mới này. “Đó là lý do tại sao ngày nay, UNESCO đang đưa ra một hướng dẫn thực tế cho các nhà giáo dục, để họ có thể dạy học sinh cách nhận diện và phơi bày các thuyết âm mưu tốt hơn.”
Ngoài hành động thông qua giáo dục, cơ quan LHQ này cũng hy vọng sẽ nỗ lực hơn nữa để chống lại việc cái gọi là thuyết âm mưu lan truyền trong những lĩnh vực báo chí và truyền thông xã hội.
Bà Azoulay, người làm việc trong chính phủ Pháp với tư cách là thành viên của Đảng Xã hội trước khi tiếp quản tổ chức giáo dục LHQ này nói thêm rằng, “Điều này được xây dựng trên công việc rộng lớn hơn mà chúng tôi đang thực hiện nhằm tăng cường hiểu biết về truyền thông và thông tin để chuẩn bị tốt hơn cho người học nhằm định hướng một thế giới thuật toán, trí tuệ nhân tạo và thu thập dữ liệu xâm lấn.”
Chiến lược Liên Hiệp Quốc nhằm chống các thuyết âm mưu trong giáo dục này liệt kê một số mục tiêu chính đối với các nhà giáo dục.
Các mục tiêu này gồm dạy giáo viên cách “nhận diện và loại bỏ các thuyết âm mưu”, cách phát triển “khả năng chống chịu với các thuyết âm mưu” của học sinh, và cách phân biệt giữa một “âm mưu thực sự” và một “thuyết âm mưu”.
Một trong những cách được đưa ra cho các nhà giáo dục để xác định thông tin có chân thực hay không là kiểm tra trên các dịch vụ kiểm chứng thông tin, vốn đã bị chỉ trích nhiều lần trong những năm gần đây vì mang nặng tính chính trị và thường không chính xác. Nhiều dịch vụ trong số này do các cá nhân tài trợ, chẳng hạn như tỷ phú sáng lập Microsoft Bill Gates, người được UNESCO cho rằng thường xuyên là mục tiêu của các thuyết âm mưu.
Tài liệu này cũng có nhiều chiến lược nhằm chống lại các thuyết âm mưu. Chẳng hạn như, để chống lại “thông tin có hại” trong các học sinh, UNESCO thúc đẩy các giáo viên tham gia vào những gì mà cơ quan này mô tả là “đề kháng tâm lý”.
“Đôi khi đề kháng tâm lý còn được gọi là ‘chủng ngừa,’” báo cáo viết. “Các nhà tâm lý học đã chứng minh rằng các dạng thông tin có hại được làm yếu đi, được giảng dạy và trình bày cẩn thận, có thể giúp tăng cường khả năng chống lại các thông điệp có hại lớn hơn, giống như một loại vaccine.”
Khi học sinh tin tưởng vào các quan niệm do các bậc cha mẹ gây ảnh hưởng, giáo viên được hướng dẫn tìm đến các viên chức nhà trường để được giúp đỡ và cân nhắc về một “cuộc trò chuyện hòa giải với các bậc cha mẹ.”
Nếu một em học sinh bày tỏ lo ngại về vaccine COVID-19, giáo viên được hướng dẫn “nêu rõ rằng vaccine đã được khoa học chứng minh là an toàn” và “điều quan trọng là phải chích vaccine để kiềm chế đại dịch.”
Hiện vẫn chưa rõ liệu phần tài liệu UNESCO được đề cập ở trên có được viết trước khi các cơ quan y tế công cộng ở Hoa Kỳ và trên thế giới bắt đầu thừa nhận rằng việc chích vaccine COVID-19 không ngăn ngừa sự nhiễm bệnh hoặc lây truyền virus Trung Cộng gây ra bệnh COVID-19 hay không.
Trong một số tình huống mà các thuyết âm mưu liên quan đến cáo buộc thù địch hoặc phân biệt đối xử, giáo viên được khuyến khích cân nhắc trình báo các học sinh cho “các cơ quan bảo vệ hoặc các nhân viên bảo vệ.”
Thuyết âm mưu là gì?
Tài liệu có nhan đề “Giải quyết các thuyết âm mưu – những điều giáo viên cần biết”, định nghĩa thuyết âm mưu là: “Niềm tin rằng các sự kiện đang bị thao túng bí mật bởi các thế lực mạnh với mục đích tiêu cực. Thông thường, các thuyết âm mưu liên quan đến một nhóm chủ mưu được tưởng tượng ra thông đồng với nhau để thực hiện một kế hoạch được cho là âm mưu bí mật.”
Báo cáo của UNESCO tiếp tục đưa ra các cảnh báo, và định nghĩa về thông tin sai lệch, thông tin đánh lạc hướng, ngôn từ kích động thù hận, và tin tức giả mạo.
Tuy nhiên, một thuật ngữ không được định nghĩa trong tài liệu chính là từ “âm mưu”. Hầu hết các từ điển đều định nghĩa đó là một âm mưu bất hợp pháp hoặc trái đạo đức được thực hiện trong bí mật liên quan đến hai hoặc nhiều cá nhân. Các cơ quan chấp pháp của tiểu bang và liên bang buộc tội một số lượng lớn người phạm tội “âm mưu” hàng năm.
Trong hướng dẫn ngắn gọn để phân biệt giữa các âm mưu “thực sự” và “các lý thuyết” đơn thuần, báo cáo của Liên Hiệp Quốc chia tư duy thành hai loại lớn.
Đầu tiên, được gọi là “tư duy thông thường” trong tài liệu của UNESCO, sử dụng Watergate như một ví dụ về một âm mưu thực sự được phát hiện bằng cách lần theo bằng chứng và có sự hoài nghi “tích cực”.
Phương thức tư duy khác, được gán cho là “tư duy âm mưu”, đưa ra giả thuyết “chim không có thật” kết luận chim là robot theo dõi người và chính phủ tạo ra những quả trứng sao chép để che đậy tất cả. UNESCO cho biết kết luận này được đưa ra là kết quả của việc “bỏ qua sự nghi ngờ” và “giải thích quá mức các bằng chứng”.
Trong thế giới thực, các chuyên gia cho rằng ranh giới giữa thuyết âm mưu và thực tế âm mưu ít rõ ràng hơn nhiều.
Theo một cuộc thăm dò về Chủ nghĩa toàn cầu của YouGov-Cambridge năm 2020 được trích dẫn trong tài liệu của UNESCO, đa phần mọi người ở nhiều quốc gia tin tưởng vào “các thuyết âm mưu” mang tính đại trà. Ví dụ, gần 8/10 người Nigeria cho biết họ tin vào “một nhóm người duy nhất kiểm soát các sự kiện thế giới”. Cuộc thăm dò cho thấy gần 6/10 người Mexico, 56% người Hy Lạp và 55% người Ai Cập cũng tin như vậy.
Một trong những báo cáo tâm điểm của nỗ lực mới của UNESCO này, “Sổ tay Thuyết Âm mưu” của ông Stephan Lewandowsky và ông John Cook, cũng thừa nhận rằng các âm mưu có tồn tại và không phải là hiếm.
“Những âm mưu thực sự có tồn tại”, báo cáo này thừa nhận ngay từ đầu. “Volkswagen đã âm mưu gian lận các đợt kiểm tra khí thải đối với động cơ diesel của họ. Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đã bí mật theo dõi những người dùng internet dân sự. Ngành công nghiệp thuốc lá đã lừa dối công chúng về tác hại của việc hút thuốc đối với sức khỏe. Chúng tôi biết về những âm mưu này thông qua các tài liệu nội bộ ngành, các cuộc điều tra của chính phủ hoặc những người tố cáo.”
Những tài liệu của Liên Hiệp Quốc cũng nêu ra nhiều lý do khiến mọi người tin vào các thuyết âm mưu. Chúng bao gồm cảm giác bất lực, cơ chế đối phó để khắc phục sự bất ổn, hoặc tìm cách khẳng định vị thế thiểu số. Bằng chứng không được liệt kê là lý do tại sao mọi người có thể tin vào một thuyết âm mưu.
Một trong những “nghiên cứu điển hình” được liệt kê trong tài liệu của UNESCO đề cập đến bộ phim tài liệu “Plandemic” của nhà sản xuất phim Mikki Willis. Ngoài những điểm quan trọng khác, bộ phim và các chuyên gia được phỏng vấn cho rằng COVID-19 có thể đã được tạo ra trong một phòng thí nghiệm cho các mục đích bất hảo.
Được The Epoch Times tiếp cận, ông Willis đã chỉ trích LHQ và nỗ lực của tổ chức này nhằm “nhồi nhét” mọi người.
“Khi tôi nghe nói rằng Liên Hiệp Quốc đang hướng sự tuyên truyền của mình tới các giáo viên, tôi trở nên lo ngại về sức khỏe và hạnh phúc của thế hệ tương lai của chúng ta,” ông nói và nói thêm rằng cuộc tấn công của Liên Hiệp Quốc nhắm vào “các thuyết âm mưu” là một nỗ lực để ngăn chặn sự thật.
“Việc họ tiếp tục sử dụng loạt phim của tôi như một ví dụ về những gì họ đang phản đối nói lên tất cả những gì chúng ta cần biết,” ông Willis tiếp tục nói, khi cho biết hiện nay đại đa số các nhà khoa học đồng ý với những điểm mấu chốt trong phim của ông, tuy nhiên “những người tuyên truyền” vẫn tiếp tục cố gắng “kéo dài sự dối trá.”
Các nhà phê bình cảnh báo
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tuyên truyền đã cảnh báo với The Epoch Times rằng sáng kiến của UNESCO là mối đe dọa lớn đối với quyền tự do ngôn luận.
Đồng Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu Tuyên truyền, ông Piers Robinson cho biết những diễn biến kiểu này là “vô cùng nguy hiểm”.
“Các nguyên tắc căn bản của quyền tự do ngôn luận nhắc nhở chúng ta rằng, bởi vì chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn ai đúng ai sai, tất cả các ý tưởng và lập luận cần phải được đánh giá thông qua một quá trình xem xét kỹ lưỡng và tranh luận hợp lý,” ông Robinson nói với The Epoch Times. “Sự kiểm duyệt các lập luận và ý kiến được cho là sai có nghĩa là chúng ta có nguy cơ kiểm duyệt sự thật.”
Để giải thích rằng những mối nguy hiểm này đã được biết từ lâu, ông Robinson dẫn lời nhà triết học vĩ đại người Anh thế kỷ 19 John Stuart Mill.
“Thứ nhất: ý kiến mà chính quyền cố gắng đàn áp có thể đúng. Những người mong muốn đàn áp ý kiến, tất nhiên là phủ nhận sự thật của nó; nhưng không phải là họ không thể sai lầm,” ông Mill nói. “Mọi hành vi dập tắt cuộc thảo luận đều là một giả định về tính không thể sai lầm.”
Ông Robinson, người cũng đóng vai trò là đồng biên tập của Tiêu điểm về Tuyên Truyền và là người trong ủy ban điều hành của Pandemics Data & Analytics (PANDATA.org), cũng cảnh báo rằng các tác nhân quyền lực với các ngân sách lớn có thể sẽ tham gia vào việc quyết định điều gì là đúng và điều gì là không đúng.
“Điều này có nghĩa là cho phép các tác nhân quyền lực định nghĩa sự thật và, như lịch sử cho thấy, họ sẽ định nghĩa sự thật theo cách phục vụ cho chính các lợi ích của họ,” ông nói. “Tất cả những điều này đều mâu thuẫn với dân chủ, và tất nhiên, lý do tại sao quyền tự do ngôn luận được hiểu là quan trọng đến vậy: chúng ta phải được tự do xem xét và chỉ trích những người nắm quyền để bảo vệ chống lại sự chuyên chế và lạm quyền.”
Ông Robinson cũng cho rằng việc sử dụng thuật ngữ “thuyết âm mưu” là “có vấn đề một cách sâu sắc”. Ông cho rằng nó là một thuật ngữ thường được sử dụng để dập tắt các cuộc thảo luận về các vấn đề nghiêm trọng và các nghi vấn về các tác nhân quyền lực.
Ông kết luận: “Nếu chúng ta xem trọng nền dân chủ và các ý tưởng về quyền tự do biểu đạt và tranh luận hợp lý, thì UNESCO có thể thực hiện công việc hữu ích trong việc giúp mọi người trên thế giới tự suy nghĩ, và phát triển các kỹ năng phản biện của chính họ. Công việc của họ không phải là nói với mọi người phải nghĩ những gì.”
Một chuyên gia khác về tuyên truyền, lý thuyết chính trị môi trường, Giáo sư Tim Hayward tại Đại học Edinburgh, cũng cảnh báo rằng những nỗ lực nhằm mục đích ma quỷ hóa và dập tắt “thuyết âm mưu” thực sự là một nỗ lực để xem những luồng nghi vấn bất đồng và phiền phức là bất thường về mặt tâm lý.
“Những lập luận hợp lý được các nhà phê bình và những người bất đồng chính kiến đưa ra thay vì sẽ được xem xét và phản bác một cách thích đáng, thì chúng lại bị gạt bỏ ngay tức thì; và những nhà phê bình đó bản thân họ sẽ bị chụp mũ là “những người theo thuyết âm mưu,” ông Hayward, người đã viết một số bài nghiên cứu học thuật được bình duyệt về chủ đề này trong những năm gần đây cảnh báo.
Ông nói thêm: “Tệ hơn nữa, tất nhiên đó là hành động gièm pha những ý kiến bất đồng nói chung được sử dụng để kích động sự hoảng loạn trong xã hội về ‘thông tin đánh lạc hướng’ và để cố gắng biện minh cho việc tăng cường kiểm duyệt.”
Ông Hayward xem việc tập trung vào giáo dục để chống lại “các thuyết âm mưu” là đặc biệt đáng lo ngại.
Ông nói: “Việc này thực sự đáng lo ngại khi những người chịu trách nhiệm về truyền thông chiến lược bị thách thức bởi những người bất đồng chính kiến lại xâm nhập vào hệ thống giáo dục và gieo rắc những định kiến ủng hộ ‘những câu chuyện chính thức’ vốn chỉ mang tính chính thức bởi vì chúng được chính phủ ủng hộ chứ không phải được cơ quan nghiên cứu thực tế ủng hộ.”
Trong khi ông Hayward cho biết ông không nhất thiết đang cáo buộc UNESCO làm điều này, nhưng ông cảnh báo rằng tổ chức này và các chương trình của họ cần phải được theo dõi vì đây là một xu hướng đáng lo ngại.
Ông nói với The Epoch Times sẽ tốt hơn nếu dạy trẻ em “những nguyên tắc căn bản của lý luận phê bình” để các em có thể tự phát hiện ra những điều sai trái.
“Quý vị không thể nhận diện thông tin sai lệch một cách hợp lý hoặc bác bỏ một ‘thuyết âm mưu’ trừ khi quý vị nắm chắc được đâu là thông tin đáng tin cậy,” ông giải thích, kêu gọi sử dụng “tư duy logic” và “kiến thức rộng” để giúp mọi người đề phòng những thông tin sai lệch từ kẻ thù hoặc thậm chí là chính lãnh đạo của họ. “Đó mới là điều mà giáo dục nên chú tâm vào.”
Sự thật hay thông tin sai lệch?
Động lực mới để dập tắt “thông tin sai lệch” và “các thuyết âm mưu” trực tuyến này xuất hiện khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cùng các cơ quan liên bang khác ngày càng thừa nhận rằng phần lớn những gì được gán cho là sai sự thật trong đại dịch hóa ra lại là đúng.
Đơn cử như hôm nay, CDC thừa nhận rằng vaccine COVID-19 không ngăn ngừa nhiễm bệnh hoặc lây truyền — một ý tưởng đã bị nhiều công ty truyền thông xã hội dựa vào chính phủ kiểm duyệt vì xem là “thông tin sai lệch” như cách đây vài tháng.
Ngày nay, các quan chức liên bang cũng thừa nhận rộng rãi rằng virus Trung Cộng có thể được tạo ra thông qua nghiên cứu “tăng chức năng” diễn ra tại Viện Virus học Vũ Hán ở Trung Quốc cộng sản. Tương tự như thế, điều này cũng đã bị chặn, kiểm duyệt, và bị gán cho là thông tin sai lệch.
Các “thuyết” bị cáo buộc là âm mưu cuối cùng lại được chứng minh là đúng hầu như không phải là một hiện tượng mới. Chỉ trong mùa hè này, Reader’s Digest đã công bố danh sách “12 Thuyết Âm Mưu Trên Thực Tế Chính Là Sự Thật”. Danh sách đó bao gồm mọi thứ, từ các chương trình kiểm soát não bộ của CIA và gián điệp của chính phủ cho đến các công ty thuốc lá âm mưu che giấu những tác động tiêu cực đến sức khỏe trong sản phẩm của mình.
Bất chấp mối lo ngại ngày càng gia tăng của Liên Hiệp Quốc về các thuyết âm mưu và những tuyên bố cho rằng các thuyết này đang gia tăng nhanh chóng với tốc độ chưa từng có, nghiên cứu mới của Đại học Miami cho thấy điều đó đơn giản là không đúng sự thật.
Tuy nhiên, các nhà phê bình đã nhiều lần bày tỏ những lo ngại về ban lãnh đạo của UNESCO, và thậm chí cả những người đứng sau nỗ lực mới này, trong đó có một số cá nhân đến từ các quốc gia chuyên quyền và có liên kết với các chế độ độc tài.
Có rất nhiều người Trung Quốc cộng sản được đưa vào ban lãnh đạo cao cấp của cơ quan này, chẳng hạn như ông Khúc Tinh (Qu Xing), người giữ chức vụ phó tổng giám đốc của cơ quan.
Bản thân cơ quan này thường xuyên bị các nhà chức trách Hoa Kỳ lên án vì chủ nghĩa cực đoan, trong đó có chính phủ cựu TT Ronald Reagan khi họ rút khỏi UNESCO.
Chính phủ cựu TT Trump đã rút khỏi tổ chức gây tranh cãi thuộc Liên Hiệp Quốc này với tư cách là quốc gia thành viên hồi năm 2018, với lý do bài Do Thái, “chính trị hóa cực đoan”, sự đối nghịch với các giá trị căn bản của Mỹ và các mối lo ngại khác.
Tuy nhiên, như The Epoch Times đã đưa tin, chính phủ ông Biden đang tìm cách né tránh luật liên bang cấm Hoa Kỳ tái tham gia vào tổ chức toàn cầu này.
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times