Chính phủ TT Biden tiết lộ những hạn chế cứng rắn về xuất cảng vi mạch bán dẫn sang Trung Quốc
Hôm 07/10, chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất cảng sâu rộng mới, trong nỗ lực kiềm chế một Trung Quốc ngày càng thù địch tiến hành hiện đại hóa quân sự.
Trong số các quy định xuất cảng mới có một biện pháp sẽ ngăn Trung Quốc cộng sản tiếp cận các vi mạch bán dẫn nhất định được sản xuất theo công nghệ Hoa Kỳ, bất kể những vi mạch này có được sản xuất tại Hoa Kỳ hay không.
Hành động này có thể được xem là một bước tiếp theo tất yếu của Đạo luật CHIPS và Khoa học mà TT Biden đã ký thành luật hồi tháng Tám. Luật đó phân bổ hàng tỷ dollar đầu tư vào sản xuất vi mạch bán dẫn tân tiến trong nước.
“Trung Quốc đang cố gắng đi trước chúng ta trong lĩnh vực sản xuất [vi mạch tân tiến],” TT Biden cho biết trong một bài diễn văn hôm 06/10. “Theo nghĩa đen, không có gì đáng ngạc nhiên khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tích cực vận động hành lang chống lại Đạo luật CHIPS và Khoa học mà tôi đã thúc đẩy tại Quốc hội Hoa Kỳ.”
“Hoa Kỳ phải dẫn đầu thế giới về sản xuất những vi mạch tân tiến này.”
Các vi mạch bán dẫn tân tiến được sử dụng để chế tạo mọi thứ từ xe tải đến hỏa tiễn siêu thanh. Hiện tại, hơn 60% nguồn cung ứng vi mạch bán dẫn trên thế giới được sản xuất tại Đài Loan, trong số đó có nhiều vi mạch do Hoa Kỳ hỗ trợ nghiên cứu và thiết kế.
Được chính phủ công bố trong tuần này (03-09/10), những quy định nói trên sẽ thêm vào các hạn chế được phát triển trước đó trong năm nay. Trên thực tế, các quy định này yêu cầu một số công ty tạm dừng vận chuyển thiết bị đến các nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn tân tiến do Trung Quốc sở hữu.
Hoa Kỳ khẳng định sức mạnh bằng các quy định mới
Hành động ngăn Trung Quốc tiếp cận lĩnh vực nghiên cứu và thiết kế của Hoa Kỳ cho thấy Tòa Bạch Ốc đã có những nỗ lực sâu rộng nhằm làm chậm quá trình hiện đại hóa quân sự cũng như các tiến bộ công nghệ có liên quan trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Nếu có hiệu lực, các quy định mới này có thể khiến ngành sản xuất vi mạch bán dẫn nội địa Trung Quốc tụt hậu nhiều năm bằng cách buộc các công ty của Hoa Kỳ và ngoại quốc sử dụng công nghệ Hoa Kỳ không được hỗ trợ các nhà máy và các công ty thiết kế vi mạch bán dẫn hàng đầu của Trung Quốc.
Bước đi này cũng có khả năng cải thiện những lo ngại trước đây về Đạo luật CHIPS và Khoa học rằng liệu một số công ty có thể phát triển vi mạch bán dẫn mới bằng tiền của người nộp thuế, rồi xuất cảng quy trình chế tạo của họ sang Trung Quốc hay không.
Các quan chức chính phủ cao cấp cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm (06/10) rằng nhiều quy định trong số này nhằm ngăn cản các công ty ngoại quốc bán vi mạch bán dẫn tân tiến cho Trung Quốc hoặc cung cấp cho các công ty Trung Quốc các công cụ để sản xuất vi mạch bán dẫn tân tiến của riêng họ.
“Chúng tôi sẽ bảo đảm rằng các công ty nhận tiền của những người nộp thuế này không đột ngột chuyển sang đầu tư vào các khoản đầu tư của Trung Quốc vốn làm suy yếu các chuỗi cung ứng và an ninh quốc gia của chúng ta,” TT Biden nói. “Đó là khẳng định.”
“Tương lai của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn sẽ được sản xuất tại Mỹ.”
“Chuỗi cung ứng sẽ bắt đầu ở đây và kết thúc ở đây ngay tại Hoa Kỳ.”
Các quan chức đã thừa nhận rằng họ chưa có được những cam kết từ các nước đồng minh để thực thi các biện pháp tương tự. Các cuộc thảo luận nhằm tạo ra một nỗ lực đa quốc gia hướng tới mục tiêu đó vẫn đang diễn ra.
Một quan chức cho biết, “Chúng ta nhận ra rằng các biện pháp kiểm soát đơn phương mà chúng ta đang sẵn sàng áp dụng sẽ dần mất hiệu quả nếu các quốc gia khác không tham gia cùng chúng ta.”
Việc Hoa Kỳ mở rộng quyền lực để kiểm soát xuất cảng vi mạch bán dẫn sang Trung Quốc dựa trên việc mở rộng cái gọi là “quy định sản phẩm trực tiếp ngoại quốc.” Trước đây, quy định này đã được mở rộng để trao quyền cho chính phủ Hoa Kỳ kiểm soát việc xuất cảng các vi mạch bán dẫn được sản xuất ở hải ngoại sang đại công ty viễn thông Huawei của Trung Quốc.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times