Chính phủ Hà Lan chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn quan trọng
Chính phủ Hà Lan đã đồng ý ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với công nghệ sản xuất vi mạch bán dẫn, làm nóng lên một cuộc xung đột đã lâu về chất bán dẫn với Bắc Kinh.
Giới chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chỉ trích La Haye và cáo buộc quốc gia thuộc Liên minh Âu Châu này đứng về phía Hoa Kỳ trong một cuộc chiến vi mạch bán dẫn đang diễn ra.
Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Hợp tác Phát triển, bà Liesje Schreinemacher, nói với nghị viện Hà Lan hôm 08/03, rằng những hạn chế được đề nghị đối với việc ĐCSTQ tiếp cận các thiết bị cảm ứng tân tiến được thiết kế bằng tia cực tím, để khắc mạch trên các vi mạch bán dẫn xử lý (processor chip), là điều cần thiết đối với các nền tảng an ninh và nhân quyền.
ASML Holdings, có trụ sở tại Veldhoven, Hà Lan, là nhà sản xuất thiết bị duy nhất trên thế giới sử dụng ánh sáng siêu cực tím (EUV), để khắc các mạch chính xác theo kích thước kính hiển vi lên tấm silicon, cho phép các đường vân mạch được khắc gần nhau hơn, do đó tăng tốc độ của các vi mạch đó và giảm nhu cầu điện năng.
Công nghệ vi mạch bán dẫn nhạy cảm
ĐCSTQ được biết là đã cố gắng có được công nghệ có giá trị này từ Hà Lan.
Vị bộ trưởng thương mại này đã không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc hay ASML, công ty công nghệ lớn nhất châu Âu và là một trong những nhà cung cấp thiết bị bán dẫn lớn nhất toàn cầu, trong bức thư mà bà gửi cho nghị viện.
Bà Schreinemacher viết, “Xét về các thành tựu phát triển công nghệ và bối cảnh địa chính trị, chính phủ đã đi đến kết luận rằng việc mở rộng kiểm soát xuất cảng hiện hữu đối với các thiết bị sản xuất chất bán dẫn cụ thể là cần thiết đối với an ninh (liên) quốc gia.”
Bà cho biết các biện pháp mới này chỉ nhắm vào “các công nghệ rất cụ thể trong chu trình sản xuất chất bán dẫn mà Hà Lan có một vị trí độc tôn và dẫn đầu, chẳng hạn như kỹ thuật quang khắc nhúng và lắng đọng tia cực tím sâu (DUV) tối tân.”
Bà nói thêm rằng quyết định bổ sung các biện pháp kiểm soát xuất cảng này “đã được đưa ra một cách cẩn thận và càng chính xác càng tốt, nhằm tránh sự gián đoạn không cần thiết của các chuỗi giá trị và có xét đến sân chơi bình đẳng quốc tế.”
Bà Schreinemacher cho biết chính phủ Hà Lan sẽ công bố các quy định mới “trước mùa hè này.”
Về những chi tiết cụ thể nào thuộc phạm vi các hạn chế mới và liệu ASML có thể tiếp tục cung cấp dịch vụ cho các máy quang khắc vi mạch bán dẫn mà công ty này đã bán cho Trung Quốc hay không vẫn đang được làm rõ.
Bà Schreinemacher nói với các phóng viên hôm 09/03 tại Stockholm rằng, “Những chi tiết đó vẫn cần được làm rõ.”
ASML và các khách hàng Trung Quốc của công ty này không chắc chắn được một cách chính xác lệnh cấm này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ như thế nào.
Các công ty mua thiết bị của ASML tham gia các thỏa thuận dịch vụ với công ty này để bảo trì liên tục.
Phân khúc “cơ sở máy đã lắp đặt” đã đóng góp khoảng 25% cho doanh thu trên toàn thế giới của ASML vào năm ngoái (2022).
ASML phản ứng với quyết định của chính phủ
Đáp lại quyết định của chính phủ Hà Lan, ASML đã tuyên bố trên trang web của mình rằng các hạn chế mới sẽ áp dụng cho “các công cụ quang khắc nhúng và lắng đọng tân tiến nhất” của họ.
“Do các quy định sắp tới này, ASML sẽ cần phải xin các giấy phép xuất cảng để vận chuyển các hệ thống quang khắc nhúng cực tím sâu (DUV) tân tiến nhất,” công ty này cho biết thêm rằng “sẽ mất thời gian để các biện pháp kiểm soát này được chuyển thành luật và có hiệu lực.”
Dựa trên bản thông báo nói trên, công ty này đã cho biết thêm, “Với kỳ vọng của chúng tôi về chính sách cấp phép của chính phủ Hà Lan, và tình hình thị trường hiện tại, chúng tôi không mong đợi các biện pháp này có ảnh hưởng lớn đến triển vọng tài chính mà chúng tôi đã công bố cho năm 2023 hoặc cho các kịch bản trong dài hạn hơn của chúng tôi.”
Trung Quốc chiếm 14% tổng doanh số bán hàng toàn cầu của công ty Hà Lan này và họ đã bán được hơn 8.46 tỷ USD thiết bị quang khắc vi mạch bán dẫn ở Trung Quốc trong thập niên qua.
La Haye đã cấm ASML xuất cảng công nghệ tân tiến nhất của mình sang Trung Quốc từ năm 2019, nhưng công ty này vẫn được phép xuất cảng các hệ thống chất lượng thấp hơn.
ASML có các trung tâm nghiên cứu và sản xuất có trụ sở tại Bắc Kinh và Thâm Quyến của Trung Quốc, cũng như một trụ sở khu vực ở Hồng Kông.
Tuy nhiên, nhà phân tích Marc Hesselink của ING nói với hãng thông tấn Reuters rằng trong tình huống xấu nhất, các quy tắc mới này có thể ảnh hưởng gián tiếp đến một số sản phẩm chiếm 10% doanh số bán hàng toàn cầu của ASML.
Một số khách hàng của công ty Hà Lan này tại Trung Quốc, trong đó có các nhà sản xuất vi mạch bán dẫn của Nam Hàn SK Hynix và Samsung Electronics, là những công ty vẫn có khả năng được cấp giấy phép.
Trong khi đó, một số công ty Trung Quốc như các nhà sản xuất vi mạch bán dẫn SMIC và YMTC, đã đang đối mặt với các hạn chế xuất cảng từ Hoa Kỳ, có thể gặp phải một số hạn chế mới từ Hà Lan.
Hiệp ước bảo mật chất bán dẫn
Quay trở lại hồi tháng Một, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Tổng thống Joe Biden đã có các cuộc hội đàm để thảo luận về công nghệ vi mạch bán dẫn tân tiến do công ty Hà Lan ASML Holdings sản xuất và các vấn đề an ninh khác.
Các chuyên gia trong ngành công nghệ nói rằng việc thiếu khả năng tiếp cận với công nghệ sản xuất công nghệ tân tiến mới nhất từ ASML đã trở thành một trở ngại nghiêm trọng trong các kế hoạch dài hạn của ĐCSTQ nhằm phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nội địa của riêng họ.
Các nhà sản xuất Trung Quốc hiện chỉ có thể sản xuất vi mạch bán dẫn cấp thấp được dùng trong các loại xe cộ và trong hầu hết các thiết bị điện tử tiêu dùng, nhưng không thể sản xuất vi mạch bán dẫn được dùng trong các điện thoại thông minh, máy chủ, và các sản phẩm cao cấp khác.
Bắc Kinh đã chỉ trích các hành động của Hoa Kỳ cùng các đồng minh, nói rằng những hành động này vi phạm các nguyên tắc thị trường tự do trong thương mại quốc tế.
Chính phủ Tổng thống Biden đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất cảng nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với các vi mạch bán dẫn tân tiến hồi tháng Mười (2022), những vi mạch bán dẫn mà họ cho rằng có thể được dùng cho các mục đích sử dụng kép.
Có những lo ngại về mặt chiến lược rằng Bắc Kinh có thể sử dụng các vi mạch bán dẫn tân tiến này để chế tạo các loại vũ khí, tăng cường bộ máy giám sát hiện thời, tiếp tục thêm nữa các hành vi lạm dụng nhân quyền, và cải thiện tốc độ cũng như độ chính xác của ngành hậu cần quân sự cho Bắc Kinh.
Tòa Bạch Ốc đã kêu gọi các đồng minh như Nhật Bản, Hà Lan, và các đồng minh Âu Châu khác đứng về phía mình trong cuộc chiến vi mạch bán dẫn đang diễn ra giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn.
Bà Schreinemacher đã nói với các phóng viên ở Thụy Điển trong khi tránh so sánh các biện pháp hạn chế giữa hai nước rằng, “Chính phủ Tổng thống Biden đã thực thi công việc của họ vào ngày 07/10 và chúng ta đang làm những gì chúng ta đang làm dựa trên những đánh giá của riêng mình.”
ĐCSTQ phản đối các hạn chế công nghệ mới
Khi đề cập đến Hoa Kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Mao Ninh (Mao Ning), đã cáo buộc “một quốc gia cá biệt” cố gắng “bảo vệ quyền bá chủ của chính họ” bằng cách lạm dụng an ninh quốc gia như một cái cớ để “tước đoạt quyền phát triển của Trung Quốc.”
“Chúng tôi kiên quyết phản đối sự can thiệp và hạn chế của Hà Lan bằng các biện pháp hành chính đối với các hoạt động trao đổi kinh tế và thương mại bình thường giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và Hà Lan,” phát ngôn viên Mao Ninh cho biết. “Chúng tôi đã có những khiếu nại với phía Hà Lan.”
Bà Mao kêu gọi người Hà Lan “bảo vệ sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp quốc tế này.”
Bà Schreinemacher nói rằng việc Trung Quốc phản đối quyết định của chính phủ bà trong việc áp đặt các hạn chế đối với xuất cảng công nghệ vi mạch bán dẫn máy điện toán là “có thể hiểu được” từ vị thế của họ, nhưng bà vẫn mong mối bang giao vẫn hữu hảo.
Bà Mao cảnh báo rằng các biện pháp hạn chế này sẽ “hạn chế các hoạt động trao đổi kinh tế và thương mại bình thường giữa các công ty Trung Quốc và Hà Lan.”
Tuy nhiên, vị bộ trưởng thương mại Hà Lan này cho biết Trung Quốc sẽ vẫn là một đối tác thương mại hàng đầu của cả Hà Lan và châu Âu.
Bà nói rằng người Âu Châu đang mua các tấm quang năng từ Trung Quốc, trong khi người Trung Quốc vẫn có thể mua thiết bị từ phương Tây, trong đó có các loại máy móc của ASML, vốn là những thứ sẽ không chịu ảnh hưởng của các hạn chế [xuất cảng].
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và Associated Press
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times