Chỉ trong hai tháng, ĐCSTQ đã giam giữ 1,850 học viên Pháp Luân Công
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ hay Trung Cộng) bắt đầu đàn áp tàn bạo các học viên Pháp Luân Công trên khắp đất nước vào năm 1999, một chiến dịch vẫn đang diễn ra đến tận ngày nay. Từ ngày 01/07 đến ngày 31/08, ít nhất 1,850 học viên Pháp Luân Công đã bị sách nhiễu, giam giữ, tra tấn, bị cưỡng bức xét nghiệm máu, cũng như bị tước đoạt tài sản cá nhân và tiền lương hưu, theo một báo cáo đăng hôm 13/09 trên trang Minghui.org.
Minghui.org là một nền tảng thông tin kỹ thuật số về Pháp Luân Công, chuyên ghi lại các hoạt động bức hại của ĐCSTQ trong Trung Quốc đại lục.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần giúp nâng cao đạo đức, sử dụng năm bài công pháp tĩnh tại với chuyển động khoan thai và các bài giảng đạo đức dựa trên nguyên lý chân, thiện, và nhẫn.
Theo báo cáo của Minghui, trong hơn hai tháng vừa qua, nhà cầm quyền cộng sản đã đột kích vào nhà của 614 học viên Pháp Luân Công, đình chỉ tiền trợ cấp dưỡng già của 14 học viên Pháp Luân Công lớn tuổi, cũng như cưỡng bức thu thập mẫu máu và tóc của 31 học viên Pháp Luân Công. Báo cáo cho biết 18 học viên Pháp Luân Công đã qua đời trong trại giam hoặc tại nhà sau khi ra tù do những hành vi tra tấn và cách cư xử thô bạo mà họ đã nhận được.
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công này của ĐCSTQ là do lãnh đạo ĐCSTQ lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân phát động, vì ông ta coi sự phổ biến của Pháp Luân Công là mối đe dọa đối với Đảng cũng như sự cai trị của mình.
Vào tháng 06/1999, ông Giang đã thành lập hai bộ máy nằm ngoài vòng pháp luật — “Nhóm Lãnh đạo Xử lý Vấn đề Pháp Luân Công” và cơ quan hoạt động của nhóm này được gọi là “Phòng 610” — với mục đích duy nhất là xóa sổ Pháp Luân Công.
Các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị giam giữ, bỏ tù, [là nạn nhân của] hơn 100 phương pháp tra tấn, lao động cưỡng bức và thu hoạch nội tạng cưỡng bức kể từ năm 1999.
Các trường hợp bị bức hại
Theo báo cáo tháng Chín của Minghui, ĐCSTQ đã tăng cường nhắm mục tiêu vào Pháp Luân Công trước khi Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ diễn ra vào giữa tháng Mười năm nay. Dưới đây là thông tin chi tiết về các học viên Pháp Luân Công bị bức hại trong hai tháng qua.
Bị đánh đập
Bà Trương Tú Phân (Zhang Xiufen), một học viên Pháp Luân Công ở Bắc Kinh, hơn 70 tuổi, đã bị công an phường Thanh Tháp, quận Phong Đài, Bắc Kinh bắt cóc trên đường về nhà hôm 05/07. Bốn công an chính quy và bốn công an hỗ trợ đã đánh đập bà tại đồn công an. Trại giam địa phương đã từ chối nhận bà vì thương tích nặng.
Bệnh viện Trung ương Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Trung Quốc chẩn đoán bà Trương bị rạn đốt sống ngực, gãy xương sườn, và gãy xẹp đốt sống thắt lưng.
Bị giam giữ
Bà Lã Nguy (Lyu Wei) là một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, thuộc tỉnh Hắc Long Giang phía đông bắc Trung Quốc. Hôm 11/07, hàng chục công an đã ập vào nhà bà, và bắt bà đi. Sau đó, công an đã lục soát nhà của bà Lã và thu giữ một hộp tài liệu, trong đó có khoảng 300 cuốn sách nhỏ về Pháp Luân Công.
Phía công an không đưa ra bất kỳ lệnh bắt giữ hay khám xét nào.
Bà Lã, từng là giáo viên dạy tiếng Anh ở một trường cấp 3, đã bị bắt vào các năm 1999, 2000 và 2007. Bà bị sa thải vào năm 2007 vì không chịu từ bỏ niềm tin của mình vào Pháp Luân Công.
Theo Minghui, bà không được phép gặp luật sư hoặc gia đình.
https://youtu.be/tLFt861uTBM
Bà Lã Na (Lyu Na), em gái của bà Lã Nguy, hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ, đã kêu gọi các quan chức dân cử của Hoa Kỳ giải cứu bà Lã Nguy.
Con trai bị bắt làm con tin
Hôm 20/07, ông Mã Bình (Ma Ping), một học viên Pháp Luân Công 60 tuổi ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, dù đang phải nằm liệt giường tại nhà nhưng cũng không tránh khỏi bị bức hại. Trước đó vào năm 2009, ông đã bị bắt và bị giam bốn năm tại nhà tù Công Chủ Lĩnh, tỉnh Cát Lâm, nơi ông bị tra tấn dã man.
Ví dụ, một số cai ngục đã dùng dùi cui điện để chích điện toàn thân, bộ phận sinh dục, và hậu môn của ông. Ông cũng bị bức thực dã man, phải nằm trên ‘giường kéo căng’ tử hình, và bị nhốt trong xà lim suốt một tháng. Cơ thể ông chi chít những vết sẹo do bị tra tấn, và sức khỏe của ông ngày càng sa sút. Con trai ông thường đưa ông ra ngoài trên chiếc xe lăn.
Vào đêm ngày 20/07, công an đã phá cửa sổ và nhảy vào nhà của ông Mã sau khi vợ ông không chịu mở cửa. Khi thấy tình trạng sức khỏe của ông Mã không tốt, họ đã đưa con trai ông đến đồn công an để làm con tin buộc ông Mã phải từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công. Khi ông Mã từ chối tuân thủ, công an đã giữ con trai ông ta lại đồn công an cho đến tối muộn ngày 23/07 mới thả về.
Bị cướp tiền và tài sản cá nhân
Hôm 12/08, hai mẹ con bà Lý Siêu Quần (Li Chaoqun) và cô Trương Nghệ Hinh (Zhang Yixin) đều là học viên Pháp Luân Công đã bị công an bắt cóc ở quận Sài Tang, thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, và không nhận lại được số tiền là 102970 nhân dân tệ (khoảng 14,744 USD) và 2,811 USD tiền mặt mà công an đã thu giữ.
Hồi 8 giờ tối hôm 19/07, công an địa phương đã đến nhà bắt cóc bà Triệu Khánh Bình (Zhao Qingping) và mẹ chồng của bà, cả hai đều tu luyện Pháp Luân Công ở thành phố Vũ Xương, tỉnh Hắc Long Giang.
Cảnh sát đã lục soát nhà của họ và thu giữ khoảng 50 cuốn sách Pháp Luân Công, một máy điện toán để bàn, một máy điện toán xách tay, hai máy in, hai máy nghe nhạc MP3, 30 ổ cứng di động USB, bốn điện thoại di động, và 373,000 nhân dân tệ (khoảng 79,647 USD) tiền mặt vừa rút từ ngân hàng về để giúp con trai của bà Triệu mua một căn hộ.
Công an từ chối trả lại khoản tiền. Mẹ chồng của bà Triệu được thả về vào sáng ngày hôm sau, nhưng bà Triệu đã bị tạm giữ với các cáo buộc hình sự.
Gia đình bà Triệu đã thuê luật sư nhân quyền biện hộ cho bà trước tòa.
Những trường hợp này là một vài ví dụ về cuộc bức hại nhắm vào các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Do hệ thống tường lửa internet và sự kiểm duyệt thông tin của ĐCSTQ, nên không có thông tin chi tiết đầy đủ về mức độ của cuộc bức hại này.
Các nhà lập pháp toàn cầu kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại
Hôm 20/07, Liên minh Nghị viện Quốc tế về Trung Quốc (IPAC), một tổ chức liên đảng đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với các nhóm tôn giáo và những người bị cầm tù vì bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của họ.
IPAC cho biết trong tuyên bố, “Hôm nay đánh dấu lễ tưởng niệm trang trọng về ngày đầu tiên chính quyền Trung Quốc bắt bắt đầu chiến dịch bức hại tàn bạo của mình nhắm vào các học viên Pháp Luân Công. Sau 23 năm, chúng tôi tưởng nhớ tất cả những người ở Trung Quốc đã bị từ chối quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo.”
“Chúng tôi một lần nữa kêu gọi các chính phủ của chúng ta hãy bước ra và lên tiếng để chấm dứt cuộc đàn áp này. Chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trong việc duy trì quyền con người và quyền tự do tôn giáo của mọi dân tộc ở Trung Quốc.”
Bản tin có sự đóng góp của Lý Khiết Tư và trang Minghui.org
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times