Cha mẹ là hình mẫu tốt nhất cho con trẻ
Cha mẹ làm gương cho con cái bằng hành động cụ thể sẽ tốt hơn những lời giáo huấn sáo rỗng. Hãy cố gắng trở thành mẫu người mà bạn muốn con mình sẽ học theo và trở thành trong tương lai.
Mỗi hành vi và lời nói của cha mẹ đều có ảnh hưởng vô cùng lớn đối với con trẻ.
Mới đây, nhật báo The Tennessean ở Nashville đã có một bài viết về người đầu bếp mà tôi vô cùng yêu quý và luôn ước ao gặp ông một lần trong đời. Khi được hỏi về bí kíp của những món ăn tuyệt vời, ông đã trả lời như sau: Hãy bắt đầu lựa chọn những nguyên liệu chất lượng nhất và đừng làm cho chúng trở nên bẩn thỉu, lộn xộn. Liên hệ với tâm nguyện của tôi trong việc nuôi dạy con trẻ, tôi bất chợt nhận ra điều này cũng giống như học làm cha mẹ vậy.
Rốt cuộc thì mọi cha mẹ đều có khởi đầu với những ‘nguyên liệu’ tốt nhất. Hơn 97% trẻ em sinh ra đều lành lặn, bản tính lương thiện, tràn đầy thơ ngây mềm yếu, ham học hỏi và là một thiên thần mà Thượng Đế phái đến. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ đã góp phần làm cho con trẻ trở nên vấy bẩn.
Chắc chắn là không phải tất cả các bậc cha mẹ đều hành động như điều tôi nhắc đến, nhưng một số người đã thực sự làm điều đó. Hầu hết các bậc cha mẹ đều tận trách với nghĩa vụ của mình.
Một số cha mẹ đã dạy con cái mình nói dối, lừa gạt thậm chí là thù hận. Bạn có thể hỏi rằng họ thực sự đã làm những điều xấu đó sao? Hãy để tôi giải thích.
Chúng ta thường muốn truyền “lòng tự trọng” cho con cái của mình, vì vậy chúng ta khen rằng con trẻ đang làm một “công việc tuyệt vời” và trao huy chương cho chúng mặc dù thực tế là con chúng ta chẳng có sự đặt tâm hay nỗ lực nào hết.
Chúng ta hỏi chúng rằng ai đã làm vỡ cái bình, làm đổ sữa ra ngoài hoặc làm bùn đất dính đầy sàn trong khi ta vẫn biết rõ ai đã làm điều đó. Cách làm của họ chẳng khác nào đang nói dối và ngụ ý là “tôi không biết,” đây có phải là đẩy trách nhiệm sang con chó, anh trai chúng hoặc là người hàng xóm nào đó không.
Chúng ta đưa con trẻ ra khỏi trường và đi mua sắm, trong khi chúng ta xin phép trường học vì con trẻ bị bệnh.
Chúng ta chờ đợi các con 24 giờ một ngày và không đòi điều gì đáp lại, vậy thì chúng ta nên tự hỏi mình rằng tại sao trẻ em lại có tư duy hưởng thụ.
Chúng ta buộc tụi nhỏ vào ghế sau xe hơi, đưa video cho các con xem và rồi cắm tai nghe của mình để tận hưởng âm nhạc hoặc tán gẫu điện thoại mà lại phàn nàn rằng trẻ con bây giờ chẳng chịu giao tiếp với chúng ta.
Chúng ta để các bé ngồi hóng chuyện khi chúng ta bận khoe khoang với những người bạn mới về việc chúng ta đã làm vài ly rượu ở trường trung học hay đại học, nhưng chúng ta lại nghiêm cấm con cái uống rượu bia.
Chúng ta bỏ mặc con ở nhà thờ để học giáo lý vào chủ nhật, rồi ung dung đi uống cafe, ăn bánh donut trước khi kịp trở lại để đón chúng, và rồi than thở rằng các cậu bé cô bé của chúng ta không muốn đến nhà thờ.
Chúng ta dành thời gian để đưa con đến lớp học khiêu vũ, thể dục dụng cụ, bóng bầu dục, bóng đá, karate, học nhạc, luyện giọng và thậm chí có thể học kèm, nhưng chúng ta không bao giờ dành thời gian để ngồi ăn tối cùng con mình.
Thường thì trái tim chúng ta luôn mách bảo điều đúng đắn, nhưng những suy nghĩ của chúng ta lại phụ lòng mong muốn của con trẻ.
Các nhà triết học cho rằng chúng ta có vị trí như thế nào là do những lựa chọn mà chúng ta đưa ra. Con cái của chúng ta trưởng thành thế nào cũng là từ những quyết định của các bậc cha mẹ.
Vai trò nuôi dạy con cái không khó nếu chúng ta cố gắng suy nghĩ mọi thứ thật đơn giản, đừng để con trẻ phụ thuộc quá nhiều vào chúng ta, giáo dục các con sống có trách nhiệm hơn, và hãy tập làm một hình mẫu mà bạn muốn các con trở thành trong tương lai.
Vài năm trước, tôi đã từng là khách mời trong một chương trình radio mang tên “call-in” chia sẻ về cách nuôi dạy con. Đến cuối chương trình, có một người cha trẻ đã gọi đến và thốt lên, “Dường như mọi việc chúng ta làm đều thực sự rất cần thiết!” “Vâng.” Tôi trả lời, “Mỗi một việc đều vô cùng quan trọng!”
Bạn có thường nghe ai đó nói rằng, “Cậu bé này là đứa trẻ ngoan, nhưng tính khí có phần giống bố” hoặc là “Cô bé rất đáng yêu và tốt bụng như mẹ của bé vậy”? Các tố chất này không phải nhờ di truyền mà là nhờ học hỏi mà nên. Ông bố trẻ ở trên đã đúng. “Mọi thứ đều rất quan trọng!”
Vì thế chúng ta có thể làm gì? Chúng ta làm thế nào trở thành bậc cha mẹ tốt?
Cố gắng trở thành người tốt, mẫu người mà bạn muốn con mình sẽ học theo và trở thành trong tương lai. Trò chuyện, vui cười nhiều hơn với con trẻ và người vợ/chồng của bạn; cùng ăn chung, học cùng nhau, vui chơi với nhau, và ngủ cùng nhau. (không phải là chung giường mà là ngủ cùng lúc.)
Hãy là một bậc cha mẹ có trách nhiệm, đặt ra một số giới hạn và cho con biết bạn tin tưởng vào điều gì và tại sao bạn nghĩ như vậy. Thường xuyên hỏi về những suy nghĩ của các con và vì sao các con nghĩ như vậy. Và hãy lắng nghe cẩn thận.
Bạn đang dạy dỗ và làm gương cho các con mọi lúc, ngay cả khi bạn không nhận ra điều đó, vì thế hãy nỗ lực một cách có ý thức để giáo dục những điều ngay chính, đúng đắn và đẹp đẽ. Hãy nhớ kỹ rằng mọi hành động mà chúng ta thực hiện đều sẽ có hiệu quả gấp ngàn lần so với những lời nói sáo rỗng.
Nhưng nếu các cô cậu bé của bạn gặp một số rắc rối trong cuộc sống, bạn sẽ làm gì? Hầu hết điều này đều không phải lỗi của bạn nếu bạn đã làm hết những điều mà mình cho rằng đúng đắn. Cậu bé đã có cơ hội học được điều đúng từ những vấp ngã kia vì rõ ràng cậu ấy đã lựa chọn sai lầm.
Trái tim bạn sẽ vỡ tan từng mảnh, nhưng bạn biết rằng sẽ luôn có một mảnh vỡ yêu thương dành cho con mình. Hãy bao dung con, yêu thương con, và vẫn giữ kết nối tình cảm với con. Đồng thời dành cho con một khoảng hòa hoãn để nhận ra, để hiểu, và trân trọng sự bao dung của bạn. Cũng đừng làm phiền con, và xin đừng bới móc lại quá khứ. Nếu bạn vẫn để tâm đến chúng, thì con của bạn cũng giữ trong lòng! Nếu bạn đau lòng vì quá khứ của chúng, hãy tin tôi, các con cũng đau khổ không kém.
Hãy cầu nguyện và hy vọng rằng con trẻ sẽ học hỏi từ những lỗi lầm và sẽ mau chóng trở lại với lại bạn giống như đứa con hoang đàng được nhắc trong Kinh Thánh. Khi cậu bé thực sự hiểu ra, hãy dang rộng vòng tay đón con vào lòng. Hãy quên đi quá khứ và chào mừng con đã thực sự trở về. Cho đến lúc đó, xin bạn đừng bao giờ từ bỏ hy vọng.
Xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các bậc cha mẹ đã tiếp tục nuôi dạy những đứa con mà ai cũng ngưỡng mộ! Cả thế giới ngưỡng mộ bạn, và tôi cũng vậy.
Ngoài ra, tôi xin dành lời cảm ơn đến người đầu bếp đã được giới thiệu trên The Tennessean, cũng như tờ báo địa phương đã đăng tải câu chuyện đầy động lực đó.
Và hãy tiếp tục yêu thương, trân trọng con cái và người bạn đời của bạn, và cầu mong Thượng đế sẽ tiếp tục ban phước cho bạn và gia đình của mình.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times