Câu chuyện thành ngữ: Khắc thuyền tìm gươm
Thành ngữ: “Khắc thuyền tìm gươm” là chỉ về người cố chấp bướng bỉnh
Thành ngữ tương quan: Tự cho mình là đúng
Vào thời Xuân Thu, tại nước Sở có một người tự cho rằng bản thân rất thông minh, thích làm mọi việc theo cảm giác của mình, không muốn tiếp thu ý kiến của người khác.
Một lần nọ, khi anh ta đang đi thuyền qua sông, bất ngờ có một cơn gió làm chiếc thuyền lắc lư chao đảo, cơ thể anh ta bị nghiêng sang một bên khiến thanh gươm đeo bên hông bị trượt và rơi xuống nước.
Thuyền phu lo lắng nói: “Nhanh nhanh nhảy xuống vớt nó lên đi!”
Anh ta bình tĩnh đáp: “Vội gì chứ?”. Nói rồi từ trong túi rút ra một con dao nhỏ đánh một ký hiệu trên mạn thuyền ngay tại vị trí mà thanh gươm bị rơi xuống nước.
Tiếp đó, anh từ từ cởi bỏ y phục bên ngoài, chuẩn bị nhảy xuống nước để tìm thanh gươm. Thuyền phu ngạc nhiên hỏi: “Thuyền đã đi được một đoạn xa rồi, làm sao biết được thanh gươm rơi ở đâu?”.
Anh ta cười và đáp rằng: “Không vấn đề gì, tôi đã làm dấu trên mạn thuyền rồi, cứ theo dấu đó nhảy xuống tìm thì không sai được”.
Anh chàng này tự cho rằng mình rất thông minh, nhưng lại không nghĩ rằng thuyền vẫn đang di chuyển, trước sau cách nhau một phút thì vị trí của thuyền đã hoàn toàn thay đổi rồi, đánh dấu thì có tác dụng gì?
Từ đó, đối với những người luôn tự cho mình là đúng, cố chấp bướng bỉnh, chúng ta bèn ví họ là “Khắc thuyền tìm gươm”.
Trích từ: “Văn học vỡ lòng cho trẻ em” của nhà sách Hoa Nhất
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ