Truyền thống Trung Hoa cổ đại: Ngôi nhà đầy những vị Thần
Cách đây không lâu, người Trung Hoa vẫn được tự do thờ cúng tổ tiên và các vị Thần tại nhà. Thờ phượng là một phần quan trọng của cuộc sống hàng ngày và được thực hiện từ thời cổ đại.
Kể từ khi Trung Cộng nắm quyền kiểm soát Trung Hoa Dân Quốc vào năm 1949, nó đã bài xích và cuối cùng là phá hủy văn hóa truyền thống Trung Hoa. Ngày nay, tín ngưỡng tôn giáo và truyền thống của người Trung Hoa bị cấm, và hầu như dấu vết nào về sự tồn tại của chúng cũng đều bị phá hủy hoặc xuyên tạc.
Cô Wen-chien Cheng giải thích trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng các tác phẩm nghệ thuật tín ngưỡng cá nhân ở Trung Hoa có thể không còn tồn tại, nhưng nhiều tổ chức lớn trên thế giới vẫn còn lưu giữ những bức ảnh mẫu. Cô Cheng là đồng giám tuyển của triển lãm “Các vị Thần trong nhà tôi: Tết Nguyên đán với chân dung tổ tiên và các bức tranh về Thần” (Gods in My Home: Chinese New Year With Ancestor Portraits and Deity Prints). Triển lãm diễn ra tại Bảo tàng Hoàng gia Ontario, Canada và đã bế mạc vào ngày 05/01/2020.
Theo cô Cheng, rất nhiều bức ảnh như vậy biến mất vì chúng không phải là đồ sưu tập, hoặc do chúng được dán lên tường nhà hay người ta đốt chúng đi như một phần của các nghi lễ thờ cúng. Và tất nhiên, nhiều bức hình đã bị Trung Cộng phá hủy.
Một số bức chân dung tổ tiên mà chúng ta thấy ngày nay đã được người phương Tây mua vào đầu thế kỷ 20. Vào thời điểm đó, chính trị Trung Hoa đã trải qua tình trạng hỗn loạn sau khi nhà Thanh sụp đổ trong cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911. Nhiều người Trung Quốc đã phải bán những món đồ gia truyền của gia đình để sinh tồn.
Vào đầu những năm 1920, nhờ các nhà truyền giáo và nhà thám hiểm ở Trung Hoa, nhiều hình ảnh may mắn không bị thất truyền. Các nhà truyền giáo bị thu hút bởi thực tế là người Trung Hoa thờ cúng nhiều vị Thần, trái ngược với một Đức Chúa duy nhất của họ, và họ muốn nghiên cứu các hình ảnh để hiểu thêm. Cô nói: “Họ thấy tất cả những hình ảnh này rất thu hút, rất thú vị và rất rẻ.”
Các tác phẩm trưng bày trong triển lãm có sự khác nhau về chất lượng, từ những bức chân dung tổ tiên được trang trí công phu đến những bức tranh in trên giấy đơn giản. Bộ sưu tập cho thấy rằng dù người tín ngưỡng giàu hay nghèo, mục đích đằng sau mỗi bức tranh đều giống nhau: thành tâm thờ cúng.
Nhận dạng hình ảnh các vị Thần
Cô Cheng mời du khách xem các cuộc triển lãm với cảm giác tò mò tương tự như các nhà truyền giáo, bởi vì trong văn hóa Trung Hoa, “mối quan hệ giữa con người với thần linh có thể khác với các nền văn hóa khác”, cô nói.
Cô Cheng cho biết từ thời cổ đại, người Trung Hoa đã thừa nhận và tin vào sự hiện diện của thần linh. Họ tin rằng “giữ mối quan hệ hài hòa và tốt đẹp giữa các vị Thần và thế giới trần gian là chìa khóa để duy trì sự bình an cho con người”. Tôn vinh Thần và nhận được phước báo là niềm tin phổ quát của nhiều tôn giáo.
Cô Cheng gợi ý rằng các bức ảnh chia thành hai loại: những vị Thần được tín ngưỡng rộng rãi, gồm cả các vị thần hộ mệnh, và chân dung của tổ tiên.
Tất cả người dân Trung Hoa đều biết những vị Thần nào được tôn thờ rộng rãi. Những vị này có nguồn gốc từ nhiều trường phái khác nhau, chẳng hạn như Đạo Giáo và Phật Giáo, và các huyền thoại cổ xưa. Ví dụ, chúng ta có thể chứng kiến hình ảnh Bồ Tát Quán Âm của Phật Giáo trong gia đình theo nhiều cách khác nhau. Mỗi hình tượng của Quán Âm tùy thuộc vào hiện thân nào trong số 33 hình tướng của bà, dù là nam hay nữ, để có thể phổ độ chúng sinh trong tình cảnh đó. Cô Cheng cho biết những hình tướng này được trình bày chi tiết trong Kinh Pháp Hoa, một bài kệ Phật Giáo. Ví dụ, Quán Âm có thể được coi là nữ thần của sự sinh sản, thường ôm một đứa trẻ trong tay.
Các ví dụ khác có thể là Thần bếp, chuyên trông nom, bảo vệ trong gia đình, hoặc các vị Tổ Nghiệp mang lại sự thịnh vượng cho các ngành nghề cụ thể. Ngay cả những nhân vật huyền thoại cũng có thể trở thành vị Thần bảo hộ một công việc kinh doanh.
Tôn kính Tổ tiên
Các bức chân dung tổ tiên có vẻ giống với truyền thống chân dung của phương Tây, các bức chân dung sẽ được treo trang nghiêm trong lâu đài hoặc một ngôi nhà. Cô Cheng chỉ ra rằng không giống như chân dung phương Tây, chân dung Trung Hoa không được trưng bày quanh năm. Chúng được đưa ra ngoài để thờ cúng trong một dịp nhất định, chẳng hạn như ngày Tết, rồi cất kỹ.
Các gia đình giàu có sẽ vẽ chân dung của họ khi họ còn sống, để chuẩn bị thờ cúng sau khi họ chết. Các gia đình nghèo hơn sẽ mua các bản in sẵn hàng loạt của một cặp vợ chồng và sau đó ghi thêm tên họ. Trong những hình ảnh này thường mô tả một bài vị.
Bài vị là một cấu trúc bằng gỗ có ghi tên của một tổ tiên để làm nơi cư ngụ cho linh hồn lang thang của họ; bài vị tượng trưng cho vong linh của người đã khuất. Những bài vị này sẽ được đặt trên bàn thờ ở hành lang của ngôi nhà hoặc trong điện thờ của gia đình.
Đôi khi, các bài vị miêu tả các vị Thần. Cô Cheng cho biết, có một chiếc trong bộ sưu tập của Bảo tàng Hoàng gia Ontario đại diện cho Thần Tài.
Một vật triển lãm độc đáo là điện thờ thu nhỏ, và đây là lần đầu tiên điện thờ được trưng bày kể từ khi được mua lại vào năm 2009. Những người giàu có xem những điện thờ thu nhỏ là nơi chứa các linh vị của gia đình họ, và các điện thờ này mô phỏng kiến trúc thực tế của các điện thờ gia đình.
Cô Cheng cho biết bài vị tượng trưng cho một tín ngưỡng cổ xưa của Trung Hoa rằng khi một người qua đời sẽ có hai linh hồn khác nhau: Một linh hồn bay lên trời và linh hồn kia xuống âm phủ. Cô Cheng nhớ lại một biểu ngữ trong một ngôi mộ thời nhà Hán (206 TCN – 220 SCN) mặc dù niềm tin này đã có từ trước thời kỳ đó. Biểu ngữ cho thấy thân xác phàm của nhà sư là nơi trú ngụ của linh hồn trần thế, và có một linh hồn khác (linh hồn thứ hai) bay lên trời.
Sức mạnh của việc thờ phượng
Một số hình ảnh đơn giản nhất được trưng bày là các vị Thần giấy, tập hợp thành một bộ được gọi là “100 bức tranh”, đại diện cho các vị Thần trong vũ trụ. “Đây là những hình ảnh rất đơn giản nhưng cũng rất mạnh mẽ mà mọi người [sẽ] tôn thờ,” cô Cheng nói.
Triển lãm có 78 vị Thần giấy ở Bắc Kinh, mang phong cách đặc trưng của Bắc Kinh: một bản phác thảo đơn giản được in trên giấy và tô màu nhẹ với một chút đỏ và đôi khi là màu xanh để hoàn thiện các hình ảnh. Điểm chính là khuôn mặt của vị Thần, như có thể thấy trong hình ảnh “Long Vương”.
“100 bức tranh” sẽ là một phần trong những nghi lễ Tết Nguyên Đán Trung Quốc. Bạn không nhất thiết phải có một bộ đầy đủ. Các gia đình nghèo hơn sẽ có hình ảnh của một vị Thần nằm trên cùng một xấp giấy trắng. “Quan trọng là bạn rất thành tâm và bạn tin vào hình ảnh, rằng [nó] thực sự đại diện cho các vị Thần, thì nó sẽ… đại diện cho các vị Thần,” cô Cheng nói.
Người Trung Hoa tin rằng các vị Thần đã xuống trần gian vào thời điểm năm mới. Thông thường, vào đêm giao thừa của Tết Nguyên Đán, người ta lập một bàn thờ với những vị Thần bằng giấy này. Trong giờ đầu tiên của Tết Nguyên Đán, họ thắp hương và đốt pháo, sau khi cúng bái Thần bằng giấy, rồi đốt để tiễn các vị Thần về trời. Truyền thống này vẫn diễn ra ở một số ngôi làng nhỏ ở Trung Quốc.
Một số truyền thống được đề cập ở đây vẫn tiếp tục cho đến ngày nay ở những nơi như Đài Loan. Và mặc dù Trung Cộng đã cấm văn hóa truyền thống ở Trung Quốc, người Hoa ở Hồng Kông và một số ngôi làng xa xôi ở Trung Quốc vẫn tôn vinh di sản chân chính của họ và thực hành những truyền thống này.
Để tìm hiểu thêm về “Các vị Thần trong nhà tôi: Tết Nguyên Đán với chân dung tổ tiên và các hình ảnh về vị Thần”, do Wen-chien Cheng và Yanwen Jiang đồng phụ trách (nghiên cứu sinh năm 2017– 2018 J.S. Lee Memorial Fellow), hãy truy cập ROM.on.ca.
Xem thêm:
Lorraine Ferrier
Tường Vi, Trúc Đoàn biên dịch