Câu chuyện ngắn về Hoàng đế: Thai nhi trong bụng bà chủ quán trọ tiên đoán Thiên tử đến!
Có một số câu chuyện ngắn kể về các vị Hoàng đế được ghi chép trong chính sử và dã sử. Mặc dù không phổ biến, nhưng những câu chuyện này có thể giúp cho chúng ta mở mang tầm mắt. Dưới đây là một câu chuyện ngắn như vậy phát sinh vào thời Ngũ Đại, kể về Hoàng đế Minh Tông nhà Hậu Đường.
Vào thời Ngũ Đại Thập Quốc hỗn loạn, triều đại và đế vị thay đổi liên tục. Hậu Đường là một vương triều có lãnh thổ lớn nhất trong Ngũ Đại (gồm Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán và Hậu Chu). Hoàng đế Minh Tông Lý Đản (867-933) của nhà Hậu Đường là một trong số ít các bậc minh quân thời Ngũ Đại Thập Quốc. Con đường từ thường dân trở thành Hoàng đế của ông cũng khác biệt với thường nhân.
Tên ban đầu của Minh Tông là Lý Tự Nguyên, người tộc Sa Đà, huyện Kim Thành, Ứng Châu (nay là huyện Ứng, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc). Khi ông mới 13 tuổi đã có tài cưỡi ngựa bắn cung xuất chúng. Mỗi lần săn bắn, ông đều có thể nâng cung ngắm chim đang bay, bắn mỗi phát tất trúng. Khi Lý Quốc Xương (được truy tôn là Hiến Tổ nhà Hậu Đường), phụ thân của Tiết độ sứ Hà Đông Lý Khắc Dụng (được truy tôn là Thái Tổ nhà Hậu Đường), nhìn thấy Lý Tự Nguyên, đã xoa đầu cậu nói rằng: “Khí khái hào hùng như cha, có thể hầu hạ bên cạnh ta.”
Lý Nghê, phụ thân của Lý Tự Nguyên là ái tướng của Hiến Tổ. Hiến Tổ từng bị Thổ Hồn tấn công tại Úy Châu. Lúc ấy, thuộc hạ ly tán, bản thân Hiến Tổ cũng ở trong tình cảnh vô cùng nguy hiểm. Lý Nghê đã tiên phong xông lên phá vây, cứu được Hiến Tổ.
Thai nhi trong bụng mẹ tiên đoán “Thiên Tử đến rồi”
Thời Minh Tông còn chưa hiển quý, ông từng theo phiên tướng Lý Tồn Tín đi tuần sát biên cảnh. Có một lần, ông dừng chân nghỉ lại trong một quán trọ ở Nhạn Môn. Lúc ấy, bà chủ quán trọ này đang mang thai. Khi Minh Tông đến quán trọ, bà chủ quán tiếp đãi có chút lãnh đạm, còn chậm chạp không chuẩn bị kịp thức ăn.
Lúc này, bà chủ quán trọ nghe thấy có một giọng nói phát ra từ trong bụng mình, rằng: “Đại quý nhân đến rồi, cần phải chuẩn bị thức ăn nhanh lên.” [1] Giọng nói này phát ra từ bào thai trong bụng, và bà chủ quán trọ nghe được rất rõ ràng. Bà vô cùng kinh ngạc, thế là lập tức đứng dậy, tự mình đi chuẩn bị đồ ăn, đồng thời thay đổi thái độ đối đãi với Minh Tông, trở nên cung kính và lễ phép.
Minh Tông hỏi bà vì sao thái độ đột nhiên thay đổi như vậy. Bà trả lời: “Ngài cao quý không lời nào có thể diễn tả được.”
Minh Tông tiếp tục truy hỏi nguyên nhân. Bà chủ quán trọ kể lại chi tiết lời nói phát ra từ thai nhi ở trong bụng mình.
Minh Tông nói: “Bà kính cẩn như thế này, là vì sợ tôi xử tệ với bà mà thôi.”
Về sau, quả nhiên Lý Tự Nguyên giống như lời thai nhi đã nói. Ông đăng cơ làm Hoàng đế triều Hậu Đường, tại vị trong tám năm.
Hoàng đế Minh Tông nhà Hậu Đường trong chính sử
Vào năm Trung Hòa thứ tư thời Đường Hy Tông (năm 884), khi Lý Khắc Dụng (856-908) và quân đội của ông ở lại dịch trạm Thượng Nguyên, Biện Châu, đã bị Tiết độ sứ Tuyên Vũ là Chu Toàn Trung và tướng lĩnh thuộc hạ Dương Ngạn Hồng mưu đồ bí mật ám sát. Lý Khắc Dụng bị quân lính vây đánh, sử gọi là nạn Thượng Nguyên. Lúc đó Lý Khắc Dụng say rượu, quân bao vây thế mạnh người đông, nên nhiều tướng lĩnh trong quân đã lâm nạn ngã xuống. Lý Tự Nguyên khi đó chỉ mới 17 tuổi đã bảo vệ Lý Khắc Dụng vượt tường thoát nạn, hơn nữa giữa ngàn vạn mũi tên bay loạn lại không hề bị thương. Lý Khắc Dụng càng thêm yêu quý Lý Tự Nguyên, còn nhận cậu làm con nuôi. Lý Tự Nguyên đi theo phụng sự Lý Khắc Dụng đến ba mươi năm.
Vị hoàng đế đầu tiên của nhà Hậu Đường là Trang Tông Lý Tồn Úc (885-926, tại vị từ năm 923-926), con trai của Lý Khắc Dụng. Sau khi dựng lập nhà Hậu Đường, Trang Tông không chăm lo việc triều chính, nạn đói xảy ra khắp bốn phương, có người phải bán con bán vợ, khắp nơi đều có nạn dân. Trang Tông băng hà do bị tên lạc bắn trúng, kinh thành đại loạn, nạn đốt phá, giết chóc, trộm cướp diễn ra không ngừng. Các quan đại thần đã mời Lý Tự Nguyên vào kinh đô Lạc Dương. Vì Lý Tự Nguyên có đức nghiệp chấn chủ (phẩm đức và công lao vượt qua cả chủ), nên thường bị giám sát bí mật. Quan viên giám sát nói với ông rằng,“Người có đức nghiệp chấn chủ sẽ gặp nguy hiểm.” Lý Tự Nguyên đáp: “Ta đây tâm không phụ Trời Đất, họa hay phúc tới, ta cũng không né tránh, đành phó thác cho ông Trời làm chủ.”
Về sau, Lý Tự Nguyên được quân sĩ ủng hộ đăng cơ. Khi vương triều mới được thành lập, thuộc hạ thượng tấu rằng: “Chúng thần không muốn Điện hạ xưng là triều Đường, thỉnh cầu ngài hãy đổi danh hiệu.” Tuy nhiên, Lý Tự Nguyên cảm nhận sâu sắc rằng bản thân đã vào sinh ra tử 43 năm cùng hai triều Lý và Hậu Đường [2]. Đã là người cùng dòng tộc thì sẽ không xưng lập danh hiệu khác, cho nên khi đăng cơ ông xưng hiệu Hậu Đường Minh Tông.
Sau khi Minh Tông lên ngôi, ông lưu tâm đến khó khăn của bách tính, xóa bỏ những chính sách tệ hại như trưng thu tiền tài, giảm nhẹ thuế cho bách tính, đồng thời cách chức các quan viên gây tổn hại đến dân sinh. Nhờ đó, nhà Hậu Đường đã giữ được cục diện ổn định và ấm no.
Rất nhiều cao nhân nói rằng, vận mệnh của một người đã được định sẵn ngay từ khi sinh ra. Vận mệnh của một vị quân chủ cao quý làm sao có thể tùy tiện được? Sao có thể không có sự an bài trước được đây? Không chỉ một đời của con người đã được chú định trước, mà toàn bộ thiên tượng lớn đều đã được Thần ở cảnh giới cao tầng an bài sẵn. Nếu không thì cũng sẽ không có lời tiên tri của thai nhi trong câu chuyện này.
Nguồn tư liệu: “Cựu Ngũ Đại Sử”, “Bắc Song Tỏa Ngôn” của Tôn Quang Hiến thời Tống.
Chú thích:
[1] Trong “Cựu Ngũ Đại Sử-Minh Tông Kỷ Nhất” ghi chép: Đế thường trọ ở khách điếm ngược hướng Nhạn Môn. Chủ khách điếm đang mang thai, lúc ăn cơm, bà nghe hài nhi trong bụng nói rằng: ‘Mọi người đều đến rồi, nên nhanh chóng làm cơm đưa đến.’ Chủ khách điếm kinh ngạc, y theo lời, đích thân làm cơm hầu hạ rất cung kính. Đế tra hỏi mãi, bà ấy mới nói hết sự tình.”
Trong cuốn “Bắc Song Tỏa Ngôn-Quyển 18” của Tôn Quang Hiến thời Tống ghi chép đoạn này, nói thai nhi trong bụng bà chủ khách điếm nói với mẹ mình rằng: “Thiên tử đến rồi, nên nhanh chóng chuẩn bị thức ăn.’ Nghe thấy thanh âm phát ra, bà mẹ rất kinh ngạc, theo lời đích thân làm cơm, hầu hạ cung kính, cẩn trọng.”
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ