Quốc sắc thiên hương thời cổ đại, ai là mỹ nhân quốc sắc đầu tiên?
Hoa mẫu đơn thực sự là quốc sắc
Bắt đầu từ giữa thời nhà Đường, yêu và thưởng mẫu đơn đã trở thành thời thượng, thi nhân nổi tiếng giữa thời Đường là Lưu Vũ Tích (772-842) trong bài “Thưởng mẫu đơn” (Ngắm mẫu đơn) đã ngâm rằng: “Duy hữu mẫu đơn chân quốc sắc, hoa khai thời tiết động đế kinh” (Chỉ có mẫu đơn mới thực sự là quốc sắc, lúc hoa nở làm kinh động khắp kinh đô). Đây thực sự phản ánh mốt thời thượng của những người thời Đường theo đuổi hoa mẫu đơn. Vua của một nước, hiển quý nổi danh ở kinh đô, vào mùa mưa mẫu đơn nở rộ, vô luận là quý tộc hay thường dân, đều tranh nhau ngắm và thưởng hoa.
Trâm cài tóc có hoa mẫu đơn, nữ sĩ thời Đường xinh đẹp và cao quý
Từ hình ảnh xinh đẹp của người phụ nữ thời Đường trong tranh đã phản ánh nét thời thượng yêu thích mẫu đơn của người thời Đường. Trong bức tranh “Trâm hoa sĩ nữ đồ” của Chu Phưởng đã thể hiện mỹ nhân đời Đường trang điểm tinh xảo, phục sức lộng lẫy, xinh tươi tựa hoa đào. Các nàng búi tóc thành búi to và cao, trên đỉnh cài một bông hoa mẫu đơn to đang nở rộ, toát lên khí chất nhàn nhã, sang trọng. Các mỹ nữ trong “Trâm hoa sĩ nữ đồ” thể hiện phong cách đặc trưng của phụ nữ thời Đường, đồng thời có thể thấy hoa mẫu đơn đại diện cho biểu tượng thời trang hoa lệ, tao nhã và sang trọng của thời Đường.
“Quốc sắc” và “Thiên hương” là những tính từ để chỉ những người phụ nữ vô cùng xinh đẹp. Người thời Đường yêu chuộng hoa mẫu đơn nên đã dùng “quốc sắc”, “thiên hương” để ca ngợi vẻ đẹp của hoa mẫu đơn, trong thi từ cũng thường dùng thủ pháp thể hiện này. Tuy nhiên, vào thời nhà Đường, “quốc sắc”, “thiên hương” không được sử dụng phổ biến, khi bài thơ “Mẫu đơn” của Lý Chính Phong, Trung thư xá nhân thời Đường Văn Tông ra đời, các công khanh thường ngâm nga khiến nó trở nên nổi tiếng:
Quốc sắc triêu hàm tửu, thiên hương dạ nhiễm y
Đơn cảnh xuân túy dung, minh nguyệt vấn quy kỳ.
Tạm dịch:
Quốc sắc sớm rượu nồng, thiên hương đêm áo nhuộm.
Cảnh đẹp xuân say mãi, trăng sáng hỏi giờ về.
Đến thời nhà Tống, có sự kết hợp giữa “quốc sắc” và “thiên hương”, ví dụ như thơ của Lý Cương thời Tống có câu dùng “quốc sắc thiên hương” để miêu tả vẻ đẹp của hoa mẫu đơn như sau:
“Xuân phong sơ nhập mẫu đơn chi, quốc sắc thiên hương diễm giao cơ.”
(Thứ vận Vương Hiểu Minh tam tuyệt cú, Kỳ 1)
Tạm dịch:
Gió xuân mới thổi vào cành mẫu đơn, nét quốc sắc thiên hương trở nên kiều diễm, lộng lẫy.
Ai là quốc sắc thiên hương đầu tiên?
Trong văn hóa Trung Quốc, ngay từ trước thời nhà Đường, “quốc sắc thiên hương” đã được dùng để miêu tả vẻ ngoài vô cùng xinh đẹp của người phụ nữ. Trong sách “Doãn văn tử” thời Tiên Tần có ghi: “Nước Tề có Hoàng Công, rất khiêm tốn, có hai cô con gái, đều là quốc sắc”. Những lời như thế này chính là dùng để miêu tả mỹ nhân.
Ngoài ra, trong “Công Dương truyện”, một trong ba truyện nổi tiếng thời Xuân Thu, “Hy công thập niên” đã ghi chép: “Ly Cơ là quốc sắc.” Ly Cơ này (TCN? ~ 651 TCN) là mỹ nhân bắt được vào lúc Tấn Hiến Công tiến đánh nước Ly Nhung, mỹ nữ quốc sắc này về sau bị bắt tiến cho Tấn Hiến Công. Sau khi Ly Cơ được phong làm phu nhân, sinh được con trai là Hề Tề. Sau này vì tranh lập Hề Tề làm thái tử, bà đã hãm hại ba người con trai đức hạnh của Tấn Hiến Công là Thân Sinh, Trọng Nhĩ và Di Ngô.
Từ đó có thể thấy, cái gọi là “quốc sắc” lúc bấy giờ chỉ giới hạn ở vẻ bề ngoài, không bao gồm phẩm hạnh bên trong.
Ý nghĩa “quốc sắc” biến thành hương thơm
Vào thời Đường, “quốc sắc” được dùng để ví von với “mỹ nhân”, sau đó lấy hoa mẫu đơn để ví von, nội hàm cũng thay đổi, hàm chứa ý nghĩa “quân tử thơm ngát”. Hãy cùng xem cách miêu tả trong bài thơ “Hòa Lý Trung Thừa Từ Ân tự Thanh Thượng Nhân viện mẫu đơn hoa ca” của Quyền Đức :
“Đam đãng thiều quang tam nguyệt trung, mẫu đơn thiên tự chiêm xuân phong.
Thời quá bảo địa tầm hương kính, dĩ kiến tân hoa xuất cố tùng.
…….
Hoa gian nhất khúc tấu dương xuân, ứng vi phân phương tỉ quân tử.”
Tạm dịch:
“Ánh sáng đẹp lững lờ giữa tháng Ba, mẫu đơn tự mình nghênh đón gió xuân.
Đất quý khó tìm nẻo đường đầy hương thơm, trên những bụi rậm cũ đã có hoa mới nở.
…
Một khúc hoa nở tấu lên mùa xuân ấm áp, vậy nên hương thơm tựa như đức hạnh người quân tử.”
Thơ của Lưu Ngạc thời Nguyên, dùng “quốc sắc thiên hương” để gọi thay cho hoa mẫu đơn, ca ngợi mẫu đơn hồn nhiên, tự tại, mượn ví dụ bậc quân tử có đức hạnh cao thượng, không màng phú quý, phú quý hay phiền não đều vứt bỏ, an nhiên tự tại chẳng vướng bận gì. Thơ ngâm rằng:
“Quốc sắc thiên hương kết tập (*) không, hàn anh vãn tiết cánh thùy đồng? Bình sinh phú quý hỗn vong khước, uyển tự du nhiên quốc sĩ phong.”
(Đề lật hầu sở tàng mẫu đơn cúc đồ nhị thủ, Kỳ nhị)
Tạm dịch:
Đẹp đẽ vô cùng phiền não không, hết thời xuân sắc lấy ai cùng? Bình sinh phú quý đều quên hết, thảy tựa an nhiên quốc sĩ phong
Quốc sĩ phong chính là chỉ phong thái của kẻ sĩ quốc gia.
(*) Kết tập: chỉ việc không hề vướng phiền não.
xem thêm