Vị cao tăng nổi tiếng thời Đường có thể tiên đoán sinh tử và cát hung của mọi người
Cuốn “Tây dương tạp trở” thời Đường ghi lại một sự việc, kể rằng: Một ngày nọ, Hoàng đế Đường Trung Tông mộng thấy một con quạ ba chân đang bay, bị hàng chục con dơi đuổi theo và rơi xuống đất. Con quạ ba chân còn gọi là “Kim Ô,” là Thái dương Thần điểu. Tương truyền Hậu Nghệ bắn mặt trời khiến nó rơi xuống đất. Mọi người đến xem thì phát hiện đó là một con quạ lông vàng. Việc “Kim Ô” rơi xuống đất rõ ràng là một điềm báo không tốt.
Sau khi tỉnh dậy, Đường Trung Tông cảm thấy rất bất an, nên đã hạ chỉ triệu kiến tăng nhân Vạn Hồi đến hỏi điềm cát hung. Vạn Hồi thưa: “Hoàng thượng, nay đã đến lúc người thăng thiên rồi.” Ngày hôm sau, Hoàng đế Đường Trung Tông băng hà.
Vạn Hồi, người có thể tiên đoán sinh tử của người khác lúc bấy giờ là cao tăng rất nổi tiếng. Tương truyền, ông là Bồ Tát từ Phật quốc giáng hạ xuống Đông Thổ. Họ nơi trần tục của ông là Trương, người Quách Châu (vùng Linh Bảo, Hà Nam). Khi còn nhỏ, ông có vẻ ngoài ngốc nghếch và chậm nói, nên thường bị trẻ em hàng xóm bắt nạt. Tuy vậy, ông không bao giờ tranh cãi với người khác. Điều khác biệt với những người khác là Vạn Hồi từ nhỏ đến lớn không bao giờ kêu nóng hay lạnh, không khinh mạn người nghèo hèn, cũng không quá cung kính người phú quý giàu sang. Thỉnh thoảng ông cười lớn, đôi khi lại bật khóc, khuôn mặt không cố định sắc diện. Sau khi biết nói vào năm tám, chín tuổi, đôi khi ông sẽ ngẫu nhiên nói ra điều gì đó. Những điều này thường mang tính chất dự báo trước, sau này mọi người mới hiểu được. Những lời cảnh bảo dị tượng của Vạn Hồi cho thấy ông không phải là người bình thường.
Vượt ngàn dặm trong một ngày để thăm huynh trưởng
Vạn Hồi có một người huynh trưởng đang trấn thủ biên cương ở An Tây Đô hộ phủ, đã nhiều năm bặt vô âm tín. Cha mẹ Vạn Hồi ngày đêm thương nhớ con. Sau này nghe tin anh đã tử trận, cha mẹ vô cùng đau buồn, thiết bày trai giới cầu phúc cho con trai. Nhìn thấy cảnh tượng này, Vạn Hồi quỳ xuống trước mặt cha mẹ và nói: “Nếu cha mẹ có thứ gì cần mang đến cho huynh trưởng như quần áo, đồ ăn, khăn trùm đầu, giày dép,… xin hãy chuẩn bị sẵn. Đến mai con sẽ mang tới.” Quách Châu cách xa An Tây vạn dặm, cha mẹ Vạn Hồi tuy không tin, nhưng vẫn chuẩn bị một túi đồ đưa cho ông.
Sáng hôm sau, Vạn Hồi mang túi đồ đi ra ngoài. Ai ngờ, vào buổi tối, ông đã trở về và nói với cha mẹ: “Xin cha mẹ hãy yên tâm, huynh trưởng bình an, còn gửi về bức thư.” Khi cha mẹ ông mở bức thư ra, quả nhiên là bút tích của người con trưởng. Lúc này hai người mới biết con trai thứ này của họ có khả năng đặc biệt. Khi dân làng biết chuyện, họ cũng rất bất ngờ. Bởi vì ông đã đi vạn dặm trong chốc lát, vậy nên được mọi người gọi là “Vạn Hồi.”
Về sau, cao tăng Huyền Trang thời Đường đi Thiên Trúc thỉnh kinh, khi đi ngang qua Quách Châu đã nhận Vạn Hồi làm đệ tử. Sau khi quy y cửa Phật, trải qua các thời kỳ chấp chính của Võ Tắc Thiên, Trung Tông, Duệ Tông, Huyền Tông, ông đã hiển hiện nhiều Thần tích, được triều đình nhà Đường tôn sùng. Những năm cuối thời Đường Cao Tông, Vạn Hồi thường được triệu vào cung, được lấy thân phận người trong cung để làm việc. Hoàng đế Đường Trung Tông còn từng đích thân triệu kiến ông. Tương truyền, sau khi Vạn Hồi vào cung, Phật tháp do ông dùng gạch đá xây dựng ở làng quê tự nhiên tỏa sáng rực rỡ.
Giải cứu Bác Lăng Vương
Vào thời Võ Tắc Thiên chấp chính, những quan lại tàn ác như Chu Hưng, Lai Quân Thần được tín nhiệm. Họ thường xuyên cấu kết, hãm hại người vô tội, còn sáng chế hình cụ tàn độc, khiến nhiều người trong tông thất Lý Đường và các nguyên lão, trọng thần bị giết oan. Vì vậy, các trọng thần trong triều đình lúc đó đều cảm thấy bất an, mỗi ngày trước lúc thượng triều đều từ biệt vợ con.
Lại nói về Thôi Huyền Vĩ, bởi vì nghênh đón Trung Tông phục vị nên được phong làm Trung thư lệnh và Bác Lăng quận vương, địa vị và danh tiếng đều rất cao. Điều này khiến mẹ ông rất lo lắng. Một ngày nọ, Thôi mẫu (mẹ của Thôi Huyền Vĩ) nói với ông: “Con có thể mời Vạn Hồi đến một chuyến. Ông ấy là Thần tăng giống như Bảo Chí đại sư, có thể biết họa phúc bằng cách quan sát cử chỉ.”
Vạn Hồi nhận lời mời đến Thôi phủ. Thôi mẫu rơi lệ hành lễ với ông và đưa cho ông một đôi đũa bạc. Không ngờ Vạn Hồi đột nhiên bước xuống bậc thang, ném đôi đũa bạc lên nóc đại sảnh rồi vẫy tay bỏ đi. Người nhà họ Thôi đều cho rằng đây là điềm không tốt.
Ngày hôm sau, người hầu nhà họ Thôi trèo lên mái nhà lấy đũa. Kết quả tìm thấy dưới đũa một cuốn sách. Sau khi lật giở, hóa ra đó là một cuốn sách sấm vĩ (tiên tri). Thôi Huyền Vĩ nhanh chóng ra lệnh cho người đốt bỏ. Vài ngày sau, quan phủ bất ngờ đến Thôi gia tra xét sách sấm nhưng không tìm thấy. Nhờ vậy, người nhà họ Thôi mới tránh được tai họa.
Hóa ra, các ác quan lúc bấy giờ thường sai người bí mật giấu những cổ vật và sách sấm trong nhà của các đại thần vào lúc ban đêm. Sau vài tháng lại cho người mật báo vu khống hãm hại, lấy cớ đó để lục soát. Có thể nói, nếu không có Vạn Hồi trợ giúp, cả nhà Bác Lăng Vương đã bị tàn sát.
Khoảng một năm sau, Thôi Huyền Vĩ bị nhóm người của Võ Tam Tư và Vi Hậu cấu kết hãm hại, bị đày đến Lĩnh Nam, rồi uất ức mà qua đời.
Tiên đoán vận mệnh của mọi người
Công năng túc mệnh thông và thấu thị của Vạn Hồi cũng có thể tiên đoán vận mệnh của con người. Vào những năm cuối triều đại Đường Trung Tông, Vạn Hồi từng mắng thẳng vào mặt Vi Hậu: “Ngươi mưu phản làm loạn, sớm muộn gì cũng bị chặt đầu!” Không lâu sau, Vi Hậu quả nhiên bị giết.
Vạn Hồi còn từng dự đoán Tể tướng Sầm Hi, người sau này dựa dẫm vào Công chúa Thái Bình để mưu đồ bất chính, và Tấn Quốc Công Tiết Tắc biết chuyện không báo sẽ “dựa cột ở pháp trường.”
Về vận mệnh của Đường Huyền Tông, Vạn Hồi cũng từng dự đoán. Lúc Đường Huyền Tông chưa lên ngôi, từng cùng những gia nhân như Trương Vĩ đến thăm hỏi Vạn Hồi. Tuy vậy, Vạn Hồi không cung kính với Huyền Tông. Ông cầm trượng, vừa la hét vừa đuổi theo Huyền Tông, đồng thời đuổi hết những người đi cùng ra bên ngoài. Thế nhưng, sau khi Vạn Hồi kéo Huyền Tông vào trong phòng rồi khóa cửa lại, ông lại trở thành một người bình thường. Ông vỗ lưng Huyền Tông và nói: “Năm mươi năm Thiên tử tự trọng, sau đó thì không biết nữa.” Cái gọi là “năm mươi năm sau” vừa vặn ứng với loạn An Lộc Sơn sau này.
Khi Đường Duệ Tông trấn thủ phiên trấn ở phủ đệ riêng, thường xuyên cải trang vi hành. Vạn Hồi liền hét lớn trên đường phố rằng “Thiên tử đến” hoặc “Thánh nhân đến.” Nơi ông tạm trú là nơi Duệ Tông tất yếu phải qua lại.
Lời kết
Trong năm Cảnh Vân thời Đường Duệ Tông, Vạn Hồi đã quy thiên trong ngôi nhà do công chúa Thái Bình xây cho ông. Trước khi rời đi, ông hét lớn sai người lấy nước từ sông ở quê nhà. Các đệ tử không tìm thấy, nhưng Vạn Hồi lại nói: “Trước nhà chính là nước sông.” Thế là họ đào một cái giếng dưới thềm trước cửa, liền thấy nước sông đột nhiên phun ra. Các đệ tử đem nước đến cho ông, ông uống xong rồi quy thiên. Nước trong một cái giếng khác ở nhà cũ của Vạn Hồi có vị mặn và đắng, nhưng nước ở giếng này lại luôn thơm ngọt dị thường.
Sau khi câu chuyện đi vạn dặm thăm huynh trưởng lan truyền trong dân chúng, Vạn Hồi được người đời phong là “Đoàn Viên Thần Tiên,” vị Thần Tiên bảo hộ những người thân rời xa quê nhà.
Tường Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ