Câu chuyện du hành xuyên thời không nổi tiếng ở Nhật Bản
Kể từ thời cận đại ở Nhật Bản, với sự phát triển nhanh chóng của giáo dục và truyền thông, tốc độ phổ truyền văn hóa ngày càng mau lẹ, chiều sâu và phạm vi ảnh hưởng của văn hóa cũng tăng lên không ít. Dưới sự thúc đẩy của giáo dục và truyền thông, những câu chuyện dân gian như “Urashima Taro” đã được rất nhiều gia đình, bao gồm phụ nữ và trẻ em đều biết đến. Đây gần như là một câu chuyện mang tính biểu tượng của văn hóa dân tộc Nhật Bản, đồng thời nêu lên một số đặc điểm của văn hóa Nhật.
Vậy, Urashima Taro là câu chuyện như thế nào? Nó bắt nguồn từ bao giờ? Có ghi chép nào liên quan trong sử sách hay không? Ý nghĩa văn hóa tư tưởng của câu chuyện này là gì?
Urashima Taro dạo chơi ở Long cung
Xưa kia, ở vùng quê nọ có một ngư dân tốt bụng tên là Urashima Taro. Một ngày kia, Urashima Taro nhìn thấy có vài đứa trẻ đang trêu đùa một con rùa ở trên bờ biển. Thế là, chàng đã mua con rùa này và đem nó thả về biển cả.
Vài ngày sau, Urashima Taro ra biển câu cá như thường lệ. Đột nhiên, một con rùa từ mặt nước nổi lên và nói với chàng: “Chào Urashima Taro! Tôi là con rùa được chàng cứu mấy ngày trước. Công chúa ở Long cung muốn mời chàng đến làm khách, mệnh lệnh cho tôi đến đón chàng.”
Thế là, Urashima Taro liền ngồi lên lưng rùa và đi xuống biển. Xung quanh Long cung được san hô bao bọc, các loài cá bơi lội, cảnh sắc thực lung linh xinh đẹp, còn dung mạo của Công chúa ở Long cung thì khiến hoa nhường nguyệt thẹn, thế gian chẳng ai bì kịp.
Công chúa nhìn thấy Urashima Taro, liền nói với chàng rằng: “Chàng có thể ở đây sống một cuộc sống an nhàn tự tại.” Thế rồi Urashima Taro bèn ở lại. Sống ở Long cung, Urashima Taro dường như quên mất thời gian trôi qua, như thể mỗi ngày đều sống trong giấc mộng vậy.
Sau vài ngày, Urashima Taro chợt nhớ đến mẹ già và ngôi làng nơi mình sinh sống, chàng quyết định tạm biệt Long cung để trở về quê hương. Trước khi đi, Công chúa đưa cho chàng một hộp báu nhỏ và dặn: “Dù chàng gặp khó khăn gì cũng đừng mở chiếc hộp này ra.”
Sau đó, Urashima Taro lại ngồi trên lưng rùa, từ biệt Công chúa rồi rời khỏi Long cung trở về quê hương của mình. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là ngôi làng đã hoàn toàn đổi khác, chàng không thể tìm thấy ngôi nhà và người mẹ già của mình đâu nữa. Đối mặt với tình cảnh trước mắt, chàng bất lực và không biết phải làm thế nào. Vì vậy, chàng quyết định mở hộp báu thử xem. Ngay khi mở chiếc hộp báu, một làn khói trắng từ trong đó bay ra, Urashima Taro ngay lập tức biến thành một ông già.
Không ngờ, ở Long cung vui vẻ vài ngày mà trên nhân gian đã trôi qua mấy trăm năm. Urashima Taro không biết mình đang ở đâu, cũng không hiểu giờ phút này là mơ hay thực…
Urashima Taro trong cổ tịch
Câu chuyện vừa kể ở trên là bản tiêu chuẩn được dùng trong giáo dục từ thời cận đại đến nay, ngoài ra còn có nhiều dị bản được lưu truyền.
Từ thời Trung cổ đã có những truyền thuyết liên quan đến Urashima Taro, nhưng trong các thư tịch trước đây, tên của chàng trai này không phải là Urashima Taro mà là Urashimako. Cái tên này được rất nhiều sử sách ghi lại, vì vậy xác thực có người này trong lịch sử. Có học giả khảo sát và cho rằng, Urashimako là thành viên của gia tộc Kusakabe, hậu duệ của Thiên hoàng Kaika.
Các truyền thuyết liên quan đến Urashimako xuất hiện lần đầu tiên trong các tài liệu cổ như “Nhật Bản thư kỷ”, “Vạn diệp tập” và giai thoại “Đan hậu quốc phong thổ ký”. Tuy tên gọi giống nhau nhưng nội dung ghi chép có sự khác biệt lớn.
“Đan Hậu quốc phong thổ ký” là cuốn sách sử ghi chép lại phong tục tập quán của Đan Hậu quốc (tức đất nước Tango, nay là phía bắc tỉnh Kyoto), nội dung phần lớn đã bị thất truyền, chỉ còn lại những đoạn ghi chép mang tính giai thoại. Theo “Thích Nhật Bản kỷ” (tác phẩm chú thích cho cuốn “Nhật Bản thư kỷ”, tổng cộng 28 tập) xuất hiện vào cuối thời Kamakura, “Đan hậu quốc phong thổ ký” được biên soạn vào năm Wadō thứ 6 (năm 713). Như vậy cuốn sách này có lẽ được phát hành muộn nhất là vào thế kỷ thứ 8. “Đan Hậu quốc phong thổ ký” phần lớn ghi chép các câu chuyện như truyền thuyết Urashima, truyền thuyết Hagoromo v.v. đồng thời kèm theo những bài thơ waka viết bằng thể chữ Man’yōgana.
Ở mục “Chàng Shimako ở Tsutsukawa, Urashimako ham chơi” trong “Đan Hậu quốc phong thổ ký” có ghi chép lại như sau: Ở Hioki huyện Yosa có một ngôi làng tên là Tsutsukawa. Shimako Tsutsukawa là một người dân trong làng này, chàng có tướng mạo xuất chúng, khí chất uy nghiêm, còn có biệt danh là Shimako ham chơi, là tiên tổ của tộc Kusakabe.
Vào thời Thiên hoàng Yūryaku, Shimako một mình chèo thuyền đánh cá, ba ngày không bắt được một con cá nào, cuối cùng bắt được một con rùa lớn ngũ sắc. Trong khi Shimako đang chợp mắt trên thuyền, con rùa biến thành một mỹ nữ xinh đẹp. Shimako liền hỏi thân thế lai lịch của nàng, nàng đáp: Thiếp vốn là dòng dõi tiên nhân trên trời, vì muốn gặp chàng nên đã đến đây. Sau đó, nàng bảo Shimako nhắm mắt lại. Khi Shimako mở mắt ra lần nữa, chàng phát hiện mình đã đến một hòn đảo lớn, đó chính là chốn bồng sơn nơi nàng ở.
Tại cửa lớn của cung điện, có bảy, tám đồng tử ra nghênh đón, đồng thanh hô: “Hoan nghênh phu quân của Thần rùa đến!” Nàng và phụ mẫu của nàng cũng ra nghênh đón. Shimako được chiêu đãi tiệc linh đình và đàm luận về sự khác biệt giữa nhân giới và Tiên giới v.v. Sau đó, chàng và nàng đã thề nguyện kết duyên làm phu thê.
Ba năm sau, Shimako nhớ quê hương và nảy sinh ý muốn trở về nhà. Nàng vô cùng buồn bã, đưa cho chàng một hộp báu và nói rằng: Nếu chàng còn muốn gặp thiếp, thì nhất định đừng mở hộp ra. Sau đó nàng đưa Shimako ra khỏi tiên cảnh.
Tuy nhiên, khi trở về quê hương, Shimako không tìm thấy ngôi nhà cũ của mình, cũng không biết người nhà đã đi đâu. Từ người trong làng, chàng biết được rằng: Ba trăm năm trước, có người tên là Shimako Tsutsukawa đã mất tích. Trong cơn hoảng loạn, Shimako quên mất lời dặn dò của thê tử, vội vàng mở hộp báu ra, chỉ thấy một bóng hình xinh đẹp cưỡi mây bay lên trời cao. Shimako liền hiểu được rằng cuộc đời mình sẽ không bao giờ gặp lại nàng tiên đó nữa.
Trong quyển thứ chín của “Vạn diệp tập”, tập thơ đầu tiên của Nhật Bản được phát hành vào cuối thời Nara (710-794) có một bản trường ca “Bài vịnh chàng Shimako Tsutsukawa ham chơi” của Takahashi, lời rằng:
Shimako Tsutsukawa ham chơi ra biển đánh cá, bảy ngày chưa trở về. Vô tình chàng vượt qua hải giới, gặp được một cô nương là Thần trên biển cả. Sau khi hai người trò chuyện, họ đã kết duyên phu thê. Thế là Shimako Tsutsukawa ở lại trong Hải Thần Cung.
Một hôm, chàng nói muốn quay về cố hương. Nàng đưa cho chàng một hộp báu, lại dặn dò rằng: Nếu chàng vẫn muốn quay lại Thần giới, thì ngàn vạn lần không được mở hộp ra.
Sau khi Shimako Tsutsukawa trở về quê hương, chàng vốn cho rằng mình chỉ mới đi ba năm, nhưng bóng dáng ngôi nhà đã biến mất. Chàng nghĩ, có lẽ nếu mở hộp, ngôi nhà ban đầu sẽ xuất hiện trở lại, vì vậy chàng đã mở hộp báu. Chỉ thấy có một làn khói trắng bay lên, trôi về phía Thần giới. Shimako Tsutsukawa trong nháy mắt biến thành một ông già tóc trắng bạc phơ, không khỏi hoảng sợ mà giậm chân hét lớn, thần khí đoạn dứt.
Trong “Nhật Bản thư kỷ” viết thời Yūryaku (năm 720) cũng có đoạn ghi chép về Urashima Taro ở mục tháng Bảy, mùa thu năm Thiên hoàng Yūryaku thứ 22 (năm 478) như sau:
Urashimako sống ở quận Yosa, nước Tanba (quận Yosa, tỉnh Kyoto ngày nay), chàng đi thuyền đánh cá và bắt được một con rùa lớn. Bất ngờ, con rùa trong chớp mắt đã biến thành một mỹ nữ. Trái tim chàng rung động trước người con gái xinh đẹp, vì vậy đã cưới nàng làm vợ. Sau đó, cả hai lặn xuống biển và đến núi Bồng Lai. Ở đó, Urashimako trải qua nhiều chuyện, cũng gặp được rất nhiều Tiên nhân.
Câu chuyện về Urashima Taro có phải bắt nguồn từ Trung Quốc?
Rất lâu trước những ghi chép này, đã có nội dung liên quan được cho là do Mã Dưỡng, Tể tướng nước Tanba chấp bút. Mã Dưỡng vừa là một quý tộc, thi nhân về thơ chữ Hán, là học giả và cũng là quan lại dưới thời Asuka (592-710). Ông từng đảm nhận chức Vương Thái tử học sĩ, tham gia chế định “Luật lệnh” và biên soạn sử thư. “Hoài phong tảo” là nơi thâu tập các bài thơ bằng chữ Hán của ông, bao chứa nhiều tư tưởng Thần tiên của Đạo gia. Dựa vào sự tu dưỡng Hán học của Mã Dưỡng, người ta tin rằng, truyền thuyết về Urashima bắt nguồn từ một truyền thuyết tương tự ở Trung Quốc, và đã được bản địa hóa dưới bàn tay của ông.
So sánh từ góc độ văn hóa, câu chuyện của Urashima Taro đích xác có nhiều điểm tương đồng với nội dung của các cuốn cổ thư của Trung Quốc như “Thủy kinh chú”, “Sưu Thần hậu ký”, “Long Nữ truyện”, “Liễu Nghị truyện” v.v. Do đó, không thể phủ nhận nguồn gốc của nó bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa.
Từ sau thời cận đại cho đến thời Chiêu Hòa (1926-1989), câu chuyện về Urashima Taro đã được đưa vào sách giáo khoa phổ thông ở Nhật Bản. Bố cục nội dung của nó đại khái giống với tình tiết của câu chuyện được lưu truyền ngày nay. Vì vậy, câu chuyện dần trở thành một nét văn hóa dân tộc mà người Nhật quen thuộc và cùng nhau chia sẻ.
Điều đáng chú ý là vì mục đích giáo dục đạo đức, khi chuyển thể thành bài giảng, những tình tiết về cuộc sống hôn nhân của Urashima Taro trong Long cung đã bị cố ý xóa bỏ, đồng thời nhấn mạnh rằng, Urashima Taro do không tuân thủ quy ước mà mở hộp báu, từ đó dẫn đến tai ương.
Sở dĩ câu chuyện về Urashima Taro được truyền tụng và yêu thích lâu như vậy là vì ngoài yếu tố lãng mạn, lý do quan trọng là tư tưởng cốt lõi “thiện hữu thiện báo.”
Từ xa xưa, Nhật Bản đã đề cao đạo đức và lễ tiết, tư tưởng “thiện ác hữu báo” từ sớm đã trở thành tư tưởng gốc rễ vô hình nhưng vĩnh cửu trong văn hóa Nhật. Urashima Taro vì làm việc thiện nên đắc phúc báo, nhưng lại gặp tai họa do không tuân thủ lời hứa. Sự thể hiện một chính một phụ này, một là khuyến khích điều thiện, hai là để cảnh tỉnh người đời.
Ngoài ra, sự tồn tại và hình thức của sinh mệnh trong các cảnh giới khác nhau như Nhân thế, Tiên giới, Long cung…, cũng như quan điểm về sinh mệnh và vũ trụ tồn tại trong các thời không khác nhau ở các cảnh giới khác nhau v.v., có lẽ là một điểm sáng về tư tưởng văn hóa khiến cho ý nghĩa của câu chuyện càng thêm sâu sắc.
Tu Thực thực hiện
Cổ Dung biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ