Phong cách thời thượng vượt thời gian ẩn chứa trong những bức họa cổ
Hàng ngàn năm trước, cổ nhân thân mặc Hán phục, lời lẽ có vần có điệu, dùng bút lông viết văn chương, mặt trời mọc thì làm việc, mặt trời lặn thì nghỉ ngơi…mỗi ngày đều như vậy. Hàng ngàn năm sau, khi nhìn lại thời cổ đại không có những thiết bị điện tử, chúng ta vẫn có thể lãnh hội được sự rực rỡ của nền văn minh đó, nó đã xuyên qua lớp bụi thời gian và tỏa sáng cho đến tận ngày nay. Lật lại những bức tranh cổ xưa, có thể thấy nền văn minh cổ đại thật đáng kinh ngạc, khi trong đó cũng ẩn chứa những nhân tố thời thượng của nền văn minh hiện đại ngày nay.
Cầu trượt, xe tập đi
Trẻ em thời nay rất thích chơi cầu trượt, và trẻ em ngày xưa cũng như vậy. Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở Hoa Kỳ có một bức tranh thời nhà Nguyên tên là “Anh Hí Đồ”.
Điều nổi bật trong bức tranh là có một chiếc cầu trượt lớn bằng gỗ được vẽ phía trên cùng của bức tranh. Trong đó, bốn đứa trẻ đang chơi rất vui vẻ. Vào thời nhà Nguyên, thiết bị cầu trượt đã xuất hiện để cho trẻ em vui chơi.
Còn em bé trong bức “Đồng Hí Đồ” thời nhà Minh thì đang đẩy một chiếc xe đẩy nhỏ, chẳng phải rất giống xe tập đi của trẻ nhỏ ngày nay hay sao?
Giày da, giày đá bóng
Chúng ta biết rằng, người xưa thường đi dép rơm, dép gai và guốc gỗ. Không chỉ vậy, ngoài ra, còn có giày da và giày đá bóng!
Mặt giày đá bóng thời Nam Tống được làm bằng da bò, đế được đóng bằng đinh sắt đầu tròn, có khả năng chống mài mòn rất tốt, đồng thời vì được phủ một lớp dầu cây trẩu (cây du đồng) nên cũng không thấm nước. Công nghệ tinh xảo, thiết kế khéo léo, đều làm người thời nay phải nể phục. Nó gần giống như giày đá bóng thời hiện đại!
Theo cuốn “Thích Danh”: “Vào thời cổ đại, có giày nhưng không có ủng (靴), từ ủng không được tìm thấy trong kinh sách. Mãi cho đến khi Triệu Vũ Linh Vương bắt đầu mang nó.” Triệu Vũ Linh Vương của nước Triệu đã du nhập Hồ phục (trang phục người Hồ) và ủng da. Trong cuốn “Trung Hoa Cổ Kim Chú” có viết: “Ủng được người Hồ ở phía Tây dùng. Xưa kia Triệu Vũ Linh Vương thích Hồ phục, cũng thường xuyên mặc nó.”
Bức tranh ”Thụ Hạ Nhân Vật Đồ” được khai quật ở Turpan, Tân Cương, hiện tại đang được lưu giữ trong Bảo tàng Quốc gia Nhật Bản Tokyo. Nhân vật nữ trong bức tranh đang đi một đôi ủng da màu đen.
Ghế tựa, bàn khảm đá
Trong bức tranh này có một người đàn ông đang nhàn nhã ngồi trên chiếc ghế tựa, như thể đang nhắm mắt và dưỡng thần. Hóa ra vào thời nhà Minh và nhà Thanh, người ta đã sử dụng những chiếc ghế tựa thoải mái, dễ mang vác để nghỉ ngơi.
Bức “Thập Bát Học Sĩ Đồ” do Lưu Tùng Niên vẽ vào thời Nam Tống hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cung điện Quốc gia ở Đài Bắc. Điều đáng kinh ngạc trong bức tranh là chiếc bàn sơn mài màu đen có mặt trên khảm những phiến đá cẩm thạch.
Đá cẩm thạch có xuất xứ từ Điền Trung (nay là Thương Sơn, huyện Đại Lý, tỉnh Vân Nam), loại đắt nhất có màu trắng như ngọc và đen như mực. Ở Trung Quốc cổ đại, đá cẩm thạch chủ yếu được sử dụng để khảm bình phong. Vào thời nhà Minh, chúng lần đầu tiên được sử dụng để khảm trên bàn, ghế và các đồ dùng khác.
Bộ đồ lặn và mặt nạ dưỡng khí
Tống Ưng Tinh của triều đại nhà Minh đã biên soạn một bộ bách khoa toàn thư có tên là “Thiên Công Khai Vật”, trong đó có một bức tranh minh họa mô tả những người thợ lặn đang lặn xuống nước để lấy ngọc trai.
Hãy chú ý đến trang thiết bị của những người thợ lặn này, họ mặc đồ lặn và còn trang bị một thứ như mặt nạ dưỡng khí. Chiếc ống rỗng mà thợ lấy ngọc trai mang theo là một ống thiếc uốn cong có lỗ ở cuối ống để cho vào miệng. Sau khi xuống nước, thợ lặn dùng nó để thở. Thiết bị này cho phép một người lặn xuống độ sâu 400-500 thước. Ý tưởng thiết kế trang phục này không thua kém gì chúng ta ngày nay.
Biển quảng cáo
“Quảng cáo” là một thuật ngữ hiện đại được sử dụng để quảng bá sản phẩm. Ở Trung Quốc cổ đại, không có từ để chỉ quảng cáo, nhưng đã có những nhận thức về quảng cáo. Dễ thấy nhất là bảng hiệu của các cửa tiệm.
Công việc kinh doanh vào thời nhà Tống rất thịnh vượng, từ bức tranh cổ nổi tiếng “Thanh Minh Thượng Hà đồ”, chúng ta có thể cảm nhận được bầu không khí phồn thịnh này. Những biển hiệu cửa tiệm với hiệu ứng quảng cáo có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi.
Tại kinh thành triều đại Bắc Tống, các cửa tiệm ăn uống vì muốn thu được lợi nhuận cao hơn đã làm những biển hiệu kỳ lạ. Các cửa tiệm bán đồ chua làm bảng hiệu rất lớn trên đường phố. Các tửu quán trong kinh thành lại sử dụng các tòa lầu đầy màu sắc và những bảng hiệu thêu tay để quảng cáo. Hầu như các phố xá, khu chợ của kinh thành đều có biển hiệu riêng, từ quán nước giải khát, hiệu thuốc, quầy gieo quẻ (bói toán), hàng giấy, cửa tiệm tơ lụa đến các tiệm cơm, tửu quán… đều có biển hiệu. Dùng biển hiệu để quảng cáo, ý tưởng tiếp thị này của người xưa cũng chẳng thua kém so với người hiện đại ngày nay.
Khanh Đức thực hiện
Tiểu Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ