‘Thần Thoại về Chiến Binh Er’ của triết gia Plato dạy điều gì cho chúng ta thời nay?
Lời nhắc nhở rằng chúng ta lựa chọn số phận của mình
Plato nổi danh là một trong những triết gia vĩ đại nhất thế giới. Thật vậy, triết gia thế kỷ 20 là A.N. Whitehead đã từng nhận xét rằng hầu như triết học phương Tây chỉ là “một loạt các chú thích cho triết gia Plato.”
Ở phần cuối cuốn “Republic” (Cộng Hòa) của mình, Plato kể tường tận câu chuyện thần thoại kỳ lạ về chiến binh Er. Trong tiếng Hy Lạp cổ đại, từ “myth” (thần thoại) có nghĩa là “lời tường thuật”, chứ không phải như cách hiểu hiện đại của chúng ta là một điều gì không có thật hoặc là một câu chuyện truyền thống liên quan đến các sinh mệnh siêu nhiên, các anh hùng, các vị thần, các cuộc chinh phục, và những điều đó tương tự.
Thật tình cờ, câu chuyện thần thoại — hay lời tường thuật này — về chiến binh Er quả thật có liên quan đến những sinh mệnh siêu nhiên! Nhưng đây không phải là một câu chuyện thần thoại Hy Lạp cổ đại; mà là lời tường thuật của một vị triết gia về cách thực tại có thể được kiến tạo.
Vì những lý do trên, rằng đây không phải là một câu chuyện thần thoại truyền thống (và do đó không xuất hiện trong hầu hết các tuyển tập thần thoại Hy Lạp) và do một triết gia sáng tác (hãy nhớ rằng Plato muốn cấm các nhà thơ vì họ quá phá cách), vậy nên tôi do dự về việc dành cho câu chuyện quá nhiều vị thế và độ tin cậy. Nhưng xin nhắc lại, câu chuyện này được sáng tác bởi một trong những triết gia cổ đại uyên bác, và tôi, theo lập luận của riêng mình, hết lòng tôn trọng câu chuyện đó.
Vậy thần thoại về chiến binh Er là gì và tại sao câu chuyện này lại hữu ích cho thời nay?
Thần thoại về chiến binh Er
Chiến binh Er là một người đàn ông đã thiệt mạng trên chiến trường, và cùng với những người tử trận khác, ông được tiếp dẫn sang thế giới bên kia. Ở đó, ông đã đặt chân lên đến một chốn tuyệt diệu, nơi có những vị sẽ quyết định nơi chốn mà một người sẽ đến vào kiếp sau. Có hai cánh cửa (một lối vào, một lối ra) lên thiên đàng, và hai cánh cửa (một lần nữa, lối vào và lối ra) xuống cõi trần. Những linh hồn thiện lương được thăng lên thiên đàng, và những linh hồn xấu xa bị đày xuống trần thế. Người anh hùng Er, không được đưa đến một trong hai nơi này, nhưng được yêu cầu đứng yên tại chỗ để ông có thể chứng kiến toàn bộ quá trình và kể lại cho những người còn sống những gì xảy ra sau khi qua đời.
Chuyện gì đã xảy ra? Những ai đã lên thiên đàng và trở về đều thuần khiết và hạnh phúc, thuật lại những cảnh đẹp khôn tả; những ai trở về từ trần gian đều bẩn thỉu và khốn khổ. Trên thực tế, những người thuộc nhóm sau đã phải trải qua hàng ngàn năm để chuộc tội gấp mười lần cho mỗi một tội lỗi mà họ đã gây ra.
Hơn nữa, có một số người — những kẻ bạo chúa, kẻ sát nhân, và những tên phạm trọng tội nặng nề nhất — hoàn toàn không được phép quay trở lại; sinh mệnh của họ liên tục bị lột da.
Nhưng đối với những người có thể quay trở lại, thì hành trình của họ tại thời điểm ấy mới chỉ là giai đoạn một. Sau bảy ngày nữa, tất cả họ tập trung tại một đồng cỏ với nữ thần của Sự Tất Yếu, cùng các cô con gái của nàng (Ba chị em Số mệnh) và các điểu thần Sirens*.
Ở đây sẽ diễn ra trò chơi bốc thăm, trong đó rõ ràng rằng mỗi cá nhân đều phải chịu trách nhiệm về bất kỳ lựa chọn nào của họ. Về bản chất (khá giống quan điểm triết học của triết gia), lựa chọn mà họ đưa ra cần thể hiện được rằng họ đã học được từ những kinh nghiệm của mình, cả trong cuộc sống vật chất và trong những gì đã xảy ra với họ cho đến thời điểm đó ở kiếp sau.
Lúc này, họ có thể lựa chọn luân hồi chuyển sinh thành một người khác hoặc thậm chí là một loài động vật. Trước khi làm vậy, họ uống thứ nước của sự lãng quên và bắt đầu cuộc sống mới của mình với một khởi đầu mới. Tuy nhiên, sự thực là, linh hồn tái sinh bởi vì linh hồn là bất diệt.
Chiến binh Er không uống thứ nước này, và vì vậy ông có thể (vào ngày thứ 10 và theo một cách ngoạn mục) thức dậy trên giàn hỏa thiêu đang chuẩn bị hỏa táng thân xác của ông và trở lại với cuộc sống để giải thích điều gì thực sự xảy ra sau khi chết.
Vậy vì sao điều này lại có liên hệ hoặc quan trọng đến thời nay? Liệu có phải đó chỉ là những suy đoán vẩn vơ, tuy có một chút khuynh hướng triết lý?
Linh hồn là bất diệt
Tôi nghĩ có bốn lý do vì sao câu chuyện này lại quan trọng. Điều đầu tiên và, cũng có thể, là điều quan trọng nhất chính là triết gia vĩ đại Plato dường như đồng ý với sự thông tuệ của những bậc tiền nhân, đó là linh hồn bất tử có tồn tại.
Linh hồn là điều mà tất cả các nền văn hóa trong quá khứ đều biết đến và tôn kính, có thể là nền văn hóa Sumer, Babylon, Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, Scandinavia, và Celtic, chưa kể các tôn giáo lớn ngày nay, bao gồm Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Cơ Đốc giáo, Do Thái giáo, và thậm chí là Phật giáo. Tôi đề cập đến Phật giáo sau cùng vì quan niệm luân hồi của môn phái này phần nào ăn khớp với phiên bản của triết gia Plato.
Hãy nhớ rằng việc tái sinh, theo cách của nó, có thể là một hình thức của việc nếm trải địa ngục, vì như chàng Er quan sát, không phải tất cả những người chọn cuộc sống mới của họ đều lựa chọn một cách khôn ngoan.
Trong thế giới duy vật mà chúng ta đang sống hiện nay, điều này có vẻ cổ hủ và lạc điệu, nhưng sức nặng của bằng chứng này là rất lớn. Để phớt lờ điều này, người ta sẽ phải coi tất cả các nhóm người có tôn giáo cổ đại cũng như hiện đại như những người nguyên thủy khờ khạo, và thể hiện một mức độ kiêu ngạo đáng kinh ngạc đến mức chỉ có từ “hubris” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “ngạo mạn” mới thực sự tìm thấy được gốc rễ của tội lỗi này.
Và điều đó dẫn chúng ta đến luận điểm thứ hai.
Chúng ta đều sẽ bị phán xét
Thừa nhận sự bất tử của linh hồn, cũng là thừa nhận sự phán xét linh hồn ở thế giới bên kia. Nếu niềm tin vào sự bất tử của linh hồn là một khái niệm không được ưa chuộng ở phương Tây, thì “sự phán xét” — trách nhiệm giải trình — thậm chí càng không được ưa chuộng và bị lảng tránh.
Chúng ta đơn giản không hề muốn nghĩ rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm cho những hành động của mình, mặc dù thực tế là tất cả mọi người đều có lương tri. Cho đến khi chúng ta chôn vùi hoặc thiêu đốt lương tri của chính mình, thì lương tri sẽ cảnh báo chúng ta về những việc làm sai trái thông qua các cảm xúc tội lỗi, nhục nhã, ân hận, và những cảm giác tương tự khác.
Thay vào đó, ở phương Tây, chúng ta tìm cách xem nhẹ sự phán xét. Điều mà chúng ta làm trước tiên và trên hết chính là phá hỏng ngôn ngữ. Như nhà bình luận kiêm tác giả David Brooks của tờ New York Times đã viết trong cuốn sách “The Road to Character” (Con Đường Hình Thành Nhân Cách):
“Khi văn hóa hiện đại cố gắng thay thế tội lỗi bằng những khái niệm như sai lầm hoặc vô cảm, hoặc cố gắng xóa bỏ tất cả những từ như “đức hạnh,” “nhân cách,” “ác độc” và “tội lỗi,” điều đó không làm cho cuộc sống trở nên kém đạo đức hơn chút nào; nó chỉ có nghĩa là chúng ta đã che đậy cốt lõi đạo đức hiển nhiên của cuộc sống bằng thứ ngôn ngữ nông cạn. … Hơn nữa, khái niệm tội lỗi là cần thiết vì khái niệm này hoàn toàn chân thực.”
Từ vựng căn bản về đạo đức
Điều này dẫn đến luận điểm thứ ba của chúng ta về tầm quan trọng của thần thoại về chiến binh Er: Câu chuyện này nhấn mạnh sự cần thiết của trách nhiệm cá nhân. Tất nhiên, nếu chúng ta không còn vốn từ vựng căn bản về đạo đức nữa —chẳng hạn những từ vựng như “lương thiện” và “độc ác,” — thì việc nhận trách nhiệm trở nên khó khăn hơn nhiều đối với chúng ta. Cách đây rất lâu, vào những năm 1950, nhà nghiên cứu khoa học nhân văn Cơ đốc giáo Dorothy L. Sayers đã viết: “Niềm tin của chúng ta vào những năng lực tự nhiên như ý chí và phán xét đã bị xói mòn, và trong khi chúng sụp đổ đã kéo theo rất nhiều mối quan tâm của chúng ta đối với bản thân mình với tư cách là những cá nhân có trách nhiệm.”
Lựa chọn số phận cho chính mình
Cuối cùng, luận điểm thứ tư là một hệ quả của luận điểm thứ ba: tầm quan trọng của những lựa chọn mà chúng ta đưa ra. Những lựa chọn này sẽ quyết định mọi thứ, như trong “mọi thứ” thuộc về vận mệnh, hay số phận của chúng ta.
Điều thú vị là trong thần thoại này, ba vị nữ thần Số mệnh có mặt trong buổi bốc thăm này [họ là con gái Nữ Thần của Sự Tất Yếu được nhân cách hóa ở đây, gồm có Clotho – người quay sợi, Lachesis – người đo sợi – và Atropos – người cắt chỉ. Họ dệt trên khung cửi số phận với mỗi sợi chỉ là một sinh mệnh]. Như chúng ta vẫn nói trong thế giới hiện đại, các lựa chọn đều có hậu quả, nhưng ngày càng có nhiều người dường như muốn chối bỏ thực tế này. Nhà văn và triết gia Ayn Rand đã có một câu cách ngôn tuyệt vời gói gọn vấn đề này một cách hoàn hảo: “Chúng ta có thể phớt lờ thực tế, nhưng chúng ta không thể phớt lờ hậu quả của việc chối bỏ thực tế.”
Một cách khác của việc bày tỏ sự thật này là nói lên rằng cuộc sống có ý nghĩa bởi vì cuộc sống là [có chuẩn mực] đạo đức. Có đúng và có sai, và “Trục quay của Sự Tất Yếu” (vũ trụ) duy trì cấu trúc này. Điều này dẫn chúng ta đi thẳng trở lại lập luận thứ hai: Sự phán xét là có tồn tại.
Điều này, chắc chắn, là một liều thuốc giải độc lớn cho phần lớn suy nghĩ và niềm tin đương đại của chúng ta, không phân biệt tôn giáo nào: Linh hồn là bất diệt. Có sự phán xét sau khi qua đời. (Mặc dù trong cuộc sống cũng thường như vậy, vì như Phật giáo nói, “Bạn sẽ không bị trừng phạt vì sự tức giận của mình, mà sự tức giận của bạn sẽ trừng phạt bạn.”)
Chúng ta có trách nhiệm đối với những hành động của mình, và do đó những lựa chọn chúng ta đưa ra đều có những hệ quả vĩnh cửu. Tin rằng những mệnh đề này sẽ làm thăng hoa đời sống con người, vì như học giả Dante Prue Shaw đã quan sát, “Hành động theo bản năng trong dục vọng là trở thành cầm thú.” Đạo đức là liều thuốc hóa giải cho điều đó.
Chú thích:
Hữu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times