Cậu bé Việt Nam với khối u trên mặt được nhận nuôi tại Hoa Kỳ đoàn tụ với cha mẹ ruột ở tuổi 18
Người mẹ nhận nuôi trẻ nói rằng, “Nhiều người trong số chúng ta được ban cho ‘nhiều hơn những gì mình cần’ nên bổn phận chúng ta là trao tặng lại cho nhiều người khác.”
Một cậu bé người Việt Nam khi được sinh ra đã có một khối u lớn trên khuôn mặt. Cậu được nhận nuôi và lớn lên ở tiểu bang California, nay ở độ tuổi 18 vừa mới đoàn tụ với cha mẹ ruột của mình.
Sam Ettore được sinh ra ở Phú Riềng, [Bình Phước] Việt Nam, với khối u máu thể hang lành tính che phủ phân nửa khuôn mặt. Cậu được đưa đến một bệnh viện ở Sài Gòn, và vào trại mồ côi Gò Vấp, nơi ông John và bà Hope Ettore từ Hoa Kỳ tìm thấy cậu. Cậu bé bị suy dinh dưỡng, một mắt bị khiếm thị, bị bệnh ghẻ lở và bệnh nhiễm trùng về da khác.
Ông John, 59 tuổi và bà Hope, 51 tuổi đã đưa Sam về nhà. Họ đã cho cậu tình yêu thương và đã hỗ trợ cậu trong suốt hành trình điều trị và phục hồi. Hôm nay, Sam Ettore đã là một thanh niên, đang sống cùng cha mẹ và 5 anh chị em khác tại Ramona, tiểu bang California.
Anh Sam chia sẻ với The Epoch Times, “Cha mẹ luôn kể về việc nhận nuôi, vì thế tôi biết rằng họ đã đến một nơi rất xa xôi được gọi là Việt Nam để nhận tôi làm con. Họ cũng luôn kể tôi nghe về cha mẹ ruột người Việt Nam đã yêu thương tôi rất, rất nhiều, và họ thực sự đã làm được một điều kỳ diệu và vô tư khi nuôi tôi khôn lớn.”
Vào năm 2021, khi bà Hope được chẩn đoán ung thư vú giai đoạn 4 sau quá trình điều trị khó khăn kéo dài từ sáu năm trước, bà được thông báo rằng bà chỉ còn một năm để sống. Bà cảm thấy rằng đã đến lúc khích lệ Sam kết nối với cha mẹ ruột của mình.
Bà Hope sinh ra tại tiểu bang Louisiana và là một nhà dịch tễ học. Bà chia sẻ với The Epoch Times rằng anh Sam là một em bé sinh thiếu tháng, anh có một người anh em sinh đôi, mà cha mẹ họ đã giữ lại để nuôi dưỡng nhưng người này đã mất sau đó. “Cha mẹ họ đã không muốn từ bỏ con, nhưng họ buộc làm như vậy vì cậu bé quá ốm yếu. Thậm chí họ đã quay trở lại trại mồ côi để thăm con nhiều lần,” bà Hope nói.
Thời thơ ấu, Sam đã không nhận ra mình khác biệt với các thành viên được nhận nuôi khác trong gia đình. Anh nhớ lại, trong khi đang ở trường tiểu học, đôi khi anh để ý thấy “đôi mắt mình khác biệt” với các bạn đồng trang lứa. Và dần dần, câu chuyện về gốc gác của mình bắt đầu có ý nghĩa với anh.
Nhân dịp Sam tốt nghiệp trung học, ông John và bà Hope đã tặng con trai món quà là một chuyến đi đến Việt Nam. Tuy nhiên, trước khi trở về nơi chôn nhau cắt rốn, Sam cần kết nối với gia đình huyết thống của mình. Một người bạn cũ của bà Hope hiện đang sống tại Sài Gòn, đã dịch lại những yêu cầu của họ sang Việt ngữ và chia sẻ trên mạng xã hội.
Anh Sam cho biết, “Những lời chia sẻ đã lan truyền nhanh chóng và rộng rãi qua một đêm, và chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau, chúng tôi đã nghe tin tức từ một người rằng họ biết cha mẹ ruột của tôi. Chỉ trong vòng 48 tiếng, tôi đã trò chuyện với cả cha mẹ ruột và bà của mình.”
Anh Sam hồi tưởng lại, đó là “những giây phút thật sự xúc động với mọi người”; mẹ anh đã khóc trong suốt cuộc gọi và cậu thanh niên cảm thấy bị choáng ngợp, nhưng rất vui mừng vì đã có thể hỏi thăm những người họ hàng ruột thịt của mình.
Bà Hope đã có linh tính rằng cha mẹ ruột sẽ muốn kết nối lại với anh Sam. Bà nói với The Epoch Times rằng, “Bởi vì tôi biết hoàn cảnh cho con nuôi của họ, rằng cha mẹ của Sam làm vậy chỉ vì muốn con được điều trị, tôi biết có lẽ họ sẽ rất hạnh phúc khi gặp lại con và biết con mình đang sống rất tốt. Khi sức khỏe của mình bắt đầu tụt dốc, tôi muốn bảo đảm rằng tôi sẽ tìm thấy họ và chứng kiến cuộc đoàn tụ này. Thành thật mà nói, giây phút đó thật háo hức!”
Ông John là linh mục Cơ Đốc giáo sinh ra tại tiểu bang Ohio. Ông bà có với nhau bốn người con: chị Elliott 23 tuổi, chị Isabella 21 tuổi, chị Lilah 17 tuổi, và chị Eva 16 tuổi. Sau khi nhận nuôi Sam, họ cũng nhận thêm một bé trai bị khuyết tật từ trại mồ côi ở Ethiopia có mẹ bị bệnh lao – tên là Josia – hiện nay anh 18 tuổi
Sau khi bà Hope hoàn thành công việc truyền giáo tại Đông Nam Á vào những năm 90, bà đã tận mắt chứng kiến cuộc sống của những trẻ em cơ hàn, ốm yếu không được tiếp cận với chăm sóc sức khỏe cứu sinh.
“Có quá nhiều trẻ em cần được chăm sóc trên khắp thế giới, vì thế câu trả lời thật sự về lý do chúng tôi chọn Việt Nam là John và tôi đã cầu nguyện rằng Chúa sẽ dẫn đường cho chúng tôi gặp đúng người,” bà nói. “Đêm đó, tôi đã mơ thấy mình đang đi bộ ở Sài Gòn.”
Bà Hope chia sẻ thêm, giấc mơ tưởng chừng như “vô nghĩa” vì vào năm 2005, tất cả việc nhận nuôi con giữa Hoa Kỳ và Việt Nam bị ngừng hoạt động do tình hình nhận nuôi “chợ đen”. Tuy nhiên, gia đình Ettores đã phát hiện rằng vẫn còn cơ hội vì có một thỏa thuận đặc biệt giữa hai đất nước cho phép những đứa trẻ bệnh nặng được nhận nuôi tại Hoa Kỳ.
Sam là một trong số những đứa trẻ đó.
Bà Hope nói, “Cơ quan này đã gửi cho chúng tôi một tấm ảnh giới thiệu cháu bé. Đầu tiên, chúng tôi rất choáng váng vì chưa được chuẩn bị tinh thần để nhìn thấy đứa bé có khối u lớn trên khuôn mặt như vậy. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi sớm đã đồng ý sẽ nhận nuôi và hỗ trợ cháu bé này.”
Chỉ hai tuần sau khi đưa bé Sam 16 tháng tuổi về Mỹ, bà Hope đã sinh cô con gái út. Khi đó, gia đình trẻ có một bé 7 tuổi, một bé 5 tuổi, hai bé 16 tháng tuổi, và một bé mới sinh, nhưng cặp đôi vẫn kiên định với cam kết của mình.
Sau khi lên cân và được trị khỏi tình trạng nhiễm trùng, bé Sam vừa mới biết đi đã trải qua cuộc phẫu thuật khối u.
Bà Hope nói, “Vì khối u quá lớn, chúng tôi phải chia thành từng giai đoạn phẫu thuật. Sau lần đầu tiên, kế tiếp họ đã phẫu thuật mắt trong niềm hy vọng mọi việc sẽ không quá trễ và giúp cậu lấy lại thị lực. Tạ ơn Chúa, họ đã thành công!”
Trong nhiều năm, anh Sam đã có năm lần phẫu thuật mặt, hai lần phẫu thuật mắt, nhiều lần được làm thủ thuật tái tạo bề mặt bằng laser, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, âm ngữ trị liệu và liệu pháp hành vi để chữa chứng chậm phát triển. Thật sự không còn lời nào để diễn tả lòng biết ơn khi cuộc sống của cậu được thay đổi như thế.
Anh Sam chia sẻ, “Họ đã vô cùng tận tâm khi nhận nuôi tôi, và họ kiên định hoàn thành việc này. Nói chung, cha mẹ, anh chị em và ông bà là gia đình tốt nhất mà tôi từng ước nguyện. Tôi thật lòng cảm thấy biết ơn vì hiện tại tôi không chỉ có một gia đình, mà đến hai gia đình đều yêu thương và chăm sóc tôi.”
Bà Hope miêu tả anh Sam là một cậu con trai “thật sự ngọt ngào nhất, tốt bụng nhất, và biết quan tâm nhất” cộng thêm tính tình hài hước tuyệt vời. Bà biết rằng những người khác có thể bối rối tại sao gia đình bà lại nhận thêm hai đứa trẻ ốm yếu dù họ đã có với nhau bốn người con. Bà tin chắc rằng cuộc sống là để cho đi và chia sẻ.
Bà Hope nói, “Nhiều người trong số chúng ta được ban cho ‘nhiều hơn những gì mình cần’ nên bổn phận chúng ta cần trao tặng lại cho những ai đang thiếu thốn. Thật đơn giản và trong sáng. Tôi ao ước một điều là khi mọi người đọc được câu chuyện này, họ sẽ cân nhắc nhận nuôi những đứa trẻ không chỉ cần gia đình, mà còn cần phúc lợi y tế cứu sinh.”
Với ước vọng trở thành một đầu bếp, anh Sam dự định tham gia chương trình nghệ thuật ẩm thực tại trường Grossmont ở El Cajon, tiểu bang California vào mùa thu năm 2022. Anh cũng hy vọng sẽ có chuyến đi Việt Nam để gặp gỡ trực tiếp với gia đình ruột thịt của mình.
Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng tôi tại [email protected] và tiếp tục đọc các bài viết truyền cảm hứng bằng cách đăng ký nhận Inspired newsletter tại TheEpochTimes.com/newsletter.
Tác giả Louise Chambers là một nhà văn, sinh ra và lớn lên ở London, nước Anh. Cô đưa những tin tức truyền cảm hứng và những câu chuyện xoay quanh chủ đề con người được nhiều độc giả đón nhận.