Cảnh sát Nam Hàn đột kích một nhà hàng bị nghi là đồn công an bí mật của ĐCSTQ
Cảnh sát Nam Hàn đã tiến hành điều tra một cá nhân đại diện cho ĐCSTQ. Đây được xem là “một tín hiệu răn đe và cảnh báo đối với Bắc Kinh.”
Cảnh sát Nam Hàn đã điều tra một nhà hàng Trung Quốc ở Seoul vì bị nghi ngờ hoạt động như một đồn công an bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), có liên quan đến việc cưỡng bức hồi hương những người Hoa bất đồng chính kiến. Chủ của nhà hàng này được cho là cũng đảm trách một số vị trí quan trọng khác trong các hiệp hội ở ngoại quốc có liên kết với ĐCSTQ.
Các đồn công an được khai triển bí mật ở hải ngoại của Trung Quốc liên tiếp bị phơi bày ở nhiều quốc gia, gióng lên một hồi chuông báo động. Dư luận cho rằng chính phủ Nam Hàn cần nhanh chóng sửa đổi “luật gián điệp” của mình để đối phó với các mối đe dọa an ninh quốc gia do Trung Quốc cộng sản gây ra.
Hôm 22/02, Cảnh sát Seoul đã tiến hành một cuộc điều tra theo quy định bắt buộc đối với ông Vương Hải Quân (Wang Haijun), 46 tuổi, chủ nhà hàng Trung Quốc Hòn ngọc Viễn đông (Oriental Pearl) ở Seoul.
Cùng ngày, cảnh sát đã kiểm tra ông Vương tại cửa hải quan khi ông nhập cảnh vào Nam Hàn và thu giữ đồ đạc cá nhân của ông. Cảnh sát cũng khám xét tư gia của ông Vương ở Incheon và công ty truyền thông của ông. Theo truyền thông địa phương Nam Hàn, ông Vương và những người liên quan đã bị cấm rời khỏi quốc gia này.
Đây là cuộc điều tra bắt buộc đầu tiên kể từ cuối năm 2022 khi cảnh sát phát hiện Bắc Kinh đã thành lập một đồn công an bí mật ở Nam Hàn.
Vào cuối năm 2022, một báo cáo của Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha tiết lộ rằng chính quyền cộng sản Trung Quốc đã bí mật điều hành các đồn công an bí mật ở một số quốc gia. Báo cáo này cáo buộc rằng Cục Công an Nam Thông đã mở đồn công an bí mật theo hình thức như vậy ở Nam Hàn cũng như ở nhiều quốc gia khác. Báo cáo cũng cho rằng “các đại diện trong cộng đồng Hoa kiều và du học sinh Trung Quốc ở Hoa Kỳ, Úc, Nam Hàn và những nơi khác đã được chiêu mộ làm nhân viên liên lạc ở hải ngoại để hợp tác với các quan chức trong nước cả trong và ngoài nước [Trung Quốc].”
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một chuyên gia về Trung Quốc và từng là phó giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô của Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng cuộc truy quét của cảnh sát Nam Hàn đối với một cá nhân đại diện cho ĐCSTQ là “một tín hiệu răn đe và cảnh báo đối với Bắc Kinh.”
Việc đưa người Hoa bất đồng chính kiến hồi hương
Năm ngoái, Cơ quan Tình báo Quốc gia Nam Hàn (NIS) đã tiến hành một cuộc điều tra cho thấy nhà hàng Hòn ngọc Viễn đông mà ông Vương điều hành từ năm 2018, bị nghi ngờ hoạt động như một đồn công an bí mật của ĐCSTQ. Cuộc điều tra này còn cho thấy ông Vương cũng đã giúp Lãnh sự quán Trung Quốc đưa những người Hoa nào ở địa phương có tư tưởng chống cộng sản hồi hương về Trung Quốc.
Đầu tháng trước (02/2024), Phòng Hình sự số 2 của Văn phòng Công tố Quận Trung tâm Seoul đã truy tố vợ chồng ông Vương vì nghi ngờ vi phạm Luật Vệ sinh Thực phẩm cùng nhiều cáo buộc khác.
Trong cuộc đột kích ngày 22/02, cảnh sát cũng điều tra dòng tiền (hoạt động tài chính) của công ty ông Vương và các doanh nghiệp liên quan. Cảnh sát phát hiện ra rằng công ty của ông vẫn tiếp tục hoạt động bất chấp thua lỗ, từ đó họ nghi ngờ rằng có một dòng vốn bên ngoài đổ vào công ty, và họ cho rằng ĐCSTQ có thể đứng sau việc này.
Cảnh sát cũng lo ngại về HG Culture Media, một công ty truyền thông do ông Vương điều hành, có mối liên hệ mật thiết với các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc. Vào tháng 07/2015, HG Culture Media được xác định là một kênh của cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, Tân Hoa Xã, và là đại lý độc quyền của hãng truyền thông này tại Nam Hàn.
Một công cụ giúp ĐCSTQ gây ảnh hưởng chính trị
Ngoài chức danh Giám đốc điều hành của nhà hàng và Tổng giám đốc của HG Culture Media, ông Vương còn giữ chức vụ lãnh đạo trong cả Liên đoàn Thúc đẩy Thống nhất Hòa bình Nam Hàn-Trung Quốc lẫn Liên đoàn Hiệp hội Hoa kiều tại Nam Hàn. Hai liên đoàn này là chi nhánh của Hiệp hội Quốc gia vì Thống nhất Hòa bình Trung Quốc (NACPU), một tổ chức mật vụ dưới sự kiểm soát của cơ quan tình báo Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) của ĐCSTQ.
UFWD từ lâu đã thâm nhập mạnh mẽ vào Hồng Kông, Macau, Đài Loan, và các nước phương Tây để gây ảnh hưởng đến các hoạt động chính trị và kinh tế ở đó. Chiến thuật của cơ quan này bao gồm dụ dỗ, lôi kéo, hăm dọa, và đe dọa giới tinh anh, các nhà tài phiệt, cũng như những người nổi tiếng trong và ngoài nước để phục vụ ĐCSTQ.
Dự luật về Đạo luật Gián điệp
Nam Hàn đang gặp phải nhiều trở ngại trong việc áp dụng pháp luật chống gián điệp vào trường hợp của ông Vương. Luật hình sự hiện hành định nghĩa gián điệp là “hành vi tiết lộ bí mật quân sự để phục vụ lợi ích của kẻ thù.” Theo án lệ của Tối cao Pháp viện, chỉ có Bắc Hàn mới là “quốc gia địch thủ” của Nam Hàn. Không có cơ sở thích hợp để trừng phạt các hoạt động gián điệp và thu thập bí mật nhà nước của các quốc gia khác ngoài [hoạt động tiết lộ] bí mật quân sự.
Trọng tâm của dự luật này là việc mở rộng các hình thức trừng phạt đối với hoạt động gián điệp cũng như cải thiện nội dung chính của luật. Các nhà lập pháp Nam Hàn đã thúc đẩy sửa đổi Đạo luật Gián điệp kể từ năm 2021 để khắc phục những bất cập trong luật hình sự hiện hành.
Hôm 29/02, ông Han Min-ho, một cựu quan chức trong chính phủ Nam Hàn, người sáng lập và chủ tịch của tổ chức Công dân Phơi bày Viện Khổng Tử (CUCI), nói với The Epoch Times rằng việc sửa đổi luật gián điệp đã bị Đảng Dân Chủ ngăn chặn. Đây là đảng đối lập thân cộng sản lớn nhất, chiếm đa số ghế trong Quốc hội.