Canh bạc của Napoléon và nỗ lực của một nhà ngoại giao Hoa Kỳ để tránh khỏi cuộc chiến với nước Anh
Chuyên mục ‘Tuần này năm xưa’: Một nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm rơi vào âm mưu chính trị của Napoleon, mạo hiểm tính mạng để ngăn chặn cuộc chiến giữa Mỹ với Anh và Pháp
Khi Thủ tướng Anh William Pitt nghe tin về chiến thắng của Napoléon Bonaparte tại Austerlitz vào ngày 02/12/1805, ông đã có một dự đoán nổi tiếng: “Hãy cuộn bản đồ đó lại; trong vòng mười năm tới sẽ không có ai cần đến nó.”
Năm 1799, Bonaparte lật đổ chế độ Cộng hòa Pháp và lên nắm quyền. Vào ngày 02/12/1804, đúng một năm trước chiến thắng Austerlitz, ông đã tự phong làm Hoàng đế nước Pháp. Các cuộc chiến của Cách mạng Pháp, bắt đầu vào năm 1792, được tiếp diễn với tên gọi Chiến tranh Napoléon. Mười bốn năm trước, người Pháp từng đến giúp đỡ người Mỹ trong cuộc chiến tranh giành độc lập của họ. Tuy nhiên, đó là thời kỳ trị vì của chế độ quân chủ Pháp.
Chưa đầy ba tháng sau khi Tổng thống George Washington tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào tháng 04/1789, các nhà cách mạng Pháp đã quyết liệt bắt đầu cuộc cách mạng của họ bằng cuộc đột kích vào nhà ngục Bastille. Trong vài tháng, mối bang giao Pháp – Mỹ trở nên căng thẳng.
Các chế độ quân chủ Âu Châu e sợ ngai vàng của họ đang lung lay. Người Anh vừa để thua trong một cuộc cách mạng bên kia đại dương; cuộc cách mạng này [tại nước Pháp] chỉ còn cách họ một eo biển. Người Anh, cùng với người Nga, người Phổ, và người Áo, nhận thấy mình không chỉ đang chiến đấu với một cuộc cách mạng hỗn loạn mà còn đang phải chống lại một đế chế đang trỗi dậy.
Chật vật giữ thế trung lập
Hoa Kỳ chật vật để giữ thế trung lập. Mặc dù Mỹ quốc đã vượt qua những thách thức như Sự kiện XYZ, một cuộc trả đũa của Pháp chống lại Hiệp ước Jay có nội dung ủng hộ Anh quốc; cuộc Chiến tranh Nửa mùa (Quasi-War) với Pháp, kết thúc bằng Hiệp ước Mortefontaine năm 1800; việc Hải quân Anh cưỡng bách các thủy thủ Mỹ tòng quân, dẫn đến Đạo luật Cấm nhập cảng (Non-Importation Act) năm 1806; vụ Chesapeake gây phẫn nộ có liên quan đến Hải quân Anh, dẫn đến sự thất bại của Đạo luật cấm vận (Embargo Act) năm 1807; nhưng dường như một cuộc xung đột quân sự lớn với Pháp hoặc Anh là không thể tránh khỏi.
Ngoài những cuộc đối đầu trực tiếp, còn có những cuộc đối đầu gián tiếp. Một năm sau trận Austerlitz, Hoàng đế Napoléon ban hành Nghị định Berlin, đặt các đảo của Anh “trong tình trạng phong tỏa.” Việc phong tỏa chủ yếu ảnh hưởng đến các quốc gia trên lục địa Âu Châu. Anh đáp lại bằng Sắc lệnh Hội đồng năm 1807, phong tỏa bất kỳ bến cảng nào không chấp nhận giao thương với Anh. Hoàng đế Napoléon đáp trả lại bằng Nghị định Milan vào tháng 12/1807, cấm cả các nước thuộc phe đồng minh và phe trung lập giao thương với Anh quốc. Mỹ quốc chịu thiệt hại [nặng nề] về kinh tế trong cuộc xung đột đang diễn ra này.
Các nghị định Berlin và Milan đã tạo nên Hệ thống lục địa (cuộc phong tỏa lục địa) (*) của Napoléon nhằm bóp nghẹt thương mại của Anh. Tuy nhiên, có một vết nứt trên bộ áo giáp của Napoléon. Cùng lúc với chiến thắng Austerlitz, hải quân Pháp và Tây Ban Nha đã bị người Anh tiêu diệt trong trận Trafalgar. Sự mất mát này đã củng cố thế thống trị của hải quân Anh và khiến việc thực thi chính sách Hệ thống Lục địa trở nên vô nghĩa.
Ba ngày trước khi Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson kết thúc nhiệm kỳ, ông đã ký lệnh bãi bỏ Đạo luật cấm vận, Đạo luật đã kìm hãm nền kinh tế Mỹ nhiều hơn so với nền kinh tế Anh hay Pháp. Người kế nhiệm ông, Tổng thống James Madison, đã tìm kiếm những cách thức khác để đương đầu với tình huống dầu sôi lửa bỏng này.
Một con người hội tụ đầy đủ các tố chất
Sinh năm 1754, ông Joel Barlow từng là một người lính và giáo sĩ trong thời kỳ Cách mạng Mỹ. Tốt nghiệp Đại học Yale, ông theo đuổi công việc trong ngành luật, xuất bản, viết lách, và thăm dò địa chất cho Lãnh thổ Tây Bắc (Northwest Territory). Việc thăm dò địa chất của ông [sau này] đã bị chứng minh là một vụ bê bối. Mặc dù ông được tuyên bố là vô tội, nhưng không rõ ông đã biết bao nhiêu [thông tin] về công ty lừa đảo mà ông làm việc. Tuy nhiên, sự tai tiếng đó là cơ hội đưa ông đến nước Pháp vào năm 1788, nơi ông nhanh chóng thiết lập những mối quan hệ quyền lực và nhận được quốc tịch Pháp.
Kinh nghiệm quân sự, trình độ học vấn, và năng khiếu viết lách với các tác phẩm như “The Columbiad” và “The Hasty-Pudding” đã tạo nên danh tiếng của ông trong giới quyền lực chính trị ở Mỹ. Nhà phát minh tàu hơi nước Robert Fulton coi ông như cha mình. Ông là người bạn thân thiết của nhà văn, chính trị gia Thomas Paine, là người giúp cho cuốn sách “Age of Reason” của Paine được xuất bản khi ông Paine đang bị giam cầm.
Ông Barlow, một người ủng hộ nhiệt thành Cách mạng Pháp, nói thông thạo tiếng Pháp và tiếng Đức, và khá trôi chảy tiếng Ả Rập. Việc biết tiếng Ả Rập sau này đã trở thành một kỹ năng đắt giá, khi Ngoại trưởng Thomas Pickering tìm kiếm người phù hợp để bảo đảm việc phóng thích các tù nhân Mỹ bị giam giữ ở Algiers. Ông Barlow đã chứng tỏ ông chính là người họ đang tìm kiếm.
Vào thời điểm ông Barlow đến Algiers vào mùa xuân năm 1796, khoảng 150 thủy thủ Mỹ đã bị giam cầm và bắt làm nô lệ. Vị quốc trưởng của Algiers, Hassan Bashaw, đang chờ đợi một vận may tài chính, nhưng Hoa Kỳ hầu như không thể chi trả cho khoản tiền chuộc của vị quốc trưởng này. Đến năm 1796, ông Barlow (cùng với tù nhân trẻ tuổi James Leander Carthcart) thông qua nhiều cách khác nhau đã có đủ tiền chuộc để phóng thích cho các tù nhân, đồng thời thiết lập các hiệp ước với Algiers, Tunis, và Tripoli.
Ngoại trưởng Pickering tuyên bố: “Thật may mắn cho Hoa Kỳ, khi ở giai đoạn then chốt như vậy, lợi ích của chúng ta nằm trong tay một công dân có đủ sự khôn khéo để nhận thức và sự tự tin nắm bắt đúng thời khắc thích hợp nhất để bảo vệ chúng.”
Vào năm 1805, ông Barlow cùng phu nhân Ruth trở về Mỹ quốc. Ông tiếp tục công việc viết lách và rất chú ý đến các vấn đề chính trị trong và ngoài nước. Là cộng sự thân cận của cả Tổng thống Jefferson và Madison, ông sớm được Tổng thống Madison yêu cầu gánh vác trọng trách. Những rắc rối với Anh và Pháp đang lên đến đỉnh điểm. Người Mỹ đã trở nên tức giận trước cách họ bị đối xử bởi hai cường quốc Âu Châu này và một tầng lớp nghị sĩ mới, bao gồm các chính trị gia John C. Calhoun và Henry Clay, đang kêu gọi chiến tranh. Chiến tranh với một trong hai bên đã không mấy hứa hẹn, và nếu gây chiến với cả hai thì sẽ là thảm họa.
Tới Paris
Tổng thống Madison hy vọng ông Barlow, với vốn tiếng Pháp lưu loát, các mối kết giao với quan chức cao cấp Pháp, và kinh nghiệm từ những thành công ở khu vực bờ biển Barbary [thuộc Bắc Phi], có thể làm cầu nối giữa Mỹ quốc và giới lãnh đạo Pháp. Tổng thống Madison đề cử ông Barlow làm bộ trưởng toàn quyền (đại sứ Hoa Kỳ) vào ngày 26/02/1811. Thượng viện bổ nhiệm ông vào ngay ngày hôm sau. Đến tháng Tám, ông lên tàu USS Constitution đi Paris và đến nơi sau một tháng.
Vào ngày 21/09, ông Barlow đã thực hiện cuộc nói chuyện chính thức đầu tiên với hy vọng giảm bớt căng thẳng hoặc chấm dứt các cuộc phong tỏa của Anh và Pháp đang diễn ra. Hoàng đế Napoléon đã rời Paris vào ngày ông Barlow đến, nhưng nhà ngoại giao Mỹ này đã được diện kiến Công tước Bassano, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp. Ông Barlow tin rằng với sự trợ giúp của Bộ trưởng Bassano và sự trở lại của Hoàng đế Napoléon, họ sẽ “xóa bỏ mọi trở ngại để đạt được sự hòa hợp hoàn hảo nhất giữa hai nước.” Ông Barlow không hề hay biết, trong hai tháng tới, Hoàng đế Napoleon không có dự định quay về [Paris] từ nơi đặt trụ sở của chính phủ ở St. Cloud. Thời điểm sớm nhất để có thể đạt được một thỏa thuận và chuyển tới cả London và Hoa Thịnh Đốn là vào mùa xuân năm 1812.
Tuy nhiên, Hoàng đế Napoléon có những kế hoạch khác. Vào ngày cuối cùng của năm 1810, đồng minh của ông là Sa hoàng Nga Alexander Đệ nhất đã rút khỏi Hệ thống Lục địa. Hệ thống này đã đẩy nước Nga vào tình thế khó khăn về kinh tế và làm sụt giảm nghiêm trọng giá trị đồng ruble. Trước khi ông Barlow đến Paris, Hoàng đế Napoléon đã bắt đầu lên kế hoạch buộc nước Nga quay trở lại Hệ thống Lục địa.
Thời gian là điều cốt yếu. Ông Barlow càng cảm thấy áp lực hơn khi các bức thư từ Bộ trưởng Anh Augustus John Foster gửi Ngoại trưởng Mỹ James Monroe tuyên bố rằng Anh chỉ dỡ bỏ Sắc lệnh Hội đồng sau khi người Pháp dỡ bỏ các nghị định của họ. Các vấn đề đã không được giải quyết khi ông Barlow biết rằng ông [Henry] Clay hiếu chiến đã được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ.
Cuối cùng khi họ gặp nhau, Hoàng đế Napoléon hỏi ông Barlow liệu tàu chiến USS Constitution có đang chờ câu trả lời của ông về các sắc lệnh hay không, ông Barlow nhanh chóng trả lời: “Thưa ngài, họ chỉ đợi điều đó thôi.”
Nhưng sự chờ đợi chỉ mới bắt đầu.
Một trò chơi chính trị sinh tử
Đến mùa xuân năm 1812, Bộ trưởng Bassano đã đưa ra các thỏa thuận bằng lời nói rằng giờ đây người Mỹ có thể giao thương miễn thuế với người Pháp và người Pháp sẽ phóng thích các tàu, thủy thủ đoàn, và hàng hóa của Mỹ. Việc dỡ bỏ các nghị định Berlin và Milan cũng đạt được các thỏa thuận bằng miệng như vậy. Tuy nhiên, thỏa thuận bằng văn bản lại là một câu chuyện khác.
Đầu tháng Năm, ông Barlow yêu cầu được xem các tài liệu chứng minh rằng các nghị định Berlin và Milan đã được dỡ bỏ. Bộ trưởng Bassano đưa cho ông Barlow xem một văn bản nêu rõ điều đó với thái độ thờ ơ. Văn bản này, được gọi là Nghị định St. Cloud, đề ngày 28/04/1811, nhưng nó vừa mới ban hành được vài ngày trước. Bộ trưởng Bassano cho rằng ông Barlow đã biết về tài liệu này vì nội dung của nó đã được chuyển đến chính phủ Hoa Kỳ một năm trước. Nhưng ông Barlow không biết về điều đó và nội dung của tài liệu cũng chưa hề được chuyển đi.
Bất chấp mưu mẹo và sự kháng cự của Bộ trưởng Pháp trong việc ban hành văn bản trên, ông Barlow đã sao chép nó và gửi nó đến London. London do dự nhưng cuối cùng cũng nhượng bộ. Vào ngày 16/06, Bộ trưởng Ngoại giao Anh George Canning tuyên bố rằng Anh sẽ dỡ bỏ Sắc lệnh Hội đồng, và vào ngày 23/06, chúng đã được dỡ bỏ. Tuy nhiên, những nỗ lực không mệt mỏi của ông Barlow và quyết định của London đã đến muộn sau 48 giờ. Ngày 18/06/1812, Tổng thống Madison đã ký vào văn bản Quốc hội Mỹ ban hành với nội dung tuyên bố chiến tranh với Anh quốc.
Hoàng đế Napoléon đã thắng trong trận chiến chính trị này. Bây giờ ông đã có Anh quốc [là đồng minh] trong một cuộc chiến quân sự với Mỹ, vì vậy ông có thể chuyển sự tập trung của mình về phía đông. Cùng ngày khi Sắc lệnh Hội đồng được dỡ bỏ, Hoàng đế Napoléon và đại quân của ông (Grande Armée) đã vượt sông Niemen để bắt đầu cuộc xâm lược nước Nga.
Nỗ lực đạt được một hiệp ước
Thất bại này của nền ngoại giao Mỹ gần như một tấn hài kịch. Bất chấp điều đó, Ngoại trưởng Monroe vẫn ra lệnh ông Barlow ký kết một hiệp ước với Pháp. Nhà ngoại giao Mỹ này liên tục thúc ép Thứ trưởng Pháp ở Paris cho đến khi ông này thông báo với cấp trên rằng cần phải hành động hoặc chấm dứt đàm phán. Bộ trưởng Bassano đã lịch sự mời ông Barlow đến Vilna, ở Nga, và gần như bảo đảm cho ông về một hiệp ước.
Thật không may, lúc đó đã gần cuối tháng Mười và Vilna cách Paris 1,400 dặm. Tuy nhiên, ông Barlow đã đồng ý, mặc dù ông đã gần 60 tuổi và sức khỏe không ở mức tốt nhất. Ông thực hiện hành trình này bằng xe ngựa trong ba tuần. Ngay khi ông Barlow nhận được lời mời của Bộ trưởng Bassano, Hoàng đế Napoléon đã ra lệnh rút lui khỏi Moscow. Mùa đông của nước Nga sẽ sớm lấy đi đa số phần còn lại của Đại quân.
Khi ông Barlow đến, Bộ trưởng Bassano bày tỏ sự đồng ý, nhưng không thể lấy được chữ ký từ Hoàng đế Napoléon đang rút quân. Vào ngày 05/12, ông Barlow kêu gọi phái đoàn của ông rút về và tập hợp sáu đội xe ngựa để thực hiện chuyến quay về Paris qua ngả Ba Lan với hy vọng thoát khỏi mùa đông khắc nghiệt và tránh bị người Cossacks cướp bóc. Trong khi rút lui, ông Barlow đã viết một bài thơ 82 câu có tên “Advice to the Raven of Russia” (Lời khuyên cho con quạ Nga).
Tâm hồn đói khát của hắn đòi hỏi chiến tranh nối tiếp chiến tranh,
Nước này đến nước khác chìm dưới biển lửa,
Nhưng những nạn nhân Tây Ban Nha khác sẽ trỗi dậy trong làn khói
Và những người Moskows khác bóp nghẹt bầu trời,
Mỗi vùng đất thối rữa với xác người [ngổn ngang],
Dòng sông nào chẳng nhuốm máu chảy về đại dương.
Cho đến khi con người khôi phục lòng dũng cảm và chính nghĩa
Trái Đất vùng dậy trừng trị quái vật
Lật đổ gã bạo vương khỏi ngai vàng được xây bằng máu
Đưa hắn về với cát bụi, thế giới thái bình.
Cái lạnh buốt giá của tháng 12/1812 đã lấy đi sinh mệnh của nhiều người lính và cả nhà ngoại giao Mỹ này. Vào ngày 19/12, xe ngựa của ông Barlow đến Kielce, Ba Lan, nhưng lúc đó ông đã bị cảm nặng. Chiếc xe hướng đến Zarnowiec, nơi ông ra lệnh đón một người đàn ông gần như chết cóng bên đường. Tên anh ta là Adam Piwovarski, một người lính Ba Lan đã chiến đấu cho người Pháp và đang trên đường trở về nhà tại Zarnowiec. Cỗ xe đến nơi vào ngày 21/12, nhưng ông Barlow không thể cầm cự thêm nữa. Bệnh cảm của ông đã tiến triển thành bệnh viêm phổi. Chính trong tuần lễ này năm xưa, vào ngày 26/12/1812, nhà ngoại giao Barlow, trong nỗ lực đạt được một hiệp ước với Pháp vào những tháng đầu của Chiến tranh năm 1812, đã qua đời.
Tổng thống Madison và Ngoại trưởng Monroe đã không nhận được tin về sự ra đi của ông Barlow mãi đến ba tháng sau đó. Nước Mỹ vướng vào Chiến tranh năm 1812 cho đến khi ký kết Hiệp ước Ghent vào ngày 24/12/1814 – gần hai năm sau khi ông Barlow qua đời. Hoàng đế Napoléon trở lại Paris. Thất bại cuối cùng của ông trong trận Waterloo (trận chiến sau sự trở về ngắn ngủi từ cuộc sống lưu vong) vào ngày 18/06/1815 đã khiến lời tiên đoán năm 1805 của Thủ tướng William Pitt trở thành sự thật.
Ông Barlow được chôn cất tại Nhà thờ Đức Mẹ Giáng Sinh ở Zarnowiec, và một viên đá tưởng niệm do vợ ông mua đã được đặt bên trong nhà thờ. Gia đình của người lính Adam Piwovarski, người được ông Barlow cứu thoát khỏi cái chết mười mươi, nhận lãnh trách nhiệm bảo tồn đài tưởng niệm này.
Chú giải:
Lê Đào biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times