Canada: Cơ quan đạo đức doanh nghiệp bắt đầu điều tra nhân quyền xung quanh hàng nhập cảng từ Trung Quốc
Cơ quan giám sát đạo đức doanh nghiệp của Ottawa chuẩn bị công bố nhiều cuộc điều tra về việc liệu các công ty Canada có đang nhập cảng các sản phẩm được sản xuất thông qua các hành vi vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc hay không. Đây là một hành động mà các nhóm vận động đã tìm kiếm trong nhiều năm.
Tháng 04/2019, Đảng Tự Do đã bổ nhiệm bà Sheri Meyerhoffer làm Thanh tra viên đầu tiên của Canada về Trách nhiệm Doanh nghiệp, và kể từ đó những người ủng hộ cũng như các dân biểu Nghị viện đã chỉ trích chính phủ vì đã không tiến hành một cuộc điều tra nào.
Theo một thông cáo báo chí, vào chiều thứ Ba ngày 11/06 vừa qua, bà Meyerhoffer đã công bố các cuộc điều tra về “chuỗi cung ứng và hoạt động của hai công ty Canada” tại Trung Quốc dựa trên “đánh giá ban đầu về các cáo buộc vi phạm nhân quyền.”
Văn phòng của bà cũng dự định phát hành 11 báo cáo khác “trong vài tuần tới” về các trường hợp chưa biết.
Đảng Tự Do hứa sẽ tạo ra vai trò của thanh tra viên trong chiến dịch tranh cử năm 2015, thay thế cho vị trí mà chính phủ Đảng Bảo Thủ của ông Stephen Harper thành lập vào năm 2009, vốn bị hạn chế trong việc tư vấn cho lĩnh vực khai thác và giám sát các chính sách của doanh nghiệp.
Họ đã thành lập văn phòng mới vào năm 2018, đặt tên là CORE và cho phép văn phòng điều tra các ngành may mặc cũng như lĩnh vực dầu khí. Bà Meyerhoffer được bổ nhiệm một năm sau đó, nhưng bà chỉ bắt đầu nhận đơn khiếu nại vào năm 2021 và chưa từng tiến hành bất kỳ cuộc điều tra nào.
“Đội ngũ của tôi và tôi tin rằng làm đúng công việc của mình quan trọng hơn là làm nhanh,” bà nói với một ủy ban của Hạ viện về bang giao Canada-Trung Quốc vào tháng trước (06/2023).
Văn phòng này từ lâu đã phải đối mặt với một cuộc tranh luận về việc bà Meyerhoffer cần bao nhiêu quyền hạn [để tiến hành công việc].
Các nhóm vận động như Mạng lưới Canada về Trách nhiệm giải trình Doanh nghiệp (Canadian Network on Corporate Accountability) từ lâu đã kêu gọi quyền hợp pháp để buộc các công ty phải cung cấp tài liệu và nhân chứng. Nhưng một số học giả đã phản bác rằng một phương pháp mang tính hợp tác hơn với ngành công nghiệp sẽ có khả năng khích lệ thay đổi hơn.
Một đánh giá pháp lý bên ngoài do chính phủ Ottawa ủy quyền thực hiện đã đồng tình với các nhóm vận động, lập luận rằng bà Meyerhoffer sẽ không làm được gì nếu không có lệnh quy định tạm thời và/hoặc luật mới để có thể buộc các doanh nghiệp tiết lộ thông tin.
Bản thân bà Meyerhoffer đã nói với giới truyền thông hồi tháng 11/2019 rằng bà sẽ yêu cầu Đảng Tự Do cấp những quyền hạn như thế, và bà đã xác nhận hồi tháng trước rằng bà vẫn hy vọng mình sẽ được cấp các quyền hạn đó.
Hồi tháng Sáu, bà Meyerhoffer đã xác nhận với các dân biểu Nghị viện rằng bà đang xem xét 15 khiếu nại, cùng một con số tương tự mà bà đã đề ra hồi tháng Hai.
Trong số đó, 13 vụ liên quan đến khu vực Tân Cương của Trung Quốc, nơi có nhiều người Duy Ngô Nhĩ sinh sống, và số còn lại liên quan đến các công ty Canada hoạt động tại Bangladesh và quyền được hưởng mức lương đủ sống.
Bà Meyerhoffer nói với các dân biểu Nghị viện hồi tháng Hai rằng bà biết các nhóm nhân quyền đang đệ trình khiếu nại đã được khuyên không nên nộp đơn khiếu nại lên văn phòng của bà mà nên đưa thẳng ra tòa, một phần vì lo ngại các công ty không hợp tác với nhóm của bà trả đũa.
“Bởi vì chúng tôi thiếu quyền hạn để thúc ép tuân thủ, các tổ chức xã hội dân sự không khuyến nghị những người đang làm việc cùng họ đưa tình huống của người đó lên văn phòng CORE để giải quyết tranh chấp,” bà xác nhận.
“Không phải tất cả các công ty sẽ tham gia hợp tác. Cách duy nhất để chúng tôi có thể tiến lên và thực hiện một công việc chân chính và thấu đáo chính là có được những quyền hạn đó.”
Bà Meyerhoffer là một luật sư có sự nghiệp chú trọng vào cả phát triển nhân quyền quốc tế cũng như lĩnh vực dầu mỏ của Alberta.
Văn phòng của bà giám sát vai trò của bất kỳ tổ chức nào do một công ty Canada trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát, bao gồm các nhà cung cấp và nhà thầu ngoại quốc làm việc cho một công ty có trụ sở tại Canada.
Văn phòng đã thực hiện các đánh giá riêng về các vấn đề ở ngoại quốc, chẳng hạn như phân tích 10 công ty may mặc của Canada đang hoạt động ở ngoại quốc. Văn phòng đã tìm ra một số chuỗi cung ứng được truy dấu đủ tốt để có thể phát hiện hành vi lạm dụng lao động trẻ em, vì nhiều cơ quan chỉ giám sát hệ thống của các doanh nghiệp theo các bước của quá trình sản xuất nguyên liệu thô.
Các đảng đối lập đã chỉ trích chính phủ Ottawa vì hầu như không tịch thu bất kỳ chuyến hàng nào được sản xuất bằng lao động cưỡng bức. Để so sánh, Hoa Kỳ đã tịch thu 1,530 lô hàng vào năm ngoái và rốt cuộc đã chặn đứng không cho 208 lô hàng trong số đó nhập cảng vào nước này.
Vào giữa năm 2022, Liên Hiệp Quốc phát hiện Trung Quốc đã thực hiện những “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” đối với người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng Hồi giáo khác, đặc biệt là việc giam giữ tùy tiện có thể tạo thành tội ác phản nhân loại.”
Liên Hiệp Quốc cho biết Trung Quốc cần điều tra “các cáo buộc về tra tấn, bạo lực tình dục, ngược đãi và ép buộc điều trị y tế, cũng như cưỡng bức lao động và các báo cáo về các trường hợp tử vong trong khi bị giam giữ.”
Các nhóm vận động đã cảnh báo rằng bông và cà chua nhập cảng từ Trung Quốc có thể là sản phẩm của lao động nô lệ người Duy Ngô Nhĩ.
Thủ tướng Justin Trudeau cho biết ông đang chờ đợi các cuộc điều tra sắp tới trước khi cân nhắc liệu Trung Quốc có phạm tội diệt chủng hay không.
Chính quyền Bắc Kinh đã bác bỏ các báo cáo này, mô tả chúng như những nỗ lực bôi nhọ một Trung Quốc đang trỗi dậy. Nhưng quốc gia này đã cấm ngặt việc đưa tin trên truyền thông và phân tích nhân quyền ở tỉnh Tân Cương.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times