Hoa Kỳ cấm nhập cảng hàng hóa từ 2 công ty Trung Quốc với cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức
Bộ An ninh Nội địa (DHS) thông báo hôm 01/08, Hoa Kỳ đã cấm nhập cảng hàng hóa từ hai công ty có trụ sở tại Trung Quốc trong một nỗ lực “loại bỏ việc sử dụng thông lệ lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ.”
Theo thông báo, Tập đoàn Camel, nhà sản xuất pin acid-chì, Tập đoàn Công nghệ Sinh học Thần Quang (Chenguang Biotech Group), nhà sản xuất phụ gia thực phẩm và công ty con của họ là Tập đoàn Công nghệ Sinh học Thần Quang chi nhánh Yên Kỳ (Tân Cương), bị đưa vào danh sách đen vì tham gia “các hoạt động kinh doanh nhắm vào các nhóm bị bức hại, bao gồm cả người thiểu số Duy Ngô Nhĩ” ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.
Tuyên bố có hiệu lực hôm 02/08 cho biết hành động thực thi này nhằm mục đích buộc nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về “tội ác diệt chủng và tội ác phản nhân loại đối với người Duy Ngô Nhĩ đang diễn ra” ở Tân Cương.
Bộ trưởng DHS Alejandro N. Mayorkas cho biết trong thông cáo báo chí, “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với tất cả các đối tác của mình để loại bỏ hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức từ Tân Cương ra khỏi thương mại Hoa Kỳ đồng thời tạo thuận lợi cho dòng thương mại hợp pháp.”
Theo DHS, cho đến nay, hai mươi bốn công ty đang bị trừng phạt theo Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA), được Tổng thống Joe Biden ký thành luật hồi tháng 12/2021.
Chủ tịch Lực lượng Đặc nhiệm Thực thi Lao động Cưỡng bức, Thứ trưởng đặc trách vấn đề chính sách của DHS Robert Silvers cho biết, “Lực lượng Đặc nhiệm Thực thi Lao động Cưỡng bức tiếp tục gửi một thông điệp mạnh mẽ tới ngành công nghiệp rằng Hoa Kỳ sẽ không dung thứ cho lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của chúng tôi và chúng tôi sẽ luôn đứng lên chống lại thông lệ lao động tàn ác và vô nhân đạo.”
“Chúng tôi cam kết xóa sổ lao động cưỡng bức trên toàn thế giới,” ông Silvers nói trong thông cáo báo chí.
Bắc Kinh đã nhiều lần phủ nhận thông lệ “lao động cưỡng bức” và “nạn diệt chủng” ở Tân Cương, gọi các cáo buộc của Hoa Kỳ là “dối trá,” “bịa đặt,” và “những câu chuyện vô căn cứ.”
Tuy nhiên, “lao động cưỡng bức” ở Tân Cương “ngày càng ít công khai hơn, nhưng dữ dội hơn,” theo ông Adrian Zenz, một thành viên cao cấp nghiên cứu về Trung Quốc tại Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn cho biết.
Ông Zenz viết trong một bài phân tích cho tạp chí Chính sách Ngoại giao: “Việc cưỡng chế thuyên chuyển lao động cho các công việc nông nghiệp theo mùa vụ như hái bông sẽ tiếp tục đến ít nhất là năm 2022 và vẫn là một phần trong Kế hoạch 5 Năm chính thức của Tân Cương cho giai đoạn 2021-2025.”
“Thuyên chuyển lao động khiến người Duy Ngô Nhĩ phải đến các nơi làm việc do nhà nước chỉ định. Chính quyền thường tách những người này ra khỏi gia đình và cộng đồng, khiến họ phải chịu sự giám sát chặt chẽ, làm việc trong thời gian dài, cũng như buộc phải tham gia các lớp học chính trị và tiếng Hoa,” ông viết.
Theo một báo cáo hồi tháng 02/2022 có nhan đề “Tài chính và Diệt chủng: Tài chính Phát triển và Khủng hoảng ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ” cho thấy tất cả các công ty hoạt động ở Tân Cương đều nên bị nghi là đang tham gia vào nạn “lao động cưỡng bức” và kèm theo “nguy cơ đồng lõa với nạn diệt chủng đang diễn ra.”
Bản tin có sự đóng góp của Trương Đình
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times