Cách đơn giản giúp cải thiện chứng viêm mũi dị ứng
Người bị viêm mũi dị ứng thường hay hắt hơi, sổ mũi rất khó chịu. Một khi mắc chứng viêm mũi dị ứng, thì phải mang theo nó suốt đời sao? Tất nhiên là không. Điều trị chứng viêm mũi dị ứng không chỉ dựa vào uống thuốc, mà có thể áp dụng xoa bóp các huyệt vị, đây là phương pháp hay và đơn giản nhất, lại không gây tổn thương cho thân thể.
Hắt hơi và ho khi bị dị ứng không nhất định là chuyện xấu
Người bị viêm mũi dị ứng thường hắt hơi ngay khi thức dậy vào buổi sáng, kỳ thực là do bị cảm lạnh.
Trong Trung y không gọi là dị ứng, mà gọi là hàn (lạnh) hoặc nhiệt (nhiệt nóng). Trên thực tế, phong, hỏa, thấp, táo, hàn (gió, nóng, ẩm ướt, khô, lạnh) đều có thể gây dị ứng.
Ví dụ: buổi sáng ngủ dậy, thường không mặc nhiều quần áo, thậm chí hai chân giẫm trực tiếp xuống sàn nhà, hàn khí sẽ từ những nơi này bắt đầu xâm nhập vào cơ thể, gây lạnh, người bệnh sẽ hắt hơi, nghẹt mũi, ngứa mũi, chảy nước mắt v.v…, trẻ nhỏ cũng sẽ có hiện tượng sổ mũi. Khi gặp phải tình trạng này, rất nhiều người vội vàng đến gặp bác sĩ khám bệnh.
Trên thực tế, đôi khi sau khi hơi lạnh hoặc hàn khí xâm nhập, chúng ta hắt hơi, đó là một phản ứng tự vệ của cơ thể. Nó giúp chúng ta đẩy hàn khí ra khỏi cơ thể.
Trong môi trường quá lạnh thì một số người cũng sẽ bị ho. Khi ho, một số vật chất xấu bọc trong đờm, theo luồng khí khi ho được tống ra ngoài cơ thể. Bạn sẽ phát hiện lúc này cơ thể nóng lên, đó cũng là do cơ thể dùng ho để làm nóng cơ thể. Sinh lý học cho rằng run là giúp cơ thể nóng lên, ho cũng giúp cơ thể nóng lên và đổ mồ hôi, điều này không phải là điều xấu, trái lại còn là điều tốt.
Cơ chế dị ứng của cơ thể chúng ta cũng là một phương thức tự bảo vệ của cơ thể.
Nhưng, nếu ho quá nặng, quá nhiều lần, sẽ khiến phổi và khí quản bị tổn thương. Cách đơn giản nhất là đeo khẩu trang hoặc mặc thêm quần áo, chú ý giữ ấm tránh lạnh cho cơ thể, dần dần sẽ tốt hơn.
Xoa bóp 3 huyệt vị để tránh viêm mũi dị ứng
Xoa bóp các huyệt vị là phương pháp vừa rất đơn giản, vừa hiệu quả, có thể giúp tránh được chứng viêm mũi dị ứng.
Cách thực hiện: Buổi sáng khi thức dậy, nằm trong chăn và xoa tay. Khi tay đã ấm, lại dùng tay xoa huyệt Toàn Trúc và huyệt Tình Minh xung quanh mắt, huyệt Nghênh Hương (còn gọi là Nghinh Hương) ở cạnh mũi. Phải xoa bao nhiêu lần? Khoảng 20-30 lần hoặc 2-3 phút là được!
Những người thường xuyên bị hắt hơi do dị ứng mũi, khi muốn hắt hơi cũng có thể bấm vào huyệt Nghênh Hương. Huyệt Nghênh Hương nằm cách bên cánh mũi khoảng nửa thốn (khoảng 0.8cm), nhẹ nhàng ấn một cái, nếu như cảm thấy giống như không thở được thì là đã ấn đúng vị trí của huyệt. Thường xuyên bấm huyệt vị này, không những cải thiện chứng viêm mũi dị ứng, mà còn có thể phòng tránh cảm cúm.
Ngoài ra, khi bạn đột ngột muốn hắt hơi, hãy xoa hai lòng bàn tay cho nóng lên rồi áp vào làm ấm vùng đỉnh đầu, cơn hắt hơi cũng có thể sẽ nhanh chóng biến mất. Bác sĩ Hồ Nãi Văn kể rằng: trước đây, khi con bác sĩ còn rất nhỏ, mỗi khi mẹ vợ ông nghe thấy cháu hắt hơi, bà sẽ thổi hơi nóng vào đầu cháu, và các triệu chứng hắt hơi đều biến mất.
Quý vị có thể xem “Khóa giảng của bác sĩ Trung y Hồ Nãi Văn” do Đài truyền hình Tân Đường Nhân sản xuất:
Nội dung bài viết được trích trong “Khóa giảng của bác sĩ Trung y Hồ Nãi Văn”
Tôn Khải Lệ thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ