Các tỷ phú Trung Quốc dẫn đầu xu hướng di cư toàn cầu, mang hàng tỷ dollar rời khỏi Trung Quốc
Khi môi trường kinh tế và chính trị ở Trung Quốc xấu đi trong những năm gần đây, một số lượng lớn các tỷ phú Trung Quốc đã di cư sang các quốc gia khác. An ninh tài chính đã trở thành động cơ hàng đầu khiến giới nhà giàu Trung Quốc mang theo tài sản rời khỏi nước này.
Hôm 29/02, tờ Financial Times đưa tin rằng doanh nhân và nhà đầu tư công nghệ Trung Quốc, ông Neil Shen (Thẩm Nam Bằng), đã có được tư cách thường trú nhân tại Singapore trước đại dịch và sau đó đã mở một văn phòng của công ty đầu tư mạo hiểm trị giá 56 tỷ USD của mình tại quốc gia này.
Ở tuổi 56, ông Thẩm nổi tiếng nhờ những khoản đầu tư ban đầu vào các công ty như Alibaba và ByteDance, công ty mẹ của TikTok. Ông cũng là một nhà đầu tư lớn vào hàng trăm công ty công nghệ kỹ thuật số ở Trung Quốc, trải rộng ở hầu hết các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, và Internet Vạn vật.
Ông Thẩm cũng là tỷ phú sáng lập của Sequoia China. Năm ngoái (2024), có thông tin tiết lộ rằng Sequoia đã gián tiếp ảnh hưởng đến chính sách của Hoa Thịnh Đốn đối với Trung Quốc bằng cách quyên tặng cho nhiều trường đại học Mỹ. Do đó, vào tháng Sáu năm ngoái, Sequoia China đã được tách khỏi công ty mẹ có trụ sở tại Hoa Kỳ, công ty Sequoia Capital, và đổi tên thành HongShan.
Vào tháng Hai, HongShan và hai công ty mà họ đầu tư vào, Moonshot AI và ByteDance, đã bị nêu tên trong một báo cáo gửi Quốc hội Hoa Kỳ vì đã giúp đỡ và ủng hộ các hoạt động quân sự và đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với các nhóm dân tộc thiểu số ở Tân Cương.
Kể từ sau đại dịch, HongShan cũng đã dẫn đầu một số công ty danh mục đầu tư ở Trung Quốc đến thành lập các tổ chức tại Singapore. Sau khi ông Neil Shen nhập tịch thành công vào Singapore, những người đi theo ông cũng dễ dàng làm điều tương tự hơn.
Của cải chảy ra hải ngoại
Dưới chiêu bài “sự thịnh vượng chung,” Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đàn áp các doanh nghiệp tư nhân và các công ty công nghệ, áp đặt các biện pháp kiểm soát an ninh quốc gia, làm xấu đi mối quan hệ với các đối tác thương mại lớn của phương Tây, và thực hiện các biện pháp phong tỏa khắc nghiệt trong thời kỳ đại dịch. Điều này đã dẫn đến việc ngày càng nhiều tỷ phú Trung Quốc và các cá nhân có giá trị ròng cao (high-net-worth individual) di cư ra hải ngoại trong những năm gần đây.
Trong thập niên vừa qua, Trung Quốc đứng đầu về việc có dòng vốn ròng của các triệu phú chảy ra hải ngoại để đến với những quốc gia nằm trong lựa chọn hàng đầu của họ là Úc, Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh, Canada, và Singapore.
Theo số liệu thống kê trước đây của công ty tư vấn di cư đầu tư Henley & Partners có trụ sở tại Vương quốc Anh, vào năm 2022, hơn 10,800 triệu phú đã chọn rời khỏi Trung Quốc, mỗi người mang đi trung bình 6.6 triệu USD tài sản khi di cư ra hải ngoại. Nói cách khác, vào năm 2022, các tỷ phú Trung Quốc đã mang khoảng 71.2 tỷ USD tài sản của Trung Quốc ra đi.
Vào năm 2023, số triệu phú Trung Quốc di cư đạt 13,500 người, tăng 25% so với năm 2022. Từ năm 2023 đến năm 2025, tổng số người Trung Quốc di cư có thể vượt quá 700,000 người, theo báo cáo tháng 08/2023 của công ty địa ốc quốc tế Juwai IQI. Úc là điểm đến hàng đầu của giới siêu giàu Trung Quốc, tiếp theo là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và Singapore đứng thứ ba.
Ông Andrew Amoils, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại công ty tình báo tài sản toàn cầu New World Wealth, đã nêu lên trong một báo cáo rằng tốc độ tăng trưởng tài sản chung của Trung Quốc đang chậm lại, điều đó có nghĩa là dòng vốn chảy ra gần đây có thể tăng mạnh hơn so với trước đây.
Theo báo cáo của CNBC năm ngoái, kể từ khi ĐCSTQ đề ra ý tưởng “thịnh vượng chung,” các tỷ phú Trung Quốc đã đẩy nhanh tốc độ chuyển vốn đến những địa điểm tốt hơn, một trong số đó là việc thành lập công ty tư nhân để chuyển tài sản, mà Singapore là điểm đến được nhiều người lựa chọn.
Theo dữ liệu từ công ty phân tích Amicus, tính đến tháng 08/023, trong số những người giàu có đã thành lập công ty tư nhân ở Singapore từ hơn 60 khu vực trên toàn thế giới, người Trung Quốc giàu có chiếm số lượng lớn nhất, với 699 người, tương đương 34%.
Ông Chu Đạo Truyền (Chu Daochuan), giám đốc nghiên cứu và chiến lược của Yunfeng Financial, đã tổ chức lễ khai trương công ty tư nhân liên doanh tại Singapore vào tháng Hai. Ông nói với truyền thông Trung Quốc rằng số vốn ban đầu cho công ty tư nhân của họ là xấp xỉ 100 triệu USD.
Trong hai đến ba năm qua, nhiều công ty đã chuyển đến Singapore với sự trợ giúp đầu tư của Sequoia China, trong đó có các công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc như Moonshot AI và Hai Robotics, cũng như công ty mẹ của TikTok là ByteDance, và nhà bán lẻ thời trang giá rẻ Shein.
Xu hướng dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc và Hồng Kông
Trong bối cảnh các chính sách đi lùi của ĐCSTQ khiến môi trường kinh tế và chính trị ở Trung Quốc và Hồng Kông trở nên tồi tệ hơn, tốc độ di cư của người Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này có thể dẫn đến dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc và Hồng Kông nhiều hơn.
Báo cáo Hurun công bố năm 2023 cho biết có 969 tỷ phú Trung Quốc trên toàn thế giới và khoảng 18% trong số đó sống ở bên ngoài Trung Quốc.
Theo Báo cáo Tài sản Toàn cầu năm 2023, có hơn 32,900 cá nhân ở Trung Quốc có tài sản vượt quá 100 triệu USD vào năm 2023, chỉ đứng sau Hoa Kỳ.
Dù theo ước tính, Trung Quốc có 823.800 triệu phú nhưng xu hướng vốn chảy ra ngoại quốc sẽ khiến hàng chục triệu USD tài sản biến mất khỏi Trung Quốc, càng làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái kinh tế ở Trung Quốc.
Tại Hồng Kông, ước tính có khoảng 1,000 triệu phú đã di cư vào năm ngoái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực thu hút vốn của chính phủ Hồng Kông và biến Hồng Kông thành trung tâm cho các văn phòng gia đình (family office*).
(*) family office là công ty tư vấn quản lý tài sản tư nhân phục vụ các cá nhân có giá trị tài sản ròng vô cùng cao.
Trước đây, Hồng Kông được đánh giá là nền kinh tế tự do nhất thế giới. Nhiều tỷ phú Trung Quốc đã trở thành cư dân mới nhập cư vào Hồng Kông. Tuy nhiên, với sự sụp đổ của hình thức cai trị “một quốc gia, hai chế độ” mà ĐCSTQ đã hứa hẹn trước khi quản lý Hồng Kông, nhiều tỷ phú Hồng Kông cũ và mới đã bắt đầu rút tiền khỏi Hồng Kông.
Ông Lưu Mộng Hùng (Lew Mon-hung), một doanh nhân Hồng Kông nổi tiếng và là cựu thành viên của Quốc hội bù nhìn Trung Quốc, gần đây đã nói với The Epoch Times rằng lý do dẫn đến sự thay đổi trong tâm lý của các tỷ phú là do ĐCSTQ về cơ bản đã đảo ngược chính sách “cải tổ và mở cửa.” Điều này đã tác động đến Hồng Kông và thể chế “một quốc gia, hai chế độ” của đặc khu này. Trên thực tế, đó là thể chế “một quốc gia, một chế độ,” mang đến cho Hồng Kông chế độ độc tài thay vì pháp quyền.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times