Các thẩm phán SCOTUS theo phái bảo tồn truyền thống hoài nghi thẩm quyền pháp lý của chính phủ TT Biden trong việc xóa nợ sinh viên
Trong các cuộc tranh luận trực tiếp hôm 28/02, các thành viên theo phái bảo tồn truyền thống của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (SCOTUS) đã tỏ ra hoài nghi về tuyên bố của chính phủ Tổng thống (TT) Biden rằng kế hoạch xóa một phần khoản vay sinh viên của chính phủ được luật liên bang cho phép.
Tổng Biện lý Sự vụ Hoa Kỳ Elizabeth Prelogar nói với Tối cao Pháp viện rằng Đạo luật Cơ hội Cứu trợ Giáo dục Đại học cho Sinh viên (Đạo luật HEROES) của liên bang năm 2003 trao cho bộ trưởng giáo dục liên bang toàn quyền cho phép xóa nợ cho hàng loạt khoản vay, một tuyên bố mà một số thẩm phán đã chỉ trích.
TT Biden công bố kế hoạch xóa nợ hồi tháng 08/2022 trong một hành động mà các nhà phê bình chỉ trích là một nỗ lực đáng ngờ về mặt Hiến Pháp nhằm trợ giúp Đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11/2022. Văn phòng Ngân sách Quốc hội cho biết kế hoạch này có thể tiêu tốn khoảng 400 tỷ USD, nhưng Trường Wharton ước tính mức giá có thể vượt quá 1 ngàn tỷ USD.
Chương trình này dựa trên sự tồn tại của các tình huống khẩn cấp mà chính phủ cựu TT Trump đã tuyên bố để chống lại virus COVID-19 hồi tháng 03/2020.
Tình trạng khẩn cấp quốc gia và tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đã cho phép các cơ quan liên bang thực hiện các quyền hạn mở rộng trong việc quản lý hoạt động ứng phó với đại dịch của chính phủ.
Khiến cho vấn đề trở nên phức tạp hơn, Văn phòng Quản lý và Ngân sách của TT Biden cho biết hôm 30/01 rằng họ sẽ gia hạn các tình trạng khẩn cấp sắp hết hạn cho đến ngày 11/05 “và sau đó kết thúc cả hai tình trạng khẩn cấp vào ngày hôm đó.”
Chính phủ TT Biden đã tạm dừng các khoản thanh toán và lãi suất cho các khoản vay sinh viên trong đại dịch gần đây với chi phí ước tính khoảng 100 tỷ USD, nhưng sau đó đã tuyên bố hồi năm ngoái rằng đại dịch đã trao cho họ thẩm quyền khẩn cấp theo luật để tiến hành xóa nợ một phần các khoản vay này.
Các thành viên Đảng Cộng Hòa trong Quốc hội nói rằng các tình trạng khẩn cấp này là không hợp lý và nên bị kết thúc sớm hơn.
Khoảng 26 triệu người được cho là đã nộp đơn theo chương trình này trước khi chương trình bị các tòa án chặn vào năm ngoái. Trong tổng số đó, 16 triệu người được cho là đã được phê chuẩn trước khi chính phủ ngừng nhận đơn.
Bộ Giáo dục Hoa Kỳ cho biết họ có thẩm quyền thúc đẩy đề nghị xóa nợ này, theo đó sẽ xóa nợ gốc lên tới 20,000 USD cho 40 triệu người mắc nợ.
Nhưng các nhà lập pháp liên quan đến việc thông qua Đạo luật HEROES nói rằng chương trình này được ban hành sau vụ tấn công khủng bố 11/09 để cung cấp cứu trợ cho nợ sinh viên đối với các thành viên nghĩa vụ quân sự và gia đình của họ, chứ không phải để xóa nợ hàng loạt.
Tối cao Pháp viện đã xét xử hai vụ kiện liên quan đến chương trình này, vụ Biden kiện Nebraska (hồ sơ tòa án số 22-506) và vụ Bộ Giáo dục kiện Brown (hồ sơ tòa án số 22-535), liên tiếp hôm 28/02.
Vụ kiện giữa ông Biden và tiểu bang Nebraska bắt nguồn từ một vụ kiện do các tiểu bang Arkansas, Iowa, Kansas, Missouri, Nebraska, và South Carolina đệ trình chống lại chính phủ liên bang.
Kháng cáo còn lại phát sinh từ một vụ kiện do hai người đi vay đệ trình, họ nói rằng bộ đã từ chối họ một cách không chính đáng cơ hội tham gia vào quá trình tham vấn công khai, và rằng họ sẽ thúc giục cơ quan này giảm nợ nhiều hơn.
Trong các cuộc tranh luận trực tiếp hôm 28/02, bà Prelogar ngụ ý rằng Đạo luật HEROES trao cho bộ trưởng giáo dục liên bang toàn quyền quyết định miễn trừ các khoản nợ sinh viên.
Phía bên kia phản bác rằng đạo luật đó không cho phép xóa nợ một cách cụ thể, nhưng có thể cho phép sửa đổi một số khoản vay nhất định.
Bà Prelogar lập luận rằng các tiểu bang thách thức kế hoạch xóa khoản vay thiếu tư cách pháp lý để phản đối chương trình này.
Đáp lại Thẩm phán Clarence Thomas, bà Prelogar cho biết khi tạo ra Đạo luật HEROES, Quốc hội đã cố gắng “bao quát lĩnh vực này” để cung cấp cho bộ trưởng các công cụ cần thiết cho việc ứng phó với tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Thẩm phán Samuel Alito lưu ý rằng Missouri đang tuyên bố rằng chương trình này sẽ làm tổn hại đến doanh thu của Cơ quan Cho vay Giáo dục Đại học Missouri (MOHELA), cơ quan mà tiểu bang này thành lập để phục vụ các khoản vay dành cho sinh viên. Điều này sẽ mang lại tư cách pháp lý cho tiểu bang này khởi kiện, ông Alito ngụ ý.
“Thay vào đó, tại sao bài kiểm tra không nên là đánh giá xem liệu mối liên quan giữa chương trình này và Tiểu bang Missouri là lớn đến mức, một thiệt hại cho MOHELA sẽ nhất thiết hoặc có lẽ sẽ gây hại cho Tiểu bang này hay không?” vị thẩm phán này nói.
Chánh án John Roberts cho biết chính phủ liên bang mô tả chương trình giảm nợ là một nỗ lực nhằm “sửa đổi” chương trình cho vay sinh viên liên bang để miễn nợ cho sinh viên.
Ông Roberts lưu ý trong một bản ý kiến rằng, cố Thẩm phán Antonin Scalia đã nói từ “‘sửa đổi’… có nghĩa là thay đổi vừa phải.”
“Có thể là tiếng Anh đúng văn phạm khi nói rằng Cách mạng Pháp đã thay đổi địa vị của giới quý tộc Pháp, nhưng chỉ vì có một lối nói uyển ngữ được gọi là nói giảm và một thủ pháp văn học được gọi là châm biếm,” vị chánh án này nói.
“Chúng ta đang nói về nửa ngàn tỷ dollar và 43 triệu người Mỹ. Làm thế nào mà điều đó có thể phù hợp được với cách hiểu thông thường về sửa đổi?” ông nói.
Bà Prelogar đã nói rằng trong đạo luật từ “‘sửa đổi’ có nghĩa là tạo ra sự thay đổi cho đến mức loại bỏ toàn bộ.”
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times