Các nhà thiên văn khám phá ra vệ tinh mới của Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương
Các nhà thiên văn học đã sử dụng kính viễn vọng trên mặt đất và phát hiện ra ba vệ tinh mới của Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương. Một vệ tinh quay quanh Sao Thiên Vương và hai vệ tinh còn lại quay quanh Sao Hải Vương. Đây là lần đầu tiên sau hơn hai thập niên, các nhà thiên văn học đã quan sát được một vệ tinh mới của Sao Thiên Vương. Đây có thể là vệ tinh nhỏ nhất của hành tinh này.
Hôm 23/02, Viện Khoa học Carnegie ở Washington, D.C., cho biết trong một thông cáo báo chí rằng, ông Scott S. Sheppard, một nhà nghiên cứu của Viện này cho biết, ba vệ tinh mới được phát hiện này là những vệ tinh có ánh sáng mờ nhất được biết đến của Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương. Chúng là những thiên thể mờ ảo chỉ xuất hiện sau quá trình xử lý hình ảnh đặc biệt.
Vệ tinh mới này của Sao Thiên Vương có tên tạm thời là S/2023 U1. Nó có đường kính chỉ 8km và có thể là vệ tinh nhỏ nhất của hành tinh này. Nó phải mất 680 ngày để quay một vòng quanh Sao Thiên Vương. Các nhà thiên văn học đã tuân theo quy tắc đặt tên hiện có và đặt tên chính thức cho nó theo tên một nhân vật trong vở kịch của nhà viết kịch người Anh William Shakespeare.
Ông Shepard đã sử dụng kính viễn vọng Magellan ở Chile và quan sát được S/2023 U1 lần đầu tiên vào ngày 04/11/2023. Trong những quan sát tiếp theo, ông đã hợp tác với các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Động cơ Phản lực (Jet Propulsion Laboratory) của NASA và xác nhận được sự tồn tại của vệ tinh này.
Vào tháng 09/2021, ông Sheppard lần đầu tiên quan sát thấy hai vệ tinh mới của Sao Hải Vương. Vệ tinh sáng hơn được quan sát bằng kính viễn vọng Magellan và được đặt tên tạm thời là S/2002 N5. Vệ tinh mờ hơn được quan sát bởi kính viễn vọng Subaru ở Hawaii, Hoa Kỳ. Nó tạm thời được đặt tên là S/2021 N1.
S/2002 N5 có đường kính khoảng 23km. Chu kỳ quay quanh Sao Hải Vương của nó khoảng chín năm. Còn S/2021 N1 có đường kính khoảng 14km và chu kỳ quay quanh Sao Hải Vương của nó là gần 27 năm. Các nhà thiên văn học đã chính thức đặt tên cho hai vệ tinh mới theo tên của 50 Nữ Thần biển trong thần thoại Hy Lạp.
Cả ba vệ tinh này đều có quỹ đạo xa, không đồng tâm và nghiêng lệch. Điều này có nghĩa là chúng bị hút bởi lực hấp dẫn của Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương trong thời kỳ đầu hình thành Hệ Mặt Trời. Tất cả các hành tinh khổng lồ trong Hệ Mặt Trời đều có cấu trúc vệ tinh bên ngoài giống nhau, không phụ thuộc vào kích thước hoặc quá trình hình thành của chúng.
Ông Sheppard cho biết, các vệ tinh mới được phát hiện này cho thấy, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương có số lượng vệ tinh tương tự như các hành tinh khổng lồ khác quay quanh Mặt Trời. Nếu thêm S/2023 U1 mới được phát hiện, tổng số vệ tinh của Sao Thiên Vương sẽ lên tới 28.
Việc hiểu rõ hơn về cách các vệ tinh bên ngoài của những hành tinh này bị hấp dẫn có thể giúp các nhà thiên văn học làm sáng tỏ những chi tiết mới về những ngày đầu của Hệ Mặt Trời, cũng như cách vận động của các hành tinh ở ngoại vi Hệ Mặt Trời.