Các nhà khoa học phát hiện thiên hà ‘đã tử vong’ lâu đời nhất không tái hình thành hằng tinh
Các nhà thiên văn học quan trắc thấy một thiên hà ‘đã tử vong’ cách đây hơn 13 tỷ năm và nó đã ngừng việc sản sinh ra các hằng tinh. Đây là thiên hà lâu đời nhất được biết đến hiện nay.
Hôm 6/3, Đại học Cambridge ở Anh cho biết trong thông cáo báo chí rằng, một nhóm nghiên cứu do các nhà thiên văn học của trường này dẫn đầu đã sử dụng kính viễn vọng không gian James Webb của NASA và quan sát thấy thiên hà ‘đã tử vong’ chỉ mới 700 triệu năm tuổi.
Các nhà khoa học tin rằng, vũ trụ ra đời sau vụ nổ Big Bang cách đây 13.8 tỷ năm và cho đến nay nó có lịch sử tương đương con số trên (13.8 tỷ năm.)
Thiên hà mà nhóm các nhà thiên văn học quan sát thấy dường như phát triển rất nhanh và cũng sớm ‘tử vong.’ Nghĩa là các ngôi sao hình thành rất nhanh và sau đó dừng lại gần như lập tức. Tình huống này khá bất ngờ đối với sự diễn hóa ban đầu của vũ trụ.
Tuy nhiên, trước mắt vẫn chưa rõ trạng thái tử vong của thiên hà này là tạm thời hay vĩnh viễn, cũng không rõ nguyên nhân gì khiến thiên hà ngừng việc hình thành các hằng tinh.
Những phát hiện này vô cùng quan trọng trong việc giúp các nhà thiên văn học lý giải cách thức và lý do tại sao các thiên hà ngừng tạo ra các ‘tân tinh’ (sao mới), và liệu các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành hằng tinh có thay đổi trong hàng tỷ năm qua hay không.
Ông Tobias Looser, tác giả chính của nghiên cứu này và là nhà nghiên cứu tại Viện vũ trụ học Kavli (Kavli Institute for Cosmology), Cambridge (KICC), cho biết trong vài trăm triệu năm đầu tiên, vũ trụ hoạt động rất kỳ lạ với nhiều đám mây khí sụp đổ để hình thành những ‘tân tinh.’ Các thiên hà cần rất nhiều khí để hình thành các ‘tân tinh,’ và vũ trụ sơ khai giống như một ‘bữa tiệc buffet’ được ăn thỏa thích với việc có sẵn các nguồn tài nguyên dạng này.
Một tác giả báo cáo khác, Francesco D’Eugenio, cũng đến từ Viện vũ trụ học Kavli, cho biết thông thường chỉ ở giai đoạn sau của vũ trụ, chúng ta mới bắt đầu thấy các thiên hà ngừng sản sinh hằng tinh. Điều này có thể là do lỗ đen và các yếu tố khác gây ra.
Các nhà thiên văn học tin rằng, các yếu tố khác nhau có thể khiến thiên hà ngừng sản sinh ‘tân tinh’ do thiếu khí cần thiết cho sự hình thành hằng tinh. Các yếu tố bên trong như lỗ đen siêu lớn có thể đẩy khí ra khỏi thiên hà, khiến quá trình hình thành hằng tinh nhanh chóng dừng lại. Hoặc một lượng lớn khí bị tiêu hao trong quá trình hình thành hằng tinh và khí tươi xung quanh thiên hà không được bổ sung kịp thời, dẫn đến thiên hà ngừng tạo ra ‘tân tinh’ do thiếu khí.
Ông Roberto Maiolino, giáo sư tại Viện Vũ trụ học Kavli và đồng tác giả của báo cáo, cho biết: “Chúng tôi không xác định được bất kỳ khả năng nào trong số này có thể giải thích cho hiện tượng mà chúng tôi quan sát được bằng kính viễn vọng không gian Webb.”
Ông cho biết, để hiểu về vũ trụ thời sơ kỳ, các nhà thiên văn học sử dụng các mô hình được kiến lập dựa trên vũ trụ hiện đại. Nhưng giờ đây, họ đang nhìn lại cảnh tượng thời gian xa hơn trước đó, và quan sát thấy quá trình sản sinh hằng tinh của thiên hà này đã nhanh chóng ngừng lại. Trong trường hợp này, các mô hình dựa trên vũ trụ hiện đại có thể cần được sửa đổi.
Trước đây, các nhà thiên văn học đã quan sát thấy các thiên hà ‘đã tử vong’ trong vũ trụ sơ kỳ, nhưng lần này họ đã quan sát được những thiên hà cổ xưa nhất cho đến nay. Chúng cũng là một trong những thiên thể lâu đời nhất mà kính viễn vọng không gian Webb quan sát được.
Ngoài việc là thiên hà cổ xưa nhất, thiên hà này còn có khối lượng rất thấp, tương đương với Đám mây Magellan Nhỏ, một thiên hà lùn gần Dải Ngân hà, nhưng Đám mây Magellan Nhỏ vẫn đang sản sinh ra những ‘tân tinh.’
Các thiên hà “đã tử vong’ khác trong vũ trụ sơ kỳ luôn có kích thước khổng lồ, nhưng độ nhạy của kính viễn vọng không gian Webb cho phép các nhà thiên văn quan sát các thiên hà nhỏ hơn và mờ hơn.
Các nhà thiên văn học tin rằng, mặc dù thiên hà dường như đã tử vong vào thời điểm quan sát nhưng nó có thể ‘hồi sinh’ vào khoảng 13 tỷ năm sau và bắt đầu sản sinh ra những ‘tân tinh’ một lần nữa.
Tường Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ