Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện ra phân tử nước trên bề mặt tiểu hành tinh
Các nhà khoa học Hoa Kỳ lần đầu tiên phát hiện ra các phân tử nước trên bề mặt của một tiểu hành tinh. Vì nước là vật chất quan trọng để duy trì sự sống trên Trái Đất nên khám phá này giúp các nhà khoa học hiểu được cách nước được phân bố bên trong và bên ngoài hệ Mặt Trời, cũng như tìm kiếm những nơi có thể tồn tại sự sống.
Vào ngày 12/02, Viện nghiên cứu Tây Nam (Southwest Research Institute), một tổ chức nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Texas, Hoa Kỳ, đã đưa ra thông cáo báo chí cho biết, thông qua dữ liệu mà Đài quan sát thiên văn hồng ngoại tầng bình lưu (SOFIA) thu được trước đó, các nhà khoa học của tổ chức này đã lần đầu tiên tìm thấy các phân tử nước trên bề mặt của một tiểu hành tinh.
SOFIA là dự án do Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA) và Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức (German Aerospace Center) đồng sáng lập và hiện đã ngừng hoạt động.
Bà Anicia Arredondo, nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Tây Nam, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết: “Các tiểu hành tinh là tàn dư của quá trình hình thành hành tinh nên chúng có nhiều thành phần khác nhau, tùy thuộc vào vị trí hình thành trong tinh vân Mặt Trời (Solar Nebula, chỉ đám mây khí trong giai đoạn đầu của quá trình hình thành hệ Mặt Trời).”
Bà Arredondo cho rằng, điều thú vị nhất là sự phân bố nước trên các tiểu hành tinh. Bởi điều này có thể giải thích rõ cách thức nước được vận chuyển đến Trái Đất.
Các tiểu hành tinh giàu silicate khô hình thành gần Mặt Trời, trong khi vật chất băng giá tích tụ ở xa hơn. Hiểu được vị trí của các tiểu hành tinh và thành phần của chúng có thể giúp chúng ta biết vật chất trong tinh vân Mặt Trời được phân bố và diễn hóa như thế nào sau khi nó hình thành.
Sự phân bố nước trong hệ Mặt Trời giúp con người hiểu được sự phân bố nước ở các thiên hà khác. Vì nước cần thiết để duy trì sự sống trên Trái Đất nên nó cũng có thể giúp con người tìm kiếm sự sống có thể có bên trong và bên ngoài hệ Mặt Trời.
Bà Arredondo cho biết, họ đã quan trắc được dấu hiệu quang phổ của phân tử nước trên tiểu hành tinh một cách rõ ràng. Dựa trên thành công trước đây của các nhà khoa học trong việc khám phá nước trên Mặt Trăng, nhóm nghiên cứu của bà Arredondo tin rằng, họ có thể sử dụng SOFIA để tìm ra những đặc điểm quang phổ như vậy trên các thiên thể khác.
SOFIA đã phát hiện các phân tử nước trong một miệng núi lửa lớn ở bán cầu nam của Mặt Trăng. Các nhà khoa học ước tính, nếu thu thập tất cả các phân tử nước có thể thu được khoảng 12 ounce (355 ml) nước trên mỗi mét khối đất ở Mặt Trăng.
Bà Arredondo cho biết, dựa trên đặc điểm quang phổ, hàm lượng nước trên tiểu hành tinh này phù hợp với hàm lượng nước trên Mặt Trăng. Tương tự như vậy, nước trên các tiểu hành tinh có thể liên kết với khoáng chất, bị hấp phụ trên silicat hoặc hòa tan trong thủy tinh silicat do va chạm tạo ra.
Bà cho biết, họ sẽ sử dụng kính viễn vọng không gian James Webb của NASA và kính viễn vọng không gian hồng ngoại tiên tiến nhất để nghiên cứu nhiều tiểu hành tinh hơn trong tương lai.
Bà Arredondo nói: “Những nghiên cứu này sẽ cải thiện hiểu biết của chúng ta về sự phân bố của nước trong hệ Mặt Trời.”