Các nhà phân tích: Kinh tế chậm lại và những thay đổi chính sách sẽ gây tổn hại cho Trung Quốc vào năm 2024
Trong thông điệp năm mới của ông vào hôm Chủ Nhật (01/01/2024), lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố trong một lời thừa nhận hiếm hoi rằng, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức và ông cam kết sẽ đẩy mạnh cải tổ. Trong khi đó, các nhà phân tích tin rằng nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và những thay đổi chính sách sẽ tiếp tục gây tổn hại cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này trong năm 2024.
Các nhà phân tích cho biết thêm, điều tệ hơn nữa là, sau một năm 2023 đầy sóng gió, Trung Quốc sẽ bước vào năm mới trong tình trạng bất ổn với các vấn đề cấu trúc sâu rộng không dễ giải quyết.
Bà Vương Lam (Lan Wang), giám đốc cao cấp của Fitch Ratings, viết trong một ghi chú dành cho khách hàng được công bố hôm thứ Ba (02/01/2024) mà The Epoch Times truy cập được rằng: “Tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc và phản ứng chính sách không ngừng thay đổi của chính quyền sẽ tiếp tục dẫn đến những trở ngại về hiệu quả hoạt động trong năm 2024 ở một số lĩnh vực trên khắp Trung Quốc. … Chính quyền Trung Quốc gần đây biểu thị các biện pháp chính sách trong năm tới sẽ ưu tiên cho phát triển. Hiệu quả của các biện pháp này sẽ là rất quan trọng trong việc hạn chế rủi ro suy giảm đối với tăng trưởng kinh tế, điều mà Fitch Ratings dự báo sẽ giảm xuống 4.6% vào năm 2024 từ mức 5.3% trong năm 2023.”
Bà nói thêm, một số lĩnh vực ở Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những thách thức từ tốc độ tăng trưởng chậm lại và phản ứng chính sách không ngừng thay đổi của chính quyền.
Thật vậy, trong khi Bắc Kinh đang nỗ lực phục hồi tăng trưởng và thúc đẩy nhu cầu sau một loạt các biện pháp trợ giúp vào năm ngoái (2023), các nhà phân tích tin rằng những bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2024, khi các vấn đề mang tính hệ thống cùng với việc củng cố quyền kiểm soát chính trị của ông Tập Cận Bình đe dọa làm giảm tốc độ tăng trưởng.
Sự chậm lại trên diện rộng
Chẳng hạn, hãng xếp hạng toàn cầu Moody’s Investor Service tháng trước tuyên bố rằng sự phục hồi của Trung Quốc vẫn chậm chạp, bị cản trở bởi niềm tin yếu của người tiêu dùng và doanh nghiệp, cuộc khủng hoảng địa ốc kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục ở thanh niên, và nhu cầu đối với các sản phẩm Trung Quốc giảm do suy thoái kinh tế toàn cầu.
Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 12/2023 và có mức độ giảm nhiều hơn dự đoán, làm lu mờ triển vọng phục hồi kinh tế của đất nước và củng cố khả năng áp dụng các biện pháp kích thích bổ sung trong năm tới.
Theo một cuộc khảo sát nhà máy chính thức được công bố hôm Chủ Nhật, chỉ số quản lý mua hàng chính thức (PMI) đã giảm xuống 49.0 trong tháng Mười Hai từ mức 49.4 của tháng trước (11/2023), giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm phân biệt giữa tăng trưởng và thu hẹp và không đạt được mức dự đoán trung bình 49.5 của một cuộc thăm dò từ Reuters.
Người tiêu dùng Trung Quốc cũng do dự về chi tiêu sau gần hai năm phong tỏa và hạn chế biên giới.
Theo dữ liệu mới nhất, vào tháng Bảy, Trung Quốc đã đi ngược lại xu hướng toàn cầu và bước vào giai đoạn giảm phát mà nước này vẫn chưa thoát ra được. Theo dữ liệu mới nhất, giá cả đã giảm 0.5% so với cùng thời kỳ trong tháng Mười Một, mức giảm lớn nhất trong ba năm.
Các nhà đầu tư ngoại quốc cũng đang mất dần niềm tin.
Theo báo cáo của Financial Times, hơn 75% khoản đầu tư ngoại quốc vào chứng khoán Trung Quốc trong năm 2023 đã bị rút vốn do tâm lý suy sụp trong bối cảnh lo ngại về quỹ đạo tăng trưởng của nước này và tác động thua lỗ từ lĩnh vực địa ốc.
Dữ liệu được thu thập từ Hong Kong Stock Connect và được Financial Times phân tích cho thấy kể từ khi đạt đỉnh điểm 33 tỷ USD vào tháng Tám, đầu tư ròng của ngoại quốc vào các cổ phiếu niêm yết tại Trung Quốc đã giảm 87% xuống chỉ còn 4.3 tỷ USD.
Ngoài ra, một báo cáo của Business Insider cho biết gần 90% dòng vốn đầu tư ngoại quốc vào thị trường chứng khoán Trung Quốc trong năm 2023 đã rời khỏi nước này, theo đó các quỹ ngoại quốc đã bán tháo vị thế của họ ở Trung Quốc trước lo ngại về khủng hoảng thanh khoản và tình trạng nền kinh tế không có sự phục hồi mạnh mẽ.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã cố gắng thực hiện một số sáng kiến nhằm ngăn chặn suy thoái.
Ví dụ, vào đầu tháng Mười Hai, giới lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc đã cam kết tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế vào năm 2024 trong Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương (CEWC) thường niên. Đây là một sự kiện được theo dõi sát sao, thường là dịp để đề ra các chính sách kinh tế cho năm tới.
Trong suốt nửa cuối năm ngoái, chính quyền Trung Quốc cũng đã hành động để trợ giúp cho nền kinh tế bằng cách tăng chi tiêu vào cảng và các cơ sở hạ tầng khác, giảm lãi suất cho vay, và nới lỏng các hạn chế mua nhà.
Chính sách ít có tác động
“[Tuy nhiên] các biện pháp chính sách trợ giúp kể từ tháng 08/2023 đã không thay đổi được môi trường hoạt động đầy thách thức,” bà Vương của Fitch viết, đồng thời cho biết thêm, “quy mô, thành phần và tính hiệu quả của các chính sách trợ giúp ở Trung Quốc đại lục cũng như mức độ mà các chính sách này ảnh hưởng đến các thước đo tài chính và đòn bẩy hệ thống sẽ là yếu tố quan trọng đối với hiệu quả hoạt động trong nhiều lĩnh vực của Trung Quốc đại lục trong năm 2024.”
Bà Vương cũng tin rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến có thể có tác động lan tỏa đến hiệu quả hoạt động của nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm và đặc biệt là trong các lĩnh vực ngân hàng, công ty cho thuê, và nhà phát triển địa ốc.
Theo Fitch, sự thiếu niềm tin vào các công ty xây dựng tư nhân — hậu quả của sự sụp đổ của các đại gia địa ốc như Hằng Đại (Evergrande) và Bích Quế Viên (Country Gardens) — sẽ tiếp tục xu hướng chia rẽ giữa các công ty xây dựng và kỹ thuật, đồng thời các doanh nghiệp nhà nước — đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính quyền trung ương — sẽ củng cố vị trí dẫn đầu thị trường của họ.
Khi luật môi trường mạnh mẽ hơn loại bỏ các công ty nhỏ hơn, kém hiệu quả hơn, thì ngành thép và xi măng cũng sẽ chứng kiến sự hợp nhất ngày càng tăng.
Năm 2024 ảm đạm hơn
Tuy nhiên, dù cho nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua một năm thăng trầm, thì những thách thức mà nền kinh tế này đang phải đối diện càng khiến cho triển vọng năm 2024 thậm chí còn tệ hại hơn.
Điều này là do một số sự kiện được kỳ vọng là bước ngoặt tiềm năng vào năm 2023 hóa ra lại gây thất vọng.
Đầu tiên, đó là việc thu hồi chính sách zero COVID đã không dẫn đến sự hồi phục như mong đợi. Cuối năm đó, việc nới lỏng các hạn chế về địa ốc cũng đã không thể ngăn được cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc trong ngành này.
CEWC thường niên kết thúc hồi tháng trước đã cung cấp cơ hội cho một bước ngoặt khả dĩ khác để định hướng lại chính sách. Nhưng thay vì thế, các nhà hoạch định chính sách lại truyền đi một thông điệp rõ ràng rằng chính sách sẽ chủ yếu vẫn theo lối cũ.
JP Morgan cho biết trong một báo cáo vào giữa tháng Mười Hai mà The Epoch Times truy cập được, “Trọng tâm có thể sẽ vẫn là chuyển mô hình tăng trưởng ra khỏi lĩnh vực địa ốc, đồng thời tập trung vào ổn định tài chính bằng cách cung cấp trợ giúp nhanh chóng cho các chính quyền địa phương.”
Theo ngân hàng tư nhân toàn cầu này, mặc dù các tín hiệu chính sách ít nhiều phù hợp với mong đợi, nhưng bất kỳ biện pháp kích thích lớn nào cũng không nằm trong kế hoạch, trong khi các động lực tăng trưởng được ưa chuộng trong tương lai chỉ đơn giản là hiện nay còn đang quá nhỏ để bù đắp những thiệt hại đã gây ra.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times