Lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận tình trạng kiệt quệ, bế tắc của nền kinh tế
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình thừa biết rằng nền kinh tế của Trung Quốc có triển vọng rất ảm đạm, nhưng ông lại bế tắc không có lời giải đáp.
Mặc dù Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm 2023, nhưng nền kinh tế của nước này vẫn trì trệ, nổi cộm là lĩnh vực sản xuất giảm sút. Chỉ số Nhà quản lý Mua hàng (PMI), một thước đo của hoạt động công nghiệp, đã giảm xuống mức 49 vào tháng trước, dưới mức 50, ngưỡng biểu thị sự suy thoái kinh tế.
Không có mấy hy vọng rằng tình hình này sẽ trở nên sáng sủa hơn, nếu nhìn vào các vấn đề kinh niên như suy thoái trong lĩnh vực địa ốc, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao kỷ lục, giá tiêu dùng giảm, nhu cầu bị kìm hãm, nợ gia tăng trong khi doanh thu của chính quyền ở cấp địa phương giảm. Nền kinh tế Trung Quốc không thể quay trở lại những năm tăng trưởng vượt bậc, trừ khi những vấn đề này được giải quyết.
Trong thời gian tới, thị trường nhà ở, chiếm khoảng 20% GDP, được dự đoán sẽ tiếp tục thu hẹp, đang phải đối mặt với các vấn đề cung vượt cầu dai dẳng. Đồng thời, các khoản nợ dồn tích ngày càng trở nên rõ ràng hơn, khiến các nhà phát triển địa ốc, chính quyền địa phương, và doanh nghiệp quốc doanh phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng trong việc đáp ứng được các khoản trả lãi. Cuộc khủng hoảng lão hoá dân số góp phần làm giảm quy mô của lực lượng nhân sự, đặt ra mối lo ngại đáng kể đối với một quốc gia đang có năng suất trì trệ [như Trung Quốc]. Do đó, Ngân hàng Thế giới dự đoán mức tăng trưởng của năm 2024 là 4.5%, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán mức tăng trưởng tiếp tục thấp hơn xuống còn 3.5% vào năm 2028.
Theo cách hành xử như thường lệ, ĐCSTQ không thích công bố những thách thức kinh tế của Trung Quốc. Bắc Kinh đã tung ra làn sóng chỉ trích chống lại tổ chức Dịch vụ Nhà đầu tư của Moody hồi đầu tháng 12/2023 khi hạ triển vọng đối với công khố phiếu Trung Quốc từ mức ổn định xuống mức tiêu cực. Gần đây hơn, ĐCSTQ đã trấn áp việc đưa tin tiêu cực về nền kinh tế Trung Quốc, với hy vọng xây dựng lại niềm tin của công chúng.
Tuy nhiên, trong bài diễn văn mừng Năm Mới, ông Tập thừa nhận nền kinh tế đang gặp khó khăn: “Một số doanh nghiệp phải trải qua thời kỳ khó khăn. Một số người gặp khó khăn trong việc tìm việc làm và trong việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu.”
Ông Tập tuyên bố: “Chúng ta sẽ củng cố và tăng cường đà phục hồi kinh tế, đồng thời nỗ lực đạt được sự phát triển kinh tế ổn định và lâu dài.”
Tuy nhiên, dường như ông không đưa ra kế hoạch nào để thực hiện mục tiêu đó.
Trong cùng bài diễn văn, ông cũng nói: “Trung Quốc nhất định sẽ thống nhất, và toàn bộ người Trung Quốc ở cả hai bên bờ Eo biển Đài Loan phải đồng lòng chung sức, cùng nhau chia sẻ sự vinh quang vĩ đại trong công cuộc phục hưng dân tộc Trung Hoa.”
Thâu đoạt Đài Loan bằng vũ lực sẽ không cứu vãn được nền kinh tế Trung Quốc. Trên thực tế, đây là một trong nhiều chính sách đang xua đuổi các nhà đầu tư ngoại quốc ra khỏi nước này, đồng thời cản trở tăng trưởng kinh tế.
Việc Bắc Kinh ngày càng có khuynh hướng đi theo chiến lược kinh tế can thiệp sâu hơn, căn cứ vào việc ưu tiên quyền kiểm soát của nhà nước đối với các vấn đề kinh tế và xã hội gây bất lợi cho khu vực tư nhân, đã và đang khiến các doanh nghiệp cảm thấy bất an. Một ví dụ nổi bật là Tập đoàn Alibaba, một trong những nạn nhân đầu tiên trong cuộc đàn áp công nghệ của ĐCSTQ, đã tuyên bố hồi tháng Một năm ngoái (2023) rằng họ sẽ thoái vốn khỏi Ant Group.
Chính các doanh nghiệp từng đi đầu trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với việc chính trị hoá các quy định và môi trường kinh doanh. Những hạn chế do ĐCSTQ áp đặt không chỉ tước đi những cơ hội việc làm quan trọng của đất nước mà còn cản trở việc tạo ra nguồn thu thuế thiết yếu.
Hơn nữa, các biện pháp hà khắc của ĐCSTQ, bề ngoài được thực hiện vì lý do an ninh quốc gia, dường như đã khiến các nhà đầu tư quốc tế chùn bước. Các doanh nghiệp ngoại quốc hiện đang phải đối mặt với một quyết định đầy thách thức — nên ở lại hay rời khỏi Trung Quốc đây? ĐCSTQ đã điều chỉnh các chính sách trong nước, vốn bị thúc đẩy bởi những thay đổi trong bối cảnh địa chính trị và mối bang giao căng thẳng với Hoa Kỳ, gây ra sự bất ổn ngày càng tăng đối với môi trường hoạt động của các doanh nghiệp ngoại quốc.
Mặc dù Bắc Kinh tuyên bố khuyến khích đầu tư ngoại quốc và thực hiện một số bước để thúc đẩy điều này, nhưng Luật Phản gián lại được áp dụng, khiến Trung tâm An ninh và Phản gián Quốc gia Hoa Kỳ phải ban hành cảnh báo cho các công ty Mỹ. Cách diễn đạt mơ hồ của luật này có thể khiến các hoạt động kinh doanh thông thường — chẳng hạn như kiểm toán và thẩm định — trở nên bất hợp pháp.
Do đó, các công ty như Apple đang chuyển ít nhất một số hoạt động sản xuất của họ sang Ấn Độ, Việt Nam, và các quốc gia khác thân thiện hơn. Do dòng vốn đầu tư đang bị chuyển ra khỏi Trung Quốc, Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước đã báo cáo rằng đầu tư trực tiếp ngoại quốc đã giảm 11.8 tỷ USD trong quý ba.
Việc ông Tập thừa nhận về triển vọng kinh tế ảm đạm là điều rất đáng lưu tâm. Rõ ràng là ông ta đã nhận ra vấn đề nhưng lại không có giải pháp. Nhận xét của ông về Đài Loan là đặc biệt đáng lo ngại. Nếu như không thể xây dựng di sản của mình với tư cách là đại cứu tinh cho nền kinh tế của đất nước, thì ông Tập có thể xem việc xâm chiếm Đài Loan là con đường khả thi duy nhất để hướng tới quyền lực chính trị trường tồn.
Thuần Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times