Các nhà lập pháp Hoa Kỳ kêu gọi Tòa Bạch Ốc thắt chặt các quy định về vi mạch đối với Trung Quốc
Các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa kêu gọi chính phủ Tổng thống Biden lập tức có hành động chống lại các công ty công nghệ Trung Quốc Huawei và SMIC do những lo ngại về an ninh.
Hai thành viên cao cấp của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã kêu gọi chính phủ Tổng thống Biden tăng cường thực thi các biện pháp kiểm soát xuất cảng đối với việc gửi vi mạch máy điện toán tân tiến và máy móc cần thiết cho hoạt động sản xuất của họ sang Trung Quốc.
Trong một lá thư gửi cố vấn anh ninh quốc gia Jake Sullivan hôm 06/10, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Chiến lược giữa Hoa Kỳ và Đảng Cộng sản Trung Quốc Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) và Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Hoa Kỳ Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas) cho rằng các biện pháp kiểm soát xuất cảng hiện tại của Hoa Kỳ cùng các chính sách liên quan đối với các công ty công nghệ Trung Quốc là không hiệu quả. Họ nêu ra rằng các công ty này có thể lợi dụng kẽ hở, dẫn đến những tiến bộ đáng kể trong công nghệ vi mạch bán dẫn, tạo ra rủi ro cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Bức thư được gửi đi nhằm phản ứng với sự ra mắt gần đây của phiên bản điện thoại thông minh hàng đầu của Huawei, Mate 60 Pro. Thiết bị này có vi mạch 7 nanomet tân tiến do công ty Trung Quốc tên là Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC) sản xuất, bất chấp các lệnh trừng phạt hiện tại. Vi mạch bán dẫn này được biết đến với tên gọi Kirin 9000s, có khả năng kết nối 5G.
Công ty Huawei và SMIC nằm trong danh sách đen thương mại “Entity List” (Danh sách Tổ chức) của Hoa Kỳ, điều này cấm họ mua công nghệ của Mỹ.
Các nhà lập pháp kêu gọi chính phủ ngay lập tức có hành động đối với các công ty Trung Quốc này, cho biết, “Cần áp dụng các biện pháp trừng phạt ngăn chặn hoàn toàn đối với SMIC và Huawei, điều này sẽ cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ của họ đối với công nghệ Hoa Kỳ và hệ thống tài chính của Hoa Kỳ.”
Bức thư cũng cho biết các biện pháp kiểm soát xuất cảng hiện tại cần phải thay đổi “để cắt giảm và hạn chế các giải pháp thay thế cho việc xuất cảng các công cụ và chất bán dẫn tân tiến sang Trung Quốc.”
Ngoài ra, các nhà lập pháp kêu gọi chính phủ khắc phục lỗ hổng điện toán đám mây, cho phép các công ty công nghệ Trung Quốc bị Hoa Thịnh Đốn nhắm mục tiêu tiếp cận vi mạch tân tiến của Hoa Kỳ thông qua nhà các nhà cung cấp điện toán đám mây. Các doanh nghiệp trí tuệ nhân tạo Trung Quốc được cho là đã sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của bên thứ ba và mua vi mạch cao cấp của Mỹ thông qua trung gian để né tránh các biện pháp kiểm soát xuất cảng.
The Epoch Times đã liên lạc để yêu cầu bình luận từ Tòa Bạch Ốc và Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
‘Vô cùng đáng lo ngại’
Diễn biến gần đây đã khiến Bộ Thương mại phải bắt đầu một cuộc điều tra chính thức về vi mạch bán dẫn sản xuất tại Trung Quốc của công ty Huawei.
Hôm 04/10, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo đã nói với các nhà lập pháp trước Ủy ban Thương mại Thượng viện rằng bước đột phá về vi mạch bán dẫn của Huawei là “vô cùng đáng lo ngại.” Tuy nhiên, bà cũng nói với Ủy ban Khoa học Hạ viện hồi tháng trước rằng bộ của bà không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Huawei hoặc SMIC có thể sản xuất vi mạch bán dẫn 7 nanomet “trên quy mô lớn.”
“Tin tốt duy nhất, nếu có, là chúng tôi không thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy họ có thể sản xuất vi mạch 7 nanomet trên quy mô lớn,” bà nói. “Mặc dù tôi không thể nói cụ thể về bất kỳ cuộc điều tra nào, nhưng tôi hứa với quý vị điều này: Mỗi khi chúng tôi tìm thấy bằng chứng đáng tin cậy cho thấy bất kỳ công ty nào né tránh các biện pháp kiểm soát xuất cảng của chúng tôi, thì chúng tôi đều điều tra.”
Công ty Huawei và SMIC cũng nằm trong danh sách đen của Bộ Quốc phòng, danh sách gồm có các công ty có liên kết với quân đội Trung Quốc, Quân Giải phóng Nhân dân (PLA).
Vào tuần trước (02-08/10), chính phủ Đài Loan tuyên bố rằng họ sẽ mở cuộc điều tra đối với bốn công ty công nghệ địa phương sau khi Bloomberg đưa tin các doanh nghiệp này được cho là đang trợ giúp Huawei xây dựng các nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn trên khắp miền Nam Trung Quốc. Cuộc điều tra sẽ xem xét liệu các công ty này có vi phạm các quy tắc đầu tư của Đài Loan hay không, bao gồm việc xuất cảng công nghệ nhạy cảm và các sản phẩm liên quan đến quân sự.