Ông Lại Thanh Đức: Cuộc bầu cử ở Đài Loan là về việc lựa chọn có đi theo Trung Quốc hay không
Hôm thứ Ba (21/11), ứng cử viên có triển vọng hàng đầu trở thành tổng thống tiếp theo của Đài Loan cho biết rằng người dân Đài Loan phải đưa ra lựa chọn trong cuộc bầu cử năm tới về việc hòn đảo này có tiếp tục tiến lên theo con đường dân chủ hay “bước vào vòng tay của Trung Quốc.”
Vấn đề về Trung Quốc, vốn tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình, sẽ là vấn đề quan trọng và thu hút sự quan tâm trước cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội diễn ra vào ngày 13/01, đặc biệt là khi Bắc Kinh vẫn đang tăng cường áp lực quân sự đối với hòn đảo này.
Ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te), phó tổng thống đồng thời là ứng cử viên tổng thống của đảng cầm quyền — Dân Tiến Đảng (DPP), đã dẫn đầu trong hầu hết các cuộc thăm dò ý kiến trước cuộc bầu cử. Dân Tiến Đảng ủng hộ hệ thống quản trị dân chủ tự do độc lập của Đài Loan mà không phụ thuộc vào hệ thống cai trị ở đại lục.
Đảng đối lập lớn nhất, Quốc Dân Đảng (KMT), vốn có truyền thống ủng hộ mối quan hệ mật thiết với Bắc Kinh, đang vướng vào tranh chấp với Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP) nhỏ hơn về việc ứng cử viên nào của họ nên ra tranh cử tổng thống và ứng cử viên nào sẽ làm phó tổng thống sau khi hai đảng này đồng ý hợp tác ban đầu.
Trò chuyện với các phóng viên và những người ủng hộ sau khi chính thức ghi danh ứng cử với ủy ban bầu cử, ông Lại cho biết an ninh của Đài Loan đã là một vấn đề quốc tế và cả thế giới đang dõi theo cuộc bầu cử này.
Ông nói: “Người dân Đài Loan phải lựa chọn giữa việc tin tưởng Đài Loan, cho phép Đài Loan tiếp tục tiến lên trên con đường dân chủ, với việc dựa vào Trung Quốc, đi theo đường lối cũ của nguyên tắc một Trung Quốc, và bước vào vòng tay của Trung Quốc.”
Bắc Kinh đã yêu cầu Đài Bắc chấp nhận cả hai bên eo biển Đài Loan thuộc về “một Trung Quốc”, điều mà chính phủ do Đảng Dân Tiến lãnh đạo đã bác bỏ và nói rằng chỉ người dân hòn đảo mới có thể quyết định tương lai của họ.
Hôm thứ Hai (20/11), ông Lại đã công bố cựu đại sứ cao cấp của Đài Loan tại Hoa Kỳ, bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), là ứng cử viên liên danh cùng với ông.
Giống như ông Lại, bà Tiêu bị Bắc Kinh xem thường và đã hai lần áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bà, gần đây nhất là vào tháng Tư, nói rằng bà là người “ngoan cố vì sự độc lập.”
Cuối hôm thứ Hai, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc đã chỉ trích việc ông Lại và bà Tiêu hợp sức với nhau trong một bài bình luận trên trang web của mình, nói rằng họ là “những kẻ phản diện thông đồng với nhau.”
Bài bình luận viết: “Độc lập của Đài Loan có nghĩa là chiến tranh. Sự hợp sức vì nền độc lập của ông Lại và bà Tiêu sẽ làm gia tăng căng thẳng và xung đột giữa hai bờ eo biển.”
Hôm thứ Hai, ông Lại đã bác bỏ những lời chỉ trích của Trung Quốc, nói rằng đó là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử.
Ông Lại đứng cạnh bà Tiêu bên ngoài ủy ban bầu cử, cho biết rằng ông tràn đầy tự tin.
Ông nói thêm: “Cả hai chúng tôi đều yêu mảnh đất này một cách sâu đậm, yêu đất nước này say đắm.”
Hạn chót ghi danh vào cuộc bầu cử là vào thứ Sáu (24/11). Hiện vẫn chưa rõ khi nào phe đối lập sẽ ghi danh ứng cử viên của họ.
Ông Vincent Chou, người quản lý chiến dịch tranh cử của ứng cử viên tổng thống của Đảng Nhân Dân Đài Loan kiêm nhà lãnh đạo đảng — ông Kha Văn Triết (Ko Wen-je), nói với các phóng viên hôm thứ Ba sau nhiều cuộc thảo luận thêm với Quốc Dân Đảng rằng họ “không lựa chọn” để ông Kha trở thành ứng cử viên liên danh cùng với ông Hầu Hữu Nghi (Hou Yu-ih) của Quốc Dân Đảng.
Ông Chou cho biết: “Nhưng nếu đó là một tấm vé tranh cử Kha-Hầu (ông Kha làm ứng cử viên tổng thống, ông Hầu làm ứng cử viên phó tổng thống), thì mọi người đều có thể hợp tác vì điều này.”
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times