Các cựu nhân viên ngoại giao kêu gọi cách tiếp cận tinh tế đối với chế độ Taliban ở Afghanistan
Trong lúc chúng ta đến gần ngày tròn hai năm Taliban tiếp quản Afghanistan vào cuối mùa hè này, thì cộng đồng quốc tế đang gặp khó khăn về cách tiếp cận với chế độ mới của nước này. Việc Taliban giành được những thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ dollar của Hoa Kỳ gần đây đã khiến một số nhà ngoại giao lập luận rằng một cách tiếp cận tinh tế dựa vào chính trị thay vì can thiệp quân sự và các biện pháp trừng phạt là cần thiết để bảo đảm cho sự tiến triển có ý nghĩa.
Hôm thứ Hai (03/04), cựu đại sứ Pakistan tại Hoa Kỳ Husain Haqqani đã nói chuyện với cựu đại sứ Afghanistan tại Hoa Kỳ Adela Raz tại Viện Hudson. Cả hai người đều đồng tình rằng các biện pháp trừng phạt không phải là giải pháp.
“Các biện pháp trừng phạt không hiệu quả ở nhiều quốc gia, và điều đó cũng sẽ không hiệu quả ở Afghanistan,” bà Raz lập luận. “Tôi muốn nói rõ rằng cá nhân tôi không ủng hộ việc trừng phạt đất nước này … Tôi ủng hộ các biện pháp trừng phạt đối với giới lãnh đạo của Taliban.”
Ông Haqqani đã đồng tình, nói rằng các biện pháp trừng phạt gây tổn hại người dân chứ tầng lớp thống trị đa phần không bị ảnh hưởng.
“Những người nắm quyền biết cách né tránh các biện pháp trừng phạt cho chính họ,” ông nói. “Chúng tôi đã thấy điều đó ở Iraq. Ông Saddam Hussein và chế độ của ông ấy đã làm đúng như vậy.”
Ông Haqqani tin rằng mong ước được chấp nhận trên trường quốc tế của Taliban có thể được tận dụng để củng cố nhiều quyền tự do hơn cho người dân Afghanistan. Khi được The Epoch Times hỏi, ông đã đề nghị một chính sách kỳ thị.
“Taliban thực sự mong muốn được quốc tế công nhận và chấp nhận, để có thể trở thành bình thường trên thế giới,” nhà ngoại giao này nói. “Nếu chúng ta không xem Taliban là bình thường, thì sẽ có những thế lực bên trong Taliban và trong xã hội Afghanistan tái khẳng định bản thân họ về mặt chính trị.”
Người đồng cấp của ông, bà Raz, đã đưa ra một loạt các giải pháp, từ tăng cường bảo vệ những người bất đồng chính kiến với Taliban đến tăng cường khả năng tiếp cận Internet và các công cụ liên lạc của người dân Afghanistan, đồng thời đề cập đến Starlink của ông Elon Musk như một lộ trình có khả năng để đạt được điều này.
“Họ là những người dân thường chịu ảnh hưởng. Họ là những người lên tiếng”, bà nói với The Epoch Times. “Chúng tôi phải tìm các biện pháp trong nước để giúp họ được bảo vệ.”
Cả hai nhà ngoại giao này đều phản đối mạnh mẽ việc Hoa Kỳ can thiệp quân sự vào quốc gia này, sau nhiều thập niên chiến tranh.
“Tôi đã mất những người thân trong gia đình mình trong cuộc chiến này,” bà Raz nói. “Tại giai đoạn này, tôi cho rằng một giải pháp quân sự là điều mà tôi khó có thể [ủng hộ].”
Ông Haqqani đã đề cập rằng “Afghanistan đã trải qua chiến tranh kể từ năm 1979.” Thay vào đó, cựu nhà ngoại giao này khuyến nghị đưa ra một sự cân bằng về thái độ đối lập đối với sự cai trị của Taliban cũng như các cuộc đối đầu bạo lực.”
Trung Quốc tiến vào khu vực này
Một yếu tố làm phức tạp tình hình ở Afghanistan là sự can dự ngày càng tăng của Trung Quốc vào khu vực này.
“Trung Quốc đã tiến vào Afghanistan,” ông Haqqani cảnh báo. “Có một đoạn tiếp giáp rất hẹp ngăn cách Trung Quốc với Afghanistan.”
Ông Haqqani đã lập luận rằng Bắc Kinh gần đây đã tăng cường mối liên hệ tài chính với Kabul do Taliban mới nắm quyền kiểm soát, điều này nên thu hút sự chú ý của chính phủ Tổng thống Biden.
“Trung Quốc vừa ký một thỏa thuận với Taliban để khai thác dầu ở lưu vực sông Amu Darya,” ông nói. “Họ sẽ tham gia ở đó về mặt kinh tế.”
Hồi tháng Một, Bộ trưởng Khai khoáng và Dầu khí Afghanistan và các đại diện của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã đồng ý cấp cho các công ty Trung Quốc quyền tiếp cận khoan với diện tích đất hơn 1,700 dặm vuông (4,402 km vuông) ở miền bắc Afghanistan.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times