Bang giao Trung Quốc-Taliban trở nên bền chặt sau khi Afghanistan đồng ý tham gia BRI
Hôm 06/05, Trung Quốc, Pakistan, và Taliban đã quyết định đưa Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI) tới Afghanistan trong cuộc đối thoại ba bên lần thứ năm của bộ trưởng ngoại giao các nước tại Islamabad, Pakistan.
Một tuyên bố chung do Bộ Ngoại giao Pakistan đưa ra hai ngày sau đó cho biết, “Ba bên tái đã khẳng định quyết tâm khai thác toàn bộ tiềm năng của Afghanistan như một trung tâm kết nối của khu vực. Tái khẳng định cam kết của họ trong việc đẩy mạnh hợp tác ba bên theo Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), và cùng mở rộng Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan sang Afghanistan.”
Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh có nhiều diễn biến khác nhau ở khu vực Nam Á. Nhiều chuyên gia nói với The Epoch Times rằng thông báo ba bên về BRI ở Afghanistan cho thấy các ưu tiên kinh tế của Trung Quốc ở Afghanistan trong bối cảnh sự cạnh tranh về khả năng kết nối và các tài nguyên khoáng sản trong khu vực này đang ngày càng gia tăng.
Ông Adnan Aamir, một ký giả ở Islamabad chuyên đưa tin về các lợi ích của Trung Quốc ở Pakistan, nói với The Epoch Times trong một thư điện tử, “Thông báo này cho thấy Afghanistan do Taliban kiểm soát là một khu vực ưu tiên cho việc mở rộng kinh tế của Trung Quốc. Bắc Kinh quan tâm đến việc khai thác tài nguyên khoáng sản từ Afghanistan và sử dụng các tuyến đường thương mại của nước này để đến Iran và Thổ Nhĩ Kỳ như một giải pháp thay thế cho Trung Á.”
Theo ông Aamir, Taliban không có khả năng đưa ra bất kỳ cam kết tài chính nào, và tình hình rất phức tạp, bởi vì các dự án BRI liên quan đến các khoản vay, và cả Trung Quốc lẫn Pakistan đều chưa chính thức công nhận Taliban.
Ông nói, ý tưởng về việc Afghanistan tham gia BRI là “một mong muốn hơn là một thực tế trước mắt.”
Tuyên bố chung này gọi Taliban là “Chính phủ Lâm thời Afghanistan” và đề cập rằng cuộc họp ba bên kể trên muốn khuyến khích “kết nối cứng” về cơ sở hạ tầng và “kết nối mềm” về các quy tắc và các tiêu chuẩn, đồng thời đã quyết định khám phá những biện pháp tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân và các hoạt động thương mại giữa ba nước.
Ông K. Siddhartha, một nhà tư tưởng chiến lược và nhà khoa học Trái đất, nói với The Epoch Times rằng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế Trung Quốc đối với khoáng sản và nguyên liệu thô thúc đẩy các hành động của Trung Quốc ở Afghanistan.
Ông Siddhartha, từng là một nhà tư vấn cho nhiều quốc gia, cho biết, “Địa chất của Afghanistan đã giúp cho nước này trở thành một kho chứa khoáng sản; đây là một vấn đề khác mà người Afghanistan chưa đụng đến.”
Trước đó trong tháng Tư, một công ty Trung Quốc đã cung cấp cho Taliban 10 tỷ USD và đề nghị xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược quan trọng kết nối miền bắc và miền nam của Afghanistan để đổi lấy quyền tiếp cận kho dự trữ lithium của nước này.
Ông Siddhartha cho biết Trung Quốc sẽ đòi hỏi một nguồn cung cấp lithium ngày càng tăng cho việc tiếp thị xe điện của mình và giảm chi phí sản xuất để khiến xe điện của họ trở nên cạnh tranh hơn. Ông nói: “Trung Quốc sẽ sớm muốn kiểm soát thị trường xe hơi toàn cầu.”
Trong thông cáo báo chí của mình, Bộ Mỏ và Dầu khí của Taliban cho biết rằng Trung Quốc đã đề nghị phát triển ba dự án cơ sở hạ tầng để đổi lấy lithium: Đường hầm Salang nối phía bắc Afghanistan với Kabul, xa lộ Nuristan nối Kunar với Laghman, và một dự án đập thủy điện.
Năm ngoái, Bắc Kinh tuyên bố sẽ xây dựng một khu công nghiệp ở thành phố New Kabul. Hơn nữa, hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) đã nhiều lần nói rằng sau khi Taliban lên nắm quyền, người Afghanistan có thể “quyết định vận mệnh của chính họ.”
Ông Siddhartha cho biết mô hình BRI liên kết Afghanistan với các khu vực khai thác chính của nước này giống như cách mà thực dân Anh đã liên kết các thành phố lớn của Ấn Độ vì lợi ích kinh tế của đế chế Anh.
Ông nói: “Giúp chính họ bóc lột nền kinh tế Afghanistan mà không có bất kỳ tác động đồng thời nào đối với vùng nội địa … và trong lúc đó, bảo đảm an ninh cho các nguồn cung cấp thông qua việc khai triển có chọn lọc nhân sự có vũ trang của họ.”
Ông Siddhartha tin rằng các nghị trình kinh tế dựa trên các dự án như BRI không dẫn đến sự phát triển hỗn hợp. Ông nói: “Tất nhiên, khả năng đưa đội quân an ninh Trung Quốc vào khu vực này không thể bị giảm đi chút nào.”
Chế độ tiền nhiệm của Afghanistan
Các chuyên gia cho biết tin đồn về BRI ở Afghanistan không phải là mới, và trước đây điều đó đã xảy ra vào thời chế độ tiền nhiệm của Afghanistan, nhưng không có bất kỳ kết quả thực chất nào.
Ông Aamir nói, “Ý tưởng về việc Afghanistan tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) hoặc Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) không phải là mới, vì lúc trước, cũng như các nước khác trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Trung Á, chính phủ Kabul tiền nhiệm đã đề nghị điều này.”
Bà Homira Rezai, chủ tịch Ủy ban Hazara ở Anh (HCUK), nói với The Epoch Times rằng chế độ tiền nhiệm của Afghanistan đã đối mặt với nhiều thách thức trong việc cho phép Afghanistan tham gia BRI.
Bà Rezai tin rằng mặc dù có nhiều cuộc gặp giữa các đại diện Trung Quốc và Afghanistan, nhưng BRI không thể được thực hiện sớm hơn vì hai bên không có mối bang giao thực sự.
Dưới chế độ tiền nhiệm, Afghanistan đã thực hiện Hành lang Đường sắt Năm Quốc gia và Kế hoạch Đường sắt Afghanistan với sự trợ giúp của quốc tế mà không cần sự giúp đỡ về tài chính của Trung Quốc.
Bà Rezai nói, “Hoàn cảnh hiện nay hoàn toàn khác. Taliban xem Trung Quốc là nguồn cung cấp chính để có thể độc lập tài chính. Với những biện pháp trừng phạt từ phương Tây và cuộc khủng hoảng tài chính, Trung Quốc đã thay đổi lập trường của họ đối với Afghanistan và theo đuổi một lợi ích lớn hơn ở Afghanistan.”
Ông Grant Newsham, một đại tá Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã về hưu và là nhà nghiên cứu cao cấp tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản, nói với The Epoch Times rằng phần khôi hài nhất trong thông báo đưa Taliban vào BRI là cách Pakistan được tín nhiệm trong dự án này, cùng với người Trung Quốc.
Ông Newsham nói, “Pakistan ư? Họ đã bị sụp đổ về tài chính trong nhiều thập niên. Nếu họ nói điều gì đó, chẳng hạn BRI là một cơ hội tuyệt vời, thì người ta nên tin rằng điều ngược lại mới đúng.”
Bà Rezai nói rằng thông báo này phù hợp với lợi ích của Pakistan.
Bà Rezai nói, “Với sự hợp tác của Pakistan, Trung Quốc đang nỗ lực thực sự để tăng cường sự hiện diện và vị thế của họ ở Afghanistan. Và, tất nhiên, việc Afghanistan tham gia BRI sẽ giúp ích rất nhiều cho các tuyến đường quá cảnh qua Pakistan. Có một tình huống kinh tế đôi bên cùng có lợi cho cả Pakistan và Trung Quốc.”
Bà tin rằng cộng đồng quốc tế nên theo dõi sát sao hơn các bước đi của Afghanistan.
Bà nói, “Chúng tôi biết rằng Trung Quốc chỉ có một nghị trình kinh tế và chiếm thế thượng phong trong thỏa thuận này. Pakistan dường như là trung tâm chiến lược cho liên kết đối tác này. Đây có thể là một nỗ lực nhằm trao cho [Taliban] nhiều quyền lực hơn, điều này chỉ có thể mang lại kết cục tồi tệ cho người dân Afghanistan.”
Khoảng trống mà Hoa Kỳ để lại
Các chuyên gia cho biết kể từ khi Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan, có một khoảng trống mà Trung Quốc đang nhanh chóng cố gắng lấp đầy, không chỉ vì lợi thế ở Afghanistan mà còn ở khu vực Trung Á và Nam Á rộng lớn hơn. Điều này mang đến các tác động dội lại về địa chính trị rộng lớn hơn.
Ông Shekhar Sinha, thành viên hội đồng quản trị tại Quỹ Ấn Độ và là cựu Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ, nói với The Epoch Times, “Đây là một bước tiến đáng kể. Trung Quốc sẽ tham gia nhiều hơn và quyết đoán hơn ở Tây Á, Nam Á, và châu Âu. Khoảng trống do Hoa Kỳ để lại giờ đây sẽ được Trung Quốc lấp đầy.”
Ông nói: “Mặc dù Trung Quốc không công nhận chính phủ Taliban, nhưng nước này sẽ giao dịch với các chính phủ mang lại lợi ích cho họ.”
Ông Newsham cho biết Bắc Kinh nhận thấy một lợi thế khi có chính phủ Taliban ủng hộ mình về mặt chính trị.
Ông nói, “Nếu Trung Quốc có Afghanistan trong phe của họ, thì người Mỹ thì không có. Afghanistan hiện là một trong những quân cờ của Trung Quốc trên bàn cờ — và nếu hiểu theo cách này, thì Afghanistan là nơi mà người Mỹ không còn, cũng như không có bất kỳ ảnh hưởng nào.”
Theo ông Newsham, với Taliban là đồng minh, ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Á tăng lên và điều này có lợi cho Nga. Ông nói vẫn còn phải xem liệu người Trung Quốc có tốt hơn những người ngoại quốc khác ở Afghanistan hay không.
Ông Newsham cho biết: “Việc Trung Quốc thực sự tận dụng cơ hội này sẽ là một điều thú vị để quan sát — đặc biệt là khi có rất nhiều công nhân Trung Quốc đến Afghanistan.”
Tình hình này tác động đến Ấn Độ vì đây là quốc gia lớn duy nhất trong khu vực từ chối tham gia dự án do Trung Quốc lãnh đạo này. Về mặt chiến lược, Ấn Độ cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất trước những diễn biến tại Pakistan và Afghanistan, vốn nằm trong vùng tiệm cận về địa lý của nước này.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times