Trung Quốc: Sự bất tuân trên diện rộng cho thấy người dân đã chán ngấy sự kiểm soát của cộng sản
Tấm giấy trắng giờ đây đã trở thành biểu tượng chủ đạo trong các cuộc biểu tình bất tuân dân sự ở Trung Quốc cộng sản.
Hồi cuối tuần qua, từ Bắc Kinh cho đến Thượng Hải, đám đông người biểu tình đã giơ cao những tờ giấy trắng tinh không vấy mực để bày tỏ sự thất vọng của họ đối với các quy định phòng dịch hà khắc của nhà cầm quyền, đồng thời những hình chữ nhật trắng được số hóa (biểu thị cho tờ giấy trắng ngoài đời thực) cũng tràn ngập trên WeChat, nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất đất nước — ngay cả khi các nhà kiểm duyệt đã cố gắng gỡ bỏ biểu tượng này khỏi trang web.
Ở một đất nước được cai trị bởi một chế độ khét tiếng là không dung thứ cho người bất đồng chính kiến, thì những tờ giấy trắng này — một hình tượng ẩn dụ đại diện cho tất cả những tâm tư mà người biểu tình muốn nói ra nhưng không thể nói được — đã trở thành một công cụ mạnh mẽ cho những người dân Trung Quốc bất mãn, tiếp thêm năng lượng cho một phong trào đã lan rộng đến một quy mô chưa từng thấy trong vài chục năm trở lại đây.
Hồi cuối tuần qua, cư dân Trung Quốc ở ít nhất một chục thành phố đã xuống đường biểu tình, yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chấm dứt chính sách zero COVID không khoan nhượng và dai dẳng của mình, một biện pháp mà gần ba năm sau đại dịch, vẫn tiếp tục giam hãm hàng triệu người trong nhà của họ trong khi hạn chế các hoạt động căn bản hàng ngày nhằm giảm thiểu các trường hợp nhiễm virus.
Nguyên nhân làm bùng phát các cuộc biểu tình này là một vụ hỏa hoạn tang thương tại một tòa chung cư cao tầng ở Ô Lỗ Mộc Tề (hay Urumqi), thủ phủ của khu tự trị Tân Cương phía tây Trung Quốc, nơi một số cư dân đã sống trong tình trạng bị phong tỏa hơn 100 ngày. Các quan chức tuyên bố vụ hỏa hoạn hôm 24/11 đã cướp đi sinh mạng của 10 người và làm bị thương 9 người, mặc dù các nhóm nhân quyền cho rằng số người thiệt mạng cao hơn khoảng bốn lần. Các video quay cảnh vụ hỏa hoạn cho thấy một người phụ nữ tuyệt vọng la hét cầu cứu nhưng lực lượng cứu hỏa không thể tiếp cận căn hộ đó, khiến người dân tức giận và đặt câu hỏi liệu các biện pháp hạn chế COVID có cản trở việc thoát hiểm của cư dân cũng như nỗ lực cứu hộ hay không, các nhà chức trách đã bác bỏ tuyên bố này.
Nếu không phải vậy thì cứ cho là một sự cố hy hữu đã gây chấn động công chúng Trung Quốc, những người đã sống trong các hạn chế do dịch COVID trong ba năm, mà có nhiều lúc đã khiến người dân bị giam hãm bên trong căn hộ của họ hoặc thậm chí là bên trong một tòa nhà dân cư với mọi lối ra vào bị hàn kín. Những người khác đã được chuyển đến các trung tâm cách ly hàng loạt mà không được bảo đảm nhu yếu phẩm căn bản.
Một cư dân Bắc Kinh họ Vương nói với The Epoch Times hôm 27/11, “Với các biện pháp phong tỏa hiện tại, mọi người đều bị giam hãm ở trong nhà và giả sử có một vụ hỏa hoạn xảy ra thì sao đây … mà điều này có thể xảy ra với bất kỳ ai, vậy thì ai mà không sợ chứ?”
Làn sóng giận dữ này đã nhanh chóng lan từ thành phố này đến khắp mọi nơi trên đất nước. Hàng ngàn người đã tụ tập để tưởng niệm các nạn nhân bằng nến và hoa. Trong các khuôn viên trường đại học, những sinh viên đã giơ cao các tấm biển ghi một phương trình toán học gọi là phương trình Friedmann, đồng âm với từ “freedman” (nghĩa là người tự do).
‘Nhân chứng lịch sử’
Một số người biểu tình đã đi xa đến mức kêu gọi thay đổi chế độ và có quyền tự do chính trị lớn hơn.
“Đả đảo Đảng Cộng sản Trung Quốc! Ông Tập Cận Bình, hãy từ chức đi!” một số người đã hô vang ở trung tâm thành phố Thượng Hải, nơi những ký ức về đợt phong tỏa kéo dài hàng tháng vào đầu năm nay vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí nhiều cư dân. Việc phong tỏa khiến ngay cả những người giàu có cũng phải gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn thực phẩm cũng như khiến một số người bệnh và người cao niên qua đời vì không được chăm sóc y tế.
“Xảo ngôn của chính quyền không thể đánh lừa chúng tôi được nữa,” ông Lý, người không muốn cung cấp tên đầy đủ của mình do lo ngại về vấn đề an toàn, nói với The Epoch Times hôm 27/11, đồng thời đề cập đến lời tường trình của quan chức tuyên bố rằng “khả năng tự giải cứu của một số cư dân là quá yếu ớt” nhằm quy chụp trách nhiệm cho những người thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn ở Tân Cương.
Ông nói thêm, “Thượng Hải của chúng tôi đã bị phong tỏa trong hai tháng, và có rất nhiều điều có thể liên quan đến chúng tôi.”
Cô Đổng Chánh Y (Dong Zhengyi), một sinh viên mới tốt nghiệp đại học đã sử dụng hóa danh khi nói chuyện với The Epoch Times, cho biết cô đã nổi da gà khi có mặt tại hiện trường xảy ra cuộc biểu tình ở Thượng Hải.
Cô nói, “Tôi cảm thấy như mình đang chứng kiến lịch sử.”
Hôm 27/11, cô Đổng và bạn trai của cô đã tham gia các cuộc biểu tình trên Trung lộ Ô Lỗ Mộc Tề, một tuyến đường đặt tên theo tên thủ phủ của Tân Cương, nơi đã xảy ra vụ hỏa hoạn. Mặc dù cô đã từng tin tưởng rằng chế độ này sẽ lãnh đạo Trung Quốc trở thành một nơi tốt đẹp hơn, nhưng cô Đổng đã chấn kinh khi chứng kiến hàng chục công an đánh đập và bắt giữ những người biểu tình.
“Đây không phải là cách giải quyết vấn đề,” cô nói, đồng thời tuyên bố rằng điều này sẽ không ngăn cản được quyết tâm muốn được lắng nghe của những người biểu tình.
Vào đêm hôm đó, công an Thượng Hải cũng đã tạm giữ một thông tín viên của đài BBC trong nhiều giờ sau khi đá và còng tay anh, một tình tiết đã khiến chính phủ Anh phải triệu tập đặc phái viên Trung Quốc hôm 29/11.
‘Một cuộc nổi loạn’
Theo ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu), một trưởng cố vấn chính sách Trung Quốc dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump, các cuộc biểu tình lan rộng không phải là một phản ứng đơn thuần đối với thảm kịch ở Tân Cương, mà là một cuộc phán xét trên quy mô lớn hơn đối với sự cai trị của chế độ này.
“Đối mặt với Đảng Cộng sản Trung Quốc độc tài, người dân Trung Quốc từng nghĩ rằng nếu họ không thể động đến đảng này, thì tốt nhất là nên tránh xa,” ông nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn bằng Hoa ngữ. “Nhưng các chính sách zero COVID … đã biến cả đất nước thành một nhà tù khổng lồ.”
Đối với những người không theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Trung Quốc, thì việc bùng nổ các cuộc biểu tình có thể là một bất ngờ, nhưng với ông Dư thì không.
Ông đã dẫn chứng các cuộc biểu tình lẻ tẻ từ những người lao động nhập cư trong quá khứ. Nhưng không giống như những trường hợp bất ổn đó, các quy tắc zero COVID của chế độ lần này đã ảnh hưởng đến mọi giai tầng xã hội, bao gồm cả tầng lớp trung lưu lớn mạnh của đất nước, những chủ nhà đã bị giam hãm trong chính căn nhà của họ trong một khoảng thời gian quá dài.
Ông Dư nói, “Đảng Cộng sản Trung Quốc về căn bản là trái ngược với người dân Trung Quốc.”
Đồng tình với ông Dư, nhà vận động nhân quyền người Anh Benedict Rogers cho biết các cuộc biểu tình này đại hiện cho sự thách thức hay bất tuân của người dân đối với sự cai trị hà khắc của chính quyền Trung Quốc.
“Tôi nghĩ, phản ứng mạnh mẽ này không chỉ là sự giận giữ vì thất vọng trước các cuộc phong tỏa COVID rất hà khắc, mà thực sự là cuộc phản kháng của người dân chống lại cuộc đàn áp rất nghiêm trọng của chính quyền, nhà nước giám sát này đã phát triển dưới thời cai trị của ông Tập Cận Bình trong thập niên qua,” ông Rogers nói với chương trình “American Thought Leaders” (Các Nhà lãnh đạo Tư tưởng Hoa Kỳ) của EpochTV hôm 28/11, khi đề cập đến lãnh đạo Trung Quốc.
Theo ông Rogers, ĐCSTQ có một thỏa thuận bất thành văn với người dân Trung Quốc, đó là: Đảng sẽ chịu trách nhiệm mang đến một kỷ nguyên kinh tế thịnh vượng, nâng cao mức sống cho nhân dân, nhưng đổi lại người dân phải tuân theo các quyền tự do tôn giáo và chính trị bị hạn chế nghiêm ngặt mà Đảng đề ra.
Nhưng với sự bám riết của chính quyền Trung Quốc đối với chiến lược không khoan nhượng trong việc ứng phó với dịch COVID, vốn đang tàn phá nền kinh tế của đất nước, thì giao kèo đó đã trôi vào quên lãng.
Ông Rogers nói, “Dường như người dân Trung Quốc đang ngày càng nhận ra rằng ông Tập Cận Bình đã phá vỡ điều ước đó vì ông ấy không còn theo đuổi các chính sách kinh tế trợ giúp doanh nghiệp tư nhân nữa. Ông ấy đang quay trở lại lối cai trị mang tính ý thức hệ hơn nhiều.”
Chính quyền trấn áp biểu tình
Kể từ khi dân chúng bày tỏ phẫn nộ công khai, một số thành phố của Trung Quốc đã nới lỏng phần nào các biện pháp phòng chống virus của họ, nhưng các nhà chức trách không có dấu hiệu rút lại hay phản đối chính sách quốc gia này.
Trong một cuộc họp báo hôm 28/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên đã ngập ngừng hồi lâu khi một phóng viên hỏi liệu Trung Quốc có xem xét hủy bỏ chiến lược zero COVID để đáp lại các cuộc biểu tình hay không.
Ông đã nhìn xuống trong hơn một phút, lật giở các tờ ghi chú và đề nghị phóng viên lặp lại câu hỏi. Khi trả lời, ông Triệu nói với vẻ mặt kém tự tin hơn bình thường, dừng lại vài lần khi khẳng định rằng những gì người phóng viên kia đã nói “không phản ánh những gì đã thực sự xảy ra.”
Ông nói: “Trung Quốc luôn đưa ra các điều chỉnh dựa trên hướng dẫn chung về chính sách zero COVID linh hoạt và thực tế tại hiện trường,” đồng thời cho biết thêm rằng với sự lãnh đạo của ĐCSTQ thì “cuộc chiến chống COVID sẽ thành công.”
Cuộc trao đổi này đã không được đưa vào bản ghi cuộc họp báo được công bố trên trang web của Bộ.
Nhưng ngày càng có nhiều người lo lắng rằng nhà cầm quyền sẽ sử dụng lối mòn chiến thuật của mình, đó là viện đến bạo lực và đe dọa để dập tắt bất kỳ biểu hiện bất đồng chính kiến nào đang diễn ra. Đã có những dấu hiệu cho thấy bộ máy giám sát rộng khắp của Đảng này đã bắt tay vào hành động để truy quét và xác định những người tham gia biểu tình.
Hôm 28 và 29/11, công an đã tuần hành với số lượng nhiều đáng kể ở các thành phố lớn để ngăn cản những người biểu tình tụ tập lại. Gần các địa điểm biểu tình ở Thượng Hải, các hàng rào màu xanh đã được dựng lên để ngăn người dân tụ tập, đồng thời công an tại các lối vào tàu điện ngầm và trên các trục đường chính đã chặn người qua lại để kiểm tra điện thoại của họ.
Các bản tin cho thấy, hồi cuối tuần qua, tại Bắc Kinh và những nơi khác, nhiều người biểu tình đã nhận được cuộc gọi từ công an hỏi về nơi ở và hành tung của họ. Một luật sư Trung Quốc nói với The Wall Street Journal rằng cô nghi ngờ công an đã sử dụng dữ liệu trên điện thoại di động của người biểu tình, bao gồm cả những dữ liệu được thu thập bởi ứng dụng truy vết tiếp xúc COVID bắt buộc của chế độ, để xác định danh tính của họ.
Theo ông Dư, đối với ĐCSTQ, thì chính sách [phòng chống] virus nghiêm ngặt đã được nâng lên hàng đầu, là một chứng minh rõ ràng cho ưu thế của chủ nghĩa xã hội so với phương Tây — vì vậy không có đường lui.
Bản tin có sự đóng góp của Jenny Li, Cố Hiểu Hoa, và Lý Tân An
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times