Bắc Kinh: Nhân viên phòng dịch COVID-19 đình công đòi nợ lương
Giữa các cuộc biểu tình chống COVID và sự hỗn loạn do chính sách “zero COVID” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra, một số nhân viên phòng chống dịch (còn gọi là ‘Đại Bạch’) của chế độ này ở Bắc Kinh đã đình công trong những ngày gần đây và biểu tình phản đối trước văn phòng chính quyền đòi nợ lương.
Trong video do một người được phỏng vấn cung cấp, hàng chục nhân viên phòng chống dịch đã tụ tập trước Ủy ban phường An Trấn ở quận Triều Dương, Bắc Kinh để biểu tình đòi quyền lợi. Họ hét lên: “Hãy trả số tiền vất vả lắm mới kiếm được cho chúng tôi!” Một người nào đó hét lên: “Trả tiền đi! Tôi đã mạo hiểm mạng sống của mình để kiếm được số tiền ấy!” Sự việc này được lan truyền rộng rãi trên mạng Internet. Kể từ đó, các video có nội dung này đều bị các nhà kiểm duyệt không gian mạng của ĐCSTQ xóa khỏi các nền tảng truyền thông xã hội của nước này.
Hôm 29/11, một số cư dân mạng đã khẩn thiết kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, nói rằng nhân viên phòng chống dịch của địa phương đang đình công vì vấn đề tiền lương và những người dân bị giam hãm ở trong nhà đang gặp khó khăn. Các nhân viên này chịu trách nhiệm phân phát thực phẩm theo khẩu phần, giao thuốc, cung cấp các dịch vụ và sự trợ giúp căn bản cho người dân, bên cạnh việc thực thi lệnh phong tỏa.
Một cư dân mạng cho biết: “Tòa nhà số 6 trong Khu chung cư An Hoa Tây Lý, Đường An Trấn, hiện đang bị bỏ rơi, và những cư dân bị giam hãm ở trong đó không có bất kỳ dịch vụ nào và những lời kêu cứu của họ đã bị phớt lờ.”
Một bài đăng khác cho biết: “Nó [cuộc biểu tình này] lại một lần nữa xảy ra ở Đường An Trấn, và mục đích cũng là để đòi quyền lợi. Nhưng lần trước, người dân yêu cầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa; lần này là nhân viên phòng chống dịch đòi tiền lương.”
Ông Lâm, một cư dân của Khu 1 thuộc cộng đồng An Hoa Lý đã xác nhận với The Epoch Times hôm 30/11 rằng gần đây các nhân viên phòng chống dịch đã đình công trong cộng đồng, và những người này đã tập trung trước văn phòng ngoài mặt đường của ĐCSTQ để biểu tình và đòi nợ lương.
Nhân viên bảo vệ đòi lương
Ông Lâm cho biết: “Khu phố của chúng tôi đã bị phong tỏa hơn mười ngày. Các nhân viên đã đòi tiền lương mấy ngày rồi. Họ cùng nhau đến văn phòng trên phố để yêu cầu thanh toán tiền. Họ đình công tập thể và toàn bộ nhân viên đã rời khỏi cộng đồng này vào buổi sáng. Cộng đồng này đang ở trong tình trạng hỗn loạn. Người dân đã cùng nhau hò hét trước ủy ban phường, video trực tuyến đã bị kiểm duyệt [vì chính quyền sợ tiếng la hét của người dân].”
Bà Lưu ở Khu 1 thuộc cộng đồng An Hoa Lý nói với The Epoch Times hôm 30/11 rằng trong thời gian diễn ra phong tỏa và đình công, những người lớn tuổi không biết cách mua hàng trên mạng đã không có gì để ăn. “Những nhân viên đình công để đòi nợ lương cũng chính là những người canh gác an ninh, họ phải bảo đảm người dân ở yên trong nhà đồng thời vận chuyển các mặt hàng cần giao đến các tòa nhà trong khu này. Họ chủ yếu đứng gác tại lối ra vào bị phong tỏa của các tòa nhà. Sau khi cuộc đình công diễn ra, Tòa nhà số 6 đã bị bỏ rơi. Bây giờ, chính quyền đã cử một loạt nhân viên bảo vệ mới đến để thay thế những người đó.”
The Epoch Times đã gọi điện đến trụ sở nằm trên Đường An Trấn của ĐCSTQ và văn phòng Ủy ban Dân cư Cộng đồng An Hoa Lý để yêu cầu bình luận, nhưng các cuộc gọi đều không nhận được hồi âm.
Số vụ đình công tăng lên
Đây không phải là lần đầu tiên các nhân viên phòng chống dịch của ĐCSTQ đình công.
The Epoch Times đã đưa tin hồi tháng Bảy rằng ở thành phố lớn Thẩm Dương phía đông bắc Trung Quốc, các nhân viên phòng chống đã đình công tại nhiều địa điểm xét nghiệm PCR hàng loạt vì chính quyền địa phương nợ lương. Họ phàn nàn rằng không những họ không nhận được thanh toán trực tuyến mà còn bị chính quyền đe dọa xóa bài đăng.
Hồi tháng Chín, Financial Times đưa tin nhân viên phòng chống dịch ở nhiều thành phố của Trung Quốc sắp đổ gục vì phải làm việc quá giờ, nắng nóng mùa hè, và bị nợ lương.
Hôm 01/12, nhà bình luận Tonggen của The Epoch Times đã viết rằng các nhân viên phòng chống dịch của chế độ này, cũng như lực lượng quân đội và công an đang thực hiện chính sách “zero COVID” của chính quyền trung ương, đều đang ở trong một tình huống đáng thương.
Bản tin có sự đóng góp của Triệu Phượng Hoa và Hồng Ninh
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times