Các công ty Đức xem xét việc sản xuất ở ngoại quốc khi giá năng lượng tăng vọt
Gói viện trợ năng lượng 200 tỷ euro (197 tỷ USD) của Đức sẽ cung cấp cứu trợ có giới hạn cho các doanh nghiệp và không có khả năng ngăn được các công ty đang tìm cách chuyển đến các cơ sở sản xuất ở ngoại quốc có chi phí rẻ hơn.
Chính phủ Đức đã đưa ra gói cứu trợ năng lượng nói trên hồi tháng trước, bao gồm giảm giá khí đốt và cắt giảm thuế bán nhiên liệu để giúp các gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đối phó với giá cả tăng cao.
Ông Mads Ryder, giám đốc điều hành của nhà sản xuất đồ sứ Rosenthal có trụ sở tại tiểu bang Bavaria, nói với Reuters: “Gói cứu trợ năng lượng được đề nghị sẽ không thay đổi được bất cứ điều gì trong nghị trình vào lúc này. Chúng tôi vẫn phải tìm các giải pháp thay thế.”
Công ty này được thành lập tại Đức cách đây 143 năm, đang tìm cách chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Đức để cắt giảm chi phí và ông Ryder cho biết kế hoạch kiềm chế giá khí đốt vẫn còn quá mơ hồ để thuyết phục công ty Rosenthal xem xét lại kế hoạch của họ.
Tuần này, chính phủ Đức sẽ tiết lộ chi tiết về việc kiềm chế giá khí đốt và các khía cạnh khác của gói cứu trợ nói trên, dự kiến sẽ có hiệu lực cho đến mùa xuân năm 2024.
Chi phí nhân công cao và các chi phí khác ở Đức đã khiến nhiều công ty phải chuyển các bộ phận hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh của họ đến các địa điểm rẻ hơn ở các nền kinh tế mới nổi ở Âu Châu và những nơi khác hoặc nghĩ đến cách làm như vậy.
Ông Lars Feld, một cố vấn kinh tế của Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner, cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng — đã chứng kiến giá khí đốt tăng cao sau khi có một sự sụt giảm nguồn cung khí đốt của Nga cho Âu Châu kể từ khi Nga xâm lược Ukraine — đã khiến những quyết định như vậy trở nên cấp thiết.
Ông Feld nói: “Ngành công nghiệp, đang nghĩ đến việc di dời, giờ đây sẽ chờ xem kế hoạch kiềm chế giá năng lượng có tác dụng như thế nào. Đó là một sự thúc đẩy tâm lý quan trọng. Nhưng chúng ta sẽ không thể quay trở lại mức giá năng lượng như trước khi xảy ra cuộc chiến (Ukraine).”
Một cuộc khảo sát của nghiệp đoàn Đức IG Metall cho thấy hồi tháng trước, khi các nhà sản xuất ở Đức phải đối mặt với các hóa đơn năng lượng cao gấp 10 lần so với số tiền họ phải trả hai năm trước, thì 1/5 các công ty trong ngành kỹ thuật nhận thấy nguy cơ phải chuyển ít nhất một số mảng kinh doanh của họ ra ngoại quốc.
Giá năng lượng cao đã góp phần đẩy lạm phát tiêu dùng ở Đức lên mức 10.9% trong tháng Chín, mức cao nhất trong hơn một phần tư thế kỷ qua, gây áp lực tăng lương và làm tăng thêm chi phí nhân công.
Tìm kiếm kế hoạch B
Các tổ chức trong ngành ban đầu đã hoan nghênh gói cứu trợ năng lượng, trong đó bao gồm cả việc giảm giá điện tạm thời để trợ cấp tiêu dùng căn bản cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời một số công ty tỏ ra lạc quan về việc này.
Nhà sản xuất hàng dệt may Wuelfing cho biết họ sẽ gác lại kế hoạch di dời sản xuất từ Đức sang Bồ Đào Nha hoặc Pakistan nếu chính phủ giới hạn giá năng lượng ở mức chỉ cao gấp đôi so với năm 2020.
Ông Johannes Dowe, giám đốc điều hành công ty Wuelfing cho biết: “Việc giảm giá năng lượng sẽ hữu ích, nhưng chúng tôi chưa biết chính xác điều gì sẽ xảy ra.”
Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ của Đức cho biết họ không thấy có các dấu hiệu cụ thể nào về việc gia tăng hoạt động gia công sản xuất ở ngoại quốc kể từ khi cuộc khủng hoảng giá năng lượng đang ảnh hưởng đến tất cả các nước Âu Châu.
Giám đốc điều hành DMB Marc Tenbieg nói với hãng thông tấn Reuters: “Tình hình là khác thế đối với các kế hoạch mở rộng hiện đang được xem xét.”
Một nghiên cứu của Deutsche Bank cho thấy sản lượng ở Đức giảm 2.5% trong năm nay và 5% vào năm 2023 do giá năng lượng tăng.
Nghiên cứu này cho biết: “Nếu chúng ta nhìn lại cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại trong khoảng 10 năm, thì chúng ta có thể thấy thời điểm này là điểm khởi đầu cho quá trình phi công nghiệp hóa tăng tốc ở Đức.”
Các công ty công nghiệp lớn của Đức có thể chuyển sản xuất sang nơi khác tùy thuộc vào chi phí và số lượng khách hàng nhưng đối với các công ty nhỏ và vừa, trụ cột của ngành công nghiệp Đức, cuộc khủng hoảng này sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn.
Nghiên cứu này cho biết thêm: “Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức … việc thích ứng với một thế giới năng lượng mới sẽ là một thách thức lớn mà một số công ty sẽ thất bại.”
Nhà cung cấp phụ tùng xe hơi Boegra, có trụ sở gần Duesseldorf, đã giảm sản lượng hồi tháng trước do giá năng lượng tăng. Công ty này, vốn đã thuê ngoài một số hoạt động sản xuất từ Cộng hòa Séc, hiện đang tìm kiếm một kế hoạch B.
Do Riham Alkousaa, John O'Donnell và Patricia Weiss của Reuters thực hiện
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times