Hy Lạp đang nhanh chóng trở thành Trung Quốc của Âu Châu
Nếu quý vị được yêu cầu so sánh một quốc gia Âu Châu với Trung Quốc, quý vị sẽ nêu danh quốc gia nào? Có lẽ là Belarus. Rốt cuộc, đất nước không giáp biển ở Đông Âu này được cai trị bởi ông Alexander Lukashenko, một nhà độc tài là bằng hữu thân thiết với một nhà độc tài khác tên là Tập Cận Bình.
Còn Hy Lạp thì sao? Vâng, Hy Lạp, cái nôi của nền văn minh phương Tây. Một bài viết gần đây của Politico đã vẽ nên một bức tranh khá ảm đạm về đất nước được biết đến với những bãi biển tuyệt đẹp và những bữa tiệc bất tận này. Hy Lạp đang nhanh chóng trở thành một quốc gia đồng nghĩa với sự cai quản quá mức của chính phủ toàn trị. Nếu nghi ngờ, quý vị chỉ việc hỏi bất kỳ ký giả nào đang cố gắng đưa những câu chuyện trung thực, khách quan về đất nước này.
Việc đàn áp các ký giả bắt đầu từ hơn một thập niên trước, khi Hy Lạp bị suy sụp kinh tế nghiêm trọng. Sự sao lãng của những người được tín thác đã dẫn đến sự sụp đổ của Hy Lạp, và các lãnh đạo đã lúng túng. Điều cuối cùng họ muốn phải chịu là bị xát thêm muối vào vết thương chưa lành của mình, vì vậy giới tinh hoa đã cố gắng ngăn các ký giả Hy Lạp đưa tin về một trong những câu chuyện quan trọng nhất vào cuối những năm 2000. Gần đây hơn, khi đất nước này bị tàn phá bởi những tác động của đại dịch COVID-19, một lần nữa các ký giả phải đối mặt với những lời đe dọa từ các vị lãnh đạo ấy.
Theo chỉ số tự do báo chí quốc tế gần đây nhất của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), Hy Lạp là quốc gia đứng thứ 108 trên thế giới đối với nghề ký giả. Đó là vị trí thấp nhất của bất kỳ quốc gia thành viên Liên minh Âu Châu nào. Hai năm trước, Hy Lạp được xếp hạng cao hơn 38 bậc. (Trong trường hợp quý vị đang thắc mắc, Na Uy đã chiếm vị trí hàng đầu trong báo cáo RSF; trong khi đó, Hoa Kỳ được xếp ở vị trí thứ 42).
Khá kỳ lạ là, thứ hạng kém cỏi của Hy Lạp đã không ngăn được việc chính phủ Hy Lạp đưa ra một đạo luật nhằm mục đích hạn chế thông tin sai lệch. Tuy nhiên, trên thực tế, luật mới này ít giải quyết vấn đề thông tin sai lệch và lại chú ý nhiều hơn vào việc cưỡng chế và kiểm soát. Các ký giả và đài truyền hình bị xác định là những người tuyên truyền “tin tức giả mạo” giờ đây thấy mình bị đe dọa, bị tấn công, và bị điều tra. Thậm chí một số người còn bị đẩy vào chốn lao tù.
Quý vị có thể nghĩ tới bất kỳ quốc gia nào khác săn đuổi các ký giả của mình theo cách tương tự không? Tất nhiên là quý vị có thể.
Ở Trung Quốc — một quốc gia đứng ở vị trí thứ 175 trong báo cáo RSF — các ký giả thường bị vây bắt và “biến mất”. Nếu bản báo cáo này là một ví dụ để có thể từ đó mà suy luận, thì phương pháp bắt bớ và truy tố các ký giả như của Trung Quốc đang được đà phát triển. Điều này đưa chúng ta trở lại với Hy Lạp. Thật trớ trêu khi nơi khai sinh ra nền dân chủ giờ đây lại là một trong những đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc cộng sản.
Hồi tháng 10 năm ngoái, khi một số quốc gia Âu Châu chỉ trích cách đối xử của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, chính phủ Hy Lạp đã chọn cách im lặng. Sự im lặng đó nói lên rất nhiều điều. Trên thực tế, mối quan hệ của Trung Quốc và Hy Lạp đã có từ nhiều năm trước. Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng của Hy Lạp. Về căn bản, Trung Quốc kiểm soát cảng Piraeus, cảng biển chính của Athens nằm ở vị trí chiến lược giữa Á Châu và Âu Châu.
Như hãng thông tấn Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của nhà nước Trung Quốc đã háo hức nhắc nhở chúng ta, năm 2022 là một năm đặc biệt đối với mối bang giao Trung Quốc-Hy Lạp. Đến nay đã tròn nửa thế kỷ kể từ khi thiết lập bang giao giữa Trung Quốc và Hy Lạp. Theo bản tin này, kể từ năm 1972, “hai nước đã xây dựng một tình bằng hữu và hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có đầu tư, thương mại, du lịch, và văn hóa.”
Năm 2006, hai nước đã ký Hiệp định Đối tác Chiến lược Tích hợp. Sau đó, vào năm 2018, Hy Lạp đã trở thành một thành viên của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc (hay còn gọi là “Một Vành đai, Một Con đường”). Được biết, Hy Lạp có nguyện vọng trở thành trung tâm chính giữa Á Châu và Trung Âu.
Như tờ Trung Quốc Nhật Báo (China Daily), một hãng thông tấn khác do ĐCSTQ hậu thuẫn, gần đây đã lưu ý, Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều vào ADMIE (còn được gọi là Nhà vận hành Truyền tải Điện Độc lập, hay IPTO), một công ty chủ yếu là vận hành, kiểm soát, và duy trì lưới điện của Hy Lạp. State Grid Corp. của Trung Quốc, một công ty tiện ích quốc doanh kinh doanh điện, đang sở hữu một tỷ lệ cổ phần lớn trong ADMIE.
Ngân hàng dường như là một lĩnh vực khác mà Trung Quốc quan tâm. Năm 2019, Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China), một ngân hàng quốc doanh có trụ sở chính ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh, đã thành lập cơ sở tại Athens. Điều thú vị là ngân hàng này cũng hoạt động ở các quốc gia bao gồm Úc, New Zealand, Đức, Vương quốc Anh, Pháp, Canada, và thậm chí là cả Hoa Kỳ.
Hồi tháng Tư, khi được hỏi liệu ông có lo ngại về sự quan tâm ngày càng tăng của Trung Quốc đối với đất nước mình hay không, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias tỏ thái độ hoàn toàn trái ngược với sự lo ngại. Ông nhấn mạnh, tất cả các khoản đầu tư của Trung Quốc đều tuân thủ các quy tắc của EU. [Nhưng] tuân thủ các quy tắc [hay không] không phải là vấn đề, thưa ông Dendias.
Mọi công dân Hy Lạp đều nên lo ngại về thực tế rằng Hy Lạp đang nhanh chóng trở thành con rối do Bắc Kinh điều khiển. Trên thực tế, mọi công dân Âu Châu nên lo ngại về việc này. Hy Lạp là một cửa ngõ vào Âu Châu. Sự xâm nhập của Trung Quốc bắt đầu từ Hy Lạp, nhưng sự xâm nhập này sẽ kết thúc ở đâu? Tôi hình dung là không có đích đến nào tốt đẹp cả.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times