Các chuyên gia cảnh báo tỷ lệ tham gia lao động sụt giảm là điều ‘thực sự đáng lo ngại’ cho nền kinh tế Hoa Kỳ
Theo các chuyên gia, tỷ lệ tham gia lao động thấp của Mỹ kể từ đại dịch COVID đã trở thành một vấn đề đối với kinh tế Hoa Kỳ.
Các nhà kinh tế đang nói rằng sự sụt giảm chưa từng có trong tỷ lệ tham gia lao động trên khắp Hoa Kỳ sau khi đại dịch xảy ra vào năm 2020 đã trở nên đáng chú ý.
Những lo ngại về sức khỏe, phản ứng có hại đối với vaccine COVID, các đợt phong tỏa, và các khoản trợ cấp kích thích chi tiêu đã đẩy hàng chục triệu người Mỹ vẫn đang trong độ tuổi lao động sung sức nhất rời khỏi công việc của họ.
Ba năm sau, nhiều người trong số những người nghỉ việc vẫn chưa quay trở lại làm việc, đây là điều khiến các chuyên gia lo lắng.
Một báo cáo việc làm từ Bộ Lao động cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ giảm xuống 3.4% trong tháng Một, mức thấp nhất trong hơn 50 năm.
Ông Riley Giauque, một cố vấn đầu tư cho biết trong một tweet: “Chúng ta có dân số già, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm, việc làm trong nền kinh tế tạm thời chia sẻ trên trực tuyến tăng lên và … đại dịch đã khiến nhiều người rời bỏ hoàn toàn lực lượng lao động, những nguyên nhân này đã làm giảm tỷ lệ thất nghiệp một cách giả tạo.”
Các nhà kinh tế lo lắng về tỷ lệ tham gia lao động thấp
Mặc dù một số nhà kinh tế coi tỷ lệ thất nghiệp thấp là một dấu hiệu tốt, nhưng những người khác không cảm thấy mừng về những con số mới nhất này và lo ngại rằng sắp diễn ra một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội.
Tiến sĩ Samuel Gregg, một thành viên xuất sắc tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ, đã đăng trên Twitter hôm 09/02, “ĐÂY là con số việc làm mà người Mỹ nên quan tâm: tỷ lệ tham gia lao động quá tệ của chúng ta. Một số người Mỹ đã ngừng tìm kiếm HOẶC quyết định rằng họ không muốn làm việc HOẶC đã vơ vào mình đủ các loại hình phúc lợi thay vì làm việc. Một thảm họa xã hội và kinh tế.”
Bà Rachel Greszler, nghiên cứu viên cao cấp tại Quỹ Di sản đồng thời là cựu kinh tế gia cao cấp tại Ủy ban Kinh tế chung của Quốc hội trong bảy năm, đã chia sẻ với Fox Business về vấn đề này.
Bà Greszler nói rằng các nhóm cụ thể như cha mẹ và người lao động có thu nhập thấp đã bị ảnh hưởng nhiều hơn khi đại dịch bắt đầu, nhưng giờ đây sự ảnh hưởng đã lan sang các nhóm nhân khẩu học khác.
Bà đã trích dẫn dữ liệu gần đây từ Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ (BLS), rằng virus không phải là lý do duy nhất khiến nhiều người lao động lớn tuổi rời bỏ lực lượng lao động.
Những người lao động Mỹ có con ở nhà hiện đã quay trở lại làm việc với nhịp độ như trước khi xảy ra đại dịch hồi tháng 03/2020, nhưng tỷ lệ quay trở lại làm việc đã giảm 2.7% đối với những người không có con.
7 triệu thanh niên Mỹ đã rời bỏ lực lượng lao động
Bà Greszler cũng chia sẻ với Fox Business rằng tình trạng sụt giảm việc làm xảy ra nhiều nhất là ở những người trong độ tuổi từ 20 đến 24 tuổi và số lượng thanh niên sống ở nhà của cha mẹ mình đã tăng mạnh.
Trong khi đó, những người khỏe mạnh trong độ tuổi đó, tức là khoảng 7 triệu người trong số họ, đã hoàn toàn rời bỏ lực lượng lao động.
Tháng Mười năm ngoái (2022), người dẫn chương trình của Fox Business, ông Mike Rowe, gọi sự phát triển gần đây là “đáng sợ.”
Ông Rowe cho biết: “Tôi thực sự suy nghĩ về tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đó, đối với tôi đó là thước đo đáng sợ nhất. Con số này còn đáng sợ hơn cả bản báo cáo mới nhất vì đó là dấu hiệu cho thấy những gì sắp xảy ra.”
“Bảy triệu người khỏe mạnh trong độ tuổi từ 25 đến 54 không những không làm việc. Họ khẳng định là đang không tìm việc làm. Họ đã rời đi. Họ coi như xong. Phần lớn trong số họ dành hơn 2,000 giờ mỗi năm trên màn hình.”
“Hôm nay quý vị có 11 triệu cơ hội việc làm. Quý vị có 7 triệu người khỏe mạnh đứng ngoài nhìn. Vì vậy, những gì đang thực sự xảy ra ở đất nước hiện nay khiến tôi sợ hãi một cách căn bản từ tâm mình là chúng ta đã chưa bao giờ có quá nhiều cơ hội việc làm chưa được thực hiện và quá ít nhiệt tình dành cho cơ hội đó đến vậy,” ông giải thích.
Tuy nhiên, bà Greszler lưu ý rằng theo dữ liệu trong hơn 70 năm của BLS, tỷ lệ tham gia lao động đã suy giảm trong hai thập niên qua, khá lâu trước khi xảy ra đại dịch.
Tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động đạt đỉnh vào khoảng năm 2000.
Bà nói rằng tỷ lệ làm việc đối với thanh niên từ 20 đến 24 tuổi đã giảm 10.5% kể từ đầu thế kỷ này.
Bà nói với Fox Business rằng việc mở rộng các phúc lợi của chính phủ trong 20 năm qua đã khuyến khích những người lao động trẻ và khỏe mạnh ở nhà.
Bà Greszler cho hay: “Tôi nghĩ về tương lai của các con tôi. Tôi là một nhà kinh tế, vì vậy tôi muốn chúng có đầy đủ thông tin và đưa ra quyết định dựa trên hiểu biết đầy đủ.”
“Nhưng nếu quý vị đang đưa ra một quyết định tài chính thông minh: Không có sự khác biệt mấy giữa việc không làm việc hoặc làm việc 10 giờ một tuần với một công việc yêu cầu độ tuổi thấp và chỉ việc nhận một đống trợ cấp phúc lợi, so với một công việc lao động chân tay hoặc của tầng lớp trung lưu điển hình, bà nói và hỏi, “vậy thì cớ gì mà phải bận tâm?”
Người lao động lớn tuổi trở lại làm việc do lạm phát
Mặt khác, những người lao động từ 55 đến 64 tuổi đã trở lại làm việc với tỷ lệ như trước khi xảy ra đại dịch.
Đây là một sự đảo ngược xu hướng của những người lao động lớn tuổi quyết định nghỉ hưu sớm sau đại dịch.
Bà Greszler đã chỉ ra một báo cáo có nhan đề “Đợt Đại Bỏ việc do sự Bùng nổ Nhà ở vì COVID-19” hồi tháng Một của Trường Kinh doanh Sauder thuộc Đại học British Columbia.”
Nghiên cứu này cho biết giá nhà tăng cao là yếu tố chính dẫn đến sự sụt giảm số người lao động từ 65 tuổi trở lên tham gia vào nền kinh tế.
“Điều đáng lo ngại là, điều này có ý nghĩa gì đối với tương lai của lực lượng lao động?” bà đặt câu hỏi.
Bà Greszler nói với Fox Business: “Khi quý vị nói về những người bị loại khỏi con đường học hành hoặc kinh nghiệm làm việc mà lẽ ra họ phải đi theo, và thay vào đó chỉ nhàn rỗi ở nhà—sống với bố mẹ hoặc có thể trong một nhóm tạo ra và chỉ có thể sống dựa vào trợ cấp phúc lợi- thì họ đang không có được kinh nghiệm và sự giáo dục mà họ cần.”
Trọng Khiêm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times