Các chính sách năng lượng của Tổng thống Biden thúc đẩy sự bất ổn toàn cầu
Khi nói đến độc lập về năng lượng — một thành phần quan trọng của sự ổn định toàn cầu — thì nước Mỹ của năm 2022 có thể học hỏi được nhiều điều từ nước Mỹ hồi năm 1942.
Trong năm đó, sự thống trị về năng lượng của Mỹ đã tiếp thêm sức mạnh cho nỗ lực chiến tranh của phe Đồng minh trong Đệ nhị Thế chiến, khiến việc sản xuất trở nên rẻ hơn đáng kể và tạo ra rất nhiều nguyên liệu cho chiến tranh: nhiên liệu hàng không, xăng, cao su tổng hợp, và hơn thế nữa. Mỹ sản xuất lượng nhiên liệu hàng không nhiều gấp bảy lần so với tất cả các nước tham chiến lớn khác cộng lại. Mỹ đã sản xuất than nhiều hơn Nhật Bản với tỷ lệ 10 trên 1 và bơm lượng dầu nhiều gấp 700 lần.
Nói tóm lại, năng lượng của Mỹ là nền tảng cho chiến thắng của phe Đồng minh.
Gần đây hơn, sự độc lập về năng lượng của Mỹ đã được đổi mới, trở thành sự thống trị về năng lượng, là một trụ cột của sự ổn định địa chính trị. Sản xuất của Mỹ tăng lên đã tạo ra giá thấp hơn, yếu tố này có tác động giống như một chiếc vòng cổ siết chặt các quốc gia thù địch dựa vào xuất cảng năng lượng để tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của họ. Nói một cách đơn giản, Nga đã không xâm lược được các nước lân bang khi giá dầu và khí đốt tự nhiên thấp và xuất cảng năng lượng của Mỹ tăng.
Mọi người thường đánh giá thấp mức độ mà thị trường năng lượng tác động đến các cuộc tập trận và các trận đánh của quân đội, điều mà Thế hệ Vĩ đại nhất đã hiểu biết sâu sắc.
Các quốc gia Đồng minh đã khiến cỗ máy chiến tranh của Đức Quốc Xã và cỗ máy tấn công của Đế quốc Nhật Bản bị thiếu hụt năng lượng, những nước mà tự thân đã bị ngành công nghiệp năng lượng bùng nổ của Mỹ cản trở. 80 năm sau, Đức lại một lần nữa bị bóp nghẹt do mất nhập cảng năng lượng, trong khi phần còn lại của Âu Châu thì bị hậu duệ thù địch của Liên Xô đe dọa.
Khi Mỹ sản xuất năng lượng dồi dào và có giá cả phải chăng không chỉ cho chính Mỹ mà còn cho các đồng minh của họ trên toàn cầu, thì các địch thủ của Mỹ sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi bước qua giới tuyến. Sự thống trị về năng lượng của Mỹ không chỉ dành riêng cho Mỹ mà ủng hộ cho nền hòa bình. Năng lượng không đắt của Mỹ là trụ cột chính cho sự ổn định về địa chính trị.
Nhưng trụ cột đó đã bị đánh sập và sự ổn định sau đó đã bị các dự án năng lượng “xanh” vô ích và các chính sách chống năng lượng của Tổng thống Joe Biden phá hủy. Việc hủy bỏ các đường ống dẫn dầu; áp đặt các loại thuế bổ sung và các quy định đối với than, dầu, và khí đốt tự nhiên; hứa sẽ kết thúc ba ngành công nghiệp này chỉ trong một vài năm; và ngăn chặn các hợp đồng thuê khoan mới chỉ là một số cách mà ông Biden đã xóa sổ một trong những tài sản chiến lược lớn nhất của Mỹ.
Thậm chí Mỹ không thể cung cấp đủ điện [cho nhu cầu] trong nước, với việc nhiều tiểu bang đang thiếu năng lượng nghiêm trọng trong những ngày gần đây. Thực tế này cho thấy điểm yếu, chứ không phải sức mạnh.
Bằng cách từ bỏ ngai vàng năng lượng toàn cầu, Mỹ đã để lại một khoảng trống quyền lực mà Trung Quốc, Nga, Iran, và những nước khác đang hào hứng thế chỗ. Tình huống này đã khiến các quốc gia được xem là đồng minh ở Âu Châu của chúng ta rơi vào tình trạng khó khăn, vì ông Vladimir Putin của Nga hiện có tác động đối với họ nhờ một thùng dầu, với năng lực ngắt năng lượng của lục địa này cho đến khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Đức, nền kinh tế lớn nhất ở Âu Châu, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu hiện đại một cách thảm khốc, và người Đức đang tìm kiếm củi sưởi trên mạng với tốc độ cao gấp nhiều lần các kỷ lục trước đây.
Nền công nghiệp của Đức sẽ phải ngừng hoạt động vì sự thiếu hụt năng lượng này và nền kinh tế đó sẽ buộc phải đầu hàng. Sự mất năng lực công nghiệp đó — vốn dĩ từng phải mất nhiều năm, bằng vào các chiến dịch ném bom của Mỹ và Anh và hàng triệu thương vong của Liên Xô mới đạt được — giờ đây đang được thực hiện một cách nhanh chóng hơn nhiều và ít đổ máu hơn, với việc Nga chỉ đơn giản là ngừng xuất cảng năng lượng.
Năng lượng không chỉ là một vấn đề chính sách trong nước, mà còn là một yêu cầu của chính sách đối ngoại. Các quốc gia phụ thuộc vào năng lượng dễ bị tổn thương trong khi các quốc gia kiểm soát năng lượng chi phối phạm vi ảnh hưởng. Mỹ có thể sẽ không phải gửi vũ khí đến Âu Châu nếu như Mỹ gửi đến các tàu chở dầu và tàu chuyên chở năng lượng đáng tin cậy, có giá cả phải chăng.
Nhưng việc xuất cảng như vậy được cho là thể hiện một ngành năng lượng trong nước phát triển mạnh có khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước và mở rộng sức mạnh ra ngoại quốc. Rõ ràng là ông Biden chưa bao giờ học được bài học này từ lịch sử. Giờ sẽ là thời điểm tốt để bắt đầu.
Bài viết được phát hành lần đầu tại The Sacramento Bee, và được tái bản với sự cho phép của The Daily Signal, một ấn phẩm của Quỹ Di Sản.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times