Giới hạn giá dầu mà G7 áp đặt lên Nga là sự trợ cấp đối với Trung Quốc
Có nhiều sai lầm trong thỏa thuận áp đặt giới hạn giá dầu lên Nga của G7. Thứ nhất là thỏa thuận này không làm tổn hại chút nào đến Nga. Mức giới hạn giá theo thỏa thuận, ở mức 60 USD một thùng, cao hơn giá dầu Ural hiện tại (của Nga), cao hơn mức giá niêm yết trung bình trong 5 năm, và cao hơn giá hoàn vốn trung bình của công ty Rosneft (của Nga).
Theo Reuters, “Mức giá trần của G7 sẽ cho phép các quốc gia ngoài EU tiếp tục nhập cảng dầu thô của Nga bằng đường biển, nhưng sẽ cấm các công ty vận chuyển, bảo hiểm, và tái bảo hiểm xử lý các tàu hàng dầu thô của Nga trên toàn cầu, trừ khi dầu này được bán với giá thấp hơn mức giá giới hạn.”
Quy định này có nghĩa là Trung Quốc sẽ có thể mua thêm dầu của Nga với mức chiết khấu lớn trong khi đại công ty dầu mỏ quốc doanh của Nga sẽ tiếp tục tạo ra lợi nhuận rất cao 16% trên lượng vốn trung bình được sử dụng và hơn 8.8 tỷ rúp (141 triệu USD) doanh thu, có nghĩa là một mức thu nhập trước lãi vay, thuế, và khấu hao cao gấp đôi nhu cầu chi tiêu vốn của họ.
Giới hạn giá sai lầm này không chỉ là một khoản trợ cấp cho Trung Quốc và một mức giá vẫn khiến Rosneft có lợi nhuận to lớn và có năng lực trả hàng tỷ USD tiền thuế cho nhà nước Nga. Đó cũng là một sai lầm lớn nếu chúng ta muốn thấy giá dầu thấp hơn.
Với giới hạn này, G7 đã tạo ra một cái đáy nhân tạo và không cần thiết đối với các mức giá cũ. G7 đã không muốn hiểu tại sao giá dầu đã tăng trở lại vào năm 2022: đó là do phản ứng của cạnh tranh và nhu cầu. Bằng cách thi hành một mức giá trần 60 USD một thùng, vốn là một mức giá thấp nhất, G7 đã khiến giá dầu gần như không thể đạt đến mức đáy thực sự nếu khủng hoảng nhu cầu xảy ra. Một mặt, G7 đã loại 4.5 triệu thùng mỗi ngày, lượng dầu xuất cảng ước tính của Nga cho năm 2023, ra khỏi bức tranh nguồn cung với một mức giá tối thiểu — và tối đa. Mặt khác, nhóm này cũng khiến OPEC quan tâm hơn đến việc cắt giảm nguồn cung và tăng giá dầu xuất cảng trung bình thực tế của họ lên cao hơn.
Trung Quốc hẳn đang hết sức vui mừng. Đại quốc Á Châu này sẽ bảo đảm có được một nguồn cung dài hạn với mức giá hấp dẫn từ Nga và bán các sản phẩm tinh chế trên toàn cầu với tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Sinopec và Petrochina sẽ tìm thấy đủ cơ hội trên thị trường toàn cầu để đạt được lợi nhuận tốt hơn cho các sản phẩm tinh chế của họ trong khi bảo đảm nguồn cung ở giá hợp lý trong một tình huống kinh tế đầy thách thức.
Khi tôi đọc tin tức về “giới hạn giá”, tôi tự hỏi liệu các quan chức đã từng làm việc trong một ngành cạnh tranh toàn cầu chưa. Họ có thể chưa, nhưng chắc chắn họ tuyển dụng hàng ngàn “chuyên gia” có thể đã nói với họ rằng đây là một ý tưởng thông minh. [Trong khi đó] giới hạn giá là thứ rác rưởi.
Nếu G7 thực sự muốn làm tổn hại đến tài chính và xuất cảng của Nga, thì cách để làm vậy là khuyến khích đầu tư cao hơn vào các nguồn thay thế và cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra là ngược lại. Các chính phủ G7 tiếp tục áp đặt các rào cản đối với đầu tư vào năng lượng cũng như các quy định và các gánh nặng về môi trường được kêu gọi một cách sai lầm khiến việc bảo đảm sự đa dạng hóa và an ninh nguồn cung trở nên khó khăn hơn.
Nguyên nhân đã kết thúc được cuộc khủng hoảng dầu mỏ của những năm bảy mươi là hiện tượng gia tăng đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất khác. Điều đã cho phép giá dầu thay đổi gần như 180 độ kể từ đầu năm đến nay là nguồn cung cao hơn, cạnh tranh ngoài OPEC, và phản ứng của nhu cầu.
Ngành năng lượng đã phải chịu đựng mức độ đầu tư thấp đáng lo ngại. Theo Morgan Stanley, việc đầu tư thấp dưới mức cần thiết vào dầu mỏ và khí đốt đã lên tới 600 tỷ USD mỗi năm. Với cái gọi là giới hạn giá này, thì động lực để các nhà sản xuất bán đi những gì họ có thể và đầu tư càng ít càng tốt thậm chí còn lớn hơn, và tình huống này có thể hàm ý rằng giá dầu trong tương lai sẽ cao hơn nhiều. Trung Quốc và Nga cũng biết rằng năng lượng tái tạo và các giải pháp thay thế khác không thể trở thành một giải pháp thay thế phổ biến rộng rãi và rằng, dù sao đi nữa, thì làm như vậy sẽ đòi hỏi hàng ngàn tỷ USD đầu tư vào việc khai thác đồng, cobalt, và đất hiếm.
Bằng cách thêm cái gọi là giới hạn giá dầu của Nga vào các rào cản ngày càng tăng đối với việc phát triển các nguồn tài nguyên trong nước, G7 có thể đang gieo mầm cho một siêu chu kỳ hàng hóa, trong đó sự phụ thuộc vào OPEC và Nga tăng lên thay vì giảm đi.
Tôi nhắc lại những gì mình vẫn nói trong nhiều tháng: Chính phủ của các nền kinh tế phát triển đang đưa đất nước của họ từ sự phụ thuộc khiêm tốn vào Nga trở thành sự phụ thuộc to lớn vào Trung Quốc và Nga.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times