‘Buy Now Pay Later’ là gì và có ảnh hưởng đến điểm tín dụng của quý vị không?
Khi mua sắm trực tuyến, quý vị có nhiều lựa chọn khi thanh toán sản phẩm. Một tùy chọn là “Mua ngay Trả sau” (Buy Now Pay Later, BNPL), một chương trình thanh toán thịnh hành cho các giao dịch mua sắm từ mức độ trung bình đến lớn.
Buy Now Pay Later ‘Mua ngay Trả sau’ là gì?
Khi mua hàng với số lượng lớn, người tiêu dùng thường được chào mời nên lựa chọn phương thức trả góp. Được quảng cáo là một cách tiện lợi và dễ dàng để thực hiện một giao dịch mua sắm lớn, và BNPL không giống như thẻ tín dụng. Về bản chất, BNPL là một khoản vay ngắn hạn.
Điểm mấu chốt là quý vị thường sẽ không phải trả lãi cho các khoản trả góp này. Nhưng có thể có một khoản phí cố định và thời hạn hoàn trả vốn thường là ngắn.
Các loại BNPL
Nói chung có hai loại khoản vay BNPL: khoản vay không lãi suất và khoản vay có lãi suất.
Cả hai đều yêu cầu một khoảng thời gian nhất định để hoàn trả đầy đủ khoản vay. Thông thường, người tiêu dùng được trả góp sáu tháng, với mức thanh toán bắt buộc hàng tuần hoặc hai tuần một lần.
Nhiều dịch vụ BNPL được quảng cáo là không lãi suất. Thật không may, BNPL cho vay không lãi suất thường có một điểm khó khăn. Nếu quý vị chậm một khoản thanh toán, các khoản phí có thể được áp dụng. Hoặc quý vị có thể phải trả lãi cho toàn bộ số dư khoản vay kể từ lúc bắt đầu vay.
Chương trình BNPL của bên thứ ba so với thẻ tín dụng
Có hai cách để tận dụng các chương trình BNPL. Trước tiên, quý vị có thể sử dụng hạn mức tín dụng quý vị đang có với thẻ tín dụng — giả sử thẻ tín dụng hiện tại của quý vị có tính năng như vậy — hoặc quý vị có thể liên hệ với bên thứ ba chuyên cung cấp dịch vụ BNPL.
Amex, Citi và Chase cho phép chủ thẻ tín dụng tài trợ cho các giao dịch mua sắm thông qua khoản vay BNPL.
Thẻ tín dụng BNPL hoạt động khác với thẻ được cung cấp thông qua bên thứ ba. Thẻ tín dụng thường không cung cấp tùy chọn trả góp trước khi mua hàng. Sau khi mua hàng bằng thẻ tín dụng của quý vị, hãy kiểm tra với công ty phát hành thẻ tín dụng của mình để xem mặt hàng có đủ điều kiện tham gia chương trình BNPL hay không. Nếu có thì quý vị sẽ có thể trả góp, nhưng hàng tháng sẽ bị tính lãi suất. Điều này cho phép quý vị chia nhỏ các khoản thanh toán, sử dụng hạn mức tín dụng đã được cấp. Nó cũng cho phép quý vị tận dụng các chương trình tặng thưởng.
Nếu quý vị thanh toán đúng hạn, việc sử dụng thẻ tín dụng để mua hàng theo BNPL có thể giúp xây dựng điểm tín dụng tốt.
Không giống như thẻ tín dụng BNPL, BNPL của bên thứ ba được cung cấp cho quý vị trước khi quý vị thực hiện giao dịch mua. Đây thường được coi là lời rao bán hàng cuối cùng trước khi quý vị quyết định hoàn thành việc mua hàng.
Mặc dù, giống như thẻ tín dụng, bên thứ ba cung cấp gói trả góp, chương trình này thường không tính lãi – miễn là quý vị không trễ hẹn bất kỳ khoản thanh toán và trả hết số dư nợ trong thời gian đã thỏa thuận.
Các công ty BNPL là bên thứ ba
PayPal là một trong những hãng đầu tiên tham gia vào thị trường BNPL, với chương trình “Bill Me Later” (Đòi tiền tôi sau). Khách hàng của PayPal hiện có thể sử dụng “Pay in 4” (“Thanh toán trong 4 lần”), cung cấp các khoản trả góp khi mua hàng từ 30 USD đến 1,500 USD. “PayMonthly” (“Trả hàng tháng”) của PayPal cũng cung cấp các gói thanh toán dài hạn.
Công ty Thụy Điển Klarna cung cấp gói “Pay in 4” không tính lãi. Quý vị sẽ có thể chia hóa đơn mua của mình thành bốn đợt. Klarna cũng cung cấp gói “Trả sau 30 ngày”.
Với Klarna, quý vị phải thanh toán toàn bộ số dư nợ của mình trong vòng sáu tháng, hoặc quý vị sẽ trả lãi suất cho giao dịch mua, tính từ ngày mua. Bất kỳ khoản thanh toán nào bị trễ đều phải chịu một khoản phí trả chậm là 7 USD.
Nếu nhà bán lẻ không cung cấp BNPL của Klarna, thì quý vị có thể dùng dịch vụ mua sắm bằng số thẻ trực tuyến (virtual card number) để mua hàng từ bất kỳ cửa hàng trực tuyến ở Hoa Kỳ chấp nhận thẻ trả trước (pre-paid cards).
Apple Pay là tương đối mới trong lĩnh vực BNPL. Apple gần đây đã công bố Apple Pay Later, sẽ được ra mắt vào tháng 09/2022. Apple Pay Later cho phép khách hàng mua hàng và trả lại thành 4 đợt bằng nhau trong 6 tuần. Mặc dù không có lãi suất cho các khoản trả góp này, nhưng hiện tại vẫn chưa rõ liệu các khoản phí hoặc lãi suất có bị áp dụng nếu chậm trả một đợt thanh toán hay không.
Còn có một nền tảng trực tuyến khác, tương tự như Klarna, là Affirm. Không giống như Klarna, Affirm tính lãi suất.
Giới hạn chi tiêu
Đối với các giao dịch mua hàng giá trị lớn, Affirm có thể là lựa chọn tốt nhất, cho phép mua hàng lên đến 17,500 USD. “Pay in 4” của Paypal cho phép mua hàng lên đến 1,500 USD, trong khi Apple Pay Later đạt tối đa 1,000 USD. Klarna không cài đặt giới hạn chi tiêu. Thay vào đó, Klara sẽ phê duyệt tự động thực hiện mỗi khi người mua hàng sử dụng dịch vụ.
Mặc dù đây là những ví dụ cụ thể, có rất nhiều công ty BNPL là bên thứ ba và số lượng đang tăng lên. Quy trình của các công ty BNPL trên thị trường về căn bản là gần như nhau.
BNPL có ảnh hưởng đến điểm tín dụng của quý vị không?
Nếu quý vị thiếu tiền, với lịch sử tín dụng kém và muốn mua sắm lớn, BNPL có thể là cách để thực hiện. Các chương trình BNPL của bên thứ ba thường linh hoạt và dễ dàng trong quá trình phê duyệt khoản vay của họ. Quy trình phê duyệt có thể bao gồm kiểm tra tín dụng “mềm”, nhưng hiếm khi yêu cầu điều tra tín dụng “cứng”. Do đó, những người gặp khó khăn với điểm tín dụng kém có cơ hội sử dụng BNPL nhiều hơn.
Tuy nhiên, nếu quý vị muốn xây dựng hoặc cải thiện tín dụng của mình, BNPL không giúp được quý vị nhiều. Mặc dù thẻ tín dụng truyền thống báo cáo các khoản thanh toán đúng hạn cho các văn phòng tín dụng, nhưng các công ty BNPL ít khi lưu tâm vấn đề này. Một số hãng thực hiện báo cáo các khoản thanh toán đúng hạn, trong khi những hãng khác thì không.
Tương tự như vậy, BNPL có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến tín dụng của quý vị. Một số công ty BNPL báo cáo thanh toán trễ, trong khi những công ty khác thì không. Tuy nhiên, nếu quý vị bỏ lỡ một khoản thanh toán hoặc không trả được nợ, quý vị có thể được chuyển danh tính đến bên đòi nợ. Điều này chắc chắn tác động tiêu cực đến điểm tín dụng của quý vị.
Nguy cơ bội chi
Đại dịch đã tạo ra một làn sóng mua sắm trực tuyến. Các giao dịch mua lớn mà mọi người từng tiết kiệm giờ đây dễ dàng thực hiện với BNPL.
Kết quả là, người mua thường bị cám dỗ để thổi bay ngân sách vốn đã eo hẹp. Theo một cuộc khảo sát của DebtHammer được thực hiện vào tháng 02/2022, 45% người dân Mỹ đã ghi danh BNPL. Thật không may, trong số 45% đó, 22% hối tiếc sau khi thực hiện.
Trong quá khứ, nhiều nhà bán lẻ đã đưa ra các chương trình khác nhau, theo đó người mua hàng thực hiện trả góp và nhận hàng sau khi họ đã thanh toán xong.
Chiến lược BNPL ngày nay cho phép người tiêu dùng có hàng hóa và nợ của họ đồng thời. Với việc lạm phát đang gia tăng, điều này có thể gây ra khó khăn cho nhiều người dân Mỹ.
Bản quyền của The Epoch Times © 2022. Các quan điểm là của các tác giả. Những thông tin này chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin chung và không nên được hiểu hoặc hiểu như một khuyến nghị hoặc một lời mời chào. The Epoch Times không đưa ra lời khuyên về đầu tư, thuế, pháp lý, lập kế hoạch tài chính, lập kế hoạch bất động sản hoặc bất kỳ lời khuyên tài chính cá nhân nào khác. The Epoch Times không chịu trách nhiệm về tính chính xác hoặc kịp thời của thông tin được cung cấp.