Khối BRICS mở rộng chuẩn bị phi USD hóa thế giới, kiểm soát nguồn cung năng lượng toàn cầu
JOHANNESBURG, Nam Phi — “Việc BRICS mở rộng đã cho thấy rõ rằng phi USD hóa hệ thống tài chính quốc tế là không thể tránh khỏi.”
Quan điểm này của nhà kinh tế học William Gumede — đồng thời là chủ tịch điều hành của tổ chức Quỹ Công trình Dân chủ (Democracy Works Foundation) ở Nam Phi — đã được lặp lại trên khắp thế giới kể từ khi các lãnh đạo BRICS tuyên bố mở rộng khối vào ngày 24/08 tại một hội nghị thượng đỉnh ở Johannesburg.
Các thành viên BRICS hiện tại là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi.
Vào tháng 01/2024, BRICS — ban đầu được thành lập vào năm 2009 để đại diện cho các nền kinh tế thị trường mới nổi mạnh nhất thế giới — sẽ bổ sung thêm Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia, và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) vào tổ chức của mình.
Ông Gumede, một trong những học giả và nhà lãnh đạo tư tưởng hàng đầu Nam Phi, đã nghiên cứu các tác động tiềm ẩn của việc phi USD hóa kể từ năm 2014.
Ông nói với The Epoch Times rằng, GDP trung bình trên dân số của các nền kinh tế G7 hiện cao gấp sáu lần so với các nền kinh tế BRICS. Tuy nhiên, sự mở rộng nhanh chóng bất ngờ của BRICS sẽ làm tăng tỷ trọng của khối thương mại này trong nền kinh tế toàn cầu nhanh hơn nhiều so với những dự đoán trước đó.
Ông nói, “Những dự báo này đã không tính đến việc BRICS sẽ mở rộng thành viên rất nhanh chóng. Một BRICS lớn hơn sẽ có nghĩa là thế giới sẽ ngày càng sử dụng đồng USD ít hơn.”
Ông Gumede cho biết liên minh BRICS lớn hơn cuối cùng sẽ cạnh tranh với Nhóm Bảy nền kinh tế công nghiệp lớn (G7) của hóa Kỳ, Liên minh Âu Châu, Vương quốc Anh, Pháp, Nhật Bản, Ý, và Canada, vốn cùng nhau chiếm 16% dân số thế giới và chiếm 62% nền kinh tế toàn cầu.
Chào đón các thành viên mới tại Johannesburg hồi tuần trước (21-27/08), Tổng thống Brazil Lula da Silva cho biết việc bổ sung các thành viên mới có nghĩa là BRICS sẽ đại diện cho 46% dân số toàn cầu và 37% GDP thế giới.
Việc mở rộng này có nghĩa là BRICS giờ đây gồm có một số nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới: Nga, Saudi Arabia, UAE, và Ai Cập. Nigeria, một nhà xuất cảng dầu mỏ lớn khác, sẽ tham gia khi khối này thậm chí còn trở nên to lớn hơn, có thể là tại hội nghị thượng đỉnh tiếp theo ở Nga vào năm 2024.
“BRICS sẽ thống trị nguồn cung cấp năng lượng của thế giới,” ông Gumede nhận định. “Sức mạnh của đồng USD cũng một phần dựa vào việc đồng tiền này làm trụ cột cho giao dịch dầu mỏ — còn gọi là đồng dollar dầu mỏ — và các thành viên của OPEC (Tổ chức Các nước Xuất cảng Dầu mỏ) thanh toán tài khoản của họ bằng USD.”
“Do đó, việc mở rộng BRICS để bao gồm cả các nhà sản xuất dầu mỏ và thuyết phục họ sử dụng đồng tiền BRICS mới, thay vì đồng USD, để thanh toán cho các tài khoản của họ, sẽ là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi. Diễn biến này có khả năng đẩy nhanh quá trình phi USD hóa thế giới.”
Ông Jakkie Cilliers, Giám đốc chương trình Đổi mới và Tương lai Phi Châu tại Viện Nghiên cứu An ninh ở Pretoria, cho rằng sự mở rộng nhanh chóng bất ngờ của BRICS và các bước đi hướng tới phi USD hóa của khối này là do Nga xâm lược Ukraine và hậu quả của cuộc xâm lược này.
Ông nói với The Epoch Times, “BRICS đã chứng kiến phương Tây tấn công Nga bằng đủ loại biện pháp trừng phạt tài chính, và đe dọa trừng phạt Nam Phi vì được cho là đã ủng hộ Nga, và do vậy Nam Phi muốn chấm dứt hóac ít nhất là giảm bớt sự phụ thuộc của họ vào đồng USD.”
“Việc phi USD hóa, được [Tổng thống Nga Vladimir] Putin khởi xướng đầu tiên, là một biểu tượng mạnh mẽ cho sự chuyển đổi từ trật tự toàn cầu do phương Tây dẫn đầu sang một kỷ nguyên mới của các kết nối đa cực không chắc chắn và linh hóat hơn. Sự thay đổi đang sắp diễn ra, và ba thập niên tới sẽ chứng kiến sự phát triển ổn định của xu hướng này.”
Ông Cilliers cho rằng BRICS đang “ẩn mình sau sự oán giận” đối với phương Tây.
“Khá dễ dàng để Nga và Trung Quốc lợi dụng cảm giác tồi tệ vẫn còn tồn tại ở hầu hết thế giới đang phát triển vì chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, và các lệnh trừng phạt của các quốc gia phương Tây hàng đầu.”
Ông nhận xét: “Chẳng cần bận tâm đến việc Nga và Trung Quốc có xu hướng đế quốc tương tự như vậy.”
Ông cho biết Global South (tạm dịch: thế giới phương Nam) “đặc biệt không hài lòng” với các tổ chức tài chính quốc tế và với Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ.
Ông Cilliers nói, “Khi Fed tăng lãi suất, đôi khi việc đó khiến các nền kinh tế nhỏ hơn rơi vào tình trạng hỗn loạn. Họ phải chịu những tác động đột ngột mà không phải vì lý do gì trong nước. Vì vậy, họ xem đồng USD là phương tiện cung cấp cho hóa Kỳ một vũ khí rất mạnh để sử dụng vì lợi ích của Hoa Kỳ.”
“Đây là điều khiến BRICS liên kết lại trong mong muốn thoát khỏi hệ thống tài chính quốc tế được hậu thuẫn bằng đồng USD.”
Tuy nhiên, ông nói thêm, việc phi USD hóa sẽ là một quá trình chậm chạp.
Ông Cilliers nói, “Thương mại giữa các quốc gia BRICS là quá nhỏ để duy trì một đồng tiền chung và việc giao dịch bằng tiền tệ quốc gia chỉ có ý nghĩa nếu cán cân thương mại giữa các quốc gia ít nhiều bằng nhau, điều mà chắc chắn sẽ không xảy ra trong tương lai gần.”
Ông Gumede chỉ ra một ví dụ gần đây về việc Nga bán nhiều dầu mỏ cho Ấn Độ.
“Họ giao dịch bằng đồng rupee. Nhưng vì Ấn Độ xuất cảng sang Nga ít hơn nhiều so với nhập cảng, nên Moscow hiện phải sử dụng đồng rupee mà nước này không thể dùng để chi tiêu hóac chuyển đổi, ngoại trừ khi dùng để mua hàng hóa từ Ấn Độ.”
Ông Cilliers cho biết đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng không đủ khả năng chuyển đổi và thiếu thị trường vốn sâu, thiếu tính minh bạch của thị trường, thiếu các ngân hàng trung ương độc lập cùng các tổ chức tài chính phụ trợ của các ngân hàng phương Tây.
Ông cho biết cũng đã có “nhận thức về rủi ro” liên quan đến tương lai của Trung Quốc.
“Rốt cuộc thì đó là một chế độ độc tài đàn áp. Nhà cầm quyền đó sẽ gặp khó khăn để duy trì sự ổn định khi đối mặt với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn. Tôi cũng sẽ rất ngạc nhiên nếu Ấn Độ ủng hộ đồng tiền chung BRICS, với thực tế rằng Ấn Độ lo ngại về việc Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh tiềm năng trên toàn cầu cũng như trong khu vực.”
Ông Gumede nói thêm: “Đồng euro, một đồng tiền chung, ổn định bởi vì đằng sau đó là các chế độ chính trị ổn định ở một khu vực ổn định trên thế giới. Quý vị nhìn vào bất cứ nơi đâu trong BRICS thì ở đó đều có sự bất ổn, giống như ở Nga vì cuộc chiến Ukraine. Điều gì sẽ xảy ra với đồng tiền BRICS nếu Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan?”
Ông Cilliers dự đoán rằng thay vì một giải pháp thay thế duy nhất cho đồng USD, “các khối tiền tệ mới” sẽ xuất hiện.
“Những khối tiền tệ mới này sẽ dựa trên thương mại song phương và đa phương giữa Trung Đông và Trung Quốc, Nam Mỹ, Tây Phi và các nơi khác. Và vì vậy chúng ta sẽ thấy sức mạnh của đồng USD dần suy yếu,” ông nói.
Ông Cilliers cho biết sự thay đổi quan trọng nhất về sức mạnh của đồng bạc xanh sẽ xảy ra khi giá dầu và khí đốt không còn được định giá bằng USD nữa.
Ông cho rằng: “Đây có lẽ là động lực đằng sau việc đưa Saudi Arabia và UAE vào khối BRICS mở rộng.”
Ông Gumede cho biết nhu cầu về USD sẽ vẫn ở mức cao chừng nào GDP của Mỹ còn chiếm gần 25% nền kinh tế toàn cầu.
Ông cho biết Tổng thống Putin — được lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ủng hộ — đang nỗ lực hết sức để phi USD hóa “bởi vì phi USD hóa là chìa khóa cho sự tồn tại kinh tế của Nga” sau các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Phương Tây đã đóng băng 300 tỷ USD dự trữ ngoại thương của Nga sau khi quốc gia này xâm chiếm Ukraine hồi tháng 02/2022 và các giao dịch ngoại thương của quốc gia này, bao gồm cả các giao dịch với một số thị trường mới nổi, đã bị chặn.
Bảy ngân hàng của Nga đã bị loại khỏi hệ thống nhắn tin thanh toán quốc tế hàng đầu thế giới, SWIFT. Lệnh cấm này có nghĩa là các ngân hàng Nga không thể thực hiện các giao dịch kỹ thuật số xuyên biên giới.
Tuy nhiên, các ngân hàng Nga thực hiện các giao dịch liên quan đến dầu khí thì được miễn khỏi lệnh cấm với SWIFT, và sự việc này đang ngăn được nền kinh tế Nga sụp đổ, ông Gumede cho biết.
Nga là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba thế giới nhưng lại là nước xuất cảng dầu mỏ lớn nhất.
Ông Gumede giải thích: “Các nước BRICS đã mua dầu và khí đốt từ Moscow, giúp bảo vệ Nga trước sự cô lập của Hoa Kỳ và EU.”
Chẳng hạn, dầu nhập cảng từ Nga vào Ấn Độ trong tháng 05/2023 đã đạt mức kỷ lục khoảng 1.95 triệu thùng/ngày.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Trung Quốc và Ấn Độ đã mua 80% lượng dầu của Nga trong tháng 05/2023, trong đó Trung Quốc mua 2.2 triệu thùng mỗi ngày.
Ông Leslie Maasdorp, Giám đốc tài chính của cơ chế tài chính BRICS, Ngân hàng Phát triển Mới, nói với The Epoch Times rằng các nước BRICS đã sẵn sàng tiến hành kinh doanh với nhau bằng các loại đồng nội tệ.
Tuy nhiên, ông nói thêm, họ vẫn chưa sẵn sàng phát hành một loại tiền tệ chung có thể thách thức được đồng USD.
Ông Maasdorp cho biết: “Việc tạo ra một loại tiền tệ thay thế toàn cầu cho đồng USD là một tham vọng trung và dài hạn, chứ không phải là một khả năng ngay lập tức.”
“Kể cả đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng còn cách rất xa mới có thể trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu.”
Ông Cilliers cho biết cũng có khả năng sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Ấn Độ sẽ làm chậm quá trình phi USD hóa.
Ông nói: “Ấn Độ đã nói rằng họ muốn tập trung vào việc làm mạnh đồng tiền của mình trước bất kỳ điều gì khác.”
Ông Cilliers cho rằng việc mở rộng BRICS, hiện tại và trong tương lai, không nên được xem như là một “dấu hiệu tự động” rằng các quốc gia đang phát triển đang liên kết đằng sau một “tầm nhìn chung, đơn giản” về việc lật đổ phương Tây.
“Nhiều người có quan điểm rằng nếu Nga và Trung Quốc, cụ thể là, bất chấp và nói, ‘phi USD hóa ngay bây giờ,’ thì các nước BRICS khác sẽ chỉ có lắng nghe tiếng nói của bậc thầy thôi.”
“Hãy tin tôi, có sự phẫn nộ sâu sắc trong BRICS và trong phạm vi các quốc gia phương Nam về việc Nga xâm lược Ukraine và tác hại mà việc xâm lược này tiếp tục gây ra ở các nước đang phát triển, chẳng hạn như gây ra lạm phát tăng vọt và thậm chí cả tình trạng thiếu ngũ cốc.
Hoa Mai biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times