Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc từ chối Ngũ Giác Đài, gặp người đồng cấp Úc
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore sau khi ông Lý từ chối gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin.
Ông Marles đã xác nhận cuộc gặp này trên Twitter, trong đó ông gọi cuộc gặp là một “bước quan trọng” khác hướng tới việc ổn định mối bang giao giữa hai nước.
Trong bài diễn văn tại Phiên họp Toàn thể lần thứ Bảy của Đối thoại Shangri-La hôm 04/06, ông Marles cho biết Úc đã tìm cách ổn định mối bang giao này sau một “giai đoạn khó khăn,” khi các cuộc đàm phán cao cấp giữa Úc và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã hoàn toàn bị đình trệ suốt hơn hai năm trong đại dịch COVID-19.
Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng chính quyền Trung Quốc hiện đang tiến hành “phát triển quân đội thông thường lớn nhất” kể từ Đệ nhị Thế chiến.
Ông nói: “Và việc phát triển này đang diễn ra mà không có lời giải thích về mục đích chiến lược của việc đó. Trung Quốc không đưa ra cho khu vực của chúng ta hoặc thế giới bất kỳ sự trấn an về mặt chiến lược nào.”
“Với suy nghĩ này, năm ngoái, tôi đã nhấn mạnh rằng mục đích đầu tư của Úc vào năng lực quốc phòng mới, bao gồm cả thông qua AUKUS, là một đóng góp thận trọng và cần thiết cho sự cân bằng quyền lực bền vững và toàn diện, vừa ngăn chặn xung đột vừa trấn an các quốc gia rằng họ không bao giờ cần dùng đến vũ lực.”
Theo The Guardian, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, ông Marles đã nhắc lại cam kết của Úc trong việc ủng hộ hòa bình và ổn định ở Thái Bình Dương, đồng thời nêu lên tầm quan trọng của việc bảo đảm các cuộc tiếp xúc an toàn và chuyên nghiệp trên không và trên biển.
Ông Marles cho biết câu nói phổ biến về cách Úc điều hành mối bang giao này là “hợp tác với Trung Quốc trong những điều chúng tôi có thể hợp tác… bất đồng với Trung Quốc về những điều chúng tôi phải bất đồng.”
Ông nói với hãng truyền thông Sky News Australia hôm 04/06: “Xét về cách chúng tôi giao thiệp với Trung Quốc, quý vị có thể khiến điều này diễn ra — có thể làm hai việc đó cùng một lúc.”
Tuy nhiên, ông Alan Kors, đồng chủ tịch của nhóm vận động Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, đã nhắc nhở các chính phủ phương Tây rằng ĐCSTQ “sẽ tiêu diệt càng nhiều càng tốt để bảo toàn quyền lực của mình.”
Trước đây ông Kors đã nói với chương trình “China Insider” của EpochTV: “Khi họ phải đối mặt với sự lựa chọn giữa thịnh vượng hơn nữa, tự do hóa hơn nữa nền kinh tế với việc mất đi quyền lực chính trị, thì [ĐCSTQ] sẽ tập trung mọi thứ vào việc duy trì quyền lực chính trị.”
Cắt đứt liên lạc
Cuộc gặp gỡ giữa ông Marles và ông Lý Thượng Phúc diễn ra trong bối cảnh ĐCSTQ tiếp tục từ chối đối thoại với Ngũ Giác Đài.
Ông Austin một lần nữa mời người đồng cấp Trung Quốc của mình đến bàn đàm phán, nói rằng các tuyến liên lạc cởi mở là “cần thiết” — đặc biệt là giữa các nhà lãnh đạo quân sự.
“Đối với các nhà lãnh đạo quốc phòng có trách nhiệm, thời điểm thích hợp để đối thoại là bất cứ lúc nào,” ông nói. “Đối thoại không phải là một phần thưởng. Đó là một điều cần thiết.”
Ông Austin cho biết ông “lo ngại sâu sắc” về việc Bắc Kinh không sẵn lòng gặp gỡ ông và đối thoại một cách nghiêm túc hơn.
Ông nói, “Tôi hy vọng điều đó sẽ sớm thay đổi.”
Chính quyền Trung Quốc lần đầu tiên cắt đứt liên lạc quân sự thuộc khu vực với Hoa Kỳ sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện đương thời Nancy Pelosi tới Đài Loan hồi năm ngoái (2022).
Theo Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đặc trách các vấn đề An ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Ely Ratner, kể từ đó, ĐCSTQ đã từ chối nhiều đề nghị gặp mặt với ông Austin, các chỉ huy quân sự khu vực, và thậm chí cả nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng.
“Chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn,” ông Ratner nói trong cuộc nói chuyện hôm 25/05 với tổ chức tư vấn Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. “Chúng tôi đã nhiều lần bị [ĐCSTQ] khước từ hoặc không hồi âm những yêu cầu đó.”
Úc đã chịu sự lạnh nhạt tương tự đối với các cuộc đàm phán từ phía ĐCSTQ sau khi chính phủ tiền nhiệm của cựu Thủ tướng Morrison thúc đẩy các cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc COVID-19.
Hồi năm 2020, chính quyền Trung Quốc đã cắt đứt mọi liên lạc cấp bộ trưởng và áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại tùy tiện đối với một số hàng hóa của Úc để đáp trả trước yêu cầu điều tra COVID-19, cũng như việc Úc cấm các công ty có trụ sở tại Trung Quốc là Huawei và ZTE tham gia vào cơ sở hạ tầng 5G của Úc.
Những căng thẳng này dường như dịu xuống sau khi chính phủ Đảng Lao Động của Thủ tướng Albanese đắc cử và các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng đã được tiếp tục.
Thủ tướng Úc đưa ra cảnh báo rõ ràng về việc sử dụng vũ lực của ĐCSTQ
Thủ tướng Úc Anthony Albanese cũng tham dự sự kiện đối thoại này tại Singapore. Trong bài diễn văn quan trọng, ông bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ Úc đối với những nỗ lực mới của chính phủ Tổng thống Biden nhằm đạt được các tuyến liên lạc cởi mở hơn với Bắc Kinh.
Ông nói: “Chúng ta nên làm mọi thứ có thể để ủng hộ việc xây dựng hàng rào bảo vệ đầu tiên và căn bản nhất đó, đồng thời cho biết thêm rằng chính phủ Úc đã đặt “đối thoại làm trọng tâm trong các nỗ lực ổn định mối bang giao của chúng tôi với Trung Quốc”.
Hôm 21/05, tại hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Nhật Bản, ông Biden nói rằng ông mong đợi sự “ấm lên” trong mối bang giao với Trung Quốc trong thời gian ngắn. Kể từ đó, có thông tin tiết lộ rằng hồi tháng trước (05/2023), giám đốc CIA William Burns đã đến thăm Trung Quốc để đàm phán với những người đồng cấp Trung Quốc nhằm tìm cách tăng cường liên lạc tình báo với Bắc Kinh.
Một quan chức ẩn danh nói với Reuters hôm 02/06, ông Burns “đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các tuyến liên lạc cởi mở trong các hệ thống tình báo.”
Tại Singapore, Thủ tướng Albanese đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc nhất từng được ghi nhận cho Bắc Kinh, thông báo cho chế độ này rằng họ phải “minh bạch rằng khi có bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực: có thể là ở Đài Loan, Biển Đông, Biển Hoa Đông hay bất kỳ nơi nào khác, thì nguy cơ xảy ra xung đột sẽ luôn lớn hơn nhiều so với bất kỳ phần thưởng tiềm năng nào.”
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ ủng hộ nhận định của ông Albanese, nói rằng mọi quốc gia đều đóng một vai trò trong việc đạt được tầm nhìn về một Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Ông nói: “Những lựa chọn của các quốc gia trong khu vực phản ánh một cam kết sâu sắc hơn đối với các nguyên tắc chung này.”
Nhận định này được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc được cho là đã bày tỏ lo ngại về việc Đài Loan tìm kiếm “sự trợ giúp từ ngoại quốc” trong một cuộc họp kín giữa ông Lý Thượng Phúc và Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, Hoàng Vĩnh Hoành (Ng Eng Hen).
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Thornebrooke và Reuters
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times