Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin: Cuộc chiến tranh với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan sẽ có tác động ‘tàn khốc’
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin cảnh báo Trung Quốc rằng một cuộc chiến tranh nhằm xâm chiếm nước láng giềng Đài Loan dân chủ của họ sẽ có một tác động “tàn khốc” đối với thế giới.
Trong bài diễn văn tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 03/06, ông Austin nói: “Cả thế giới đều có thụ ích trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan — cả thế giới. An ninh của các tuyến vận chuyển thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc vào eo biển này. Và quyền tự do hàng hải trên toàn thế giới cũng vậy.”
“Đừng nhầm lẫn: cuộc xung đột ở Eo biển Đài Loan sẽ rất tàn khốc,” ông Austin nói thêm.
Đài Loan đang phải đối mặt với một mối đe dọa xâm lược thường xuyên từ Trung Quốc, vốn xem hòn đảo tự trị này là một phần lãnh thổ của họ. Trong những năm gần đây, mối đe dọa này đến với hình thức là Trung Quốc liên tục điều động những chiếc phi cơ quân sự vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo. Trích dẫn dữ liệu từ Bộ Quốc phòng của đảo quốc này, hãng thông tấn AFP cho biết, trong năm 2022, Trung Quốc đã điều động 1,727 phi cơ vào ADIZ của Đài Loan, tăng từ 960 chiếc vào năm 2021 và 380 chiếc vào năm 2020.
ADIZ là một khu vực đã được công bố bên ngoài một vùng trời quốc gia của một nước, trong đó các phi cơ ngoại quốc nào đang tiếp cận phải sẵn sàng xác định danh tính và vị trí của họ. Khu vực này cho phép quân đội có thời gian để đánh giá tính chất của chiếc phi cơ đang đến gần và thực hiện các biện pháp phòng thủ nếu cần thiết.
Một trong những vụ xâm nhập quy mô lớn nhất trong năm nay xảy ra hôm 10/04, khi 54 chiến đấu cơ của Trung Quốc tiến vào ADIZ của hòn đảo này.
“Vì vậy, chúng tôi quyết tâm duy trì hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan. Và một số lượng các quốc gia khác trên thế giới cũng vậy — và con số đó tiếp tục tăng lên.” ông Austin nói. “Cuộc xung đột đó không phải là sắp xảy ra hay không thể tránh khỏi. Ngày nay, khả năng răn đe [của chúng tôi] rất mạnh mẽ — và nhiệm vụ của chúng tôi là duy trì khả năng răn đe như vậy.”
Hôm 03/06, ông Austin đã gặp những người đồng cấp Nhật Bản, Nam Hàn, và Úc trong hai cuộc gặp riêng tại Singapore. Tuyên bố chung của họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn “hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan.”
“Hoa Kỳ vẫn cam kết mạnh mẽ trong việc duy trì hiện trạng ở eo biển này, phù hợp với chính sách một Trung Quốc lâu đời của chúng tôi, và thực hiện các nghĩa vụ thường được biết đến của chúng tôi theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan,” ông Austin nói thêm. “Vì vậy, chúng tôi sẽ giúp đỡ các đồng minh và đối tác của mình khi họ tự vệ trước sự cưỡng ép và bắt nạt.”
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ chỉ trích Trung Quốc vì đã tiến hành các cuộc diễn tập hải quân “không an toàn” hôm 03/06, khi tàu USS Chung-Hoon, cùng với HMCS Montreal của Canada, đang thực hiện “một chuyến đi thường lệ từ phía nam đến phía bắc Eo biển Đài Loan.”
Bộ Tư lệnh cho biết một khu trục hạm hỏa tiễn dẫn đường của Trung Quốc đã “vượt qua Chung-Hoon ở mạn trái và vượt qua mũi tàu của họ ở khoảng cách 150 yard (137 mét),” và “Chung-Hoon duy trì hướng đi và giảm tốc độ xuống còn 10 hải lý để tránh một cuộc va chạm.”
Bộ Tư lệnh cho biết thêm rằng, “Các hành động [của Trung Quốc] đã vi phạm ‘Quy tắc Đi đường’ hàng hải về việc đi lại an toàn trong vùng biển quốc tế.”
Chất bán dẫn
Mặc dù đã chi hàng tỷ dollar để trợ giúp ngành công nghiệp chất bán dẫn của quốc gia, nhưng Trung Quốc hiện vẫn không có khả năng sản xuất chất bán dẫn tân tiến nhất, vốn là những vi mạch bán dẫn nhỏ cung cấp năng lượng cho mọi thứ từ điện thoại di động và xe điện cho đến các hệ thống hỏa tiễn và trí tuệ nhân tạo.
Trong khi đó, Đài Loan, xứ sở của nhà thầu sản xuất vi mạch bán dẫn lớn nhất thế giới TSMC, chiếm khoảng 92% năng lực sản xuất chất bán dẫn tân tiến nhất thế giới.
Do đó, theo Dân biểu Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas), nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình muốn thâu tóm ngành công nghiệp chất bán dẫn của Đài Loan.
“Ông Tập muốn điều đó,” ông McCaul nói trong một hội thảo tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2022. “Và cũng giống như [Tổng thống Nga Vladimir] Putin, vấn đề không phải là liệu có nên xâm lược Ukraine hay không mà là khi nào, tôi nghĩ ông Tập đang xem xét Đài Loan và vấn đề về thời điểm mà thôi.”
Một cuộc xung đột về vấn đề Đài Loan có thể diễn ra theo một số kịch bản. Theo báo cáo quân sự năm 2022 của Ngũ Giác Đài (pdf) về Trung Quốc, các lựa chọn quân sự của Trung Quốc bao gồm từ “một cuộc phong tỏa trên không và/hoặc trên biển cho đến một cuộc xâm lược đổ bộ quy mô lớn nhằm chiếm giữ một số đảo ngoài khơi hoặc toàn bộ Đài Loan.”
Tuy nhiên, theo một báo cáo mới đây của Rhodium Group, việc Trung Quốc phong tỏa Đài Loan có thể gây tổn thất cho nền kinh tế thế giới.
“Một ước tính sơ bộ, thận trọng về sự phụ thuộc vào ngành vi mạch bán dẫn của Đài Loan cho thấy rằng các công ty trong các ngành này có thể buộc phải từ bỏ doanh thu thường niên lên tới 1.6 ngàn tỷ USD trong trường hợp xảy ra một cuộc phong tỏa,” báo cáo này cho biết, đồng thời lưu ý rằng hoạt động kinh tế có thể mất thêm hàng ngàn tỷ dollar do tác động bậc hai.
Báo cáo này cho rằng, “Cuối cùng, toàn bộ tác động kinh tế và xã hội do sự thiếu hụt vi mạch bán dẫn ở quy mô đó là không thể đo lường được, nhưng lại có thể sẽ là rất thảm khốc.”
Trong một bài diễn văn hồi tháng Hai, Thượng nghị sĩ Roger Wicker (Cộng Hòa-Mississippi), thành viên cao cấp trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện, dự đoán rằng cuộc chiến của Trung Quốc nhằm chiếm Đài Loan sẽ “ngay lập tức khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào một cuộc suy thoái mà chúng ta chưa từng thấy trong một thế kỷ qua.”
“Người Mỹ sẽ mất quyền tiếp cận với các chất bán dẫn quan trọng có trong những chiếc máy điện toán xách tay, điện thoại, xe hơi, và vô số sản phẩm điện tử vốn đã trở thành những thứ vô cùng trọng yếu của cuộc sống thường nhật,” ông Wicker nói thêm.
Nếu Trung Quốc nắm quyền kiểm soát ngành công nghiệp chất bán dẫn của Đài Loan, ông Wicker cảnh báo rằng chuỗi cung ứng của Mỹ sẽ “vô cùng dễ bị tổn hại trước ảnh hưởng đó của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times