Bộ An ninh Quốc gia đe dọa trừng phạt những ai dự đoán Trung Quốc sẽ trở thành ‘nền kinh tế rỗng’
Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc vừa đưa ra một cảnh báo hiếm hoi rằng họ sẽ trừng phạt những người đưa ra thông tin tiêu cực về nền kinh tế Trung Quốc.
Bộ An ninh Quốc gia của chế độ cộng sản Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo hiếm hoi rằng họ sẽ trừng phạt những người đưa ra thông tin tiêu cực về nền kinh tế Trung Quốc.
Theo các nhà quan sát Trung Quốc, điều này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã xuống đến một cột mốc nguy hiểm và các nhà đầu tư không còn tin tưởng vào Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền. Đồng thời, quá trình rút vốn hiện đang tăng tốc.
Hôm 02/11, Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc đã đăng một bài viết lên trương mục chính thức của mình trên nền tảng mạng xã hội WeChat của Trung Quốc. Trong đó, họ tuyên bố rằng họ sẽ “tham gia tích cực vào việc bảo vệ sự ổn định tài chính của đất nước và giám sát chặt chẽ các nguy cơ trong ngành.” Bộ này còn cảnh báo rằng họ cần phải “hiểu rõ nhiều rủi ro và thách thức đối với an ninh tài chính của mình.”
Bài đăng cho biết rằng có bốn loại người: những người dự đoán là Trung Quốc sẽ trở thành một “nền kinh tế rỗng,” những người đã thực hiện hành động rút vốn khỏi Trung Quốc, những người lên tiếng và khuyến khích ý tưởng rút vốn ra khỏi Trung Quốc, và những người đang vắt kiệt nền kinh tế Trung Quốc từ bên trong. Những loại người này cùng hành động của họ là có ý muốn làm lung lay niềm tin của cộng đồng quốc tế vào hoạt động đầu tư ở Trung Quốc, đồng thời gây ra tình trạng bất ổn tài chính trong nước ở Trung Quốc. Bài đăng đe dọa sẽ trừng phạt những “vụ phạm tội tài chính” như thế này theo quy định của pháp luật.
Việc Bộ An ninh Quốc gia của ĐCSTQ đưa ra những tuyên bố bất thường về các vấn đề kinh tế của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.
Ông Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan), một nhà bình luận thời sự sinh sống tại Hoa Kỳ, cho biết trong chương trình trò chuyện trên YouTube của mình hôm 04/11: “Lời này là từ ông Tập Cận Bình, là chỉ thị trực tiếp của ông Tập. Trước giờ Bộ An ninh Quốc gia không hề can thiệp vào tài chính hay kinh tế, ngoại trừ những vụ phạm tội tài chính nghiêm trọng. Bộ này không chịu trách nhiệm về các vấn đề kinh tế cụ thể, chẳng hạn như việc tháo vốn đầu tư khỏi Trung Quốc.”
Ông Đường cho biết tuyên bố của Bộ An ninh quốc gia đã làm dấy lên một xu hướng nguy hiểm: “Không nước nào trong cộng đồng quốc tế dám để gián điệp điều hành nền kinh tế. [Cơ quan] gián điệp quản lý các vấn đề tài chính của một quốc gia là một sự thay đổi xưa nay chưa từng có. Sự kiện này báo hiệu rằng gián điệp sẽ quản lý quốc gia một cách toàn diện. Hiện nay, Bộ An ninh đảm nhận về tài chính và đề ra phương hướng phát triển cho ngành tài chính. Bước tiếp theo có phải là để cho [cơ quan] gián điệp đề ra phương hướng cho ngành giáo dục hay không?” ông hỏi.
Các vấn đề tài chính
Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình cho biết tại Hội nghị Công tác Tài chính Trung ương ngày 31/10 rằng ngăn chặn và giải quyết rủi ro tài chính là “chủ đề muôn thuở” của chính phủ, đồng thời tuyên bố sẽ tăng cường giám sát về mọi mặt.
Hôm 02/11, ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), một nhà kinh tế học đang sinh sống tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng không có đề nghị nào mà ông Tập đưa ra, kể cả những đề nghị tại Hội nghị Công tác Tài chính Trung ương, thực sự có thể thành công. “Toàn bộ hệ thống tài chính Trung Quốc đang gặp rủi ro, sóng gió đang ập đến, và hệ thống này có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.”
Nhà bình luận cao cấp về các vấn đề thời sự tại New York Lý Lâm Nhất (Li Linyi) nói với The Epoch Times rằng ngành tài chính của ĐCSTQ đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, chẳng hạn như nguy cơ về nợ và thị trường địa ốc. “Một trong số đó là nguy cơ về tình trạng thoái vốn, bằng chứng đó là gần đây [dự trữ] ngoại hối ngày càng sụt giảm.”
Theo dữ liệu công khai, năm nay dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tiếp tục giảm. Trong tháng Tám, mức dự trữ lại giảm 44.2 tỷ USD, tương ứng với 1.38%; trong tháng Chín giảm thêm 45 tỷ USD, tức 1.42% — mức giảm nhiều nhất trong vòng bảy tháng.
Tính đến cuối tháng 09/2023, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc là 3.1151 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc chủ yếu là tài sản bằng đồng dollar Mỹ.
Theo ông Đường, ông Tập tin rằng có hai nguyên nhân sâu xa dẫn đến những vấn đề mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt: “Một là Hoa Kỳ sử dụng ‘quyền bá chủ tiền tệ’ để đàn áp nền kinh tế Trung Quốc, và hai là bốn loại người bên trong Trung Quốc đang ‘phá hoại’ nền kinh tế Trung Quốc, và đó là lý do tại sao những người này cần phải bị thanh trừng.”
Ông Lý cho biết ông tin rằng nền kinh tế Trung Quốc gặp những vấn đề này thực sự là do “cộng đồng quốc tế không tin tưởng ĐCSTQ, và các doanh nhân ngoại quốc đang tìm mọi cách để rút vốn đầu tư khỏi Trung Quốc; trong khi ở trong nước, những người có tiền — dù họ thuộc tầng lớp trung lưu hay người có thu nhập cao và có giá trị tài sản ròng cao — đều đang tìm cách chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc khi đồng Nhân dân tệ liên tục mất giá.”
Trong khi đó, Bộ An ninh Quốc gia của ĐCSTQ đã bước ra đe dọa những ai dám đưa ra dự đoán về một tương lai tiêu cực cho nền kinh tế Trung Quốc và tình trạng cạn vốn.
Ông Lý tin rằng chính sách mới này cho thấy Trung Quốc đã bước vào giai đoạn khủng hoảng tài chính.
“Giờ thì ĐCSTQ không chỉ cảnh cáo họ mà sẽ bắt giữ những người nói đến việc chuyển vốn ra ngoại quốc hoặc những người đang tiến hành rút khỏi Trung Quốc. Tiền này là tiền của họ, vậy họ không thể mang tiền đi sao? Giờ thì mọi chuyện đã đến nước này.”
Bản tin có sự đóng góp của Trình Tĩnh và Lạc Á
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times