Cơ sở hạ tầng nhiều hơn có phải là điều Trung Quốc cần?
Bắc Kinh đã viện đến phương thức kích thích kinh tế mặc định của mình: chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Nhưng có thể lần này họ sẽ không thành công.
Giới lãnh đạo Trung Quốc cuối cùng đã nhận ra thực tế rằng nền kinh tế nước này cần được trợ giúp nhiều hơn. Với trí tưởng tượng thiếu phong phú, Bắc Kinh đã chuyển sang phản ứng mặc định của mình: chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
Tại hội nghị công tác tài chính trung ương gần đây, chính quyền Trung Quốc tuyên bố đã cho phép tiến hành một đợt phát hành trái phiếu mới trị giá 1 ngàn tỷ nhân dân tệ (137 tỷ USD) để tài trợ chi tiêu cho các dự án, chủ yếu là để giúp các khu vực bị thiệt hại do lũ lụt. Mặc dù những khoản chi tiêu như vậy trước đây từng có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng trong nền kinh tế Trung Quốc, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, vẫn chưa rõ liệu nỗ lực này có khởi tác dụng hay không.
Một lý do quan trọng để nghi ngờ tính hiệu quả trong chính sách của Bắc Kinh là trong những năm gần đây, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đã không mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi. Việc không thu được lợi ích kinh tế đáng kể từ chi tiêu trong quá khứ thể hiện rõ ràng trong tình hình tài chính bấp bênh [hiện tại] của các chính quyền cấp tỉnh và địa phương. Trước đây, các dự án cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh phần lớn đã tạo ra gánh nặng tài chính cho các tỉnh thành.
Bắc Kinh đã cho phép vay để tài trợ cho các kế hoạch cơ sở hạ tầng của mình thông qua cái gọi là biện pháp tài trợ của chính quyền địa phương (LGFV). Tuy nhiên, các chính quyền tỉnh và địa phương đã vẫn phải đảm nhận các nghĩa vụ tài chính. Bởi vì những nỗ lực gần đây đã không tạo ra được lợi ích kinh tế như mong muốn, các chính quyền địa phương này hiện phải đối mặt với khoản nợ to lớn mà họ đang phải quản lý một cách chật vật. Gánh nặng đó lớn đến mức, trong một số trường hợp các cơ quan nhà nước này gặp khó khăn trong việc cung cấp các dịch vụ căn bản cho người dân của mình. Thật vậy, một số chính quyền địa phương đã sử dụng LGFV mới để trả những khoản nợ còn sót lại từ các nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng trong quá khứ.
Bắc Kinh đã nhận thấy khó khăn tài chính của chính quyền địa phương và lần đầu tiên sau một thời gian dài, họ đã quyết định đưa khoản nợ cho nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng mới nhất này vào bảng cân đối kế toán của chính quyền trung ương. Cử chỉ này có thể giảm bớt gánh nặng tài chính cho chính quyền địa phương hoặc ít nhất là không khiến tình hình nợ nần trở nên tệ hơn. Tuy nhiên, sự thất bại của những nỗ lực trước đây trong việc giành được lợi ích kinh tế cần thiết đã đặt ra câu hỏi rằng liệu đợt chi tiêu cơ sở hạ tầng mới nhất này có mang lại kết quả tốt hơn hay không. Ngay cả khi khoản chi tiêu mới này tạo ra lợi ích kinh tế, thì vẫn chưa chắc chắn rằng lợi ích đó là đủ để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc. Rốt cuộc, số tiền ngân sách chi ra là chưa đến 1.0% nền kinh tế trị giá 18 ngàn tỷ USD của Trung Quốc.
Để đạt được hiệu quả mong muốn, sáng kiến chi tiêu mới sẽ không chỉ phải thúc đẩy nền kinh tế to lớn này mà còn phải vượt qua lực cản kinh tế đáng kể do tình trạng khủng hoảng tài chính nghiêm trọng của Trung Quốc gây ra. Như đã đề cập, các chính quyền địa phương đang gặp khó khăn. Theo ông Lý Đạo Quỳ (Li Daokui), cựu cố vấn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đồng thời là giáo sư tại Đại học Thanh Hoa, khoản nợ tích lũy của các chính quyền địa phương đã tăng lên 64 ngàn tỷ nhân dân tệ, chủ yếu là do tài trợ cơ sở hạ tầng trước đây. Con số này lớn hơn một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Ngoài gánh nặng này, hệ thống tài chính Trung Quốc còn phải giải quyết những thất bại to lớn của các nhà phát triển địa ốc dân cư — nổi bật nhất là Hằng Đại (Evergrande) và Bích Quế Viên (Country Garden), nhưng các công ty này cũng không phải là các trường hợp cá biệt.
Hơn nữa, các tổ chức tài chính của Trung Quốc còn phải chịu thêm áp lực từ việc các gia đình Trung Quốc từ chối hoàn trả các khoản nợ vay mua nhà mà họ đã ký kết để mua trước những căn hộ đặt cọc từ các nhà phát triển hiện đã sụp đổ. Tất cả những căng thẳng tài chính này không thể không gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc, và còn không chỉ dừng lại ở đó. Sự sụt giảm giá trị tài sản đi kèm với những vụ sụp đổ này đã ảnh hưởng đến tài sản của các gia đình nhiều đến mức nền kinh tế cũng phải hứng chịu tình cảnh các gia đình Trung Quốc ngần ngại tiêu dùng.
Thừa nhận gián tiếp về bản chất nghiêm trọng của những căng thẳng tài chính này, Bắc Kinh cũng đã tuyên bố tại hội nghị công tác tài chính trung ương rằng họ đặt mục tiêu “tối ưu hóa cấu trúc nợ cho chính quyền trung ương và địa phương.” Có lẽ, quyết định tài trợ cho khoản chi tiêu cơ sở hạ tầng mới nhất này bằng trái phiếu kho bạc của chính quyền trung ương là một phần của mục tiêu “tối ưu hóa” đó. Nhưng ngoài bước cụ thể này, Bắc Kinh cung cấp rất ít gợi ý về ý nghĩa của cụm từ đó. Việc thiếu tính cụ thể không khỏi khiến dư luận có cảm giác Bắc Kinh đang mơ hồ về những bước đi khác mà họ cần thực hiện.
Nếu như ở giai đoạn đầu này là chưa thể biết trước liệu sáng kiến cơ sở hạ tầng mới nhất có mang lại lợi ích kinh tế hay không, thì vẫn có thể đánh cược rằng nỗ lực này là quá nhỏ để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đang gặp khó khăn chồng chất của Trung Quốc. Ngay cả khi nỗ lực này mang lại lợi ích rất lớn, thì nền kinh tế dường như vẫn sẽ gặp khó khăn vào năm 2024.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times