BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: ĐCSTQ lo sợ chính sách ngăn chặn của Hoa Kỳ — Đây có phải là những gì Hoa Thịnh Đốn đang làm không?
Khi giữ được danh hiệu “người đàn ông nhanh nhất trong Quốc hội” năm thứ sáu liên tiếp trong tháng Năm, Dân biểu Mike Gallagher không hề vui mừng.
Đạt được chiến thắng trong cuộc đua 3 dặm với một thời gian đáng nể là 20 phút 3 giây, nghị sĩ tiểu bang Wisconsin này nhận thấy bản thân ông đang hướng tâm trí về Mỹ quốc thời hậu Chiến tranh Lạnh.
“Trên lý thuyết, đây là một chiến thắng. Trên thực tế, thời gian của tôi đã chậm lại,” ông nói trong một tuyên bố sau khi đạt được vị trí đứng đầu bảng nam của Quốc hội trong cuộc chạy đua thường niên dành cho nhân viên chính phủ và truyền thông ở Hoa Thịnh Đốn.
“Giống như Mỹ quốc sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin, giống như Thượng nghị sĩ Tom Cotton sau [cuộc đua] năm 2016, chiến thắng đang đánh bại tôi,” nhà lập pháp 39 tuổi này nói, đề cập đến nhà vô địch mà ông đã đánh bại trong lần đầu tiên tham gia cuộc đua vào năm 2017.
“Hãy xem đây là một bài học cho tất cả các chính trị gia đã qua thời hoàng kim của mình, những người đang chống lại kết cục lụi tàn: tự mãn sẽ dẫn quý vị đến thất bại.”
Nhiều tháng trước đó, vị nghị sĩ đang ở nhiệm kỳ thứ tư này, và là một cựu sĩ quan tình báo Thủy quân lục chiến, đã đảm nhận vị trí lãnh đạo Ủy ban Đặc biệt Hạ viện về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mới được thành lập.
Bình luận của ông Gallagher sau khi đạt được chiến thắng đó cho thấy ông say mê công việc mới này đến nhường nào.
“Ông ấy nghĩ rằng chúng ta đang ở trong ngưỡng nguy hiểm tột bậc, và ông ấy đang làm mọi thứ có thể để tiến về phía trước,” một nguồn tin thân cận với Ủy ban này nói với The Epoch Times.
Chống lại chế độ Trung Quốc là một trong số ít lĩnh vực thu hút được sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Quốc hội. Bà (nguồn tin được đề cập ở trên) cho biết mặc dù có những quan điểm khác nhau về cách mô tả chính xác thách thức này – chẳng hạn như liệu Bắc Kinh có đặt ra một “mối đe dọa hiện hữu” hay chỉ đơn thuần là một “đối thủ cạnh tranh chiến lược,” nhưng ủy ban này “đều nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng.”
Thứ nhất, bà cho biết, việc ngăn chặn Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan là một ưu tiên trọng tâm của các thành viên thuộc hơn 15 ủy ban khác của Quốc hội.
Mối bang giao kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc là một lĩnh vực khác mà cả hai đảng đều tập trung vào, cho dù một số người gọi đó là “tách rời” và những người khác gọi đó là “giảm thiểu rủi ro.” Bà đã liệt kê các hạng mục hành động cụ thể, bao gồm đạt được sự độc lập về chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ, bảo đảm các công ty và nhà đầu tư Mỹ không dính líu đến các hành vi vi phạm nhân quyền của chế độ này, đồng thời cung cấp thông tin cho họ về những rủi ro khi kinh doanh tại Trung Quốc.
Mặc dù các thành viên Đảng Dân Chủ có thể sử dụng một biệt ngữ khác để nói về thách thức từ Trung Quốc, nhưng dường như ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng cần phải có hành động mạnh mẽ.
Tại một buổi điều trần trong tháng Năm về những hành động gây hấn về kinh tế của Trung Quốc, Dân biểu Ami Bera (Dân Chủ-California), thành viên cao cấp của Tiểu ban Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hạ viện, cho biết: “Tôi không sử dụng ngôn ngữ Chiến tranh Lạnh, nhưng chúng ta biết rằng chúng ta đang hướng tới một cuộc đối đầu.”
‘Sự can dự thiếu hiểu biết’
Nhưng một số người lo lắng rằng thông điệp này không đến được Tòa Bạch Ốc.
Hôm 21/05, tại hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Hiroshima, Nhật Bản, Tổng thống Joe Biden cho rằng viễn cảnh mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc ‘ấm lên’ không còn xa.
Đã nhiều tháng nay Tòa Bạch Ốc vẫn đang tìm cách khôi phục hoạt động đối thoại như thường lệ với Bắc Kinh sau khi một khinh khí cầu do thám Trung Quốc bay qua không phận Hoa Kỳ, khiến Ngoại trưởng Antony Blinken phải hủy chuyến công du được ấn định tới Trung Quốc hồi đầu tháng Hai.
Hôm 11/05, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói với nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị tại Vienna, Áo, rằng chính phủ TT Biden đang “tìm cách vượt qua” những căng thẳng mà vụ khinh khí cầu do thám gây ra. Khinh khí cầu này đã bay qua các căn cứ quân sự nhạy cảm trên đất Mỹ trước khi bị Hải quân Hoa Kỳ bắn hạ vào ngày 06/02.
“Ngài tổng thống xem mối bang giao của chúng ta với Trung Quốc là một cuộc cạnh tranh chiến lược. Ông cũng tin rằng Hoa Kỳ đang ở một vị trí tuyệt vời để đạt được thành công trong cuộc cạnh tranh đó,” phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby nói với The Epoch Times hồi đầu tháng Năm. “Chúng tôi không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc, và chúng tôi muốn duy trì các đường dây liên lạc luôn trong trạng thái mở.”
Chính phủ ông Biden cũng đã tìm cách thiết lập các hàng rào bảo vệ xung quanh mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc. Tại một cuộc họp báo hồi tháng Ba, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã kiên quyết phủ nhận cuộc cạnh tranh này, nói rằng đó thực chất là một “cuộc đối đầu thù địch” còn cái gọi là hàng rào bảo vệ thực chất là gây hấn.
Trong nhiều tuần, Hoa Kỳ đã theo đuổi một cuộc hội đàm khác giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình, tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một đề nghị mà ĐCSTQ đã từ chối.
Những cuộc đối thoại như vậy chính là điều mà ông David Stilwell, cựu Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, khuyên là không nên thực hiện.
Theo quan điểm của ông, mục đích của việc giao thiệp này là xin phép sự đồng ý của ĐCSTQ để làm các việc. Bằng cách bỏ lửng lời hứa đối thoại, nhà cầm quyền nước này hy vọng sẽ đánh lạc hướng Hoa Kỳ bằng “mối bang giao,” thay vì để Hoa Thịnh Đốn tập trung vào các hành động.
Mới đây ông Stilwell đã nói với The Epoch Times, “Vì vậy, tôi có chút bối rối về toàn bộ những cuộc đàm phán về hàng rào bảo vệ này và tất cả những thứ đó. Điều đó 100% nằm trong tay Bắc Kinh và chúng ta không nên làm điều đó.”
“Chúng ta nên thực hiện nhiều hành động hơn để bảo vệ các lợi ích của Hoa Kỳ và bớt lo lắng về cách CHND Trung Hoa sẽ phản ứng ra sao,” ông nói thêm, sử dụng từ viết tắt cho tên chính thức của chế độ này, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
“Họ sẽ không phản ứng thái quá; họ không đủ khả năng để làm vậy.”
Ông Gallagher cũng bác bỏ cách tiếp cận của chính phủ ông Biden một cách tương tự, mô tả đó là “sự can dự thiếu hiểu biết.”
Trong cuộc điện đàm hôm 24/05 với các phóng viên, nhà lập pháp này đã bày tỏ sự hoài nghi về “kiểu phục hồi cam kết kinh tế như một trụ cột cốt lõi trong chiến lược của chúng ta.”
“Chúng ta có thể vừa cạnh tranh vừa hợp tác, hoặc chúng ta có thể giảm thiểu rủi ro mà không phải tách rời,” ông nói, đề cập đến chiến lược của chính phủ Hoa Kỳ.
“Tôi rất hoài nghi về điều đó và tôi nghĩ rằng sự thiếu rõ ràng sẽ làm xáo trộn suy nghĩ của chúng ta và làm suy yếu biện pháp tiếp cận của chúng ta.”
“Bất chấp suy nghĩ viển vông của chính phủ, mối bang giao của chúng ta với Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng trở nên rắc rối hơn,” ông Gallagher nói với The Epoch Times khi được hỏi về tuyên bố của ông Biden về viễn cảnh sắp tới trong mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc.
Ông nói tiếp: “Chúng ta đang ở trong ngưỡng nguy hiểm tột bậc đối với một cuộc xâm lược của ĐCSTQ vào Đài Loan, và đó là lý do tại sao điều quan trọng là Quốc hội phải đưa ra hành động quyết đoán để tăng cường khả năng răn đe quân sự, kinh tế, và ngoại giao của Đài Loan.”
Mở rộng sự lãnh đạo lưỡng đảng của Quốc hội
Trong tháng Năm, tại cuộc họp làm việc đầu tiên của Ủy ban về Trung Quốc, các nghị sĩ đã thông qua các khuyến nghị chính sách cho Quốc hội để ngăn chặn ĐCSTQ xâm lược Đài Loan. Theo một người thạo tin về những cuộc họp này, bằng cách này, ủy ban đang “tập hợp sự đồng thuận của lưỡng đảng để thực hiện các hành động cần thiết nhằm bảo vệ đất nước của chúng ta và ngăn chặn sự hung hãn của ĐCSTQ.”
Trong khi đó, một số nhà phân tích cũng đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Capitol Hill trong việc dẫn đầu giải quyết mối đe dọa của ĐCSTQ đối với đất nước.
Ông Arthur Herman là một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Hudson và là một cựu cố vấn cao cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia vào cuối nhiệm kỳ của chính phủ cựu Tổng thống Trump. Về phần mình, ông thừa nhận công trạng của ông Biden vì một số thành công đáng chú ý trong việc đối phó với Trung Quốc, bao gồm thỏa thuận quốc phòng AUKUS với Úc và Vương quốc Anh, các thỏa thuận song phương với các đồng minh Thái Bình Dương để tăng cường phòng thủ chung, và cấm xuất cảng chất bán dẫn tân tiến sang Trung Quốc.
Ông nói với The Epoch Times, “Nhưng nhìn chung, nếu các đồng minh đang tìm kiếm sức mạnh ở vị trí của Mỹ và quyết tâm đối phó với Trung Quốc, thì nơi họ có thể tìm thấy điều đó ngay bây giờ sẽ là Quốc hội, chứ không hẳn là ở Tòa Bạch Ốc.”
Ông xem vấn đề đất nông nghiệp của Hoa Kỳ là một ví dụ về việc cơ quan lập pháp, ở cả cấp quốc gia và tiểu bang, đang đi đầu và ủng hộ các hành động mới từ chính phủ.
Hồi đầu tháng Năm, chính phủ Tổng thống Biden đã đề nghị kiểm soát chặt chẽ hơn các thương vụ mua đất của ngoại quốc bằng cách mua lại đất ở gần 8 cơ sở quân sự nữa đang được xem xét về an ninh quốc gia. Quy định mới sẽ có hiệu lực vào đầu tháng Sáu.
Trước đó, nhiều dân biểu và thượng nghị sĩ trong Quốc hội đã giới thiệu các dự luật cấm các tổ chức và cá nhân Trung Quốc mua hoặc cho thuê đất nông nghiệp của Hoa Kỳ. Ngoài ra, nhiều tiểu bang khác nhau, chẳng hạn như Texas, North Dakota, và South Dakota, nơi có thêm tám căn cứ quân sự, cũng đã giới thiệu hoặc thông qua dự luật cấp tiểu bang cho mục đích tương tự.
Ông Herman cho biết, những hành động cấp Quốc hội [liên bang] và cấp tiểu bang như vậy cho thấy mối quan tâm của các cử tri và giúp nhánh hành pháp dễ dàng hành động hơn.
Với hy vọng tác động đến vai trò lãnh đạo của Quốc hội trong việc đối phó với Trung Quốc, trong một bài báo trong tháng Năm với nhan đề “Tổng thống không thể tự mình đương đầu với Trung Quốc,” ông Herman và thượng cấp cũ của ông, cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien, đã kêu gọi Quốc hội cấm Tiktok vốn thuộc sở hữu của Trung Quốc, mở rộng cuộc điều tra của Quốc hội về nguồn gốc của COVID-19 tại Trung Quốc, và ngăn chặn các công ty Trung Quốc mua đất nông nghiệp của Hoa Kỳ.
Họ cũng khuyến nghị Quốc hội loại bỏ các linh kiện do Trung Quốc sản xuất trong các tháp viễn thông, bắt đầu với những bộ phận gần các cơ sở quân sự, và cắt tài trợ của liên bang đối với các trường có Viện Khổng Tử — các trung tâm ngôn ngữ do ĐCSTQ hậu thuẫn mà các nhà phê bình cho rằng đã truyền bá tuyên truyền của Bắc Kinh và có mục đích gây ảnh hưởng đến sinh viên Mỹ.
Chính sách ngăn chặn mà Bắc Kinh sợ hãi
Sự quan tâm của lưỡng đảng trong Quốc hội trong việc kiềm chế Trung Quốc là điều mà Bắc Kinh lo ngại và cố gắng ngăn chặn.
Trong một bài diễn văn hồi tháng Ba, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên công khai chỉ trích Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về những rắc rối của chế độ này.
Ông Tập nói với các thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, một cơ quan cố vấn chính trị cho ĐCSTQ, “Các nước phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ, đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn, bao vây, và đàn áp toàn diện đối với chúng ta, điều này đã mang lại những thách thức nghiêm trọng chưa từng có đối với sự phát triển của đất nước chúng ta.”
Do đó, ông Tập kêu gọi những thành viên này “dám chiến đấu,” “duy trì sức chịu đựng chiến lược,” và chủ động thúc đẩy các thay đổi bằng cách điều chỉnh chiến lược khi quan sát thấy “những biến đổi sâu sắc trong các mối bang giao quốc tế.”
Theo một số nhà quan sát, sự thẳng thắn chưa từng có của ông Tập là một dấu hiệu cho thấy các nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ nhằm kiểm soát Trung Quốc — một chiến dịch đã bắt đầu dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump và chủ yếu tiếp tục dưới thời ông Biden — đã thực sự mang lại hiệu quả.
Ông Anders Corr, người đứng đầu tổ chức chuyên phân tích rủi ro chính trị Corr Analytics và là chủ báo của Tạp chí Rủi ro Chính trị (Journal of Political Risk) cho rằng, mặc dù chính phủ TT Biden sẽ không bao giờ mô tả chiến lược của mình là một trong “những chính sách ngăn chặn,” nhưng đó chính là những gì họ đang làm trên thực tế. Theo ông, Hoa Thịnh Đốn tránh sử dụng từ ngữ này “để không thổi bùng cuộc xung đột này một cách không cần thiết.”
“Mọi người và chính phủ TT Biden đều tuyên bố rằng chúng ta không bao vây [Trung Quốc],” ông Corr, một cộng tác viên cho ấn phẩm này, nói với The Epoch Times.
“Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta có quân đội ở Nhật Bản, Đài Loan, Philippines; chúng ta đang cố gắng kết bằng hữu với Việt Nam. Chúng ta có một căn cứ ở Singapore và quân đội ở biên giới Trung Quốc tại Ấn Độ. Và chúng ta đã có các căn cứ ở các nước cộng hòa Trung Á. Những nơi duy nhất mà chúng ta không có quân đội là Mông Cổ và Nga.”
“Chúng ta cũng đang cố gắng thuyết phục các nước Âu Châu gây áp lực thương mại và áp thuế quan kinh tế lên họ.”
Theo ông Corr, ông Tập sau đó đã tìm kiếm “những chiến thắng nhỏ nhoi” để vượt qua vòng vây của Hoa Kỳ. Do đó, châu Âu, Nga, Pháp, và Trung Đông đã trở thành những điểm đòn bẩy mà các nhà ngoại giao Trung Quốc cố gắng để có được tin tức tích cực trên truyền thông.
Bằng “những chiến thắng nhỏ nhoi,” ông Corr đang đề cập đến việc Trung Quốc tái khẳng định quan hệ đối tác “không giới hạn” với Nga hồi tháng Hai và việc Bắc Kinh tạo thuận lợi cho một thỏa thuận hồi tháng Ba giữa Iran và Ả Rập Saudi nhằm khôi phục các mối bang giao ngoại giao.
Ngoài ra, sau một chuyến công du cấp nhà nước tới Trung Quốc hồi đầu tháng Tư, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói về “quyền tự chủ chiến lược” của Âu Châu và cảnh báo không nên “là những người đi theo sau Mỹ quốc” và “làm theo nghị trình của Hoa Kỳ cũng như một phản ứng thái quá của Trung Quốc” về vấn đề Đài Loan.
Mới đây nhất, Trung Quốc đăng cai tổ chức một hội nghị thượng đỉnh các nước Trung Á cùng lúc với hội nghị thượng đỉnh G-7.
Tuy nhiên, những hành động mới đây này chính là “có khói mà không có lửa,” ông Corr nói.
Thay vì thể hiện động lực, Trung Quốc đang “bắt đầu rơi vào bế tắc,” ông cho hay.
Theo quan điểm của ông, Trung Quốc đã đạt được đà phát triển từ năm 1979 đến năm 2018.
“Chỉ đến năm 2018, khi ông Trump bắt đầu có một lập trường cứng rắn đối với cuộc chiến thương mại này, thì chúng ta mới thực sự chứng kiến Trung Quốc thực sự bắt đầu thua cuộc. Đó thực sự là một bước ngoặt khi mọi người bắt đầu chỉ trích Trung Quốc.”
Guồng máy kinh tế từng một thời bùng nổ của Trung Quốc cũng đang dần chậm lại. Theo Ngân hàng Thế giới, trước khi xảy ra dịch bệnh, tăng trưởng GDP của nước này đã giảm từ 7.7% năm 2013 xuống dưới 6% năm 2019. GDP năm 2021 của nước này là 17.73 ngàn tỷ USD, bằng khoảng 3/4 quy mô của Hoa Kỳ.
Sự phục hồi sau đại dịch của đất nước này cũng không như mong đợi. Hồi tháng Năm, tổ chức nghiên cứu The Atlantic Council (Hội đồng Đại Tây Dương) có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn đã đưa ra một viễn cảnh “tiêu cực” cho nền kinh tế Trung Quốc, nói rằng chiến dịch công khai chào đón các nhà đầu tư ngoại quốc “đã không được củng cố bởi một sự thay đổi thuyết phục trong chính sách.”
Xem xét trận chiến thông tin một cách nghiêm túc
Trong khi đó, các chính trị gia và các tổ chức nghiên cứu đang ủng hộ một cách tiếp cận “toàn xã hội” để nhận biết và đẩy lùi mối đe dọa của ĐCSTQ.
Hồi cuối tháng Ba, khi tổ chức nghiên cứu theo phái bảo tồn truyền thống The Heritage Foundation (Quỹ Di Sản) ra mắt tài liệu chính sách có nhan đề “Winning the New Cold War: A Plan for Countering China” (Chiến Thắng Chiến Tranh Lạnh Mới: Kế Hoạch Đối Phó Với Trung Quốc), Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) đã nhấn mạnh nước Mỹ cần phải “tỉnh ngộ trước thực tế rằng chúng ta đang ở trong một cuộc xung đột địa chính trị giữa hai mô hình quan hệ nhân sinh và thế giới rất khác nhau.”
Theo thượng nghị sĩ này, Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh đang bị lôi kéo vào một “cuộc xung đột văn minh,” trong đó Trung Quốc tìm cách định hướng lại thế giới.
Ông nói: “Chúng ta đang ở trong một cuộc xung đột: một cuộc xung đột địa chính trị, một cuộc xung đột ngoại giao, một cuộc xung đột xã hội, một cuộc [xung đột] công nghệ hoặc thương mại, giao thương, ở mọi cấp độ. Và, thẳng thắn mà nói, khi nói đến năng lực thì chắc chắn đây là một cuộc cạnh tranh quân sự.”
Hiện nay, nhiều dự luật liên quan đến Trung Quốc đã được đưa ra nhưng chẳng đi đến đâu, dù có vài chục nhà đồng tài trợ. Với 100 đề xướng hoạt động — chủ yếu dành cho Quốc hội — Quỹ Di Sản muốn thay đổi điều đó. Ông Michael Pillsbury, một thành viên cao cấp của tổ chức nghiên cứu này và là đồng tác giả của các khuyến nghị đó, đã đề xướng theo dõi hồ sơ bỏ phiếu của các nhà lập pháp về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Ông Stilwell gọi làn khói mà ông Corr đề cập đến là “trận chiến thông tin” với Trung Quốc.
Ông nói: “Trong trận chiến thông tin này, chúng ta không tiếp cận được với người Trung Quốc; họ [ĐCSTQ] có toàn quyền tiếp cận người dân Mỹ. Và chúng ta cần cân bằng lại điều đó; chúng ta cần phải giải quyết vấn đề này.”
Về nguy cơ Trung Quốc định hình lại trật tự thế giới, ông nói: “Hai năm trước, tôi không hề lo ngại. Hôm nay, tôi hơi lo ngại bởi vì chúng ta, vốn là những nền dân chủ tự do và cởi mở, đang không làm tốt công việc tự bảo vệ mình.
“Tất cả những vấn đề mà quý vị chứng kiến ở Hoa Kỳ ngày nay, nhiều trong số đó có thể là do sự thao túng của chính phủ Nga và chính quyền Trung Quốc đối với các chế độ dân chủ của chúng ta, tài trợ cho các nhóm như Antifa, mà toàn bộ mục đích của họ là tạo ra sự tàn phá, hỗn loạn, và phẫn nộ trong chế độ dân chủ của chúng ta.”
Ông nói thêm rằng Mỹ quốc nên phơi bày sự bất tín của ĐCSTQ, bắt đầu bằng việc tiết lộ thêm chi tiết về khinh khí cầu do thám Trung Quốc mà Bắc Kinh đã từng khẳng định là một khinh khí cầu thời tiết.
Vị cựu ngoại giao này không chỉ trích chính phủ đương nhiệm vì điều đó sẽ làm suy yếu chính phủ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ông nói rằng Hoa Kỳ cần phải nghiêm túc hơn trong trận chiến này.
Bản tin có sự đóng góp của Eva Fu
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times