Các CEO thiếu hiểu biết của Hoa Kỳ sẽ phải hối tiếc sau khi thuận theo ý muốn của Bắc Kinh
Một năm trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ngày 11/09, ông James M. Lindsay, khi đó là thành viên cao cấp tại Viện Brookings thiên tả, giờ đây là giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Ngoại giao (CFR), đã than thở về hậu quả đang diễn ra của Chiến Tranh Lạnh rằng “chính thời khắc mà Hoa Kỳ có nhiều ảnh hưởng hơn bao giờ hết về các vấn đề quốc tế, thì người Mỹ đã mất nhiều hứng thú với thế giới xung quanh họ,” và lập luận rằng “thách thức chính sách ngoại giao quan trọng nhất … không phải là việc khuyến khích nền dân chủ ở Nga, việc đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy, hay việc thúc đẩy một trật tự kinh tế tự do. Thay vì thế, thách thức quan trọng nhất là thuyết phục người dân Mỹ hành động nhiều hơn thay vì chỉ lên tiếng ủng hộ các niềm tin theo chủ nghĩa quốc tế của họ.”
Việc Tháp Đôi bị phá hủy và Ngũ Giác Đài bị tàn phá đã giải quyết được thái độ thờ ơ mà người Mỹ được cho là ôm giữ đối với thế giới rộng lớn hơn, nhưng vấn đề đáng lo ngại ngày nay là một công chúng Mỹ, vốn đã quá sức kiên nhẫn với chủ nghĩa quốc tế theo nhiều cách, lại không tập trung đúng mực vào các mối đe dọa quốc tế — về chính các nước Trung Quốc và Nga mà ông Lindsay đã từng hạ thấp tầm quan trọng — và trong số những người không để tâm đó có các nhà lãnh đạo công ty được cho là khôn ngoan, đã từng đặt chân đến khắp nơi trên thế giới của chúng ta. Như ông Lindsay đã lưu ý khi viện dẫn dữ liệu thăm dò gần một thập niên rưỡi sau khi bày tỏ những lo ngại của mình trước ngày 11/09, thì “Ngay cả những người muốn Hoa Kỳ ‘đứng ngoài’ các vấn đề của thế giới cũng nghĩ rằng sự lãnh đạo mạnh mẽ của Hoa Kỳ là ‘rất đáng hoan nghênh’ hoặc ‘có phần đáng hoan nghênh.’”
Chúc may mắn cho chúng ta khi cố gắng phát huy vai trò lãnh đạo trên thế giới trong khi “đứng ngoài” mọi việc. Nhưng những hoàn cảnh gần đây đã mang đến cho Hoa Kỳ cơ hội hiếm có để hạ bệ cả Trung Quốc và Nga cả về quyền lực lẫn ảnh hưởng — tuy nhiên các nhà điều hành (CEO) lớn của Mỹ, như Tổng thống Joe Biden, lại đang lãng phí cơ hội này.
Chẳng hạn, tuần trước (29/05-04/06), ông Elon Musk của Tesla và Twitter, ông Jamie Dimon của JPMorgan, và ông Laxman Narasimhan của Starbucks — một vài trong số các doanh nhân nổi tiếng có hoạt động kinh doanh ở Hoa lục — đã giao thiệp và giao dịch với các quan chức hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Chuyến thăm của họ diễn ra ngay sau khi các giám đốc điều hành hàng đầu của Apple, đại ngân hàng HSBC, đại công ty thời trang Kering, đại gia truyền thông Samsung, và đại thương hiệu xe hơi Volkswagen cũng đã trực tiếp bày tỏ sự kính ngưỡng đối với các nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Ông Musk nghe có vẻ ngây thơ một cách khác thường khi nhận xét rằng “lợi ích của Hoa Kỳ và Trung Quốc gắn liền với nhau như cặp song sinh dính liền.” Đáng thất vọng không kém là tuyên bố của ông Dimon, khi gặp Bí thư Đảng Cộng sản Thượng Hải, rằng JPMorgan sẽ thúc đẩy đầu tư vào thành phố này và tạo thuận lợi cho việc hiểu rõ hơn về đô thị có các vùng lân cận rộng lớn là nơi sinh sống của hơn 39 triệu người này. Ông Dimon đã thừa nhận rằng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng với Trung Quốc là trung tâm có nghĩa là giờ đây “sẽ có ít thương mại hơn” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhưng “sự gián đoạn này không phải là sự tách rời; mà là cách để giảm thiểu rủi ro mà thôi.”
Tất nhiên, rủi ro mà ông Dimon đề cập đến là tính dễ bị tổn thương mà đại dịch COVID đã phơi bày cho Hoa Kỳ và các quốc gia công nghiệp phát triển khác, vốn đã tự cho phép mình trở nên phụ thuộc vào nguồn cung và sản xuất giá rẻ từ Trung Quốc — và mức độ rốt ráo mà Bắc Kinh có thể rút phích cắm đột ngột và tàn phá nền kinh tế của họ khi mà ĐCSTQ muốn làm như vậy. Lẽ ra không cần phải có một trận đại dịch toàn cầu để các tập đoàn quyền lực nhất thế giới nhận ra điều này. Và sẽ cần có nhiều hơn chỉ là sự kiện khai trương các cửa hàng Apple ở Mumbai và New Delhi cũng như “phát triển và đầu tư trên khắp” Ấn Độ, như ông Tim Cook chào mời, để chống lại khía cạnh kinh tế của mối đe dọa đa hướng từ Bắc Kinh đối với thế giới tự do.
Các công ty đến từ bên ngoài làm kinh doanh bên trong Trung Quốc không được hưởng sự bảo vệ thực chất nào từ phía ĐCSTQ đối với thông tin độc quyền của họ hoặc thậm chí là nhân viên của chính họ, dù nhân viên ấy có là người Trung Quốc hay không, như các cuộc đột kích vào các doanh nghiệp tư vấn công nghệ trong những tuần gần đây đã chứng minh. Và Trung Quốc đã trải qua sự sụt giảm nhu cầu vốn có thể báo trước các vấn đề kinh tế nghiêm trọng cho Hoa lục trong những tháng sắp tới.
Vậy thì tại sao các đại công ty của siêu cường duy nhất trên thế giới, mà Bắc Kinh cam kết hạ gục, lại muốn giải cứu địch thủ nghiêm trọng nhất của Hoa Kỳ? Giám đốc điều hành Nike, ông John Donahoe, đã đi xa đến mức tuyên bố một cách nực cười hồi tháng trước về sự tham gia kinh tế toàn diện đang diễn ra với Trung Cộng rằng, “thành thật mà nói, điều đó gần như có thể giúp thúc đẩy hòa bình và hiểu biết” — những lời lẽ hoàn toàn giống như một đoạn trích từ các tài liệu tuyên truyền của ĐCSTQ.
Chúng ta đang đứng trước một bước ngoặt trong lịch sử mà không cần nổ một phát súng nào, Hoa Kỳ vẫn có thể giáng những đòn mạnh vào cả Trung Quốc và Nga. “Việc tách rời” về kinh tế chính xác là điều mà các doanh nghiệp hoạt động trên trường quốc tế của Hoa Kỳ nên làm đối với Bắc Kinh, cho dù ông Dimon có muốn áp dụng các biện pháp nhẹ nhàng hơn đi chăng nữa. Và tại Ukraine, Hoa Kỳ — trong khi đưa ra tuyên bố đáng ngờ rằng việc tách rời đó sẽ gây nguy hiểm cho khả năng chiến thắng một cuộc chiến của chúng ta — lại đang từ chối cung cấp các hệ thống hỏa tiễn chiến thuật quân sự mà có thể dẫn đến một thất bại vang dội cho ông Vladimir Putin, một thất bại mà sẽ nghiền nát khả năng của Moscow trong việc thể hiện sức mạnh quyền lực của mình trên toàn cầu.
Chính phủ ông Biden đã giỏi lèo lái một trò chơi lắt léo trong những vấn đề liên quan đến ông Putin và nhà độc tài (dường như) vĩnh viễn của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình. Ông Antony Blinken đã lưu ý trong bài nói quan trọng đầu tiên với tư cách ngoại trưởng hồi tháng 03/2021 rằng, Nga và Trung Quốc “tận dụng mọi cơ hội để gieo rắc nghi ngờ về sức mạnh của nền dân chủ của chúng ta. Chúng ta không nên khiến công việc của họ trở nên dễ dàng hơn.” Nhưng một vài hơi thở sau đó, ông đã hứa rằng “chúng ta sẽ không thúc đẩy dân chủ bằng các can thiệp quân sự tốn kém hoặc bằng cách cố gắng lật đổ các chế độ độc tài bằng vũ lực” — bởi vì, theo chính phủ ông Biden, Hoa Kỳ không thể thành công khi chúng ta cam kết thực hiện như thế. Ông Blinken nói: “Chúng ta đã từng thử những chiến thuật này trong quá khứ. Dù có ý định tốt thế nào đi chăng nữa, thì những chiến thuật này cũng đã không hiệu quả.”
Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã thực sự thừa nhận và quảng bá cho sự bất lực của Hoa Kỳ.
“Tốt hơn hết là chúng ta nên ngồi vào bàn, chứ không phải ở bên ngoài phòng đàm phán,” ông nói thêm, vất bỏ con át chủ bài vô giá của các nhà ngoại giao là sẵn sàng bước ra khỏi, hoặc thậm chí từ chối bước vào phòng đàm phán. Một chính sách như vậy làm cho lời bảo đảm sau này của ông Blinken rằng Hoa Kỳ sẽ trở thành “đối thủ khi cần thiết” trở nên hoàn toàn thiếu tin cậy.
Toàn bộ bài nói của ông Blinken đã thực sự ít đả động tới các mối đe dọa từ Bắc Kinh, Moscow, và Tehran hơn là về giới tính, khuynh hướng tính dục, và thành phần chủng tộc của các nhân viên Ngũ Giác Đài và Bộ Ngoại giao, bởi vì, theo ông Blinken, “Khi chúng ta không có đội hình đa dạng, thì giống như chúng ta đang tiến hành ngoại giao với một cánh tay bị trói sau lưng vậy.”
Sự lãnh đạo mạnh mẽ của Hoa Kỳ trên thế giới mà các cuộc thăm dò cho thấy công chúng mong muốn là cách ngăn chặn các hành động chiến tranh chống lại Hoa Kỳ. Nhưng khi bộ trưởng ngoại giao của chúng ta và các giám đốc công ty kinh doanh quốc tế của chúng ta không thể nhận ra được các địch thủ của chúng ta là ai, kể cả khi những địch thủ này đang nhìn thẳng vào mặt họ, thì rõ ràng là đối với các nhà quan sát ở đây và ở ngoại quốc, đã không có vai trò lãnh đạo nào nữa rồi.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times