‘Al Qaeda đứng về phía chúng ta’: Cách nhóm Obama-Biden tiếp sức cho các mạng lưới khủng bố ở Syria
Các quan chức của cựu Tổng thống Obama hiện nắm giữ chức vụ trở lại dưới thời chính phủ Tổng thống Biden đã phối hợp với nhóm thánh chiến trong một nỗ lực lật đổ chế độ ở Syria.
Vài giờ sau cuộc không kích hôm 03/02 của quân đội Hoa Kỳ ở miền bắc Syria khiến thủ lĩnh ISIS và nhiều thành viên trong gia đình thiệt mạng, Tổng thống Biden đã có một bài diễn văn đầy hân hoan tại Tòa Bạch Ốc.
Ông Biden tuyên bố, chiến dịch đêm khuya của Lực lượng Đặc nhiệm tại tỉnh Idlib của Syria là một “bằng chứng cho thấy khả năng và tầm hoạt động của Hoa Kỳ trong việc tiêu diệt các mối đe dọa khủng bố bất kể chúng ẩn náu ở đâu trên khắp thế giới.”
Như hầu hết tất cả các bài báo của giới truyền thông nói về vụ ám sát này, điều mà Tổng thống Biden không đề cập đến là vai trò quan trọng mà các thành viên hàng đầu trong chính phủ của ông nắm giữ dưới thời cựu Tổng thống Obama trong việc tạo ra nơi ẩn náu do Al Qaeda kiểm soát — nơi mà thủ lĩnh ISIS Abu Ibrahim al-Qurayshi, cũng như người tiền nhiệm đã bị tiêu diệt Abu Bakr al-Baghdadi của ông ta — đã ẩn náu trong những ngày cuối đời.
Khi tiến hành một cuộc chiến tranh bí mật trị giá hàng tỷ dollar để hỗ trợ quân nổi dậy chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad, các quan chức hàng đầu của ông Obama — hiện phục vụ trong chính phủ ông Biden — đã khiến việc tạo điều kiện và vũ trang cho các nhóm khủng bố thu hút các chiến binh thánh chiến trên khắp thế giới trở thành chính sách của Hoa Kỳ. Được thực hiện một thập niên sau khi Al Qaeda tấn công Hoa Kỳ hôm 11/09, chiến dịch thay đổi chế độ này đã giúp một kẻ thù không đội trời chung của Mỹ thiết lập nơi trú ẩn an toàn ở thành phố Idlib mà họ vẫn kiểm soát cho đến ngày nay.
Như lời trình bày tóm lược chính xác từ ông Jake Sullivan gửi tới bà chủ đương thời của ông ấy ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton, trong một thư điện tử hồi tháng 02/2012: “AQ [Al Qaeda] đứng về phía chúng ta ở Syria.”
Ông Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia đương nhiệm, là một trong nhiều quan chức giám sát cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Syria dưới thời ông Obama giờ chuyển sang đảm nhiệm một chức vụ cao cấp dưới thời ông Biden. Nhóm này bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken, đặc phái viên khí hậu John Kerry, Quản trị viên USAID Samantha Power, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman, điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia (NSA) đặc trách vùng Trung Đông Brett McGurk, và Cố vấn Bộ Ngoại giao Derek Chollet.
Những nỗ lực của nhóm này nhằm tái lập Trung Đông thông qua việc thay đổi chế độ, không chỉ ở Syria mà trước đó là ở Libya, đã dẫn đến thương vong của các công dân Hoa Kỳ — trong đó có Đại sứ Christopher Stevens và ba quan chức Hoa Kỳ khác ở Benghazi hồi năm 2012; dẫn đến sự tàn sát của vô số thường dân; tạo ra hàng triệu người tị nạn; và cuối cùng là sự tham chiến của Nga tại chiến trường Syria.
Được liên lạc thông qua các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ hiện tại của mình, không ai trong số những nhân vật chủ chốt của nhóm Obama-Biden này đưa ra bình luận về chính sách hỗ trợ lực lượng nổi dậy do Al Qaeda thống trị ở Syria của họ.
Ngày nay, thành tích của nhóm Obama-Biden ở Syria càng vang dội khi nhiều thành viên trong nhóm này giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine. Giống như ở Syria, Hoa Kỳ đang khiến một khu vực chiến loạn tràn ngập các loại vũ khí trong một cuộc xung đột ủy nhiệm nguy hiểm với Nga, với những hậu quả phức tạp không thể lường trước được. Thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ Chris Coons nói với CBS News hôm 17/04: “Tôi vô cùng lo ngại rằng điều tiếp theo sẽ xảy ra là chúng ta sẽ chứng kiến Ukraine biến thành Syria.”
Dựa trên các tài liệu đã được giải mật, các bản tin, và những lời thú nhận rải rác của các quan chức Hoa Kỳ, phần lịch sử bị bỏ qua về cách thức mà nhóm Obama-Biden đã nỗ lực lật đổ chế độ của ông Assad — khi phối hợp cùng lúc với các nước đồng minh gồm Ả Rập Xê Út, Qatar, và Thổ Nhĩ Kỳ — khắc họa chi tiết một loạt các quyết định riêng rẽ mà rốt cuộc đã dẫn tới việc Hoa Kỳ củng cố các mạng lưới khủng bố vốn nhất quyết muốn phá hủy chính Mỹ quốc.
Giành được động lực và đạn dược từ Libya để theo đuổi việc thay đổi chế độ ở Syria
Trên thực tế, con đường dẫn tới sự kiểm soát của Al Qaeda đối với tỉnh Idlib của Syria bắt nguồn từ Libya, nơi cách Syria hàng trăm dặm từ bên kia Địa Trung Hải.
Hồi tháng 03/2011, sau khi được các quan chức cao cấp trong đó có cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton vận động hành lang rầm rộ, cựu Tổng thống Obama đã cho phép thực hiện một chiến dịch oanh tạc nhằm ủng hộ lực lượng thánh chiến nổi dậy chống lại chính phủ của lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi. Nhờ hỏa lực của NATO hỗ trợ, quân nổi dậy đã lật đổ ông Gaddafi và sát hại ông một cách dã man hồi tháng 10/2011.
Phấn khích bởi thành công nhanh chóng của họ ở Libya, chính phủ ông Obama đã để mắt đến Damascus, lúc đó là mục tiêu thay đổi chế độ hàng đầu của Hoa Thịnh Đốn. Theo cựu chỉ huy NATO Wesley Clark, chế độ ông Assad — một đồng minh chủ chốt của các đối thủ Iran, Hezbollah, và Nga của Hoa Kỳ — đã bị đánh dấu để lật đổ cùng với Iraq ngay sau vụ 11/09. Một bức điện tín năm 2006 bị rò rỉ của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Damascus đã đánh giá rằng “những sơ hở” của ông Assad bao gồm “mối đe dọa tiềm tàng đối với chế độ do sự hiện diện ngày càng tăng của các phần tử Hồi giáo cực đoan quá cảnh” và nêu chi tiết cách Hoa Kỳ có thể “tăng cường khả năng xuất hiện những cơ hội như vậy.”
Sự bùng nổ của cuộc nổi dậy ở Syria hồi tháng 03/2011, cùng với sự sụp đổ của ông Gaddafi, đã mang lại cho Hoa Kỳ một cơ hội lịch sử để khai thác những sơ hở của Syria. Trong khi Mùa xuân Ả Rập gây ra các cuộc biểu tình ôn hòa ở Syria chống lại chủ nghĩa thân hữu và sự đàn áp của đảng Ba’ath cầm quyền, thì cuộc cách mạng này cũng gây ra một cuộc nổi dậy chủ yếu dựa trên nông thôn của người Sunni, mà sau đó đi theo chiều hướng giáo phái và bạo lực. Hoa Kỳ và các nước đồng minh, cụ thể là Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, đã tận dụng lợi thế bằng cách khai thác kho vũ khí khổng lồ của chính phủ Libya mới bị lật đổ.
“Trong hậu quả ngay lập tức của, và theo sau tình hình bất ổn do sự sụp đổ của chế độ [Gaddafi] hồi tháng 10/2011 gây ra,” Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) báo cáo một năm sau đó, “vũ khí từ các kho dự trữ quân sự cũ của Libya ở Benghazi, Libya đã được vận chuyển từ cảng Benghazi, Libya, đến các cảng Banias và cảng Borj Islam, Syria.”
Đã được bôi đen để lược bớt thông tin nhạy cảm, tài liệu của DIA do nhóm Judicial Watch thâu thập được không nêu rõ liệu Hoa Kỳ có liên quan trực tiếp đến các lô vũ khí này hay không. Nhưng tài liệu này chứa đựng những manh mối quan trọng. Với tính cụ thể đáng chú ý, nó đã nêu chi tiết kích thước và các vật phẩm có trong một lô hàng như vậy hồi tháng 08/2012: 500 khẩu súng bắn tỉa, 100 súng phóng lựu chống tăng cầm tay với 300 viên đạn, và 400 hỏa tiễn lựu pháo.
Đáng chú ý nhất là, tài liệu này lưu ý rằng các chuyến hàng chở vũ khí đã bị tạm dừng “hồi đầu tháng 09/2012”. Đây là một dẫn chứng rõ ràng về vụ các chiến binh sát hại bốn công dân Hoa Kỳ trong tháng đó — Đại sứ Christopher Stevens, một quan chức khác của Bộ Ngoại giao, và hai người làm việc cho CIA — ở Benghazi, thành phố cảng nơi các vũ khí được chuyển tới Syria. Các quan chức Hoa Kỳ nói với tạp chí Wall Street Journal rằng khu nhà ở Benghazi “là trung tâm của một hoạt động của CIA”. Ít nhất hai chục nhân viên CIA đã làm việc ở Benghazi dưới vỏ bọc ngoại giao.
Mặc dù các quan chức tình báo hàng đầu đã che giấu hoạt động của khu nhà ở Benghazi trong lời khai hữu thệ trước Ủy ban Tình báo Hạ viện, nhưng một cuộc điều tra của Thượng viện Hoa Kỳ cuối cùng đã xác nhận vai trò trực tiếp của CIA trong việc vận chuyển vũ khí từ Libya đến Syria. Một phiên bản mật của một báo cáo Thượng viện năm 2014, không được công bố công khai, đã ghi lại thỏa thuận giữa Tổng thống Obama và Thổ Nhĩ Kỳ để chuyển vũ khí từ Libya cho quân nổi dậy ở Syria. Hoạt động này được thiết lập vào đầu năm 2012, do Giám đốc CIA đương thời David Petraeus điều hành.
Một cựu quan chức tình báo Hoa Kỳ nói với ký giả Seymour Hersh của London Review of Books: “Nhiệm vụ duy nhất của lãnh sự quán [Benghazi] là cung cấp vỏ bọc cho việc chuyển vũ khí” tới Syria. “Nó không có vai trò chính trị thực sự nào.”
Sự thiệt mạng của một vị đại sứ Hoa Kỳ
Dưới vỏ bọc ngoại giao, ông Stevens dường như là một nhân vật quan trọng trong chương trình của CIA. Hơn một năm trước khi trở thành đại sứ vào tháng 06/2012, ông Stevens đã được bổ nhiệm làm liên lạc viên của Hoa Kỳ với phe đối lập ở Libya. Trong vai trò này, ông đã làm việc với Nhóm Chiến đấu Hồi giáo Libya có liên kết với Al Qaeda và thủ lĩnh của nhóm này, ông Abdelhakim Belhadj, một thủ lĩnh quân sự đã chiến đấu cùng Osama bin Laden ở Afghanistan. Sau khi ông Gaddafi bị lật đổ, ông Belhadj đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu Hội đồng Quân sự Tripoli, cơ quan kiểm soát an ninh ở thủ đô của đất nước này.
Mục tiêu của ông Belhadj không chỉ giới hạn ở Libya sau cuộc đảo chính đó. Tháng 11/2011, vị đồng minh của Al Qaeda này đã đến Thổ Nhĩ Kỳ để gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Quân đội Syria Tự do, liên minh quân sự đối lập do CIA hậu thuẫn. Chuyến đi của ông Belhadj là một phần trong nỗ lực của chính phủ Libya mới nhằm cung cấp “tiền và vũ khí cho cuộc nổi dậy ngày càng mạnh chống lại ông Bashar al-Assad,” tờ London Telegraph đã đưa tin vào thời điểm đó. Vào ngày 14/09/2012 — chỉ ba ngày sau khi ông Stevens và các đồng sự người Mỹ của ông bị sát hại — tờ The Times của London đã tiết lộ rằng một tàu Libya “chở lô vũ khí lớn nhất cho Syria kể từ khi cuộc nổi dậy bắt đầu,” gần đây đã cập cảng Iskenderun của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi được dỡ hàng, “hầu hết hàng hóa trên con tàu này đang được chuyển cho lực lượng nổi dậy ở các tuyến đầu.”
Các chi tiết đã biết về những giờ phút cuối cùng của ông Stevens vào ngày 11/09 cho thấy việc vận chuyển vũ khí là ưu tiên hàng đầu trong nghị trình của ông. Mặc dù đóng tại Tripoli và phải đối mặt với các mối đe dọa bạo lực, nhưng ông vẫn thực hiện chuyến đi nguy hiểm đến Benghazi nhân dịp kỷ niệm sự kiện ngày 11/09. Theo một báo cáo năm 2016 từ Ủy ban Tình báo Hạ viện, một trong những cuộc gặp dự kiến cuối cùng của ông Stevens là với người đứng đầu Công ty Vận tải biển và Dịch vụ Hàng hải al-Marfa, một công ty của Libya liên quan đến việc vận chuyển vũ khí tới Syria. Cuộc gặp cuối cùng của ông trong ngày hôm đó là với Tổng lãnh sự Ali Sait Akin của Thổ Nhĩ Kỳ, nước mà số vũ khí đó đã được chuyển đến. Sau đó, Fox News đã đưa tin nói rằng “ông Stevens đang ở Benghazi để đàm phán về một vụ chuyển giao vũ khí.”
Cùng với việc kênh Libya ngừng hoạt động do vụ sát hại ông Stevens, Hoa Kỳ và các đồng minh đã chuyển sang các nguồn khác. Một là Croatia, nơi Ả Rập Xê Út tài trợ cho một vụ mua vũ khí lớn do CIA dàn xếp vào cuối năm 2012. Việc CIA sử dụng kho bạc khổng lồ của vương quốc Ả Rập Xê Út đã tiếp nối một thỏa thuận từ các cuộc chiến tranh ủy nhiệm bí mật trước đó, trong đó có việc trang bị cho nhóm phiến quân thánh chiến ở Afghanistan và cho hàng loạt nhóm vũ trang cánh hữu chống cộng (gọi chung là Contras) ở Nicaragua.
Mặc dù chính phủ ông Obama đã tuyên bố rằng các vũ khí được chuyển tới Syria là dành cho “những người nổi dậy ôn hòa,” nhưng cuối cùng thì chúng vẫn nằm trong tay của một lực lượng nổi dậy chủ yếu là các chiến binh thánh chiến. Chỉ một tháng sau cuộc tấn công ở Benghazi, tờ New York Times đã đưa tin cho hay “các chiến binh thánh chiến Hồi giáo cứng rắn,” bao gồm các nhóm “có mối liên hệ hoặc liên kết với Al Qaeda,” đã nhận được “phần lớn vũ khí được vận chuyển cho phe đối lập Syria.”
Bí mật vũ trang cho lực lượng nổi dậy do Al Qaeda thống trị
Chính phủ ông Obama không cần các tin tức truyền thông để biết rằng các chiến binh thánh chiến đã thống trị lực lượng nổi dậy ở Syria nằm ở đầu tiếp nhận trong chuỗi cung ứng của CIA.
Một tháng trước vụ tấn công ở Benghazi, các nhà phân tích tình báo Ngũ Giác Đài đã đưa ra một đánh giá thẳng thừng cho Tòa Bạch Ốc. Một báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng hồi tháng 08/2012, được phổ biến rộng rãi trong giới chức Hoa Kỳ, đã lưu ý rằng “Salafi, Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, và AQI [Al Qaeda ở Iraq] là những lực lượng chính thúc đẩy cuộc nổi dậy này.” Báo cáo này đã nhấn mạnh rằng Al Qaeda “đã hỗ trợ phe đối lập ở Syria ngay từ đầu.” Mục đích của họ là tạo ra một “công quốc Salafi ở miền đông Syria” — một cảnh báo sớm về nhà nước Hồi giáo ISIS sẽ được thành lập hai năm sau đó.
Tướng Michael Flynn, người đứng đầu DIA vào thời điểm đó, sau đó nhớ lại rằng nhân viên của ông “đã nhận được sự phản đối rất lớn” từ Tòa Bạch Ốc của ông Obama. “Tôi cảm thấy rằng họ không muốn nghe sự thật đó,” ông Flynn nói. Năm 2015, một năm sau khi ông Flynn bị ép từ chức, hàng chục nhà phân tích tình báo của Ngũ Giác Đài đã ký vào một đơn khiếu nại cáo buộc rằng các quan chức tình báo hàng đầu của Ngũ Giác Đài đang “xào xáo sổ sách” để vẽ nên một bức tranh tươi sáng hơn về sự hiện diện của phe thánh chiến ở Syria. (Ngũ Giác Đài sau đó đã xóa tội cho các chỉ huy của CENTCOM (Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ) về hành vi sai trái này).
Quân đội Syria Tự do (FSA), lực lượng nổi dậy chính do CIA hậu thuẫn, cũng đã thông báo cho các quan chức của ông Obama về việc các chiến binh thánh chiến chiếm đa số trong hàng ngũ của họ. “Từ các báo cáo mà chúng tôi nhận được từ các bác sĩ,” các quan chức FSA nói với Bộ Ngoại giao vào tháng 11/2012, “hầu hết FSA bị thương và tử trận đều thuộc Jabhat al-Nusra, do lòng dũng cảm của họ và [thực tế là họ] luôn ở tuyến đầu.”
Jabhat al-Nusra (Mặt trận al-Nusra) là thương hiệu của Al Qaeda ở Syria. Nhóm này nổi lên như một nhóm nhỏ của Al Qaeda ở Iraq sau khi xảy ra sự bất hòa giữa thủ lĩnh AQI Abu Bakr al-Baghdadi, và phó thủ lĩnh của ông ta, ông Mohammed al-Jolani. Năm 2013, ông Baghdadi đã khởi động lại tổ chức của mình dưới tên gọi Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS). Ông Jolani đã lãnh đạo phe Al Qaeda tại Syria dưới lá cờ màu đen của al-Nusra.
Ông Charles Lister, một nhà phân tích vùng Vịnh được nhà nước tài trợ có mối liên hệ chặt chẽ với các nhóm nổi dậy Syria đã viết hồi tháng 03/2015, “Mặc dù hiếm khi được thừa nhận một cách rõ ràng trước công chúng,” nhưng “phần lớn lực lượng nổi dậy ở Syria đã phối hợp chặt chẽ với Al-Qaeda kể từ giữa năm 2012 — và mang lại hiệu quả tuyệt vời trên chiến trường.” Khi đó một lãnh đạo Quân đội Syria Tự do đã nói với New York Times rằng: “Không có phe FSA nào ở phía bắc có thể hoạt động mà không có sự chấp thuận của al-Nusra.”
Theo ông David McCloskey, từng là nhà phân tích của CIA, người đã đưa tin về Syria trong những năm đầu của cuộc chiến tại nước này, các quan chức Hoa Kỳ đã biết rằng “các nhóm liên kết với al-Qaeda và các nhóm thánh chiến Salafi là động lực chính của cuộc nổi dậy này.” Ông McCloskey cho rằng điều này là “một khía cạnh rất có vấn đề của cuộc xung đột.”
Trong hồi ký của mình, phụ tá cao cấp của ông Obama, ông Ben Rhodes, đã thừa nhận rằng al-Nusra “có lẽ là lực lượng chiến đấu mạnh nhất trong phe đối lập.” Ông viết rằng, điều này cũng cho thấy rõ là các nhóm nổi dậy do Hoa Kỳ hậu thuẫn đang “sát cánh chiến đấu với al-Nusra.” Ông Rhodes nhớ lại, vì lý do này mà ông đã từng có lập luận chống lại việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ định al-Nusra là một tổ chức khủng bố ngoại quốc hồi tháng 12/2012. Hành động này “sẽ khiến chính những người mà chúng ta muốn trợ giúp xa lánh.” (Ông Rhodes đã không phúc đáp khi được hỏi về việc mong muốn giúp một lực lượng nổi dậy do Al Qaeda thống trị).
Trên thực tế, việc chỉ định al-Nusra là một tổ chức khủng bố đã cho phép chính phủ ông Obama công khai tuyên bố rằng họ phản đối chi nhánh của Al Qaeda ở Syria trong khi tiếp tục bí mật vũ trang cho lực lượng nổi dậy mà tổ chức này thống trị. Ba tháng sau khi thêm al-Nusra vào danh sách khủng bố, Hoa Kỳ và các đồng minh đã “tăng cường cung cấp vũ khí đáng kể cho các phiến quân Syria” để giúp “các phiến quân này cố gắng chiếm Damascus,” hãng thông tấn AP đã đưa tin hồi tháng 03/2013.
‘Không có phe trung lập ôn hòa nào’
Mặc dù biết rõ về sự thống trị của nhóm al-Nusra, nhưng các quan chức chính phủ Obama vẫn tiếp tục công khai nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ chỉ ủng hộ “phe đối lập ôn hòa” của Syria, như Phó Cố vấn An ninh Quốc gia đương thời Antony Blinken đã mô tả hồi tháng 09/2014.
Nhưng trình bày trước cử tọa của trường Đại học Harvard vài ngày sau đó, Phó Tổng thống đương thời Biden đã lỡ nói thẳng ra sự thật bị che đậy. Ông Biden thừa nhận rằng “không có phe trung lập ôn hòa” nào trong cuộc nổi dậy ở Syria. Thay vào đó, các “đồng minh” của Hoa Kỳ ở Syria đã “đổ hàng trăm triệu dollar và hàng ngàn tấn vũ khí vào bất kỳ phe nào chiến đấu chống lại ông Assad.” Ông Biden cho biết, những vũ khí đó đã được cung cấp cho “al-Nusra, và Al-Qaeda cũng như các phần tử cực đoan thánh chiến đến từ các nơi khác trên thế giới.”
Ông Biden đã nhanh chóng xin lỗi vì những bình luận của mình, điều này có vẻ phù hợp với định nghĩa cổ điển của việc nói hớ: một chính trị gia vô tình nói ra sự thật. Lỗi duy nhất của ông Biden là đã bỏ qua vai trò quan trọng của chính phủ ông trong việc giúp các đồng minh của mình trang bị vũ khí cho các chiến binh thánh chiến.
Thay vì chấm dứt một chương trình của CIA đang hỗ trợ lực lượng nổi dậy do Al Qaeda thống trị, thì ông Obama đã mở rộng nó. Hồi tháng 04/2013, vị tổng thống này đã ký một lệnh để sửa đổi cuộc chiến bí mật của CIA, đặt mật danh là Timber Sycamore, nhằm cho phép Hoa Kỳ trang bị và đào tạo trực tiếp. Sau khi đề nghị Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, và Qatar tài trợ vũ khí của họ cho quân nổi dậy bên trong Syria, lệnh của ông Obama cho phép CIA trực tiếp cung cấp vũ khí do Hoa Kỳ sản xuất. Cũng như với chiến dịch thay đổi chế độ ở Libya, kiến trúc sư chủ chốt của chiến dịch này là bà Hillary Clinton.
Tờ New York Times đưa tin hồi năm 2017 rằng cuộc chiến ủy nhiệm được nâng cấp của ông Obama ở Syria đã chứng tỏ là “một trong những chương trình hành động bí mật tốn kém nhất trong lịch sử của CIA.” Các tài liệu do người tố cáo của NSA, ông Edward Snowden, làm rò rỉ đã tiết lộ một ngân sách gần 1 tỷ USD mỗi năm, hoặc khoảng 1 USD trong mỗi 15 USD chi tiêu của CIA. Các quan chức Hoa Kỳ nói với tờ Washington Post hồi năm 2015 rằng CIA đã trang bị và huấn luyện gần 10,000 quân nổi dậy, chi “khoảng 100,000 USD mỗi năm cho mỗi phiến quân chống ông Assad tham gia chương trình này.” Hai năm sau, một quan chức Hoa Kỳ đã ước tính phiến quân do CIA tài trợ “có thể đã sát hại hoặc làm bị thương 100,000 binh sĩ Syria và các đồng minh của họ trong bốn năm qua.”
Nhưng những phiến quân này không chỉ sát hại các lực lượng thân chính phủ Syria. Như New York Times đã đưa tin hồi tháng 04/2017, quân nổi dậy do Hoa Kỳ hậu thuẫn đã thực hiện “sát nhân mang tính giáo phái trên quy mô lớn.”
Một trong những hành động sát nhân hàng loạt như vậy đã xảy ra vào tháng 08/2013, khi Quân đội Syria Tự do do Hoa Kỳ hậu thuẫn tham gia cuộc tấn công của al-Nusra và ISIS vào các khu vực Alawite của Latakia. Một cuộc Điều tra Nhân quyền cho thấy những người nổi dậy đã tiến hành “sát hại có hệ thống toàn gia của nhiều gia đình”, với 190 vụ tàn sát thường dân được ghi nhận, trong đó có 57 phụ nữ, 18 trẻ em, và 14 nam giới cao niên. Trong một video từ hiện trường, cựu tướng quân đội Syria Salim Idriss, người đứng đầu Hội đồng Quân sự Tối cao (SMC) do Hoa Kỳ hậu thuẫn, đã khoe khoang rằng “chúng tôi đang hợp tác cao độ trong chiến dịch này.”
Các vụ thảm sát ở Latakia xảy ra bốn tháng sau khi Đại sứ Hoa Kỳ tại Syria, ông Robert Ford, ca ngợi ông Idriss và các chiến binh của ông ta là “những phần tử ôn hòa và có trách nhiệm của phe đối lập có vũ trang.” Vai trò của các lực lượng của ông Idriss trong cuộc tàn sát này đã không làm chính phủ ông Obama hủy bỏ sự ủng hộ của họ. Hồi tháng 10/2021, tờ Washington Post tiết lộ rằng “CIA đang mở rộng một nỗ lực bí mật … nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu của các đơn vị liên kết với Hội đồng Quân sự Tối cao, một tổ chức bảo trợ do [ông Idriss] lãnh đạo, người nhận chính cho sự hỗ trợ của Hoa Kỳ.”
[Sau khi bài báo này được phát hành, RealClearInvestigations đã nhận được thư điện tử phản hồi của ông Ford cho yêu cầu bình luận của chúng tôi. Ông Ford viết rằng “không nghi ngờ gì” rằng Quân đội Syria Tự do do Hoa Kỳ hậu thuẫn đã thực hiện các tội ác chiến tranh nhưng lưu ý, “Vào thời điểm đó, chúng tôi đã lên án [họ] cả khi ở riêng và cả lúc công khai.” Ông Ford cho biết lập trường chính thức của chính phủ ông Obama cho rằng những người tham gia vào cuộc chiến này là những người ôn hòa là chính xác, dựa trên các dữ kiện thực tế. Ông viết: “Định nghĩa của chúng tôi về những người ôn hòa thuộc phe đối lập có vũ trang, là những người sẵn sàng đàm phán để chấm dứt chiến tranh một cách hòa bình.”]
Về mặt chính thức, chương trình đã được nâng cấp của CIA cấm hỗ trợ trực tiếp cho al-Nusra hoặc các đồng minh của nhóm này ở Syria. Nhưng một khi vũ khí của Hoa Kỳ đến Syria, chính phủ ông Obama nhận ra rằng họ không có cách nào kiểm soát việc sử dụng chúng — một động cơ rõ ràng để tiến hành chương trình một cách bí mật. “Chúng tôi cần có khả năng phủ nhận một cách chính đáng trong trường hợp vũ khí lọt vào tay al-Nusra,” một cựu quan chức chính phủ cao cấp nói với New York Times hồi năm 2013.
Một khu vực mà vũ khí của Hoa Kỳ đã lọt vào tay al-Nusra là tỉnh Idlib, thuộc miền tây bắc Syria. Các thủ lĩnh Al Qaeda cuối cùng sẽ kiểm soát và — mặc dù nhóm Obama-Biden bác bỏ điều đó — cung cấp cho các thủ lĩnh ISIS nơi trú ẩn ở đó.
‘Nơi trú ẩn an toàn lớn nhất của Al-Qaeda kể từ sự kiện ngày 11/09’
Hồi tháng 05/2015, một loạt các nhóm nổi dậy, được gọi là liên minh Jaish al-Fatah (“Đội quân chinh phục”), đã chiếm tỉnh Idlib từ tay chính phủ Syria. Cuộc chiến do al-Nusra dẫn đầu và đã chứng tỏ điều mà ông Charles Lister, nhà phân tích tại Hoa Thịnh Đốn có liên hệ với quân nổi dậy ở Syria, gọi là “mức độ phối hợp được cải thiện hơn nhiều” giữa các chiến binh đối lập, trong đó có FSA do Hoa Kỳ hậu thuẫn và nhiều “phe phái chiến binh thánh chiến.”
Đối với ông Lister, cuộc chinh phục Idlib cũng tiết lộ rằng Hoa Kỳ và các đồng minh đã “thay đổi quan điểm của họ về việc phối hợp với các phần tử Hồi giáo.” Dẫn lời nhiều tư lệnh chiến trường, ông Lister cho biết “phòng tác chiến do Hoa Kỳ dẫn đầu ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ,” phối hợp hỗ trợ các nhóm nổi dậy do Hoa Kỳ hậu thuẫn, “đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ họ tham gia vào chiến dịch” do al-Nusra lãnh đạo. Trong khi bộ chỉ huy quân nổi dậy do Hoa Kỳ lãnh đạo trước đây phản đối “bất kỳ sự phối hợp trực tiếp nào” với các nhóm thánh chiến, thì cuộc tấn công Idlib đã “thể hiện một điều gì đó khác biệt”, ông Lister kết luận: Để chiếm được tỉnh này, các quan chức Hoa Kỳ “đặc biệt đã khuyến khích sự hợp tác chặt chẽ hơn với các phần tử Hồi giáo chỉ huy các chiến dịch tiền tuyến.”
Sự hợp tác trên chiến trường được Hoa Kỳ chấp thuận ở Idlib cho phép các chiến binh al-Nusra trực tiếp hưởng lợi từ vũ khí của Hoa Kỳ. Mặc dù đôi khi giữa họ có xung đột, nhưng al-Nusra vẫn có thể sử dụng các nhóm nổi dậy do Hoa Kỳ hậu thuẫn “làm hệ số nhân lên lực lượng”, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức tư vấn nổi tiếng tại Hoa Thịnh Đốn, nhận xét khi trận chiến bắt đầu. Theo báo cáo của Foreign Policy hồi tháng 04/2015, thành quả quân sự của quân nổi dậy đã đạt được “phần lớn nhờ vào những kẻ đánh bom tự sát và hỏa tiễn chống tăng TOW của Mỹ.”
Chiến thắng do lực lượng thánh chiến lãnh đạo ở Idlib đã nhanh chóng khiến cư dân của tỉnh này trở thành nạn nhân của các cuộc khủng bố giáo phái. Hồi tháng 06/2015, các tay súng al-Nusra đã tàn sát ít nhất 20 thành viên của tín ngưỡng Druze. Hàng trăm dân làng được tha trong cuộc tấn công này bị buộc phải cải sang đạo Hồi dòng Sunni. Đối mặt với những mối đe dọa tương tự, gần như toàn bộ 1,200 tín đồ Cơ Đốc giáo còn lại của Idlib đã chạy trốn khỏi tỉnh, để lại một dân số Cơ Đốc giáo ngày nay được báo cáo là chỉ vỏn vẹn có ba người.
Năm 2017, trong một cuộc thảo luận sau khi cuộc chiến bí mật của chính phủ ông Obama ở Syria kết thúc, tờ New York Times đã mô tả cuộc chinh phục Idlib của quân nổi dậy là một trong những “giai đoạn thành công” của chương trình CIA. Đây chắc chắn cũng là thành công đối với Al Qaeda.
Ông Brett McGurk, đặc phái viên chống ISIS dưới thời cựu Tổng thống Obama và cựu Tổng thống Trump, và hiện là quan chức cao cấp nhất của Tòa Bạch Ốc về Trung Đông của ông Biden, cho biết vào năm 2017 rằng “Tỉnh Idlib là nơi trú ẩn an toàn lớn nhất của Al Qaeda kể từ sự kiện ngày 11/09.”
Hoa Kỳ cho phép ISIS tiếp quản
Al Qaeda không phải là nhóm tử vì đạo duy nhất đã thành công thiết lập một nơi trú ẩn an toàn trong sự hỗn loạn của cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Syria. Bắt đầu từ năm 2013, ISIS, nhóm đối thủ biến thành thân hữu của al-Nusra, đã chiếm giữ một phần lãnh thổ đáng kể của riêng mình. Cũng như Al Qaeda, cuộc chiếm đất của ISIS tại Syria đã nhận được sự hậu thuẫn đáng kể từ phía sau của Hoa Thịnh Đốn.
Trước khi Al Qaeda chiếm được Idlib, thành trì đầu tiên của ISIS ở Syria, Raqqa, đã phát triển từ một liên minh tương tự giữa “phiến quân ôn hòa” và các chiến binh thánh chiến do Hoa Kỳ hậu thuẫn. Sau khi liên quân này chiếm thành phố từ tay chính phủ Syria hồi tháng 03/2013, ISIS đã nắm toàn quyền kiểm soát hồi tháng 11 [năm đó].
Khi ISIS tuyên bố nhà nước của họ ở các khu vực của Syria và Iraq hồi tháng 06/2014, Hoa Kỳ đã phát động một chiến dịch không kích nhằm vào các thành trì của nhóm này. Nhưng cuộc tấn công chống ISIS của chính phủ ông Obama có một ngoại lệ đáng kể. Tại các khu vực quan trọng mà bước tiến của ISIS có thể đe dọa chế độ ông Assad, Hoa Kỳ đã khoanh tay nhìn điều đó xảy ra.
Hồi tháng 04/2015, ngay khi al-Nusra đang chinh phục Idlib, ISIS đã chiếm giữ các khu vực chính của trại tị nạn Yarmouk ở ngoại ô Damascus, đánh dấu điều mà New York Times gọi là “sự xâm nhập vĩ đại nhất” của nhóm này vào thủ đô của Syria.
Hoa Kỳ đã cho phép ISIS tiếp quản toàn bộ thành phố cổ Palmyra. Hồi tháng 03/2016, tờ Los Angeles Times đưa tin rằng “Khi Nhà nước Hồi giáo tiến gần Palmyra, liên minh trên không do Mỹ dẫn đầu vẫn tấn công Nhà nước Hồi giáo ở Syria trong 18 tháng qua đã không có hành động nào để ngăn cản bước tiến của những kẻ cực đoan tới thành phố lịch sử này — mà, cho đến lúc đó, vẫn nằm trong tay của các lực lượng an ninh Syria.”
Nhiều tháng sau, trong một cuộc trò chuyện bị rò rỉ với các nhà hoạt động đối lập Syria, Ngoại trưởng Hoa Kỳ khi đó là John Kerry đã giải thích lý do tại sao Hoa Kỳ để cho ISIS tiến lên.
“Daesh [ISIS] đang đe dọa có nguy cơ tiến đến Damascus và xa hơn,” ông Kerry giải thích. “Và chúng tôi biết rằng việc này đang tiến triển. Chúng tôi đang quan sát. Chúng tôi thấy rằng Daesh đang ngày càng lớn mạnh và chúng tôi nghĩ rằng ông Assad đang bị đe dọa. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể giải quyết được, rằng sau đó ông Assad sẽ đàm phán” về cách thức mất quyền lực của ông ấy.
Nói tóm lại, Hoa Kỳ đang tận dụng sự lớn mạnh của ISIS để áp đặt sự thay đổi chế độ đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Ông Kerry cũng thừa nhận rằng chiến lược “theo dõi” bước tiến của ISIS của Hoa Kỳ ở Syria đã trực tiếp khiến Nga tham gia vào cuộc xung đột năm 2015. Ông cho biết mối đe dọa về việc ISIS tiếp quản là “lý do tại sao Nga vào cuộc. Bởi vì họ không muốn có một chính phủ Daesh.”
Sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria đã ngăn chặn chính quyền ISIS ở Damascus mà ông Kerry và những người thân tín của chính phủ Obama đã sẵn sàng mạo hiểm. Các cuộc không kích của Nga cũng giáng một đòn trí mạng vào lực lượng phiến loạn do Al Qaeda quản trị mà nhóm của ông Obama đã chi hàng tỷ dollar để hỗ trợ.
Từ kẻ thù của Hoa Kỳ đến ‘tài sản’ ở Syria
Với việc các chiến binh do Hoa Kỳ hậu thuẫn đã bị đánh bại và một trong những người ủng hộ chính của họ, bà Hillary Clinton, bị đánh bại trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2016, hoạt động của CIA ở Syria đã gặp phải điều mà tờ New York Times gọi là “sự đột tử”. Sau khi chỉ trích cuộc chiến tranh ủy nhiệm tại Syria trên lộ trình tranh cử, cựu Tổng thống Trump đã ngừng vĩnh viễn chương trình Timber Sycamore kể từ tháng 07/2017.
“Hóa ra là — chúng ta đã cung cấp vũ khí cho rất nhiều thành viên al-Qaeda,” ông Trump nói với Wall Street Journal trong tháng đó.
Khi nhóm Obama-Biden tan rã, Hoa Kỳ không còn chiến đấu cùng phe Al Qaeda nữa. Nhưng điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ đã sẵn sàng đối đầu với kẻ thù mà họ đã giúp cài cắm ở Idlib.
Mặc dù cựu Tổng thống Trump chấm dứt cuộc chiến ủy nhiệm của CIA, nhưng những nỗ lực của ông nhằm đưa Hoa Kỳ ra khỏi Syria bằng cách rút quân đã bị các quan chức cao cấp cản trở, đó là những người có chung mục tiêu thay đổi chế độ với chính phủ tiền nhiệm.
Ông Christopher Miller, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng trong những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông Trump, nhớ lại rằng, “Khi Tổng thống Trump nói ‘Tôi muốn tất cả mọi người rời khỏi Syria.’ Khi đó, người đứng đầu Ngũ Giác Đài và Tiểu bang đã mất bình tĩnh.”
Ông Jim Jeffrey, đặc phái viên của cựu Tổng thống Trump tại Syria, thừa nhận đã lừa dối vị tổng thống này để án binh “nhiều hơn” con số 200 binh sĩ Hoa Kỳ mà ông Trump đã miễn cưỡng đồng ý. “Chúng tôi luôn dùng chiêu che đậy để không phải nói rõ cho lãnh đạo của chúng tôi là chúng tôi có bao nhiêu quân ở đó,” ông Jeffrey nói với Defense One. Những “chiêu che đậy” đó đã khiến các binh sĩ Hoa Kỳ gặp nguy hiểm, trong đó có bốn quân nhân gần đây bị thương trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào căn cứ của họ ở phía đông bắc Syria.
Trong khi ngăn cản việc rút lui toàn bộ quân đội của Hoa Kỳ, ông Jeffrey và các quan chức cao cấp khác cũng đã duy trì liên minh ngầm của chính phủ Hoa Kỳ với những thủ lĩnh Al-Qaeda của Idlib. Về mặt chính thức, al-Nusra vẫn nằm trong danh sách khủng bố của Hoa Kỳ. Mặc dù có một số thay đổi về tên gọi, Bộ Ngoại giao đã bác bỏ những nỗ lực đổi thương hiệu của tổ chức này như một “phương tiện để nâng cao vị thế của họ trong cuộc nổi dậy ở Syria và để tiếp tục các mục tiêu của riêng họ với tư cách là một chi nhánh của al-Qa’ida (Al-Qaeda).”
Nhưng trên thực tế, như ông Jeffrey đã giải thích hồi năm ngoái, Hoa Kỳ đã coi Al-Nusra là “một tài sản” cho chiến lược của Hoa Kỳ ở Syria. Ông nói, “Đây là phương án đỡ tồi tệ nhất trong số các phương án khác nhau ở Idlib, và Idlib là một trong những địa điểm quan trọng nhất ở Syria, một trong những địa điểm quan trọng nhất hiện nay ở Trung Đông.” Ông Jeffrey cũng tiết lộ rằng ông đã liên lạc với thủ lĩnh al-Nusra Mohammed al-Jolani thông qua “các kênh gián tiếp.”
Bình luận của ông Jeffrey nhấn mạnh một sự thay đổi sâu sắc trong chiến lược Trung Đông của chính phủ Hoa Kỳ do hậu quả của cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Syria: Nhánh Al Qaeda ở Syria, nhóm khủng bố đã tấn công Hoa Kỳ trong sự kiện ngày 11/09 và sau đó trở thành mục tiêu bị tiêu diệt của cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố, không còn được các quan chức quyền lực ở Hoa Thịnh Đốn coi là kẻ thù, mà là một “tài sản.”
Kể từ khi nhậm chức dưới thời chính phủ Tổng thống Biden, các cựu quan chức của ông Obama từng một thời nhắm vào Syria bằng một trong những cuộc chiến bí mật tốn kém nhất trong lịch sử đã loại quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh này khỏi ưu tiên. Dẫu cam kết duy trì các lệnh trừng phạt làm tê liệt và giữ quân đội Hoa Kỳ ở nhiều căn cứ, cũng như thông báo các cuộc không kích lẻ tẻ, Tòa Bạch Ốc không công khai nói nhiều về chính sách của mình đối với Syria. Cuộc tấn công quân sự của Hoa Kỳ đã kết liễu cuộc đời của thủ lĩnh ISIS al-Qurayshi hồi tháng Hai đã thúc đẩy bài diễn văn duy nhất tập trung vào Syria trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden.
Trong khi ông Biden ca ngợi chiến dịch gây tử thương này, thì thực tế là tình hình xảy ra ở Idlib nhấn mạnh một mâu thuẫn mà chính phủ của ông vẫn chưa giải quyết. Bằng cách tiêu diệt một thủ lĩnh ISIS trong thành trì ở Syria của Al Qaeda, tổng thống và các quan chức hàng đầu của ông hiện đang đối mặt với các mối đe dọa từ một nơi trú ẩn an toàn cho khủng bố mà họ đã giúp tạo ra.
Bài báo này do ông Aaron Maté viết cho RealClearInvestigations
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: