15 ảnh hưởng tâm lý khi con trẻ bị cha mẹ bỏ bê tình cảm (Phần 1)
Lời của biên tập viên: Bỏ bê tình cảm có thể biến thành ngược đãi tình cảm, nhưng ranh giới giữa bỏ bê và ngược đãi là như thế nào? Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là một chủ đề quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Ở bài viết này, chúng ta hãy cùng thảo luận với tác giả của cuốn sách “Những trẻ em thiếu tình mẫu tử, vết thương của cháu đã lành chưa?”, để tìm hiểu xem việc bỏ bê và ngược đãi tình cảm sẽ tạo thành tổn thương, ảnh hưởng như thế nào đối với trẻ em.
Đầu tiên chúng ta hãy xem xét những ảnh hưởng lâu dài của việc bỏ bê tình cảm. Các vấn đề mà những trẻ em thiếu tình mẫu tử gặp phải không có gì đáng ngạc nhiên, bởi chúng rõ ràng có liên quan đến việc thiếu sự chăm sóc của người mẹ. Dưới đây là 15 vấn đề thường gặp:
1. Xuất hiện lỗ hổng về giá trị bản thân và lòng tự trọng
Những trẻ em thiếu tình mẫu tử không cảm giác được rằng các cháu có giá trị, nhất là cảm giác “không được quan tâm” sẽ đặc biệt mạnh mẽ. Các cháu không nhận được sự đồng cảm, gần như không được hỗ trợ và khích lệ, hơn nữa hầu hết đều không cảm thấy được yêu thương (mặc dù về mặt lý trí, các cháu có thể vẫn tin rằng mẹ yêu thương mình).
Những trẻ em rơi vào tình trạng này thường có các suy nghĩ như “mình không quan trọng”, hoặc “chắc chắn là mình có vấn đề.” Thông thường, các cháu thiếu nền tảng cốt lõi để phát triển ý thức lành mạnh về bản thân.
2. Cảm thấy bản thân không có đủ sự ủng hộ
Những trẻ em thiếu tình mẫu tử không nhận được nhiều sự ủng hộ, điều này dẫn đến lòng tự tin của trẻ khá thấp.
Cảm giác không được ủng hộ thường biểu hiện là thiếu cảm giác an toàn và động lực để tiến tới. Khi đụng phải khó khăn, trẻ có thể sẽ dễ dàng gục ngã; Vừa mới bước vào đường cong học tập vốn rất bình thường (học tập cá nhân, biểu đồ đường cong của hiệu suất thực tế) đã không thể chịu được, trong lòng dâng lên cảm giác không muốn đối mặt với thử thách.
Những trẻ em đặc biệt “tự lập” có lẽ sẽ ít có cảm giác thiếu sự ủng hộ này, vì các cháu đã học được cách tự mình nỗ lực cố gắng. Tuy nhiên, dưới áp lực nhất định, tầng phòng thủ này sẽ bị phá vỡ và nhu cầu được ủng hộ sẽ trở nên rõ ràng hơn.
3. Khó chấp nhận và khẳng định nhu cầu của bản thân
Những trẻ em thiếu tình mẫu tử thường xem nhu cầu là một điều cấm kỵ. Điều này liên quan đến những nhu cầu từng không được đáp ứng của các cháu, hoặc những ký ức đau buồn về việc người mẹ quay lưng rời đi trước nhu cầu của con trẻ. Đối với những trẻ em như vậy, nhu cầu thường là nguồn gốc của cảm giác xấu hổ, là điều gì đó cần phải che giấu. Thế nhưng, có thể các cháu không nhận thức được rằng, bản thân đang ôm giữ ý nghĩ “nhu cầu là một gánh nặng.”
Nếu con trẻ không cảm thấy mình có quyền được thỏa mãn nhu cầu, và cũng không mong đợi người khác đáp ứng nhu cầu, vậy thì các cháu sẽ không thể khẳng định nhu cầu của mình. Trên thực tế, nếu người mẹ không đáp ứng nhu cầu về mặt tình cảm của con trẻ, một số trẻ em như vậy khi lớn lên, chúng gần như hoàn toàn không biết cách yêu cầu sự giúp đỡ khi cần thiết.
4. Thiếu thốn tình cảm, luôn luôn khao khát
Rất nhiều người thiếu thốn tình mẫu tử sẽ cố gắng lấp đầy tình yêu mà họ không có được từ thời thơ ấu. Khi trưởng thành, có thể họ vẫn bị ám ảnh và luôn tìm kiếm tình cảm phụ thuộc, không giống một số người trưởng thành đủ chín chắn và dứt khoát trong chuyện tình cảm. Đôi khi, họ bị giằng xé nội tâm, một mặt là dường như không cần cảm giác thân mật, nhưng một mặt lại khao khát tình yêu. Xét về kiểu phụ thuộc, thì đây là kiểu phụ thuộc hỗn loạn.
5. Khó chấp nhận tình yêu và duy trì quan hệ thân mật
Người thiếu tình mẫu tử thường tràn đầy khao khát đối với tình yêu, nhưng điều này không có nghĩa là họ dễ dàng đón nhận tình yêu, bởi tâm lý căng thẳng và tâm thái phòng thủ sẽ tạo thành chướng ngại. Gần gũi với người khác đồng nghĩa với việc thể hiện sự yếu đuối, nhu cầu và cảm xúc; điều này đặc biệt khó khăn đối với những người có xu hướng tự lập và muốn tránh xa sự phụ thuộc.
Người thiếu tình mẫu tử cũng thiếu sự tham chiếu cho các mối quan hệ thân thiết, họ có kỳ vọng thấp hơn đối với nhu cầu cần được đáp ứng. Ngoài ra, nếu không nhận được tình cảm trong các mối quan hệ đặt nền móng ban đầu, khi lớn lên, thật khó để họ tin rằng những người khác thực sự yêu thương họ.
Cũng có rất nhiều người cảm thấy bản thân không xứng đáng được yêu thương (đôi khi họ cũng không ý thức được điểm này). Họ nghĩ rằng nếu họ xứng đáng thì đúng ra mẹ phải là người đầu tiên yêu thương họ.
Trong số này, những người có cá tính phụ thuộc nhiều có thể sẽ khiến người khác phải sợ hãi, vì họ quá đeo bám; họ cũng có thể sẽ tức giận khi cảm thấy đối phương không đáp ứng bằng tình yêu hoàn hảo mà họ hằng khao khát. Và sự tức giận này có thể càng đẩy người khác ra xa, như vậy sẽ không ngừng lặp lại khuôn mẫu “không được yêu thương.”
6. Cô đơn và thiếu cảm giác thuộc về
Cảm giác không được gia đình coi trọng sẽ có thể dẫn đến phát sinh tình cảm với người ngoài. Điều này có thể khiến trẻ em khao khát được trở thành một phần của nhóm hoặc cộng đồng, nhưng lại tiếp tục rơi vào tình cảnh tương tự, cho nên cảm thấy mâu thuẫn bất an. Rất nhiều người sẽ hoài nghi, liệu có nơi nào trên thế giới có thể tiếp nhận mình hay không? Sự cô đơn kéo dài này bắt nguồn từ việc họ không cảm thấy được yêu thương khi còn thơ ấu.
7. Không biết cách điều chỉnh cảm xúc
Những trẻ em trải qua thời thơ ấu trong các gia đình mà ở đó các cháu không thể tự do bày tỏ cảm xúc của mình, cũng như không được mẹ dạy cách điều chỉnh hoặc truyền đạt cảm xúc, đều sẽ có nguy cơ xuất hiện những lỗ hổng quan trọng trong cuộc sống.
Đối với rất nhiều người, học cách nhận ra cảm xúc thay vì phát tiết chúng thông qua các hành vi gây nghiện, luôn là chủ đề chính trong phương pháp trị liệu của họ. Những người luôn kìm nén cảm xúc của mình, nhất định phải học cách cho phép cảm xúc xuất hiện, và hoàn thành chu kỳ của chúng.
Xêm thêm: 15 ảnh hưởng tâm lý khi con trẻ bị cha mẹ bỏ bê tình cảm (Phần 2)