15 ảnh hưởng tâm lý khi con trẻ bị cha mẹ bỏ bê tình cảm (Phần 2)
Lời của biên tập viên: Bỏ bê tình cảm có thể biến thành ngược đãi tình cảm, nhưng ranh giới giữa bỏ bê và ngược đãi là như thế nào? Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là một chủ đề quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Ở bài viết này, chúng ta hãy cùng thảo luận với tác giả của cuốn sách “Những trẻ em thiếu tình mẫu tử, vết thương của cháu đã lành chưa?”, để tìm hiểu xem việc bỏ bê và ngược đãi tình cảm sẽ tạo thành tổn thương, ảnh hưởng như thế nào đối với trẻ em.
Đầu tiên chúng ta hãy xem xét những ảnh hưởng lâu dài của việc bỏ bê tình cảm. Các vấn đề mà những trẻ em thiếu tình mẫu tử gặp phải không có gì đáng ngạc nhiên, bởi chúng rõ ràng có liên quan đến việc thiếu sự chăm sóc của người mẹ. Dưới đây là 15 vấn đề thường gặp:
Tiếp theo Phần 1.
8. Ở đâu cũng cảm giác thiếu thốn
Người thiếu tình mẫu tử không nhất định sẽ có cảm giác thiếu thốn, nhưng những người như vậy cũng không hề ít, cảm giác thiếu thốn có thể in sâu trong tiềm thức, trở thành cách nhìn nhận cuộc sống của họ. Có thể họ sẽ cảm thấy rằng, dẫu có nhiều tiền hơn nữa, có nhiều tình yêu hơn nữa, nhiều niềm vui hơn nữa… cũng không đủ. Ngoài ra, việc khó tiếp nhận tình yêu thương còn sẽ làm phức tạp thêm cảm giác thiếu thốn này.
Nếu mẹ của bạn keo kiệt trong việc cho đi tình cảm, thì bạn thường sẽ trở nên giống bà ấy, không thể cho đi một cách hào phóng cũng như nhận lại một cách thoải mái. Như vậy, bạn đã thừa hưởng bản tính keo kiệt này (bao gồm cả cảm giác thiếu thốn) của mẹ mình.
9. Cảm giác vật lộn
Đối với những người thiếu thốn tình yêu thương của mẹ, cuộc sống của họ quả thực gặp rất nhiều khó khăn. Để duy trì cuộc sống, tìm kiếm bạn đời, hoặc chỉ đơn giản là sống cuộc sống bình thường… họ cũng đều sẽ phải vật lộn vất vả. Trẻ sơ sinh trong trại trẻ mồ côi thường mắc hội chứng sinh trưởng chậm chạp, và “cảm giác vật lộn” ở đây chính là một phiên bản khác của hội chứng sinh trưởng chậm chạp này.
10. Trầm cảm
Trầm cảm là nguyên nhân khiến rất nhiều người phải tìm đến liệu pháp tâm lý. Trầm cảm có liên quan đến sự mất mát, thiếu thốn, nhu cầu không được đáp ứng, thiếu tình yêu thương, lòng tự trọng bị tổn thương, nỗi đau và sự thất vọng không thể nguôi ngoai, buồn phiền, thiếu sự ủng hộ v.v. Trầm cảm cũng là một dấu hiệu cho thấy những thiếu sót lớn trong việc nuôi dạy con trẻ, đặc biệt là trong thời thơ ấu, hoặc trẻ từng cảm thấy chán nản hoặc muốn tự tử vào một thời điểm nào đó trong đời.
11. Có những hành vi gây nghiện
Nghiện là một phản ứng thường xuất hiện khi con người đối mặt với nỗi đau không giải quyết được, liên quan đến việc không thể tự xoa dịu và điều chỉnh cảm xúc, hoặc cơ thể bị kích động và phản ứng lại sự thúc giục từ bên trong. Nếu trẻ em không thể điều chỉnh được những cảm xúc này, các cháu sẽ từ từ đẩy chúng ra dưới sự trợ giúp của những hành vi gây nghiện (thường là hành vi mang lại cảm giác xoa dịu hoặc gây mê).
Những người thiếu thốn tình cảm đặc biệt dễ mắc chứng nghiện liên quan đến thức ăn. Thức ăn cũng thường gắn liền với tình mẫu tử, vậy nên không khó hiểu vì sao một số người lại lấy thức ăn để an ủi bản thân, khỏa lấp khoảng trống do thiếu vắng tình mẫu tử. Tất nhiên, việc thỏa mãn những nhu cầu tình cảm chưa được đáp ứng theo cách này có thể rất dễ dẫn đến bội thực và béo phì.
12. Sức lực bị suy yếu
Rất nhiều vấn đề trong số 15 vấn đề này, đặc biệt là ba điều đầu tiên (Xuất hiện lỗ hổng về giá trị bản thân và lòng tự trọng; Cảm thấy bản thân không có đủ sự ủng hộ; Khó chấp nhận và khẳng định nhu cầu của bản thân), đều sẽ dẫn đến cảm giác vô lực.
Nếu không có lòng tự trọng, sự ủng hộ mạnh mẽ từ bên trong và không có khả năng khẳng định nhu cầu của mình, chúng ta sẽ rất khó cảm thấy bản thân sung mãn sức lực. Ngoài ra, cảm giác hiệu năng (mức độ cảm thấy tự tin về khả năng sử dụng các kỹ năng của mình để thực hiện công việc) có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu người mẹ không tích cực hỗ trợ con trẻ ở độ tuổi mầm non, cũng như không hướng dẫn và khen ngợi những khả năng đang phát triển của trẻ.
Tuy nhiên, vấn đề có thể đã phát sinh từ rất sớm: nhiệm vụ đầu tiên của một em bé là gọi mẹ, nếu người mẹ không đáp lại tiếng khóc của bé, điều đó sẽ khiến bé cảm thấy bất lực rất sâu sắc. Do đó, một người mẹ ít phản ứng với con mình có thể sẽ làm tổn thương nghiêm trọng khả năng tin tưởng của trẻ về việc bản thân có thể ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
13. Không có cảm giác an toàn
Những trẻ em thiếu tình mẫu tử thường phải tự bảo hộ bản thân khi gặp những tình huống không an toàn. Nếu trẻ lớn lên mà không có sự bảo vệ của mẹ, hệ thống thần kinh của trẻ có thể sẽ bù đắp bằng cách chuyển sang chế độ siêu cảnh báo;và không dễ để tắt chế độ siêu cảnh báo đó đi.
Sự lệ thuộc là phương tiện chính để trẻ nhỏ cảm thấy an toàn, vì vậy lệ thuộc mà không an toàn cũng có thể làm suy yếu cảm giác an toàn của con trẻ. Khi cháu bé không cảm nhận được sự ấm áp, an ủi của một người mẹ tốt, thì sẽ không có nguồn trấn an hay an toàn nào.
14. Chủ nghĩa cầu toàn và tự trách bản thân
Nếu người mẹ không thường xuyên cho đi tình yêu hoặc lời khen, con trẻ sẽ cố gắng hết sức để làm theo những gì mà các cháu cho rằng mẹ mong muốn. Các cháu sẽ xem xét bản thân một cách cẩn thận, đặt ra những tiêu chuẩn rất cao cho mình và nghĩ rằng: “Chỉ cần mình đủ tốt, mẹ sẽ yêu mình.” Các cháu sẽ bám vào hy vọng này, mãi cho đến khi lớn lên.
Tuy nhiên, cố gắng để giành được tình yêu và sự tôn trọng có thể khiến chúng ta làm tốt hơn mong đợi, nhưng cũng có thể tệ hơn. Những người mong muốn mình phải giỏi nhất trong mọi thứ sẽ không cho phép mình thất bại, họ cũng không muốn thử những thứ phải mất nhiều thời gian để học hỏi, vì vậy họ thường bỏ cuộc trước khi bắt đầu.
15. Không tìm được giá trị chân thực của bản thân, do đó không thể theo đuổi những điều mình yêu thích
Không có người ủng hộ hoặc cổ vũ, thiếu sự đồng cảm và sự chấp nhận vô điều kiện, việc tìm kiếm giá trị chân thực của bản thân có thể sẽ khó khăn hơn rất nhiều — Sự bỏ bê tình cảm có thể khiến một cháu bé đánh mất bản thân và cuộc sống của cháu.
(Bài viết này được trích từ cuốn “Những trẻ em thiếu tình mẫu tử, vết thương của cháu đã lành chưa? Một lần nữa nhận thức lại người mẹ, hàn gắn những tổn thương vô hình do thiếu tình mẫu tử!” do Nhà xuất bản Thị Tử cung cấp)
Tăng Trân biên tập
Tùy Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ