Vương Viễn Tri: Lúc còn ở trong bụng mẹ đã được dự ngôn trở thành Thần Tiên
Vương Viễn Tri lúc còn ở trong bụng mẹ đã cất tiếng khóc. Có một người xuất gia đã dự ngôn rằng tương lai đứa bé này sẽ là một vị Thần Tiên. Chuyện phát sinh sau đó đã chứng thực sinh mệnh này mang theo căn cơ để tiếp tục tu hành, nhưng kết quả cuối cùng liệu có đúng như lời vị xuất gia kia đã nói hay không?
Vương Viễn Tri, tự là Đức Quảng, sinh vào cuối thời Nam Triều, gia tộc ông là đại tộc ở vùng Lang Gia. Tổ phụ và phụ thân của ông đều là Đại tướng quân nhà Nam Triều. Tổ phụ Vương Cảnh Hiền là Chinh Bắc Tướng quân, Thứ sử Giang Châu của nhà Lương. Phụ thân Vương Đàm Tuyển là Xa Kỵ Tướng quân, Thứ sử tam châu (Thanh Châu, Ký Châu, Dương Châu), Kiến An Quận công của nhà Trần, Lương Tán Kỵ Thường Thị, Khinh Xa Tướng quân, Ngô Tĩnh Huyện tử của nhà Nam Triều. Mẫu thân ông là con gái của Lương Giá Bộ Lang Trung Đinh Siêu của nhà Nam Triều.
Viễn Tri từ nhỏ đã thông minh tuyệt luân, học rộng biết nhiều, thông thạo kinh thư. Lúc mới vào Mao Sơn (vị trí nằm ở phía Tây Nam tỉnh Giang Tô, có Đại Mao là ngọn núi chính) làm Đạo sĩ đã bái Đào Hoằng Cảnh làm thầy, đắc được Đạo pháp. Về sau lại theo Tông Đạo tiên sinh ẩn cư học đạo.
Hậu chủ nhà Trần nghe tới thanh danh của ông, liền triệu kiến ông đến điện Trùng Dương, lệnh cho ông giảng học luận đạo. Nội dung Vương Viễn Tri giảng nói khiến Hậu Chủ nhà Trần chân thành thán phục.
Khi trấn giữ Dương Châu cho Tấn Vương, Tùy Dương Đế Dương Quảng đã lệnh cho Vương Tử Tương và Liễu Cố Ngôn lần lượt đến triệu kiến Vương Viễn Tri. Lúc Vương Viễn Tri yết kiến Tấn Vương, râu tóc bất ngờ bạc trắng, Tấn Vương nhìn thấy cảnh này thì trong lòng sợ hãi bèn đuổi Viễn Tri đi. Không lâu sau, râu tóc của Vương Viễn Tri lại trở về như cũ.
Sau khi Tùy Dương Đế đăng cơ, có lần tuần du ở quận Trác, sai Viên ngoại lang Thôi Phượng Cử (con gái của ông về sau trở thành Vy Hoàng hậu của Đường Trung Tông Lý Hiển) mời Vương Viễn Tri đến. Tùy Dương Đế dùng lễ của đệ tử tiếp kiến Viễn Tri tại cung Giám Sóc, hơn nữa còn xây đàn Ngọc Thanh Huyền ở Đông Đô Lạc Dương để làm nơi ở cho ông tại Đô Thành. Về sau Tùy Dương Đế rời xa triều chính, lần thứ ba đến Giang Đô (Dương Châu). Trước lần đi ấy, Vương Viễn Tri dự báo điềm không lành, từng lên tiếng can ngăn Hoàng đế không nên đi xa khỏi kinh đô, nhưng Dương Đế không nghe theo. Năm Đại Nghiệp thứ 14, Tùy Dương Đế cuối cùng qua đời do binh biến ở Giang Đô.
Lúc Đường Cao Tổ còn chưa lên ngôi, Viễn Tri đã dự báo ông là Chân mệnh Thiên tử, cũng từng mật truyền phù mệnh cho ông, bí mật nói ra Thiên mệnh.
Giữa thời Cao Tổ Võ Đức, sau khi dẹp loạn tướng Vương Thế Sung của triều Tùy, Tần Vương (sau này lên ngôi chính là Đường Thái Tông) đã cùng Phòng Huyền Linh cải trang đến bái kiến Vương Viễn Tri. Vương Viễn Tri nghênh tiếp họ, nói rằng: “Trong các vị có người là Thánh nhân, có phải Tần Vương không?”
Tần Vương vì vậy mới nói thật. Vương Viễn Tri dự báo chuyện tương lai, nói với ông rằng: “Về sau sẽ là Thái bình Thiên tử, mong ngài trân quý bản thân.” Sau khi Thái Tông lên ngôi, muốn gia phong cho Vương Viễn Tri nhưng ông kiên quyết quay trở về núi. Sau này vào năm Trinh Quán thứ 9, Thái Tông gửi thư ân cần thăm hỏi, lại lệnh cho phủ Nhuận Châu dựng Thái Thụ quán ở Mao Sơn cho Vương Viễn Tri, đồng thời độ bảy mươi bảy vị đạo sĩ theo hầu ông. Đường Thái Tông hoài niệm phong thái của ông, ngợi khen đạo hạnh và công lao sự nghiệp của ông vượt trên hết thảy các bậc tiền nhân: “Đạo mại tiền liệt, thanh cao tự cổ,” ý rằng đạo rạng muôn phần, thanh cao khó sánh.
Đạo hạnh cao siêu của Vương Viễn Tri, theo ghi chép của “Cựu Đường thư” là có nguồn gốc. Mẫu thân của ông trong một lần chợp mắt nghỉ trưa, mộng thấy nhiều con chim phượng hoàng tụ tập bên cạnh bà. Sau giấc mộng ấy, bà liền mang thai, sau đó thai nhi trong bụng lại còn truyền ra tiếng khóc. Tăng nhân Bảo Chí nói với phụ thân ông là Vương Đàm Tuyển rằng: “Đứa bé này sinh ra, tương lai sẽ trở thành Thần Tiên Đại Tông sư.”
Lúc Vương Viễn Tri quy Tiên là năm ông 126 tuổi. Đạo hạnh của ông rất lớn, vốn là có thể “bạch nhật thăng thiên” (thăng lên trời giữa ban ngày,) nhưng vì một lần làm chuyện xấu, tổn đức nên không thể thăng được. Ông đem ngọn nguồn nói với đệ tử Phan Sư Chính: “Ta tu được cốt cách Tiên nhân, bởi vì lúc nhỏ lỡ làm bị thương môi của một tiểu đồng, vậy nên không thể bạch nhật thăng thiên. Ta nhìn thấy tên của mình đã được đề là Tiên Bá Thiếu Thất (Tung Sơn), lần này phải đi rồi.”
Ngày hôm sau, sau khi tắm rửa xong, ông mặc áo đội mũ, đốt hương, sau đó nằm xuống như ngủ. Không lâu sau, chúng đệ tử phát hiện ông đã quy Tiên. Ông lưu lại di thư cho con trai Thiệu Nghiệp, viết rằng: “Năm con sáu mươi lăm tuổi sẽ gặp Thiên tử, bảy mươi tuổi sẽ gặp Nữ quân.” Vào năm Điều Lộ thứ hai, Đường Cao Tông triệu kiến Thiệu Nghiệp, ban thưởng cho ông và truy tặng Viễn Tri là Thái Trung Đại phu, thụy là Thăng Chân tiên sinh. Về sau, Võ Tắc Thiên lại triệu kiến Thiệu Nghiệp, thời gian đều đúng như Vương Viễn Tri từng dự báo.
Hoài Nhẫn Nhẫn thực hiện
Lý Mai biên tập
Tường Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ