Viên quan nhà Minh sau khi qua đời trở thành Thần Thành Hoàng
Quan viên triều Minh Chúc Kế Chí là người làng Thiên Lạc, huyện Sơn Âm, tỉnh Chiết Giang. “Làng Thiên Lạc,” “huyện Sơn Âm” ở Chiết Giang đều là những địa danh cổ. Huyện Sơn Âm tương đương với dải thành khu Thị Việt ở Thiệu Hưng hiện nay, còn “làng Thiên Lạc” chính là sơn khu Thị Tiêu, Hàng Châu. Chúc Kế Chí có dung mạo đoan chính, gọn gàng, gương mặt sáng và tươi tắn. Vào năm Quý Sửu, niên hiệu Gia Tĩnh thời Minh Thế Tông (1553, năm Gia Tĩnh thứ 32), ông đỗ cao, trúng học vị Tiến sĩ. Ban đầu ông nhậm chức ở trung ương, về sau đến Giang Tây đảm nhận chức “Thiêm Giang Tây Án sát sứ,” trú đóng ở Nam Xương.
Vào tiết Vạn Thọ một năm nọ (tức ngày sinh của Hoàng đế), ông đại diện cho quan viên địa phương vào kinh dâng “biểu vạn thọ” chúc mừng sinh nhật Hoàng đế. Trên đường trở về thì ông bị bệnh, bắt đầu ho ra máu, bảy ngày không ăn uống được gì. Có lẽ cảm ứng được điều gì đó, ông bắt đầu đả tọa (ngồi thiền). Không lâu sau đó, ông đột nhiên nói với phu nhân của mình rằng: “Bệnh của tôi không thể khỏi được, nhưng hướng đi của sinh mệnh sau khi chết tốt hơn nhiều so với ở nhân gian.” Phu nhân kinh ngạc hỏi: “Tại sao ông lại nói như vậy?” Chúc Kế Chí chỉ cúi đầu không đáp. Phu nhân hỏi lại lần nữa, ông bèn nói: “Không lâu sau nàng sẽ biết thôi.”
Lúc đó, hành lý của họ đều đã được đóng gói lại, đặt ở lữ quán dành cho các quan viên nghỉ trọ. Một ngày nọ, lão nô trong nhà bỗng nhiên nghe thấy tiếng nhạc vang vọng từ trên trời, thấp thoáng từ hướng Tây Nam đến, chầm chậm càng lúc càng gần. Trong lúc lão nô còn đang hoảng sợ thì ông nhìn thấy một vị Thần quan cưỡi ngựa trắng từ không trung hạ xuống. Ngựa bay thẳng một mạch vào sảnh đường, thân ngựa cao hơn cửa sổ. Đến sảnh đường, Thần quan bước xuống cởi bỏ yên ngựa, cái yên cũng rất dài. Thần quan ngồi xuống, lưng xoay hướng Bắc, mặt chầu về hướng Nam, bảo lão nô quỳ xuống nghe lời truyền. Thần quan nói: “Hiện tại Nam Xương khuyết thiếu Thành Hoàng, Thiên Thượng hạ chiếu bảo chủ nhân nhà ngươi bổ sung vào vị trí đang khuyết ấy. Ngươi hãy đi khuyên hắn nhanh đi về hướng Tây nhậm chức.”
Lão nô đứng lên, sau đó đem những gì nhìn thấy bẩm báo với Chúc Kế Chí, còn lấy giúp quan phục, mũ ô sa, mời ông mặc lên. Cả nhà họ Chúc nhìn thấy cảnh tượng này thì không khỏi kinh hãi, nói lão nô này phát bệnh điên rồi. Tuy nhiên, Chúc Kế Chí lại rất tin tưởng lời lão nô, bản thân mình còn chưa mặc xong quan phục đã bảo phu nhân nhanh chóng mặc áo đội mũ, còn sai người lấy bình rượu mới ở đầu giường rót đầy ly, bày hương án nghênh tiếp Thần quan. Thế nhưng, phu nhân của ông lại không tin những chuyện này. Thần quan liền nổi giận, gọi lão nô đến sảnh đường, bảo bộ hạ theo hầu trói lão nô lại, đánh hai mươi gậy, trừng phạt tội không thuyết phục được mọi người tin theo. Lão nô nhận hình phạt, đau đớn không nhịn được, tiếng khóc thảm thiết vọng khắp cả nhà, dù thế nào cũng không thể xem là giả được. Bởi vậy, phu nhân không thể không mặc áo mũ lễ phục chỉnh tề, lại giúp phu quân mặc xong quan phục, đầu đội mũ ô sa, sau đó cùng mọi người đi đến sảnh đường. Dù họ không thấy Thần quan nhưng vẫn trò chuyện, hành lễ, hơn nữa còn tiếp đãi như có khách quý, lễ nghi thảy đều đầy đủ.
Không lâu sau, chuyện lạ này truyền rộng ra, các đồng liêu, lữ khách tới xem vây quanh hơn mấy trăm người, không chỉ trong sân chật cứng mà bên ngoài lối đi cũng tụ tập rất đông người. Người chen chúc chật như nêm cối, có gia nô phải cầm cung bắn ba mũi tên ra ngoài, lúc này đám người mới dạt tránh hai bên tạo ra một lối đi hẹp. Chúc Kế Chí và Thần quan đã uống rượu xong, Chúc Kế Chí cầm hốt (thẻ bằng ngà, bằng ngọc hoặc bằng tre của quan lại thời xưa khi vào chầu triều, dùng để ghi lại sự việc), cung kính đứng dậy, tựa như đang tiếp nhận sứ mệnh.
Một lúc sau, trời đột nhiên tối sầm, mây đen bủa vây, trong khoảnh khắc mưa lớn như trút nước, sấm sét rền vang, nhà cửa tựa như rung chuyển dưới cơn chấn động của sấm sét. Lúc này, mọi người nhìn thấy Chúc Kế Chí đã qua đời trong khi đang ngồi. Mọi người vội mua quan tài, khâm liệm thi thể ông. Trong thời gian quan tài vẫn còn ở trong nhà, mọi người đều nhìn thấy làn khói vây quanh chẳng dứt, đều đặn từ trong quan tài bay ra. Khói này giống như khói sau khi đốt cháy hương liệu quý, khắp phòng đều là mùi thơm, thậm chí khắp nhà như được xông hương, hương thơm tỏa ra cả bên ngoài. Mãi đến hơn mười ngày khi linh đã an nghỉ, quan tài được đưa lên thuyền, vẫn có hiện tượng kỳ lạ này. Lão nô sau khi bị thủ hạ của Thần quan phạt đánh hai mươi trượng, nghỉ ngơi hơn mười ngày mới đỡ, nhưng tinh thần vẫn còn phản ứng chậm chạp. Hai bàn tay và cánh tay của ông vẫn còn những vết thương màu xanh đen, trên thân còn có dấu tích bầm tím.
Sau này, văn nhân nổi tiếng lúc ấy là Từ Vị gặp được Sử tú tài, một gia sư trong nhà Chúc Kế Chí. Từ Vị đã được nghe Sử tú tài trực tiếp kể lại câu chuyện kỳ lạ này. Tiền Hy Ngôn lại được Từ Vị kể lại, bèn ghi chép câu chuyện lạ này vào cuốn “Quái viên.” Từ Vị là đồng hương của Chúc Kế Chí ở huyện Sơn Âm, Chiết Giang. Ông có tên tự là “Văn Thanh,” về sau đổi là “Văn Trường,” hiệu “Thanh Đằng lão nhân,” “Thanh Đằng đạo sĩ,” “Thiên Trì Sinh,” “Thiên Trì sơn nhân,” “Thiên Trì ngư ẩn,” “Sơn Âm bố y” v.v. Ông vừa là văn học gia, thư họa gia, cũng là người sáng tác hý khúc và là nhà quân sự thời Minh. Tác giả (bài viết này) khi tra cứu các tác phẩm văn chương của ông, phát hiện bài “Chúc Thiêm sự vi Thần vu Nam Xương” trong quyển thứ 32 của sách “Từ Văn Trường văn tập” cũng ghi chép sự tích Chúc Kế Chí sau khi qua đời đã thành Thần, nội dung giống như những gì Tiền Hy Ngôn đã ghi lại trong “Quái viên.” Từ Vị còn đặc biệt nói Sử tú tài là một “tín nhân,” những lời ông ấy nói rất đáng tin.
Trong ghi chép, Chúc Kế Chí trước khi lâm chung đã nghênh tiếp Thần quan, được Thần nói rõ sau khi qua đời sẽ trở thành Thần Thành Hoàng, còn có những hiện tượng kỳ lạ phát sinh, nhưng lúc ấy chỉ có Chúc Kế Chí và lão nô có thể nhìn thấy vị Thần quan đến nghênh đón.
Có thể thấy rằng, bạn không nhìn thấy không có nghĩa là người khác cũng như vậy, bạn không nhìn thấy không đồng nghĩa với sự việc đó không tồn tại. Nhục thể chết đi không phải là kết thúc cuối cùng của sinh mệnh, ngược lại còn là khởi đầu cho một hành trình tiếp theo. Nguyên thần bất diệt, luân hồi chuyển thế mới là chân tướng của sinh mệnh, và vô thần luận chính là một giả thuyết sai lầm.